CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN

Tiệc cưới Cana, hình ảnh công cuộc cứu độ

 

Lắng nghe sứ điệp Tin Mừng  (Gio-an 2:1-11)

          Phép lạ trong Tin Mừng Gio-an được gọi là dấu lạ, để nói lên những ý nghĩa phong phú việc làm của Chúa Giê-su.  Nếu vậy thì phép lạ Cana phải là đề tài suy niệm phong phú dành cho chúng ta.  Chúng ta đã mừng biến cố Hiển Linh của Chúa Giê-su qua sự kiện các nhà chiêm tinh đến bái lạy Người, rồi qua việc Chúa Cha giới thiệu Người khi Người lãnh nhận phép rửa của Gio-an, và hôm nay Người biểu lộ quyền năng Thiên Chúa và “bày tỏ vinh quang của Người” qua phép lạ đầu tiên ở tiệc cưới Cana.

          Dấu lạ Cana nói lên nhiều hình ảnh.  Trong bài suy niệm này chúng ta thử coi dấu lạ Cana như một cuộc biến đổi của nhân loại cũng như của mỗi người chúng ta trong mối tương quan với Thiên Chúa.  Trong một tiệc cưới, có nhiều người:  cô dâu chú rể, cha mẹ họ hàng, quan khách, người giúp việc… Nhưng tất cả đều liên quan tới cuộc hôn nhân của hai người.  Cũng như Chúa Giê-su, Đức Mẹ, các môn đệ Chúa có mặt trong tiệc cưới, chúng ta cùng với anh chị em hiện diện trong tiệc cưới giữa “cô dâu” nhân loại với “chàng rể” Thiên Chúa.  Tiệc cưới Cana có sự hiện diện đầy ý nghĩa của Chúa Giê-su và Đức Mẹ.  Đó cũng là sự hiện diện của các Ngài trong thế giới và trong Giáo Hội cho đến ngày tận thế.  Chúa Giê-su vẫn tiếp tục vai trò “biến nước thành rượu ngon”.  Mẹ Ma-ri-a vẫn thi hành vai trò dẫn dắt chúng ta, bảo chúng ta hãy làm bất cứ điều gì con của Mẹ dạy.  Còn chúng ta có thể đóng những vai trò khác nhau, có thể chúng ta là nước cần được biến thành rượu, có thể chúng ta là những gia nhân cộng tác vào việc biến đổi của anh chị em, có thể chúng ta là “các môn đệ đã tin vào Người”.

          Một hình ảnh khác cũng nói lên một chiều kích của ơn cứu độ thực hiện cuộc biến đổi kỳ diệu của nhân loại, đó là theo lời Chúa Giê-su, các gia nhân đã múc nước “đổ đầy tới miệng chum”.  Đổ đầy tới miệng chum là hình ảnh Chúa cho chúng ta thấy ơn cứu độ thật phong phú.  Chẳng vậy mà thánh sử Gio-an đã diễn tả Chúa Giê-su như là “Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Gio-an 1:16).  Rồi khi nước đã trở thành rượu thì phải là “rượu ngon”.  Rượu ngon do ơn cứu độ của Chúa Giê-su đã làm ngất ngây Thiên Chúa với nhân loại trong một tương quan tình yêu mới.  Hiểu và sống như thế là chúng ta cảm nhận mình thật được diễm phúc sống trong tiệc cưới Cana của Giáo Hội và say tình yêu của Thiên Chúa rồi!

          Đối với Năm Đức tin này, có lẽ lời ghi chú của thánh sử Gio-an ở cuối câu chuyện thật là ý nghĩa đối với chúng ta:  “Các môn đệ đã tin vào Người” (Gio-an 2:11).  Canh tân và củng cố đức tin vào Chúa Giê-su là một trong những mục tiêu chính của Năm Đức tin.  Sứ điệp của tiệc cưới Cana phù hợp với mục tiêu ấy, mời gọi chúng ta nhìn lại đức tin của mình vào Chúa Giê-su và ơn cứu độ của Người.

Sống sứ điệp Tin Mừng

          “Người bảo gì, các anh cứ làm theo”.  Lời khuyên của Mẹ Ma-ri-a là một thách đố cho mỗi người chúng ta.  Nếu Chúa Giê-su bảo chúng ta phải cố gắng bỏ đi một tính xấu, hoặc một thói quen không tốt, liệu chúng ta có làm theo hay không?  Nếu Người dạy chúng ta hãy làm hòa với một người họ hàng hay một người cùng sở làm, chúng ta có can đảm để đi bước trước không?  Nếu Chúa mong chúng ta đến gặp gỡ Người nơi tòa giải tội để Người trả lại sự tự do và trong trắng cho chúng ta, chúng ta có mau mắn đến hay lần lựa?  Nếu Chúa muốn chúng ta mỗi ngày dành cho Người dăm bảy phút thôi để đọc, suy niệm và cầu nguyện một đoạn Kinh Thánh, chúng ta có đủ quảng đại để làm cho Người vui lòng không?

          Chúng ta cũng có thể thi hành phận sự của những “gia nhân” trong tiệc cưới.  Ơn cứu độ sung mãn dành cho mọi người.  Chúng ta giúp người khác chuẩn bị tâm hồn để đón nhận.  Công việc chúng ta là cứ múc nước đổ cho đầy, còn biến nước thành rượu là quyền năng của Chúa.  Múc nước đầy tới miệng chum, đó cũng là một đóng góp của chúng ta vào cuộc tân truyền giáo của Giáo Hội như Năm Đức tin mong muốn.

 

         Lm. Đa-minh Trần đình Nhi      


Suy Niệm Lời Chúa Năm C