CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA:

GIÂY PHÚT QUYẾT ĐỊNH SỨ MẠNG CỦA NGÀI

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

CHÚA NHẬT.CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

Lc 3, 15-16.21-22

 

Ba mươi năm sống tại làng quê Nadarét, Chúa Giêsu đã được cha mẹ yêu thương, nâng đỡ, bao bọc, chở che và nơi gia đình Nadarét, Chúa Giêsu đã học làm người, sống kiếp người ngoại trừ tội lỗi. Rồi, ngày giờ đã tới, một hôm Ngài xếp hàng với các tội nhân, xin Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho Ngài nơi dòng sông Giorđăng. Chúa bắt đầu khai mạc sứ vụ công khai của Ngài theo ý Thiên Chúa Cha.Tin Mừng nhất lãm ghi lại :” Đây là Con yêu dấu của Ta.Ta hài lòng về Người “. Chúa Giêsu đã làm cử chỉ rất khiêm hạ là cúi mình xuống để cho Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho mình và chính khi khiêm hạ, Ngài được Thiên Chúa Cha tôn vinh.

 

Chúng ta hiểu rõ phép rửa của Gioan là phép rửa thống hối, xin ơn tha tội. Phép rửa này dành riêng cho các tội nhân. Bởi vì, khi người ta có tội, khi người ta lỡ phạm tội thì mới cần ơn tha thứ, cần sự sám hối ăn năn. Cả ba Tin Mừng của thánh Matthêu, thánh Máccô và thánh Luca đều thuật lại biến cố đáng ghi nhớ và ấn tượng của Chúa Giêsu chịu phép rửa. Câu chuyện về việc Chúa Giêsu đến xin Gioan Tẩy Giả rửa tội cho mình bên dòng sông Giorđăng được cả ba tác giả kể lại chi tiết thật tỉ mỉ, ấn tượng.Thực tế, Chúa Giêsu là Đấng ba lần thánh, nghĩa là đại thánh, tuyệt thánh không cần phép rửa thống hối của Gioan, nhưng Chúa có thái độ, hành động và cử chỉ khiêm nhu như thế là để làm đẹp lòng Đức Chúa Cha đến nỗi Thiên Chúa đã tỏ mình ra khi Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa bởi tay Gioan. Khi Ngài lên khỏi nước,trời mở ra, Thánh Thần ngự xuống trên Ngài dưới hình chim bồ câu. Từ trời, có tiếng Chúa Cha phán :” Con là Con Ta yêu dấu. Ta hài lòng về Người “ ( Lc 3,22 ).

Thiên Chúa Cha rất hài lòng về Chúa Giêsu bởi vì Ngài hiểu ý của Cha và tuân theo ý của Cha.

 

Trong biến cố quan trọng và đáng ghi nhớ khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Chúa Thánh Thần đã xức dầu tấn phong Ngài. Ngài là Đấng Mêsia, là Đấng Cứu Độ nhân loại. Việc tự hạ của Ngài đã được Thiên Chúa tôn vinh. Tiếng Chúa Cha xác nhận Chúa Giêsu là Con của Ngài.

 

Chúa Giêsu được Chúa Cha sai xuống trần gian, đến thế giới này với sứ mạng cứu rỗi nhân loại, cứu rỗi con người. Ngài đã được chính Chúa Cha giới thiệu với nhân loại Ngài là Con chí ái của Chúa Cha, và được Chúa Thánh Thần xức dầu để Ngài loan báo Tin Mừng cứu độ. Người Kitô hữu thuộc về Chúa Kitô, nên cũng được mời gọi loan báo sứ điệp yêu thương của Chúa Giêsu, vì Đạo của Chúa thiết lập là Đạo yêu thương đúng như bản chất của Chúa là Tình yêu.

 

Là Chúa, là Đấng đại thánh nhưng Chúa làm gương cho chúng ta qua việc Ngài cúi rạp mình khiêm hạ để Gioan thanh tẩy cho mình. Việc thanh tẩy, xóa tội luôn dành cho các tội nhân. Tuy nhiên, khi Chúa chịu phép rửa Ngài gợi lên cho chúng ta về một phép rửa khác : “ cuộc thống khổ và cái chết của Ngài trên thập giá để cứu độ trần gian “ đang chờ Ngài. Cuộc thanh tẩy không phải bằng nước của dòng sông Giođăng và được chính Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho Ngài, nhưng là bằng lửa và bằng máu của Ngài đổ ra trên thập giá để cứu chuộc muôn người.Phép rửa của Gioan là tiên trưng cho phép rửa mọi người sẽ lãnh nhận và con người sẽ được thanh luyện bằng chính máu của Chúa Giêsu, được cùng Ngài sống lại trong vinh quang và qui tụ thành một như Chúa thưa với Chúa Cha :” Xin cho mọi người nên một “ ( Ga 17, 11).

 

Là Kitô hữu nghĩa là thuộc về Chúa Kitô. Chúng ta được mời gọi chiêm ngắm Chúa Giêsu tự hạ. Bởi vì khi được rửa tội, chúng ta được nhận Chúa là Cha và mọi người là anh em với chúng ta. Chúng ta được tháp nhập với các Kitô hữu trong Hội Thánh và Khi được Chúa Thánh Thần xức dầu, chúng ta được hiệp nhất với Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta được mời gọi lên đường phục vụ, cảm thông, chia sẻ và quảng đại đối với mọi người.

 

Vâng, phép rửa của Chúa Giêsu mở ra một kỷ nguyên mới. Chúa Giêsu là Ađam mới. Ađam xưa sa ngã, cùng với Evà kéo sự chết vào trần gian. Với phép rửa, Chúa Giêsu khai mào một kỷ nguyên tạo dựng mới. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côlôsê đã viết :” Khi anh em chịu phép rửa, anh em được mai táng với Đức Kitô, và trong phép rửa tội ấy, anh em cũng được sống lại với Đức Kitô…Đã có thời anh em bị chết về mặt tinh thần, nhưng giờ đây Thiên Chúa đã mang đến cho anh em cuộc sống mới cùng với Đức Kitô “ ( Cl 2, 12-13 ).

 

Và thánh Phaolô nói tiếp :” Anh em đã được phục sinh để sống cùng với Đức Kitô. Vậy anh em hãy hướng tâm hồn anh em về những sự trên trời…Hãy giữ lòng trí luôn nghĩ đến những sự ở trên trời chứ đừng nghĩ đến những việc ở dưới đất này…” và “ Sự sống đích thực của anh em là Đức Kitô và khi Ngài hiện ra thì anh em cũng được xuất hiện với Ngài để chia sẻ vinh quang của Ngài “ ( Cl 3, 1-4 ).

 

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con ơn hoán cải, để chúng con hoàn toàn được Chúa chiếm đoạt và hoàn toàn thuộc về Chúa, để chúng con dám ra đi phục vụ anh em, dám chia sẻ, cảm thông và giúp đỡ anh chị em đồng loại. Xin Chúa ban cho chúng con niềm vui, sự phấn khởi hân hoan vì Chúa luôn đồng hành với chúng con.Amen.

 

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

 

1.Phép rửa của Gioan là phép rửa gì ?

2.Tại sao Chúa Giêsu lại xin Gioan thanh tẩy cho mình tại dòng sông Giorđăng ?

3.Phép rửa của Chúa Giêsu là phép rửa gì ?

4.Bạn nghĩ gì khi bạn dự một nghi lễ rửa tội ?


Suy Niệm Lời Chúa Năm C