LỄ CHÚA GIÊ-SU CHỊU
PHÉP RỬA
Phép rửa của Chúa
Giê-su
Lắng nghe
sứ điệp của bài Tin Mừng (Lu-ca 3:15-16,21-22)
Cuộc đời của ông Gio-an Tẩy Giả gắn liền với phép rửa ông
thực hiện cho dân chúng tại sông Gio-đan.
Tuy chỉ là một nghi thức đơn giản để kêu gọi người ta hãy bắt đầu hành
trình sám hối, chuẩn bị tâm hồn để đón Đấng Mê-si-a, nhưng phép rửa ấy cũng khiến
cho dân chúng “trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng
Mê-si-a!” Để xóa bỏ ngộ nhận này, ông
Gio-an đã so sánh tác vụ làm phép rửa của ông với tác vụ làm phép rửa của Chúa
Giê-su để minh chứng mình không phải là Đấng Mê-si-a. Như vậy một cách gián tiếp, ông Gio-an cho
dân chúng thấy phép rửa mà Chúa Giê-su sẽ thi hành mới là yếu tố nói lên căn
tính đích thực của Người. Đúng thế, chỉ
có phép rửa bằng Thánh Thần và lửa mới chứng minh Đấng làm phép rửa ấy là Đấng
Mê-si-a.
Khi diễn tả sứ mệnh của Chúa Giê-su là “làm phép rửa cho
anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa”, thánh Gio-an Tẩy Giả muốn nói gì? Trước hết chúng ta hãy trở lại khung cảnh tại
sông Gio-đan để chiêm ngưỡng Chúa Giê-su chịu phép rửa của ông Gio-an. Thánh sử Lu-ca cho thấy một bối cảnh “toàn
dân chịu phép rửa” nói lên nhu cầu cần sám hối của tất cả nhân loại này. Hôm nay Chúa Giê-su, một người con của nhân
loại, có mặt trong số những người chịu phép rửa muốn hoàn toàn chia sẻ với tình
trạng tội lỗi của họ. Nhưng con người
này lại có một cung cách khác biệt, đó là sau khi lãnh phép rửa, Người đã cầu
nguyện. Lãnh nhận phép rửa đã đem Chúa
Giê-su vào thế giới nhân loại, còn cầu nguyện đã đưa con người Chúa Giê-su lên
với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Nói
khác đi, khi lãnh nhận phép rửa của Gio-an, Chúa Giê-su đã sống đầy đủ chức
phận làm con nhân loại và Con Thiên Chúa.
Nếu sứ mệnh của Đấng Mê-si-a là “làm phép rửa bằng Thánh Thần và bằng
lửa”, thì còn ai khác ngoài Chúa Giê-su ra, bởi vì chính Người đã được “Thánh
Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu” và chính Người đã được
Chúa Cha tuyên dương là “Con yêu dấu của Cha” bởi Người đầy “lửa” mến đối với
Chúa Cha?
Thánh Thần và lửa tình yêu là hành trang để Chúa Giê-su thi
hành sứ mệnh biến đổi nhân loại và chinh phục họ về cho Chúa Cha. Thánh Thần là tinh thần của Thiên Chúa, còn
lửa là mối quan hệ yêu thương giữa những người con trần thế với Cha trên trời. Chúa Giê-su thể hiện tinh thần và tình yêu
này trong cuộc sống để làm mẫu mực cho tất cả những ai muốn sống trọn vẹn tình
con thảo với Thiên Chúa. Như thế, khi
lãnh nhận phép rửa của Gio-an, Chúa Giê-su đã bắt đầu “làm phép rửa” cho chúng
ta “bằng Thánh Thần và lửa”, để đồng hành với chúng ta về nhà Cha trên
trời. Phép rửa của Chúa Giê-su dành cho
chúng ta không chỉ là một nghi thức hữu hình như phép rửa của Gio-an, nhưng hơn
thế nữa, còn là một hành trình đức tin biểu lộ một cuộc biến đổi liên tục để
trở nên đồng hình đồng dạng với “Con yêu dấu của Cha”.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Thật là thích hợp với lời kêu gọi của Năm Đức Tin nếu chúng
ta xác tín hơn vai trò của Chúa Ki-tô là Đấng Mê-si-a. Phép rửa của Chúa Giê-su (Mác-cô 10:39) là
cái chết của Người đã làm cho chúng ta trở thành con Thiên Chúa. Lãnh nhận phép rửa của Chúa Giê-su, tức Bí
tích Rửa tội, mới chỉ là bắt đầu cuộc hành trình về nhà Cha. Chúng ta còn phải tiếp tục sống căn tính con
Thiên Chúa bằng cách thể hiện những yếu tố và đòi hỏi của Phép rửa ấy, tức là sống
theo tinh thần và lối sống của Chúa Ki-tô cũng như phát huy mối tương quan tình
yêu, yêu mến Chúa và yêu thương tha nhân.
Phép rửa của Chúa Giê-su không chỉ là “nhãn hiệu” Ki-tô hữu
dán lên người chúng ta, nhưng là nguyên lý và sức mạnh để chúng ta sống. Chúa Giê-su là trưởng tử của một nhân loại
mới sẽ đưa tất cả chúng ta là “đàn em đông đúc của Người” (Rô-ma 8:39) tiến
bước trong sự dẫn dắt của Thánh Thần và trong tình yêu trên cuộc lữ hành trần
gian, để hết thảy chúng ta được cùng Người thừa kế gia nghiệp của Cha trên trời
(Rô-ma 8:17). Vậy chúng ta hãy lên đường
để cùng chịu Phép rửa bằng Thánh Thần và lửa với Chúa Giê-su!
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi