TIỆC
CƯỚI
(Gioan 2,1-12 – CN II TN - C)
1.- Ngữ cảnh
Về đoạn văn Ga 2,1-12, chúng ta
có thể đặt ra câu hỏi sau đây: câu truyện Cana mở ra một phân đoạn mới
(gọi là “Sách các dấu lạ”, ch. 2–12) hoặc khép lại một bài tựa mang tính
tường thuật (1,19–2,12)?
Chúng tôi chọn đặt truyện Cana vào cuối bài tựa tường thuật. Trong ch. 1,
sau Bài Tựa (1,1-18), tác giả giới thiệu gương mặt vị Tẩy Giả, vị chứng nhân,
“bạn của chàng rể” (3,29), người ban phép rửa để “Người [= Đức Giêsu] được tỏ
ra cho dân Ít-ra-en” (1,31). Sứ mạng của Gioan là bày tỏ chân tính thiên sai
của Đức Giêsu. Vì lý do này, Anrê và một môn đệ nữa đã đi theo Thầy (1,35-40).
Anrê lại đi gặp Simôn và bảo: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia” (1,41); chuyện cũng
như thế đã xảy ra với Nathanaen (1,45-51). Tất cả kết thúc tại Cana, với việc
chính Đức Giêsu tỏ vinh quang ra (2,11).
Còn có những lý do khác khiến phải đi theo chiều hướng này. Có thể kể ra
hai lý do: 1) Cách tính các ngày làm thành một tuần. “Hôm sau, ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến
về phía mình” (1,29). “Hôm sau ông
Gioan lại đứng đó” (1,35). “Hôm sau,
Đức Giêsu quyết định đi tới miền Galilê” (1,43). Cuối cùng, “ngày thứ ba có tiệc cưới tại Cana miền
Galilê” (2,1). Đây đúng là một tuần, và tiệc cưới đã xảy ra vào ngày thứ
bảy. 2) Cần ghi nhận việc tác giả tích lũy các danh hiệu Kitô học. Đức Giêsu là
“Chiên Thiên Chúa” (1,29.36), “Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần” (1,33), là
“Rabbi” (1,38.49), là “Đấng Mêsia” (1,41), là “Con Thiên Chúa, vua Ít-ra-en”
(1,49). Rõ ràng các danh hiệu này là một tổng hợp việc mạc khải mầu
nhiệm Đức Kitô. Điểm tới của cụộc tỏ mình này là Cana: “Đức Giêsu tỏ vinh quang
của Người” (2,11). Việc Đức Giêsu tỏ mình ra tương ứng với việc các môn đệ đáp
lại: “Và các môn đệ đã tin vào Người” (2,11). Tới đây, cộng đoàn các môn đệ gồm
những người tin đã thành hình; Đức Giêsu có thể bắt đầu đời sống công khai.
Vậy có thể coi đây là Dẫn nhập bằng một dấu lạ lịch sử: Truyện Tiệc cưới
Cana kết thúc phần Dẫn nhập và đưa vào “Sách các dấu lạ của Đức Giêsu”, nên có
thể gọi là đoạn văn “làm cầu”.
2.- Bố cục
Bài tường thuật được giới thiệu như là
một “dấu lạ”, nên có thể tìm bố cục theo cách cấu trúc cổ điển của các
phép lạ. Nhưng chúng ta có thể tìm ra bố cục theo cấu trúc đồng tâm sau:
A = Phần tường
thuật (2,1-3);
B = Các đối thoại
(2,4-8):
Thân mẫu Đức Giêsu và Đức Giêsu,
Thân mẫu Đức Giêsu và các kẻ hầu bàn,
Đức Giêsu và các kẻ hầu bàn;
A’= Phần tường
thuật (2,9-11).
3.- Vài điểm chú giải
- Ngày thứ ba (1): Chi tiết thời gian này có mục đích nối kết phép lạ đầu tiên của Đức
Giêsu với núi Sinai (Xh
19,1.10-11.16) và cuộc Phục Sinh (Ga
2,19-22; x. 7,30; 8,20…).
Như thế, Cana một đàng là phiên bản của những gì đã xảy ra tại núi Sinai,
đàng khác, là một lời tiên báo mào đầu cho mạc khải tối hậu phát xuất từ cuộc
Phục Sinh của Đức Kitô.
- tại Cana miền Galilê (1a và 11a): Trong Tân
Ước, thành này chỉ được Ga nhắc
tới (x. cả 21,2). Thông thường người ta nghĩ đến Khirbet Qana, cách Nadarét 15
cây số. Đây là nơi hẻo lánh, không mấy quan trọng.
- Có tiệc cưới: Theo tập tục thời ấy, một đám cưới kéo dài từ
ba ngày đến một tuần (ba ngày: trường hợp một quả phụ tái giá). Khung cảnh tiệc
cưới nối kết câu truyện Cana với đề tài quen thuộc trong Cựu Ước: hôn lễ của Đấng Mêsia với Dân Người. Trong TM IV, Gioan Tiền Hô sẽ giới thiêu Đức
Giêsu là chàng rể (3,29); còn trong các TMNL, Đức Giêsu tự coi mình là
chàng rể (Mc 2,19; Mt 9,15; Lc 5,34), và đã mô tả Nước Trời như một tiệc cưới (Mt 22,1-14). Cuối cùng, sách Kh
cũng vận dụng tới đề tài này để diễn tả sự kết thúc thời hiện tại và sự khai mở
thời tương lai (Kh 19,7-9; 21,2; so
với Ep 5,22tt). Theo tập tục, chính
chàng rể cung cấp rượu (x. c. 10).
- có thân mẫu Đức Giêsu: Đức Trinh Nữ được giới thiệu là “thân
mẫu Đức Giêsu”, rồi ở c. 4, Đức Giêsu lại gọi mẹ là “bà”. Một sự cố tương tự lại xảy ra trên Núi Sọ trong Ga 19,25-27; như vậy, câu truyện Núi Sọ
có những điểm chung với câu truyện Cana. Có thể coi hai câu truyện này làm nên
một thứ cấu trúc “đóng khung”.
- Họ hết rượu rồi (3): Người ta đã muốn coi
lời này chỉ là ghi nhận một sự kiện. Tuy nhiên, có lẽ nên thấy đây là một lời
thỉnh cầu kín đáo và tin tưởng Đức Maria bày tỏ với Con. Quả vậy, lời Đức Maria
nói với gia nhân (c. 5) cho thấy rằng bà có xin Đức Giêsu một điều gì đó.
- Thưa bà (gynai) (4): Một người Do Thái gọi
mẹ là ’immâ, “mẹ của con”. Vì thế
danh hiệu “bà” (gynê; femme, woman)
được Đức Giêsu dùng mà gọi Đức Maria có vẻ kỳ lạ. Trong thực tế, Đức Giêsu cũng
sử dụng danh xưng ấy để gọi các phụ nữ khác trong TM IV (4,21: bà
Samari; 20,13: bà Maria Mácđala) và trong các TMNL (Mt 15,28; Lc 13,12). Dù
sao, đối chiếu với Ga 19,25-27, danh
xưng này không thể có một ý nghĩa tiêu cực. Rất có thể qua tiếng “bà” (E.
Farahian đề nghị dịch trong tiếng Ý là “signora”), Đức Giêsu đề ra một cách
công khai hơn để gọi mẹ ruột của mình tại nơi công cộng. Ngoài ra, với từ ngữ
này, chắc chắn ở bình diện biểu tượng, có một gọi ý đến cuộc tạo dựng: Đức
Maria xuất hiện ra như là Evà mới, hoặc hơn nữa, như là đại diện của dân
Israel, hoặc tốt hơn nữa, như là Israel đích thật.
- Chuyện đó can gì đến bà và con? (4): dịch sát: “Giữa tôi và bà, nào có việc gì?” (NTT). Ti emoi kai soi (Hp: mah-li wâlâk): Đây là cách diễn tả quen
thuộc trong văn chương Hy Lạp, Rô-ma và Sê-mít để diễn tả sự ưng thuận hoặc bất
thuận giữa hai hoặc nhiều người. Chỉ có văn cảnh mới giúp thấy rõ các sắc thái
của mỗi trường hợp.
- Giờ của con chưa đến (4): Nếu quan tâm tới ý nghĩa của thuật ngữ “Giờ của Đức Giêsu” theo TM Ga,
và tới giá trị biểu tượng của rượu, chúng ta sẽ thấy rõ. “Giờ của Đức Giêsu” là Giờ Khổ Nạn–Phục Sinh; còn rượu tượng trưng
cho Lời mạc khải, Tin Mừng của Người, là Luật mới sẽ được tỏ lộ trọn vẹn khi
đến “Giờ” Người đi qua thế gian này mà về với Cha Người (x. Ga 13,1).
- Rượu (3): Cựu Ước, truyền thống Do
Thái giáo cũng như chính văn cảnh của TM
Ga cung cấp cho chúng ta các ý nghĩa của “rượu”.
* Thời thiên sai và cánh chung:
Các ngôn sứ
nói rằng khi Thiên Chúa quy tụ con cái tản mác lưu đày về và cho họ được định
cư, rượu và các sản phẩm khác sẽ được ban cho họ dư dật (Am 9,13; Ge 2,24; Gr 31,12; Ge 2,19-16). Rượu này lại có phẩm chất rất tốt (Hs 14,8; Is 25,6; Dcr 9,17). Rượu
và sữa được tặng không (Is 55,1).
Trong Hs 2,21-22 và Is 62,5, sự phì nhiêu của hoa mầu ruộng
đất được ghép vào hình ảnh cuộc hôn nhân giữa Thiên Chúa và Dân Ngài. Cuộc hôn
nhân này tượng trưng Giao Ước mới ký kết với con cái
Trong
Diễm ca, “rượu” được dùng 8 lần để tượng trưng tình yêu nồng nàn của đôi nam
nữ (Dc 1,2-4; 2,4; 4,10; 5,1; 7,3-10;
8,2).
* Rượu và Lời Thiên Chúa:
Trong Cựu Ước, Luật Môsê (hoặc Lời Thiên Chúa)
được đặt trong quan hệ với rượu, trong hai đoạn: Gr 23,9 và Cn 9,25. Sự
Khôn Ngoan đã dọn tiệc và mời khách, thật ra là Luật Môsê. Theo truyền thống Kinh Thánh, vị hiền nhân là người suy
gẫm và đào sâu Torah. Và rượu của sự Khôn Ngoan là Luật Thiên Chúa. Trong Hc 24,17, sự Khôn Ngoan lại tự ví mình
với một cây nho (x. Ga 15,1). Như
vậy, ta có chuỗi các khái niệm: Torah = Khôn Ngoan = cây nho = rượu.
* Rượu là biểu tượng của Torah được Đấng Mêsia
giải thích:
a)
Truyền thống Do Thái giáo:
Rượu còn được
coi như là biểu tượng của Torah được Đấng Mêsia giải thích: Vị này được người
ta chờ mong như một vị thầy chuyên môn về Luật Môsê (x. Targ Dc 8,12). Còn khi
bản Midrash St R 98,9–49,11 nói rằng Đấng Mêsia “... giặt áo mình trong rượu” (St 49,11), điều này có nghĩa là Người sẽ
viết lại những câu Luật cho người nhà mình, tức sẽ đề nghị những ý nghĩa và lối
giải thích Torah. Còn Người giặt “áo choàng trong máu của nho”, có nghĩa là
Người sẽ sửa chữa các lối giải thích sai lạc.
b)
Tân Ước: x. Mt
5,17.21-22.27-28.31-32.33-34.38-39.43-44. Các TMNL ví giáo huấn của Đấng
Mêsia với rượu mới, Đức Giêsu là chàng rể của lễ cưới thiên sai. Rượu mới tượng
trưng cho Tin Mừng của Người, Mạc khải của Người; rượu này không thể pha trộn
với rượu cũ của Do Thái giáo (Mt
9,14-17; Mc 2,18-22; Lc 5,33-39).
* Giá trị biểu tượng của rượu
Trong thần học Gioan, Lời của
Đức Giêsu là “Sự Thật” (Ga 8,31-32; 18,37; 17,8.14.17..), và
điều quan trọng là Lời này được đồng hóa với chính Đức Giêsu: “Thầy là Sự Thật” (14,6; x. 8,32-26). Tin Mừng của Đức
Kitô được nhập thể cách rõ ràng nhất nơi bản thân và trong những biến cố liên
hệ tới bản thân con người đang loan báo Tin Mừng này, là Ngôi Lời làm người:
“Thầy là ánh sáng, bánh ban sự sống, sự sống lại, sự sống...”. Vậy, Lời của Đức
Kitô là Mạc khải của Người, Tin Mừng của Người.
Chúng
ta nói “rượu” tượng trưng Lời Đức Kitô là do những nhận định sau:
1) Cặp mẫu Sinai –
Chuỗi
những ngày khai mạc sứ mạng ngôn sứ của Đức Giêsu, là một phương tiện văn
chương để phục vụ một ý tưởng thần học. Cuộc thần hiển ở Sinai và những ngày
trước đó (theo truyền thống Do Thái giáo) là mẫu cho đoạn văn Gioan (1,19-2,12). Theo một chiều hướng
Kitô học, tác giả chú giải lại tuần lễ với chóp đỉnh là việc Thiên Chúa ban
Torah tại Sinai, vào “ngày thứ ba”.
“Ngày thứ ba” của
2) Động từ “giữ” (c. 10):
Người
quản tiệc nói với tân lang: “... Còn anh, anh lại giữ (HL. tetêrêkas) rượu
ngon cho đến mãi bây giờ”. Động từ “giữ”
là động từ tiêu biểu của từ vựng Gioan khi đề cập đến Lời–Điều răn của
Đức Giêsu, và Lời này là Lời của Chúa Cha. Tác giả Gioan đã dùng động từ
ấy theo nghĩa này ít ra 25 lần (8,51-52; 14,23; 15,20; 17,6; Kh 3,8 / Kh 3,10 / 14,24 / 1 Ga
2,5 = 8,55 / Kh 1,3; x. 22,7.9 / Kh
2,26 / 1 Ga 2,3; 3,22.24; 5,3 / Kh 12,17 / Kh 14,12. Lưu ý: Mc
chỉ dùng 1 lần (Mc 7,9); Mt 3
lần (Mt 27,36.54; 28,4); Lc 1
lần (Cv 15,5).
3) Nước thanh tẩy của tập tục Do Thái:
Rượu
Đức Giêsu ban lại lấy từ nước đựng trong các chum dùng vào “việc thanh tẩy theo
thói tục người Do Thái” (c. 6). Nước này không phải là nước phàm tục, mà là
nước dùng trong nghi lễ, để thanh tẩy các thực khách (x. Mc 7,2-5; Mt 15,2; Lc 11,38-39). Chính nước này được Đức
Giêsu biến thành rượu. Điều này có nghĩa là kể từ nay, “việc thanh tẩy” không
còn được nối kết với việc giữ Luật Môsê nữa (tượng trưng bằng nước trong
sáu chum), mà là với việc giữ Tin Mừng của Đức Kitô, giữ Lời của Người
(tượng trưng bằng rượu ngon).
Thật
ra, đây là giáo lý của tác giả Ga về việc “thanh tẩy”. Các môn đệ được “thanh tẩy” nhờ Lời Đức Giêsu đã loan
báo cho họ (15,3). Sứ điệp mạc khải của Đức Kitô là Sự Thật có thể giải thoát
các môn đệ khỏi nô lệ tội lỗi (8,32.34-36). Người nào ở lại trong Đức Giêsu,
bằng cách đón nhận Tin Mừng của Người (Ga
15,7; 1 Ga 3,6) thì không phạm tội
nữa, mà được thánh hóa (1 Ga 3,6).
Lời Đức Giêsu giống như một hạt giống (1
Ga 3,9; x. Lc 8,11; 1 Pr 1,23; Gc 1,18; 1 Cr 4,15). Nhờ
tác động của Lời, người môn đệ có thể thắng sự dữ và ít sa vào tội lỗi hơn (1 Ga 2,14). Đây là cách Đức Giêsu “xóa
bỏ tội trần gian” (1,29): Người “thanh tẩy” con người bằng Lời Sự Thật của
Người.
4) Rượu Cana, biểu tượng của mạc khải cánh chung của Đức Kitô:
Rượu
Cana không những là hình ảnh của Lời mạc khải của Đức Giêsu, mà còn diễn tả
chiều kích cánh chung của Lời này, trong tư cách là Lời tối hậu và vĩnh viễn.
Chẳng
hạn Ga 1,45: Philípphê nói với
Nathanaen: “Đấng mà Sách Luật Môsê và các Ngôn Sứ nói tới, chúng tôi đã gặp, đó
là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nadarét”. Từ Môsê và các Ngôn sứ, ta chuyển
qua Đức Giêsu. Đây là điều đã được nói ở 1,16-17. Dấu lạ
Khi
Đức Giêsu ra lệnh đổ các chum “đầy tới miệng” (c. 7), điều đó không chỉ có
nghĩa là đổ nhiều tối đa, nhưng đặc biệt có nghĩa là “hoàn toàn”. Sau Đức Kitô, không còn có chuyện “còn
nữa”, “sau đó” hoặc “thêm nữa”. Lời Người làm đầy mức Mạc khải. Lời Người là
“nguồn sung mãn” (1,16). Tuy nhiên, sự sung mãn của Đức Kitô được thêm vào cho
một mức độ có trước (x. Dt 1,1). Rượu Người cung cấp được lấy từ nước của Do Thái giáo và thay thế thứ
rượu bị thiếu. Nhiệm cục Luật Môsê bị vượt quá về chất lượng bởi Lời Đức Kitô,
là Lời loan báo một điều răn “mới” (Ga
13,34), điều răn của Giao Ước Mới giữa Thiên Chúa và loài người trong Đức Kitô
hiển vinh (x. Ga 14,20).
Tương
quan giữa Luật Môsê và Lời Đức Giêsu được diễn tả tuyệt vời bằng hai loại rượu
được dọn tại
Những
gì xuất hiện tại Cana là như hình ảnh của một mở đầu, thì được kiểm chứng trong
TM IV bởi những mẩu đối thoại khác, trong đó nhắc lại sự cao trọng của
Đức Giêsu và những ân ban của Người, so với những nhân vật hoặc những định chế
của Cựu Ước: hơn Giacóp (4,12), Môsê
(5,46; 6,32-35), Abraham (8,58), Đền Thờ (2,19-21; x. 4,21-23), Gioan Tẩy Giả
(1,26-33), như Gioan đã tuyên bố (3,29-30): “... Người phải nổi bật lên, còn
thầy phải lu mờ đi (Hl. elattousthai;
từ này cùng một ngữ căn với elassô,
2,10)”.
Tóm
lại, rượu mới
Trong
các lễ cưới nhân loại, rượu ngon được đãi trước. Trong lễ cưới của Thiên Chúa
với Dân Ngài, rượu ngon lại được đãi sau cùng, Đức Giêsu là sự hoàn hảo, là ân
ban tối hậu (x. Ga 4,10).
5) Quan hệ giữa rượu
Cuối
cùng, các thuật ngữ “ngày thứ ba” (c.
1) và “Giờ của Đức Giêsu” đưa lại cho
dấu lạ
Yếu
tố “rượu” cũng có một vai trò trong
chiều hướng cánh chung này. Chúng ta nói rằng “rượu” tượng trưng cho Sự Thật Phúc Âm đã được Đức Giêsu rao giảng,
và đã nhập thể nơi chính bản thân Ngôi Lời nhập thể. Thế nhưng lời cuối cùng
của sứ điệp này, nghĩa là việc mạc khải hoàn toàn về chân tính của Đức Kitô,
chỉ nên rõ khi Đức Giêsu đi qua thế gian này mà về với Cha Người (x. Ga 13,1). “Vào ngày ấy”, các môn đệ biết rằng Đức Giêsu bằng Cha Người trong
thần tính (14,20a; x. 10,31-33; 5,18), và Người liên kết họ với Người trong sự
hiệp thông với Cha Người (14,20b). Đây là ngày xảy ra Giao Ước Mới được ký kết
giữa Thiên Chúa và loài người để tiếp nối và hoàn tất Giao Ước cũ.
Sau
Phục Sinh, Tôma nhận biết Đức Giêsu là “Đức Chúa và Thiên Chúa” của ông
(20,28); nơi Người, được thực hiện lời hứa thường được các Ngôn sứ nhắc lại:
“Các ngươi sẽ là dân của Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi”.
Trong
thời của mầu nhiệm Phục Sinh ấy, Mạc khải không còn được truyền đạt bằng dụ
ngôn hoặc hình ảnh nữa (16,25). Nay đã được Thánh Thần hướng dẫn (16,13-14),
các môn đệ không còn dám hỏi: “Người là ai?” nữa (21,12; x. 16,23). Kể từ nay,
các ông biết Người là “Đức Chúa, Kyrios” (21,12).
Lời
Phúc Âm (được tượng trưng bằng rượu
-
Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo (5b): Có lẽ Đức Maria không hiểu những
lời Đức Giêsu nói. Mẹ cũng giống như những người khác trong TM IV, ở tại
một bình diện hết sức cách biệt với Đức Giêsu. Tuy nhiên, Mẹ vẫn cứ hoàn toàn
ký thác cho ý muốn của Con và chuyển thông cho những người giúp việc chính lòng
tin của Mẹ đang mở ra với vô định.
-
Mỗi chum chứa được khoảng hai hoặc ba thùng (6. NTT): Một metrêtês (mesure) khoảng 40 lít
(Hp: êpah, éphah).
-
Người quản tiệc ... không biết rượu từ đâu ra (9c): Dọc theo
TM IV, ý tưởng này: ‘không biết nguồn gốc Đức Giêsu và Vương quốc của
Người (x. 18,36)’ tái xuất hiện dưới nhiều hình thức. Chẳng hạn: 3,8; 4,10;
6,41; 9,29.30; 7,26-27 (x. 19,9).
Đức
Giêsu vén mở cho thấy mầu nhiệm bản thân Người khi xảy ra biến cố Khổ
Nạn–Chết–Sống lại (x. Ga 7,33-35;
8,21-23; 23,36; 16,5.28). Đây sẽ là một mạc khải vĩ đại có sức soi sáng các tín
hữu và làm cho những kẻ không tin phải bẽ mặt (1,51; 2,18-19; 3,11-15; 5,17.20;
6,62; 8,28; 12,32; 14,19-20).
-
Còn gia nhân đã múc nước thì biết (9d): Câu này không chỉ là một ghi nhận
về sự kiện. Các “gia nhân” là những người đã vâng theo lệnh Đức Kitô, theo lời
mời của Đức Maria (cc. 7-9).
Sự
vâng phục chính xác của các gia nhân khiến chúng ta nhớ lại lời Đức Giêsu đã
hứa cho người giữ các điều răn của Người (14,21). Như vậy, Đức Giêsu tỏ mình ra
cho ai yêu mến Người bằng cách đưa Lời Người ra thực hành. Người sẽ cùng với
Chúa Cha đến lập cư nơi người ấy (14,23). Ai yêu mến Đức Kitô là gia nhân đích
thật của Người, Chúa Cha sẽ “quý trọng” (tôn vinh) kẻ ấy (12,26).
Ba
thành ngữ sau đây liên hệ với nhau: “phục
vụ Đức Kitô – Vâng theo Lời Người – Đức Kitô tỏ mình ra”. Ai “phục vụ” Đức
Giêsu, “vâng theo điều răn của Người” (và ngược lại), Đức Kitô sẽ tỏ mình ra
cho người ấy. Gia nhân ở
Trong
TM IV, hai viễn tượng lịch sử và thần học thường lồng vào nhau. Như vậy,
các câu 7c, 8d, 9d đã giới thiệu các “gia nhân” ở Cana như là điển hình cho đời
“phục vụ–vâng lời” mà Đức Kitô đòi hỏi
trong Giao Ước mới (x. Ga 13,34;
15,14).
-
ông gọi tân lang lại và nói...(9e-10a):
Câu này khiến chúng ta nghĩ rằng có một tân lang khác, tân lang đích thật, đang
chủ trì tiệc cưới: đó là Đức Giêsu. Bởi vì chính Người đã giữ rượu ngon lại “cho đến mãi bây giờ”.
Trong
TM Ga (3,25-30), Gioan Tiền Hô
giới thiệu Đức Giêsu như là Tân Lang vẫn được mong đợi, và tuyên bố rằng, khi
đối diện với Đức Kitô, vai trò của ông là làm “bạn của tân lang” (c. 29), người
lo mọi công việc chuẩn bị cho lễ cưới (x. “được sai đi trước”: c. 28; làm chứng
cho Đức Giêsu: c. 26; x. 1,31). Nay Tân Lang đã đến và có cô dâu (3,29), đó là
các môn đệ; còn Gioan thì vui sướng được nghe tiếng Người (c. 29) rồi rút lui
vào bóng tối (c. 30).
Sách
Khải huyền cũng ca tụng lễ cưới của Chiên Con với Giêrusalem mới
(19,7-8; 21,2).
Vì
tác giả TM trình bày Dấu lạ Cana
phỏng theo những truyền thống về Núi Sinai, ta có thể nhớ rằng Giao Ước Sinai
đã được trình bày dưới biểu tượng hôn lễ kể từ nền văn chương ngôn sứ (x. Hs 2,16-25; Is 50,1; 54,4-8; 62,4-5; Gr
2,1-2; 3,1-13...). Trong khối Tân Ước
có trước Ga, ta có thể kể ra: Mt
22,1-14; 25,1-13 (Các dụ ngôn về Nước Trời như tiệc cưới); Mc 2,18-20 (Đức Giêsu tự giới thiệu như là “Chàng Rể”); 2 Cr 11,2; Ep 5,25-33 (Đức Kitô-Hôn Phu và Giáo Hội-Hiền Thê).
Loại
hình ảnh biểu tượng này được dùng rất phổ biến trong truyền thống Do Thái giáo.
Chính thánh Âutinh đã viết: “Hôn phu (chú rể) của tiệc cưới ấy là hình ảnh của
Đức Chúa hiện thân...”.
-
Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này (11a): Nhiều nhà chú giải (C.K. Barrett;
Olsson) ghi chú rằng tác giả TM coi
phép lạ Cana không những như là dấu lạ “đầu tiên”, mà còn như điển hình của các
dấu lạ Đức Giêsu đã thực hiện. Bởi vì Người đã viết: “Tautên epoiêsan archên tên
sêmeiôn Iêsous ...” (NAB: Jesus did
this as the beginning of his signs; TOB: Tel fut ... le commencement des signes
de Jésus; NTT: Dấu lạ đầu hết này, Đức Giêsu đã làm ...). Từ ngữ archê (khởi đầu, bắt đầu) gây ra một số
khó khăn; vì thế người ta đã đưa vào những dị bản, chẳng hạn prôtên (= thứ nhất).
Dường
như trong Ga, từ archê không có nghĩa là khởi đầu sứ vụ công khai của Đức Giêsu, như
trong Lc (3,23; Cv 10,37), cũng không phải là lời rao giảng của Gioan Tiền Hô trong
hoang địa (Mc 1,1), thậm chí cũng
không phải là lời kêu gọi các môn đệ đầu tiên (Ga 1,35-51). Nhưng từ ấy có nghĩa là khoảnh khắc chính xác mà Đức
Giêsu bắt đầu tỏ mình ra cho các môn đệ (x. Ga
15,27; 16,4; 1 Ga 1,1-3). Vậy việc
mạc khải tiệm tiến của Đức Giêsu khởi sự tại Cana miền Galilê, và được tiếp tục
dọc theo sách Tin Mừng (x. Ignace de
la Potterie). Origiênê gọi dấu lạ Cana là “prohêgoumenon
sêmeion”, một dấu chỉ “ưu việt”. Zerwick & Grosvenor giải thích: “such was the first of the signs that Jesus
did; Jesus did this as his initial sign”.
Vậy
rượu mới ở Cana không chỉ là “dấu lạ đầu tiên”, mà cũng còn là “điển hình”,
“nguyên mẫu” (archétype) của những dấu lạ khác. Cũng như dấu lạ Cana, các dấu
lạ tiếp sau đều nhắm “bày tỏ” vinh quang của Đức Giêsu và khơi lên niềm tin vào
Người. Chúng chuẩn bị cho dấu lạ của “ngày
thứ ba”, của “Giờ của Đức Giêsu”,
nghĩa là cái chết và sự sống lại, được coi vừa như dấu ấn vừa như đỉnh cao của
toàn thể hoạt động cứu chuộc của Người.
-
và bày tỏ vinh quang của Người (11b): Động từ “bày tỏ” (HL. phaneroô; manifester; make
clear/visible, show) cũng là động từ tiêu biểu của từ vựng Ga. Tác giả ưu tiên dùng động từ này để nói về “mạc khải” (x. Ga 1,31; 2,11; 3,21; 7,4; 9,3; 17,6;
21,1; 1 Ga 1,2; 2,19; 3,2; 4,9).
Còn
ý nghĩa của từ “vinh quang” (HL. doxa)
được rút từ Cựu Ước. Theo nghĩa đen,
từ Híp-ri kabôd hàm chứa một ý tưởng
về “trọng lượng” (động từ kabêd: cân
nặng). Theo nghĩa bóng, từ này có nghĩa là “trọng (quan trọng, trọng đại)”,
nghĩa là “giá trị”, “tầm quan trọng” của một hữu thể, “sự tôn kính” mà hữu thể
ấy gợi ra; tóm, là “bản tính”, “bản lĩnh (nhân cách)” của kẻ ấy, dù kẻ ấy là
ai.
Thế
mà trong truyền thống Cựu Ước, Đức
Chúa (Yhwh) mạc khải “vinh quang”
của Ngài ra bằng những biểu lộ bên ngoài của chính bản thân Ngài, nghĩa là
xuyên qua “những việc vĩ đại”, “những việc kỳ diệu” (= phép lạ) được thực hiện
trong cuộc Tạo dựng và trong Lịch sử Dân Ngài (x. Tv 19/18B,2; Ds 14,21.22;
Xh 14,18; 16,7; 24,25t; 29,43; 40,34;
1 V 8,10t...). Con người có thể hiểu
rõ hơn Đức Chúa là ai hoặc “vinh quang” của Ngài là thế nào, khi suy nghĩ về sự
tỏa rạng của bản thân Ngài trong công cuộc tạo dựng và trong lịch sử Dân Thiên Chúa tuyển chọn.
Tại
Cana, Đức Giêsu làm dấu lạ đầu tiên như một biểu lộ đầu tiên về “vinh quang”
của Người, một khởi đầu cho công cuộc mạc khải về mầu nhiệm bản thân Người. Các
tông đồ có hiểu gì chăng ?
* Trước Phục
Sinh, và chính xác hơn, vào ngay ngày các môn đệ được chứng kiến dấu lạ Cana,
dĩ nhiên các ông không thể hiểu thấu bí mật sâu xa của chân tính Đức Kitô. Các
ông không thể nắm được tính siêu việt của chân tính này. Cứ cho đi là niềm tin
của các ông được khơi lên bởi một phép
lạ–dấu chỉ, thì muốn hợp lý, nên suy ra là cũng như đối với Nathanaen, niềm
tin ấy có đối tượng là tư cách Mêsia của Đức Giêsu (x. Ga 1,47-50; rồi 7,31; 10,41-42; 12,37-42).
* Sau Phục Sinh, Hội Thánh được soi
sáng trọn vẹn về mầu nhiệm Đức Giêsu. Thế là khi nhớ lại những gì đã xảy ra tại
Cana, tác giả Gioan (cũng như toàn
thể cộng đồng Kitô hữu) đã hiểu rằng, ngay ở dấu lạ đầu tiên này, Đức Giêsu đã
bắt đầu tự mạc khải ra như “Hôn Phu thần linh của tiệc cưới thiên sai”, tiệc
cưới của Giao Ước mới, trong đó sẽ được chứng thực “ngày thứ ba” của Phục Sinh, khi “Giờ của Đức Giêsu”đã đến (x. Ga 14,20).
Phụng
Vụ lễ Hiển Linh chú giải thật đúng hình ảnh biểu tượng mang tính ngôn sứ của
Cana, khi hát lên Điệp ca của Thánh ca Benedictus:
“Tân Nương là Giáo Hội, ngày hôm nay được phối hiệp cùng Đức Kitô, vị Lang Quân
thống trị Nước Trời... Nước hóa rượu ngon, làm vui lòng thực khách”.
-
Các môn đệ đã tin vào Người (11c): Trong TM IV, đề tài “đức tin” là đề tài căn bản. Động từ “tin” (HL. pisteuô có 3 cách dùng:
- tin “ai” (HL. pisteuein
tini) nghĩa là chấp nhận lời người ấy là thật: 2,22; 4,21-50; 1 Ga 3,23;
-
tin “vào ai” (HL. pisteuein eis tina)
hàm ý gắn bó với người ấy: 2,11; 3,16.18.36; 4,39;
-
tin “vào danh ai” (HL. pisteuein eis to
onoma tinos): đây là cách diễn tả hoàn hảo nhất về đức tin. Tác giả Gioan
là người duy nhất đã dùng cách này trong Tân
Ước (1,12; 2,23; 3,18; 1 Ga
5,13). Đây là sự gắn bó với một người theo nội dung của tên người ấy. “Tin vào
danh Con Một Thiên Chúa” (Ga 3,18) có
nghĩa là tin vào Đức Kitô trong tư cách là “Con Một Thiên Chúa”.
-
Sau đó (meta touto ...) (12a): Một vài tác giả (J.H. Bernard; A.
Feuillet) có lý mà cho rằng, trong ngôn ngữ Ga,
công thức meta touto (= sau việc ấy;
après quoi) có ý nhắm tạo ra một liên hệ lô-gích giữa những gì đi trước và những
gì tiếp sau, y như thể đoạn sau là một hậu quả hoặc một minh họa mới của đoạn
trước. Tác giả đã dùng 4 lần, luôn luôn trong quan hệ với Đức Giêsu (Ga 2,12; 11,7-11; 19,28). Ý nghĩa rất
gần với ý nghĩa của “tauta (hoặc touto) eipôn” (= “khi đã nói những điều ấy xong”; hoặc: “sau khi đã nói
những điều ấy”) (Ga 7,9; 9,6;
11,18.43; 13,21; 18,1; 20,20-22).
Còn
thuật ngữ meta tauta (= sau các biến
cố ấy) thì khác: nó chỉ đóng vai trò chuyển mạch về văn chương thôi, một chuyển
mạch không xác định, giữa hai đoạn (Ga
3,22; 5,1.14; 6,1; 7,1; 13,7; 19,38;
21,1).
Vậy,
tương quan giữa 2,1-11 và 2,12 là thế nào? Phần tiếp của c. 12 sẽ cho thấy.
-
Người cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Caphácnaum (12bc): Ở đầu
bài tường thuật, Đức Trinh Nữ Maria ở một bên, Đức Giêsu và các môn đệ ở một
bên, như là hai nhóm đến dự tiệc cưới theo những nẻo đường khác nhau. Nhưng đến
cuối bài, Đức Trinh Nữ, các anh em và các môn đệ Đức Giêsu xuất hiện ra như một
nhóm duy nhất siết chặt quanh Người. Chắc hẳn tác giả muốn nói rằng họ đã xích
lại gần nhau nhờ niềm tin vào Đức Giêsu, mà Đức Trinh Nữ (c. 5) và các môn đệ
(c. 11) đã chứng tỏ. Hơn nữa, trên bình diện đức tin, không có khác biệt giữa
bà con họ hàng (thân mẫu và các anh em) và các môn đệ.
4.-
Ý nghĩa của bản văn
* Phần tường
thuật (1-3):
Chi tiết thời gian “ngày thứ ba” đánh dấu tuần lễ khai mạc
hoạt động của Đức Giêsu; nhưng chi tiết này cũng nhắc lại những sự kiện lớn
thuộc lịch sử cứu độ xảy ra vào ngày thứ ba: Đức Chúa tỏ mình ra cho Dân Ngài
vào ngày thứ ba trên núi Sinai (Xh
19,10-11; x. 19,16). Nhưng dựa vào Hs
6,2, chi tiết “ngày thứ ba” còn có liên hệ cuộc Phục Sinh của Đức Giêsu (“theo
lời Kinh Thánh”: Lc 24,46 và 1 Cr 15,4). Có thể nói tác giả Ga
minh nhiên thiết lập quan hệ giữa “ngày
thứ ba” và “sự chết–sự sống lại” của Đức Giêsu (x. 2,19-22). Trong TM IV, công thức “ngày thứ ba” cũng liên hệ với “Giờ
của Đức Giêsu” (x. 2,1-4): đây là
kiểu nói để gọi ba biến cố Khổ Nạn – Chết – Sống Lại của Đấng Cứu thế, coi như
một thực tại duy nhất (x. 2,4; 7,30; 8,20; 13,1...).
“Tại Cana miền
Galilê” (1a và 11a): Đây là một chi tiết địa lý, nhưng hẳn cũng có một lý do
thần học. Những người Pharisêu hỏi Nicôđêmô: “Cả ông nữa, ông cũng là người
Galilê sao? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ
Galilê cả!” (7,52). Đấy là điều người ta gọi là “sự mỉa mai thần học của Tin Mừng IV”: Cho đến nay, người ta vẫn cho
rằng không thể có một ngôn sứ xuất thân từ miền Galilê; thế mà, bây giờ tại
Cana miền Galilê, lại xảy ra cuộc tỏ mình đầu tiên của Vị Ngôn sứ siêu đẳng,
Đức Giêsu Nadarét, Đấng được nói đến trong Luật Môsê và các Ngôn sứ (Ga 1,45). Vị Ngôn sứ cánh chung (x. Ga 6,14) xuất thân từ Nadarét, một thôn
làng mà người ta cho rằng không thể có gì tốt phát sinh từ đó được (Ga 1,46).
Theo tập tục
thời ấy, một đám cưới kéo dài từ ba ngày đến một tuần. Thân mẫu Đức Giêsu có
đến dự: tác giả không gọi tên bà ra, tương tự như ở 19,25-27: Rõ ràng tác giả
quan tâm đến vai trò của Đức Trinh Nữ được diễn tả ra bằng các danh hiệu “thân mẫu Đức Giêsu” và “bà” hơn là đến tên thật của bà. Trong
ngôn ngữ Kinh Thánh – Do Thái giáo,
Dân Israel thường được hình dung như một “phụ nữ” (x. Is 52,2; Dcr 9,9). Do đó,
ta có thể hiểu lý do khiến Đức Giêsu nói với thân mẫu như thế (“Thưa bà”): Đức
Giêsu coi thân mẫu chính là hiện thân Dân Israel đã tới thời viên mãn. Ta có
thể nói rằng từ ngữ “bà” trong TM Ga
tương ứng với hình ảnh “thiếu nữ Sion”
được TM Lc gán cho Đức Maria (Lc 1,28; x. Dcr 2,14).
Tác giả TM ghi nhận là sự cố đầu tiên khởi đầu
hoạt động công khai của Đức Giêsu là một tiệc cưới. Ngoài việc ghi lại
một sự kiện, hẳn tác giả muốn vận dụng hình ảnh “tiệc cưới” nhằm nhắc
lại giao ước của Thiên Chúa với Dân Ngài, và đặc biệt gợi tới sự thể hiện cánh
chung, khi Thiên Chúa ký kết giao ước với toàn thể nhân loại. Sâu sắc hơn nữa,
hình ảnh lễ cưới nhắc lại giao ước của Đấng Mêsia với Dân Người (x. Hs 2,16-25).
Đang giữa tiệc
cưới thì hết rượu …
* Các đối
thoại (4-8)
(1) Thân mẫu Đức Giêsu và Đức Giêsu
Thân mẫu Người
nói: “Họ hết rượu rồi” (3). Có lẽ nên thấy đây là một lời thỉnh cầu kín đáo và
tin tưởng Đức Maria bày tỏ với Con. Quả vậy, lời Đức Maria nói với gia nhân (c.
5) cho thấy rằng bà có xin Đức Giêsu một điều gì đó. Chỉ có điều là bản văn
không đủ rõ để có thể kết luận rằng Đức Maria đã xin một phép lạ (x. Ga 4,47; 11,3.21-22). Nhưng phải trợ
giúp thế nào thì bà cũng không rõ. Bà không xin rõ ràng một phép lạ. Có lẽ bà
có biết sứ mạng thiên sai của Con mình; nhưng bà có thể chờ đợi phép lạ như
chuyện hết sức tự nhiên chăng? Vả lại, hẳn là quá đáng nếu Đức Maria dám xin
một phép lạ, lại là phép lạ đầu tiên, để chỉ kéo dài một lễ hội trong làng? Có
lẽ ở đây, với tấm lòng vừa đầy sự chú tâm ân cần vừa đầy cảm thương của người
phụ nữ, Đức Maria đã kêu đến Đức Giêsu, mà mơ hồ hy vọng rằng Đức Giêsu sẽ làm
“một điều gì đó”, rằng Người sẽ can thiệp cách nào đó, mà Mẹ cũng chẳng biết
thế nào cả.
Bằng câu nói
“Chuyện đó can gì đến bà và con?” (4), Đức Giêsu từ chối không làm “phép lạ” mà
Người gán cho Thân mẫu là có ý xin. Nhưng Đức Giêsu lại liên kết điều Thân mẫu
xin (cho có rượu) với thuật ngữ “Giờ” khiến độc giả ngờ ngợ là ở đây có những
biểu tượng.
“Giờ” của Đức Giêsu là Giờ Khổ Nạn–Phục
Sinh, là khoảnh khắc tối hậu trong đó Đức Giêsu tỏ mình ra; còn rượu, theo
truyền thống Do Thái giáo và các Giáo Phụ (vd: thánh Âutinh), tượng trưng cho
Lời mạc khải, Tin Mừng của Người, là Luật mới sẽ được tỏ lộ trọn vẹn khi đến
“Giờ” Người đi qua thế gian này mà về với Cha Người (x. Ga 13,1). Thân mẫu Người nói về rượu vật chất, còn Đức Giêsu lại
nói tới rượu thiêng liêng, biểu tượng của Lời mạc khải của Người, sẽ được ban
trọn khi tới Giờ Khổ Nạn–Phục Sinh. Đức Giêsu đã chuyển đi từ bình diện các
thực tại vật chất sang bình diện những thực tại thiêng liêng, được tượng trưng
bởi những thực tại vật chất (như chẳng hạn, Đền Thờ: 2,19-22; tái sinh: 3,4;
nước: 4,13-14; thức ăn: 4,31-34; bánh: 6,26-27; giấc ngủ: 11,11-14).
Thân
mẫu nói về rượu vật chất, còn Đức Giêsu lại nói tới rượu thiêng liêng, biểu
tượng của Lời mạc khải của Người, sẽ được ban trọn khi tới Giờ Khổ Nạn–Phục
Sinh. Đó là điểm khác biêt giữa Đức Giêsu và Thân mẫu Người. Nói cách khác, Đức
Giêsu đã chuyển đi từ bình diện các thực tại vật chất sang bình diện những thực
tại thiêng liêng, được tượng trưng bởi những thực tại vật chất. Đây là một đặc
điểm của lời Đức Giêsu rao giảng, mà TM IV minh họa rõ ràng (Đền Thờ:
2,19-22; tái sinh: 3,4; nước: 4,13-14; thức ăn: 4,31-34; bánh: 6,26-27; giấc
ngủ: 11,11-14).
Thật
ra, tác giả không nói rõ ràng ý nghĩa của “rượu” (x. ngược lại Ga 2,21; 7,39), nhưng ngài có gợi ý để
ta coi “rượu” là biểu tượng của Lời Đức Kitô, của Mạc khải, của Luật mới mà Đức
Giêsu mang lại, của Tin Mừng của Người.
Đây
không phải là một cách giải thích mới. Nhiều Giáo Phụ đã coi “nước” trong các
chum ở Cana là hình ảnh của Lề Luật và các Ngôn sứ, được Đức Giêsu biến đổi
bằng Tin Mừng của Người. Thánh Âutinh đã viết: “Đức Kitô đã giữ rượu tốt nhất
lại cho đến bây giờ, điều ấy có nghĩa là Tin Mừng của Người”. Trong số các nhà
chú giải hiện đại, Bultmann khẳng định: “Rượu không liên hệ tới một ơn nào của
Đức Kitô nói riêng, nhưng đúng hơn tới ơn là chính Đức Giêsu, trong toàn vẹn
bản thân của Người, tới Đức Giêsu trong tư cách là Đấng mạc khải...”.
Trong
thực tế, Cựu Ước, truyền thống Do
Thái giáo cũng như chính văn cảnh của TM
Ga cung cấp cho chúng ta nhiều ánh sáng.
Chuỗi những
ngày khai mạc sứ mạng ngôn sứ của Đức Giêsu, là một phương tiện văn chương để
phục vụ một ý tưởng thần học. Cuộc thần hiển ở Sinai và những ngày trước đó
(theo truyền thống Do Thái giáo) là mẫu cho đoạn văn Ga (1,19–2,12). Theo một chiều hướng Kitô học, tác giả chú giải lại
tuần lễ với đỉnh điểm là việc Thiên Chúa ban Torah tại Sinai, vào “ngày thứ
ba”.
“Ngày thứ ba” của Cana tương ứng hoàn
toàn với “ngày thứ ba”của Sinai. Cũng
như ở Sinai, Thiên Chúa đã bày tỏ vinh quang của Ngài khi ban Torah vào “ngày thứ ba”, thì ở Cana, Đức Giêsu đã
bày tỏ vinh quang của Người khi ban một thứ rượu ngon hơn cũng vào “ngày thứ ba”; rượu này tượng trưng cho sứ điệp Mạc khải của Người. Động từ
“giữ” (“giữ rượu”) cũng là động từ tiêu biểu của truyền thống Ga khi nói về Lời – Điều răn của Đức
Giêsu. Đàng khác, các chum đựng nước thanh tẩy theo tập tục Do Thái tượng trưng
Luật Môsê bất toàn (chỉ có sáu chum), giờ đây đựng rượu tuyệt hảo, có thể giải
thích đó là Tin Mừng, là Lời của Đức Kitô: Người “thanh tẩy” con người bằng Lời
Sự Thật của Người. Đức Giêsu cho thấy Luật của Người có sự hoàn hảo khi bảo tôi
tớ đổ các chum “đầy tới miệng” (c.
7).
Tương
quan giữa Luật Môsê và Lời Đức Giêsu được diễn tả tuyệt vời bằng hai loại rượu
được dọn tại Cana. Một loại được tân lang phàm tục dọn, thì vừa bị thiếu (c.
3). Nhưng có một thứ rượu khác được cống hiến bởi Tân Lang đích thực là Đức
Giêsu (x. chú giải cc. 9e-10a). Thứ rượu ấy, người quản tiệc đã không ngần ngại
tuyên bố là “ngon (tốt)” (HL. kalœn), trong khi thứ rượu đầu có một
phẩm chất kém hơn (c. 10; HL. to elassœ).
Tóm
lại, rượu mới Cana, được giữ lại “cho đến
mãi bây giờ” (c. 10), là dấu chỉ cho thấy thời đại thiên sai đã bắt đầu.
Tác giả Ga sử dụng 4 lần thuật ngữ “cho
đến bây giờ” (HL. [h]eœs arti; 2,10; 5,17; 16,24; 1 Ga 2,8-9). Bằng kiểu nói ấy, tác giả
muốn ám chỉ tất cả các chặng của Lịch sử cứu độ, là những chặng đi trước và
chuẩn bị cho hoạt động của Đức Giêsu. Thời cánh chung đã đến khi Đức Kitô xuất
hiện.
Trong các lễ
cưới nhân loại, rượu ngon được đãi trước. Trong lễ cưới của Thiên Chúa với Dân
Ngài, rượu ngon lại được đãi sau cùng, Đức Giêsu là sự hoàn hảo, là ân ban tối
hậu (x. Ga 4,10).
(2) Thân mẫu Đức Giêsu và các kẻ hầu bàn
Dù bị Đức
Giêsu từ chối, dù không hiểu các ý định của Con, Mẹ vẫn cứ hoàn toàn ký thác
cho ý muốn của Con và chuyển thông cho những người giúp việc chính lòng tin của
Mẹ đang mở ra với vô định: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (c. 5b).
Câu này khiến ta nghĩ đến lời của Pharaô: “Cứ đến với ông Giuse; ông bảo gì, các
ngươi hãy làm theo” (St 41,55). Chúng
ta còn nghĩ đến các câu nói của các vị trung gian trong Cựu Ước nói lên lập trường của mình để mời gọi toàn dân chọn Đức
Chúa: Tùy hoàn cảnh, vị trung gian ấy có thể là một vị ngôn sứ (Er 19,3-8; 24,3-8 [Môsê]; Gr 42-43,4 [Giêrêmia]), một vị vua (2 V 23,1-3 [Giôsigiahu]; 2 Sb 15,9-15 [Axa]), một thủ lãnh (Gs 1; 24,1-28 [Giôsuê]; Nkm 5,1-13 [Nơkhêmia]; 1 Mcb 13,1-9 [Simôn]), một tư tế (Er 10,10-12 [Étra]), một thiên thần (Lc 1,26-28 [Gabriel]). Vị này đóng vai
trò sứ giả giữa Đức Chúa và các anh em mình (Dnl 5,5). Vị này mời gọi chọn lựa, nhưng bắt đầu bằng việc nhận lấy
cho mình những yêu cầu của Đấng mà Người đại diện, để làm gương (x. Gs 24,15; Nkm 5,10). Do bản văn Cana gần với bản văn Sinai, chúng ta thấy
Thân Mẫu Đức Giêsu có vai trò như Môsê (so sánh Ga 1,3-5 với Dnl 5,5), để
rồi tại Sinai, ân ban Lề Luật đã được trao tặng sau khi Dân đã tuyên xưng đức
tin; và tại Cana, ân ban rượu mới (biểu tượng của Luật mới được Đức Giêsu mang
đến) đã được báo trước và tạo cơ hội cho xảy ra nhờ đức tin của Đức Maria được
thông truyền cho các gia nhân.
Bản văn có một
chỗ cắt ngang sau lời khuyên của Đức Maria (“Người bảo gì, các anh cứ làm
theo”), để tháp vào một đoạn mô tả giúp hiểu những gì xảy ra sau đó: “Ở đó có
đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái, mỗi chum
chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước” (c. 6). Đoạn văn này
cung cấp cho độc giả hai thông tin: a)
khối lượng nước khá lớn; b) nghi thức thanh tẩy của người Do Thái. Với
hai thông tin này, độc giả sẵn sàng để hiểu khá hơn những gì sẽ xảy đến.
(3) Đức Giêsu và các kẻ hầu bàn
Đức Giêsu đã
bảo những người hầu bàn hai câu: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi” và: “Bây giờ
các anh múc và đem cho ông quản tiệc” (c. 7). Các gia nhân không nói một lời,
họ vâng lời thật chính xác, họ “giữ” đúng các lời Đức Giêsu truyền. Trước tiên,
họ “làm đầy”, đưa đến mức hoàn hảo, những gì còn vơi, những gì chưa hoàn hảo,
trong truyền thống cũ. Kế đó, họ múc nước từ những chum đá (tượng trưng Luật cũ
bất toàn) đưa cho ông quản tiệc để được chứng thực (nước đã hóa thành rượu hảo
hạng). Đấy chính là dấu lạ.
* Phần tường
thuật (9-11)
Khi nếm nước
đã biến thành rượu, “người quản tiệc... không biết rượu từ đâu ra (c. 9c)”, vì ông khơng “làm” các lời
Đức Giêsu truyền, ông không “giữ” lời Người. Nhưng “còn gia nhân đã múc nước
thì biết” (c. 9d), bởi vì họ đã vâng theo lệnh Đức Kitô, theo lời mời của Đức
Maria (cc. 7-9). Sự vâng phục chính xác của các gia nhân khiến chúng ta nhớ lại
lời Đức Giêsu đã hứa: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ
yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu
mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (14,21; x. 14,23; 12,26).
“Người quản
tiệc mới gọi tân lang lại và nói...”
(cc. 9e-10a): Câu này khiến chúng ta nghĩ rằng có một tân lang khác, tân lang
đích thật, đang chủ trì tiệc cưới: đó là Đức Giêsu. Bởi vì chính Người đã giữ
rượu ngon lại “cho đến mãi bây giờ”. Trong TM
IV (3,25-30), Gioan Tiền Hô giới thiệu Đức Giêsu như là Tân Lang vẫn được
mong đợi, và tuyên bố rằng, khi đối diện với Đức Kitô, vai trò của ông là làm
“bạn của tân lang” (c. 29), người lo mọi công việc chuẩn bị cho lễ cưới (x.
“được sai đi trước”: c. 28; làm chứng cho Đức Giêsu: c. 26; x. 1,31). Nay, Tân Lang
đã đến và có cô dâu (3,29), đó là các môn đệ; còn Gioan thì vui sướng được nghe
tiếng Người (c. 29) rồi rút lui vào bóng tối (c. 30). Xem thêm Kh
19,7-8; 21,2.
Và tác giả kết
luận: “Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này”
(c. 11a): Rượu mới ở Cana không chỉ là “dấu lạ đầu tiên”, mà cũng còn là
“điển hình”, “nguyên mẫu” (archétype) của những dấu lạ khác. Cũng như dấu lạ
Cana, các dấu lạ tiếp sau đều nhắm “bày tỏ” vinh quang của Đức Giêsu và khơi
lên niềm tin vào Người. Chúng chuẩn bị cho dấu lạ của “ngày thứ ba”, của “Giờ của
Đức Giêsu”, nghĩa là cái chết và sự sống lại, được coi vừa như dấu ấn vừa
như đỉnh cao của toàn thể hoạt động cứu chuộc của Người. “Các môn đệ đã tin vào
Người” (c. 11c), nghĩa là gắn bó với Người ấy, trong khi chờ đợi một ngày nào đó
sẽ tin “vào danh Người”, nghĩa là tin vào Đức Kitô trong tư cách là “Con Một
Thiên Chúa”.
“Sau đó, Người
cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Caphácnaum và ở lại đó ít ngày” (c. 12). Câu này là câu chuyển tiếp
[nói về thời gian và không gian] đưa sang đoạn sau.
+ Kết luận
Được mời đến
Cana dự tiệc cưới, Đức Giêsu đã đến trong tư cách người bạn, có các môn đệ cùng
đi theo. Thân mẫu Người cũng được mời dự tiệc. Tại đây, Người đã thực hiện “dấu
lạ đầu tiên”: biến nước thành rượu ngon để cứu chữa một đám cưới. Đối với tác
giả Gioan, người đã viết trong Lời
Tựa của Tin Mừng: “Lúc khởi đầu đã có
Ngôi Lời” (Ga 1,1), thì “khởi đầu các
dấu lạ” này, nghĩa là các việc kỳ diệu có chức năng chứng thực cho tư cách
Mêsia của Người, chính là cách tỏ bày trong thời gian vinh quang vĩnh cửu của
Người. Tác giả ghi lại “dấu lạ” này để chúng ta tin rằng Đức Giêsu là Đấng
Kitô, Con Thiên Chúa và để chúng ta tin chúng ta có sự sống đời đời nhờ danh
Người (x. Ga 20,30-31).
5.- Gợi ý suy
niệm
1. Rõ ràng là dấu chỉ tiệc cưới, nếu một
đàng phong phú ý nghĩa, thì đàng khác cũng rất dị nghĩa. Tiệc cưới, dấu chỉ tự
nhiên của niềm vui và niềm hân hoan, bị đe dọa bởi nỗi buồn do hết rượu. Giao
ước giữa người nam và người nữ tự nó rất mỏng giòn, và cũng như mọi thực tại dưới
ánh mặt trời, nó bị đe dọa bởi bạo chúa khắc nghiệt là sự chết. Tiệc cưới vẫn
là một biểu tượng tích cực: nó gợi tới tình yêu, sự chung thủy, sự phong nhiêu,
sự sống. Nhưng nó cũng bị đe dọa bởi nỗi buồn, sự thất trung, sự đau khổ. Bản
văn Tin Mừng cho chúng ta thấy rằng
Đức Kitô ban rượu chan hòa niềm vui, dấu chỉ của giao ước vĩnh cửu được Người
thiết lập. Người biến nước của giao ước cũ, giao ước theo chữ viết, thành rượu
ân sủng, rượu Thánh Thần.
2. Rượu là dấu chỉ của niềm vui của Tin
Mừng, của tình yêu, của Thánh Thần, của sinh lực mới tuôn trào ra từ sức mạnh
của Đức Kitô Phục Sinh. Niềm vui sẽ đưa lễ cưới khỏi nỗi buồn, khỏi sự chán
chường do Lề Luật. Và rượu vừa chan hòa vừa hảo hạng. Đời Kitô hữu không bao
giờ thiếu rượu là phúc lành của Thiên Chúa. Tuy nhiên, có ai trong chúng ta dám
nghĩ rằng mình đã sống được ngang tầm với phúc lành của Thiên Chúa? Ai dám nói
rằng tính ích kỷ không bao giờ lấn lướt tình yêu nơi mình? Ai lại không bị
thương tích ngày qua ngày do tội lỗi? Do đó, sự trung thành là một ơn ta phải
hết lòng cầu xin. Chính ân huệ dồi dào Thiên Chúa ban giúp ta thắng vượt nỗi lo
sợ về các giới hạn của đời sống chúng ta. Chúng ta bị dính cứng vào mặt đất, dễ
mệt nhọc, bị đủ thứ sự dữ khống chế, chúng ta mỏng giòn và dễ bị tổn thương, nhưng
niềm tin vào Chúa sẽ chiến thắng mọi sự dữ và ban cho chúng ta sự sống đời đời.
3. Có thể nói lời Đức Maria nói với gia
nhân ở Cana là “di chúc thiêng liêng của
Mẹ” (A. Serra), bởi vì đó là những lời nói cuối cùng của Mẹ được các tác
giả Tin Mừng ghi lại. Đức Maria sẽ
không nói nữa, nhưng Mẹ đã nói được điều chính yếu. Mẹ đâu có bổn phận mở cửa
sổ khi Đức Kitô có vẻ muốn đóng các cửa ra vào! Trong tư cách là “Mẹ” của Hội
Thánh, Mẹ cầu nguyện và chuyển cầu để con cái Mẹ thường xuyên mở lòng ra với
các lời của Chúa Giêsu, những lời vừa nặng ý nghĩa vừa có sức giải phóng. Đấy
là “những lời ban sự sống đời đời” (Ga
6,68).
Hôm
nay, chúng ta là những gia nhân của các đám cưới, chúng ta có khôn ngoan đủ để
đón nhận lời Mẹ đề nghị chăng?
4. Lm M. Thurian (+1996) đã viết: “Đến
cuối bài tường thuật, Đức Maria và các môn đệ làm thành cộng đoàn thiên sai,
hợp nhất trong niềm tin vào Con Thiên Chúa đến biểu lộ vinh quang của Người; đó
chính là nòng cốt của Giáo Hội đang vây quanh Đức Chúa của mình, mà lắng nghe
Lời Người và thực hiện ý muốn của Chúa Cha. Đức Maria hiện diện với cộng đoàn
Giáo Hội này và ta có thể tưởng tượng ra Đức Kitô đang nhìn nhóm vây quanh mình
mà nói: ‘Đây là Mẹ tôi và đây là anh em tôi; bất cứ ai thực hiện ý muốn của Cha
tôi trên trời, thì người ấy là một người anh em, một người chị em, và một người
mẹ đối với tôi’ (x. Mt 12,49 và các
bản văn song song)”.
Lm
PX Vũ Phan Long, ofm