CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG
NIÊN
Thánh Thần và sứ vụ
của Chúa Giê-su
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Lu-ca
1:1-4; 4:14-21)
Ngày Thứ Hai vừa qua, nước Mỹ long trọng tổ chức ngày lễ
nhậm chức của tổng thống. Trước khi khai
mạc, người ta có một lời cầu nguyện với lời lẽ hoa mỹ nhưng hầu như thiếu vắng
chiều kích thiêng liêng. Nói khác đi, đó
chưa phải là lời cầu nguyện, nhất là cầu xin ơn soi sáng và dẫn dắt của Thánh
Thần Thiên Chúa. Câu truyện Tin Mừng do
thánh Lu-ca thuật lại hôm nay cũng có thể gọi là “bài diễn văn khai mạc sứ vụ
của Chúa Giê-su”. Một điều hết sức thú
vị, đây là bài diễn văn khai mạc ngắn gọn nhất thế giới từ xưa tới nay và cho
tới ngày tận thế, chỉ có một câu duy nhất:
“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh
Thánh quý vị vừa nghe”.
Không phải như một nguyên thủ quốc gia, nhưng với tính cách
là “trưởng tử”, con đầu lòng của nhân loại, Chúa Giê-su bắt đầu thi hành sứ vụ
được Thiên Chúa Cha trao ban. Đây không
phải là sáng kiến của một mình Chúa Giê-su, nhưng là “kế hoạch yêu thương” do
Chúa Cha phác họa và được Chúa Con thực hiện dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh
Thần.
Bài Tin Mừng hôm nay đề cao vai trò của Chúa Thánh Thần
trong sứ vụ của Chúa Giê-su. Nhất cử
nhất động, Chúa Giê-su đều làm mọi việc dưới ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần, làm
theo tinh thần của Thiên Chúa chứ không phải theo tinh thần của loài người. Khi chịu phép rửa của ông Gio-an, Chúa Giê-su
đã được “Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng như chim bồ câu” (Lu-ca
3:22). Tiếp đến, “Chúa Giê-su được đầy Thánh
Thần… và được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu ma quỷ cám
dỗ” (4:1,2). Sau đó, “được quyền năng
Thần Khí thúc đẩy, Chúa Giê-su trở về Ga-li-lê” (4:14).
Tuy nhiên tất cả những điều thánh sử Lu-ca nói về Thánh
Thần được kể ở trên vẫn chưa trực tiếp đề cập tới sứ vụ của Chúa Giê-su. Chúng ta phải đợi đến khi Chúa Giê-su trở về
Na-da-rét và trong hội đường, Người đích thân công bố chương trình hoạt động
của Thánh Thần trong sứ vụ Người thi hành.
Đoạn trích sách ngôn sứ I-sai-a 61:1-2 nói lên tất cả chương trình hoạt
động của Thiên Chúa, một chương trình nhắm thẳng vào những nhu cầu khẩn thiết
nhất và thực tiễn nhất của nhân loại:
loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, kẻ bị giam cầm được tha, người mù
được sáng mắt, người bị áp bức được trả lại tự do. Không phải là kế hoạch năm hoặc bảy năm, mà
là gồm tất cả bề dày của lịch sử nhân loại. Điều khiến người ta phấn khởi nhất không phải
là những lời hứa hẹn, mà là một thực tại đã được bắt đầu ngay bây giờ và tại
đây: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”. Có lẽ sau khi đã kết thúc bài “diễn văn” ngắn
gọn này, Chúa Giê-su mời gọi dân chúng Na-da-rét hãy chiêm ngưỡng những thành
quả kế hoạch của Thiên Chúa. Những lời
của Tin Mừng khiến cho họ phải tán thành
vì chúng đã được Người nói lên “với uy quyền”.
Những việc Người làm như phép lạ hoặc biểu lộ tình thương xót của Thiên
Chúa đã làm cho dân chúng thán phục. Tất cả những kết quả ấy chỉ có thể thực hiện
được nhờ sức mạnh và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Thánh Thần đã giúp Chúa Giê-su luôn lấy tinh
thần của Thiên Chúa làm đầu, đặt lợi ích của Nước Thiên Chúa trên mọi lợi ích
cá nhân và mục đích duy nhất là để Chúa Cha được tôn vinh (Gio-an 17:4).
Sống sứ điệp Tin Mừng
Khi viết sách Tin Mừng thuật lại câu chuyện Chúa Giê-su và
sứ mệnh của Người, thánh sử Lu-ca trước hết đã đặc biệt nhắc đến một độc giả
của ngài tên là Thê-ô-phi-lô. Có thể đây chỉ là nhân vật tượng trưng, có
nghĩa là kẻ “yêu mến Thiên Chúa” và mục đích cuốn sách là “để kính tặng ngài,
mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài học hỏi thật là vững chắc”
(1:3).
Có khi nào chúng ta hiểu độc giả tượng trưng ấy là chính chúng ta không? Nói khác đi, có phải thánh Lu-ca viết riêng tặng
chúng ta để giúp chúng ta suy niệm giáo huấn của Tin Mừng và mỗi ngày một tăng
thêm lòng tin vào Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa và Đấng Cứu Độ của chúng ta
không? Một lần nữa, đây cũng là lời tha
thiết Năm Đức tin kêu gọi chúng ta hãy hết sức cố gắng học hỏi và yêu mến Chúa
Giê-su, nhất là hiểu biết vai trò và sự can thiệp của Chúa Thánh Thần đối với
sứ vụ của Chúa Giê-su.
Lm. Đa-minh
Trần đình Nhi