CHÚA
NHẬT III
THƯỜNG NIÊN C
Nkm
8,2-4a.5-6.8-10 ; 1 Cr 12,12-30 ; Lc 1,1-4; 4,14-21
GÓP PHẦN THI HÀNH SỨ VỤ THIÊN SAI
I. HỌC LỜI CHÚA
1.TIN MỪNG: Lc 1,1-4; 4,14-21
(1) Thưa ngài Thê-ô-phi-lô đáng kính, có nhiều người đã ra công biên soạn tường thuật những điều đã được thực hiện giữa chúng ta. (2) Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ Lời Chúa truyền lại cho chúng ta. (3) Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài. (4) Mong ngài sẽ nhận thức được rằng: giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc. (4,14) Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Galilê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. (15) Người giảng dạy trong các hội đường của họ, và được mọi người tôn vinh. (16) Rồi Đức Giê-su đến Nadarét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày Sabát, và đứng lên đọc Sách thánh. (17) Họ trao cho Người cuốn sách Ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: (18) “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan Tin mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, (19) công bố một năm hồng ân của Chúa. (20) Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. (21) Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”.
2.Ý CHÍNH: ĐỨC GIÊ-SU CÔNG BỐ VỀ NĂM HỒNG ÂN CỦA CHÚA
Tin Mừng hôm nay gồm có bài tựa mở đầu sách Tin Mừng thứ ba, nêu ra lý do khiến Lu-ca viết Tin Mừng dựa vào truyền thống và có tính khoa học, và việc Đức Giê-su khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng với một chương trình hành động cụ thể, đã được ngôn sứ I-sai-a tuyên sấm trước đó khá lâu.
3.CHÚ THÍCH:
-C 1-2: +Ngài Thê-ô-phi-lô
đáng kính: Thê-ô-phi-lô là một người giàu có và đáng kính thời bấy giờ. Ong này đã được tác giả Lu-ca gửi tặng cuốn Tin Mừng để nhờ ông làm người bảo trợ cho việc sao chép ra nhiều cuốn sách trên các tấm da thuộc, hầu có thể phổ biến đi nhiều nơi.
-C 3-4: +Cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự: Vì Lu-ca không thuộc Nhóm 12 Tông đồ theo Đức Giê-su ngay từ đầu, nên ông phải tra cứu đầu mối căn nguyên về cuộc đời và Tin Mừng của Người rồi viết lại. +Tuần tự viết ra: Ông viết Tin mừng theo thứ tự văn chương và các đề tài giảng huấn, chứ không theo đúng thứ tự thời gian trước sau.
-C 14-15: +Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy: Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa để ăn chay và chịu ma quỷ thử thách. Giờ đây Thần Khí lại thúc đẩy Người trở về Ga-li-lê rao giảng Tin
Mừng. +Người giảng dạy trong các hội đường của họ: Hội đường là nơi người Do thái đến hội họp, cầu nguyện và nghe giảng Kinh thánh vào các ngày Sa-bát. Ở mỗi làng khắp xứ Pa-lét-tin cũng như tại những nơi có người Do thái cư ngụ đều có hội đường.
-C 17b-19: +Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Chữ gặp ở đây cho thấy Đức Giê-su đã không
chọn hay sửa soạn trước, nhưng mở ra đã gặp ngay một đoạn sách phù hợp cho thấy có sự can thiệp của Thiên Chúa,. +Thần Khí Chúa ngự trên tôi...: Đoạn văn được trích dẫn trong sách I-sai-a (x. Is 61,1-2) nói về việc xức dầu tấn phong của một ngôn sứ (x. 1 V 19,16). Nhưng Đức Giê-su đã ứng dụng vào sứ mệnh của Người : Người mới được lãnh nhận Thần Khí khi chịu phép rửa của Gio-an, và coi đó là nguồn gốc phát sinh các hoạt động cứu độ của Người. +Công bố một năm hồng ân của Chúa: Năm Hồng Ân hay năm Toàn Xá của Thiên Chúa. Theo Luật Mô-sê, cứ năm mươi năm lại cử hành một lần (x Lv 25,10-13). Năm Toàn Xá là hình thức mở rộng
của Năm Sa-bát được cử hành cứ bảy năm một lần (Đnl 15: 1-11). Năm này tiêu
biểu lý tưởng công bình xã hội một cách thiết thực cụ thể. Đây là tin mừng giải
thoát cho những người nghèo, những kẻ cô thân cố thế bị chèn ép áp bức, dưới
bất kỳ hình thức nào, đến nỗi phải mất nhà cửa đất đai, trở nên nghèo khổ và
đem thân làm nô lệ cho những kẻ giàu có quyền thế. Đó cũng là năm mời gọi hết
mọi người hãy ăn năn sám hối, vì đã góp phần vào sự bất công hay đã nhắm mắt
làm ngơ trước những đau khổ của đồng loại.
-C 20-21: +Hôm nay: Chữ này xuất hiện nhiều lần trong Tin Mừng Lu-ca, để nhấn mạnh tính cách hiện tại của ơn cứu độ. Chẳng hạn: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em” (Lc 2,11) ; “Con là Con của Cha. Ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” (Lc 3,22) ; “Hôm nay
đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21) ; “Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (Lc 19,5b)
; “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (Lc 19,9) ; “Hôm nay gà chưa kịp gáy, thì ba lần anh đã chối không biết Thầy” (Lc 22,34.61) ; “Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23,43).
4.CÂU HỎI: 1) Lu-ca đã viết lời tựa sách Tin Mừng gửi cho ông Thê-ô-phi-lô nhằm mục đích gì? 2) Lu-ca không thuộc Nhóm 12 Tông đồ. Vậy ông đã làm gì để có thể viết về cuộc đời và lời rao giảng của Đức Giê-su cách chính xác được? 3) Hội đường Do thái là gì và dùng để làm gì? 4) Câu trích trong sách ngôn sứ I-sai-a được Đức Giê-su đọc tại hội đường Na-da-rét đã ứng nghiệm vào sứ mệnh cứu thế của Người như thế nào? 5) Bạn hãy kể ra 5 câu Kinh thánh có chữ “hôm nay” trong Tin mừng Lu-ca.
II SỐNG LỜI CHÚA
1.LỜI CHÚA: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan Tin mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18).
2.CÂU CHUYỆN: CHÚA NÓI VỚI CHÚNG TA BẰNG CÁCH NÀO?
Cách đây khá lâu, một vở kịch mang tựa đề là “Hoàng Gia đi săn mặt trời” kể lại cuộc chinh phục của người Tây ban nha đối với dân da đỏ ở Pê-ru. Trong đó có một màn kể lại câu chuyện về một người Tây ban nha tặng cho viên tù trưởng của bộ lạc da đỏ một cuốn Thánh Kinh và nói với viên tù trưởng rằng : “Đây là Lời Chúa. Ngài nói với chúng ta trong cuốn sách này”. Viên tù trưởng cầm lấy cuốn Thánh Kinh, xem xét thật kỹ và sau đó áp cuốn sách vào một bên tai để nghe ngóng. Nhưng dù đã cố gắng hết sức mà cũng chẳng nghe thấy có tiếng nói nào từ cuốn sách phát ra. Cử chỉ ngây thơ của viên tù trưởng khiến những người Tây ban nha có mặt cười ồ lên. Viên tù trưởng nghĩ mình bị mấy người ngoại quốc kia chơi khăm, liền nổi giận và ném mạnh cuốn Kinh Thánh xuống mặt bàn trước mặt !
3.SUY NIỆM:
1) Đức Giê-su công bố sứ vụ Thiên Sai: Sau một thời gian đi rao giảng Tin mừng và làm phép lạ khắp miền
Ga-li-lê, danh tiếng Đức Giêsu đã lan truyền khắp nơi, Người trở về thăm quê
hương Na-da-rét. Vào ngày sa-bat, Người đến hội đường cầu nguyện theo thông lệ,
viên trưởng hội đường đưa cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở trúng
ngay đọan nói về sứ vụ của Đấng Thiên Sai như sau: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan tin mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công
bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc
4,18-19). Sau đó gấp sách lại, Người ngồi xuống và tuyên bố: ”Hôm nay đã ứng
nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,18-19).
2) Hội Thánh tiếp tục sứ vụ Thiên Sai: Ngày nay sứ vụ của Đức Giê-su được Hội Thánh tiếp tục thực hiện. Đức
Giê-su đã đổ Thần Khí cho các Tông đồ để các ông đi công bố Năm hồng ân của
Thiên Chúa, loan Tin mừng cho mọi người, giải phóng con người khỏi các hậu quả
của tội lỗi là bệnh tật, đau khổ và sự chết: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân
trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân dnh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh
Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20).
3) Các tín hữu thi hành sứ vụ bằng việc tông đồ: “Ơn gọi Kitô hữu tự bản chất cũng là ơn gọi làm tông đồ”. Mọi hoạt
động của Nhiệm Thể nhằm “làm cho Nước Đức Ki-tô rộng mở trên khắp hoàn cầu” đều
được gọi là “việc tông đồ”» (GLCG, 863); Là ki-tô hữu, là cánh tay nối dài của Đức Giê-su, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi cộng tác với
Chúa để làm bùng lên ngọn lửa yêu thương mà Đức Giê-su đã đem xuống trần gian,
bằng việc thực thi giới luật yêu thương ngay trong gia đình rồi đến khu xóm, giáo xứ và ra ngòai xã hội. Đó cũng là con đường nên thánh, là chìa khoá để mở cửa thiên đàng cho chúng ta trước
tòa phán xét sau này.
4) Làm tông đồ là sống đời chứng nhân cho Chúa: Đức Gio-an Phao-lô II đã nói: “Người thời nay thích nghe những
chứng nhân hơn là thầy dạy, và
nếu họ có nghe những thầy dạy thì đó là vì những thầy dạy này là những chứng nhân”. Thực vậy, lời giảng thường khó thuyết
phục cho bằng gương sáng như người ta thường nói: ”Trăm nghe không bằng một
thấy”. Lời giảng mà thiếu gương sáng sẽ vô ích và có khi còn phản tác dụng: làm
cho người ta thù ghét đạo Chúa hơn. Các tín hữu cần thực hành theo lời khuyên
trong lễ phong chức như sau: “Con hãy tin điều con đọc, dạy điều con tin và thi hành điều con dạy”. Cần áp
dụng lời Chúa khi suy nghĩ, ứng xử giữa đời thương. Cần sống hiệp nhật yêu
thương noi gương các tín hữu thời Hội Thánh sơ khai đã được sách Công Vụ ghi
lại như sau: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn sống hiệp
thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng…Tất cả
đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư
gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được tòan
dân thương mến. Và Chúa cho cộng đòan mỗi ngày có thêm những người được cứu độ”
(Cv 2,42-47).
4.THẢO LUẬN: Một ông chủ nhà kia muốn cho vợ con học sống Lời Chúa nên đã làm như sau: Ông găắn một tấm bảng trên bức tường trong phòng ăn. Mỗi tuần ông viết lên bảng một câu Lời Chúa chủ đề và một vài quyết tâm thực hành. Trước mỗi bữa ăn và trong giờ kinh tối gia đình, các thành viên sẽ cầu nguyện tự phát dựa theo câu Lời Chúa và những việc làm đề nghị. Vậy theo bạn, cách làm
của ông gia trưởng trên có tác dụng thực sự hay không? Bạn quyết định sẽ làm gì để gia đình bạn trở thành một gia đình sống chứng nhân của Chúa?
5.NGUYỆN CẦU:
-LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin
cho chúng con nhận ra Thánh Thần Chúa vẫn đang ngự giữa thế giới và trong lòng mọi người. Thế giới hôm nay tuy còn nhiều tội lỗi, nhưng vẫn chan hòa ánh sáng tin yêu nơi các gia đình tín hữu, trong các xóm đạo, nơi các cộng đoàn quyết tâm học sống Lời Chúa. Ngày nay người ta đã biết ngồi lại với nhau để giải quyết các tranh chấp và tìm kiếm hòa bình; Các tổ chức quốc tế đều hợp tác chống lại sự kỳ thị chủng tộc, mầu da, tôn giáo, phái tính, bệnh tật; Các cơ quan đoàn thể hợp tác để chống tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác... Xin cho các tín hữu chúng con cũng biết hợp tác để góp phần làm cho ngôi nhà chung của nhân lọai là trái đất ngày một tốt đẹp hơn.
-LẠY CHÚA. Xin cho
chúng con cũng được đầy Thánh Thần để sẵn sàng đi bước trước đến với tha nhân : nở nụ cười thân thiện với một người chưa quen, dấn thân phục vụ dân nghèo ở những vùng sâu vùng xa... Xin cho mọi người khắp nơi không còn đau khổ, nước mắt và thù hận, nhưng chỉ còn tình thương và biết quan tâm phục vụ cho nhau.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. -Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI
CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH
www.hiephoithanhmau.com