ĐỨc
Giêsu và vỊ tông đỒ đẦu tiên
(Luca 5,1-11 – CN
V TN - C)
1.- Ngữ cảnh
Với
bài Lc 5,1-11, chúng ta có một bản
văn riêng của tác giả Luca. Như thế,
bản văn này có thể giúp độc giả nhận biết cách thức bản văn này tiếp cận với
truyền thống Tin Mừng và liên kết với truyền thống ấy.
Quả
thật, nếu trong tất cả ch. 5, tác giả đi theo bài tường thuật của Mc (x. 1,40–2,22), ở đây ngài lại tách
ra. Trong khi tác giả Mc (1,16-20),
và cả Mt (4,18-22), mô tả truyện kêu
gọi các môn đệ đầu tiên trước sứ vụ công khai của Đức Giêsu, tác giả Lc lại đặt tiếng gọi ở sau, khi Đức
Giêsu đã bắt đầu hoạt động giảng dạy và chữa lành (x. 4,14-44). Người đã biết
ông Simôn, vì đã đến nhà ông và chữa là bà mẹ vợ (4,38-39).
Bài tường thuật này là
một đơn vị riêng, đến sau bức tranh bộ đôi Nadarét-Caphácnaum (4,14-44), được
đóng khung bởi hai toát yếu về sứ vụ rao giảng nay đây mai đó của Đức Giêsu
(4,14; 4,44), và được nối tiếp bởi một giai thoại mới, việc chữa lành một người
phong hủi (5,12-16).
Đoạn văn của chúng ta
thuộc về một phân đoạn lớn hơn (5,1–6,19), trong đó có những đơn vị được dẫn
nhập bởi công thức mà các bản dịch thường bỏ, “xảy ra là” (egeneto: 5,1.12.17; 6,1.6.12), với trung tâm là việc kêu gọi Lêvi
và bữa ăn ông thết đãi (5,27-39).
Trong phân đoạn này,
chân trời của sứ vụ của Đức Giêsu được mở rộng. Cho tới nay, Người hoạt động
một mình, qua việc giảng dạy và chữa bệnh (các môn đệ đầu tiên vẫn còn đang ở
trong tình trạng vô danh). Bây giờ cử tọa đang mở rộng ra hơn; Đức Giêsu không
chỉ nói với những người hay lui tới hội đường mà thôi, nhưng với một đám đông
sẵn sàng lắng nghe. Nhất là nay phát sinh nhóm các môn đệ, họ đi theo Người
trong hành trình truyền giáo; bên trong nhóm này nổi lên khối sẽ là hạt nhân
căn bản của Hội Thánh, đó là nhóm các Tông Đồ. Chính là trong ngữ cảnh này mà
chúng ta đọc bài tường thuật Mẻ cá lạ lùng với việc kêu gọi Simôn và các bạn.
2.- Bố cục
Bản
văn có thể chia thành bốn phần:
1)
Giới thiệu khung cảnh và công việc của Đức Giêsu (5,1-3);
2)
Đức Giêsu - Phản ứng của Simôn trước mẻ cá (5,4-7);
3)
Phản ứng của Simôn sau mẻ cá - Đức Giêsu
(5,8-10);
4)
Kết luận: Đời môn đệ (5,11).
3.- Vài điểm chú giải
- Ghennêxarét (1): Đây là tên Hy Lạp của giải đất nhỏ
thuộc phía tây “biển hồ”, có đất đai mầu mỡ và đông dân cư; giải đất này ở phía
nam Caphácnaum.
- lời Thiên Chúa (1): Đây là lần đầu
tiên Tin Mừng Lc dùng công thức này (Lc dùng 4 lần: 5,1; 8,11.21; 11,28; Cv dùng 14 lần: 4,31; 6,2.7; 8,14; 11,1;
12,24 (?); 13,5.7.44.46.48; 16,32; 17,13; 18,11). Trong khung cảnh sách Cv, công thức ấy có nghĩa là sứ điệp
Kitô giáo do các tông đồ rao giảng; ở đây tác giả Lc lại cho thấy là Đức Giêsu rao giảng. Như thế, tác giả đặt việc
rao giảng của cộng đoàn trên nền tảng là lời rao giảng của Đức Giêsu. Nhưng nền
móng tối hậu là chính Thiên Chúa, bởi vì công thức nói rõ là “Lời Thiên Chúa”
hoặc “Lời do Thiên Chúa ban” (thuộc-cách diễn tả chủ từ hoặc tác giả hợp lý hơn
là “lời nói về Thiên Chúa”: thuộc-cách diễn tả đối tượng).
- Người ngồi xuống (3): Đây là tư thế bình
thường khi ở trên một chiếc thuyền nhỏ. Nhưng hẳn tác giả cũng muốn gợi
ra tư thế của một vị thầy.
- Thưa Thầy (5): Lần đầu tiên Lc dùng từ epistata (hô-cách của epistatês) (x.
8,24.45; 9,33.49; 17,13). Các bản văn Nhất
Lãm song song dùng từ didaskale, “thưa thầy”, hoặc rabbi,
“thưa rabbi”. Trong văn chương Hy Lạp, từ ngữ epistatês thường có sắc
thái rộng hơn, đó là “vị chỉ huy, vị điều hành, vị giám sát” (ví dụ trong việc
huấn luyện giới trẻ). Trong các tác phẩm Lc,
từ này luôn luôn được đặt trên môi miệng các môn đệ, còn từ didaskalos
được người ngoài dùng. Epistatês diễn tả một đức tin sâu xa hơn
vào uy quyền của Đức Giêsu.
- chúng tôi đã vất vả (5): Động từ kopiaô,
“làm việc vất vả”, là một động từ được Tân Ước dùng cho những dịp mô tả công việc tông đồ vất vả.
- Xin tránh xa con (8): Qua mẻ lưới lạ
thường, Simôn nhận ra Thiên Chúa đang tỏ mình ra nơi Đức Giêsu, do đó ông đã
gọi Người là “Chúa”. Từ đó, ông cũng ý thức về tình trạng tội lỗi, bất xứng của
mình; ông cảm thấy sợ hãi khi đứng trước Thiên Chúa là Đấng Thánh (x. Is 6,5). Simôn vừa bị thu hút về phía
Đức Giêsu do lòng thán phục, vừa muốn tránh xa Người do ý thức về sự bất xứng
của mình.
- Anh sẽ là kẻ đi bắt người ta (10): So
với Mc 1,17, câu nói này không nhấn
mạnh đến thân thế môn đệ, nhưng nhấn mạnh đến hoạt động truyền giáo. Zôgreô
(do zôos, “sống động”; agreô, “bắt”) có nghĩa là “bắt để làm cho
sống”. So với Mc 1,17, bản văn nhấn
mạnh trên hoạt động truyền giáo hơn là trên thân phận người môn đệ.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Các tác giả còn tranh luận xem bản văn
này thuộc thể văn nào: bài tường thuật ơn gọi, bài tường thuật về sự giao phó
nhiệm vụ, tiên tri và lời hứa… Thật ra, đề tài ơn gọi chắc chắn có trong bản
văn, nhưng dưới dạng một lời hứa và một lời tiên tri. Quả thế, chính lời hứa
long trọng của Đức Giêsu nổi bật rõ nhất (“Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người
ta”).
Điều đánh động trong bài tường thuật chính là sự xen kẽ giữa số đơn
và số phức. Ngay từ đầu, độc giả chuyển từ “đám đông” (ochlon) của c. 1 sang “các đám đông” (ochlous) ở c. 3. Tại c. 4, Đức Giêsu nói với Simôn: “Chèo ra chỗ
nước sâu (epanagage [số đơn] eis to bathos) mà thả lưới bắt cá (kai chalasate [số phức] ta diktya hymôn eis agran); như thế,
không phải chỉ có một mình Simôn ở trên thuyền. Sang c. 5, câu trả lời của
Simôn lúc đầu khẳng định: “Chúng tôi đã vất vả (poiasantes)…”, nhưng rồi: “Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới (chalasô)”. Và nếu ở c. 8, Simôn xin Đức
Giêsu: “Xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”, lý do lại là vì Simôn, những
người có mặt ở đó, và cả Giacôbê và Gioan cũng kinh ngạc (cc. 9-10). Cuối cùng,
Đức Giêsu nói với riêng Simôn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người
ta” (c. 10), nhưng ngay sau đó các bạn của Simôn lại xuất hiện: “Thế là họ đưa
thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người” (c. 11).
Sự xen kẽ giữa Simôn và các bạn không chỉ
gợi ý là mẻ cá cần nhiều người, mà còn nêu bật rằng Simôn, ngoài nhân cách độc
đáo của ông, cũng đại diện cho một nhóm, nhóm các ngư dân sẽ bỏ mọi sự để trở
thành môn đệ của Đức Giêsu.
Một nét khác trong bài
tường thuật là cách vận dụng “khoảng cách” giữa các nhân vật khác nhau, để đưa
lại cho mỗi nhân vật một nét độc đáo riêng. Đám đông quy tụ quanh Đức Giêsu để
nghe Lời, nhưng Người lại lên thuyền của Simôn và bảo ông ra xa bờ một chút.
Một cách nghịch lý, việc lấy khoảng cách như thế lại đưa Đức Giêsu đến gần các
đám đông hơn, bởi vì do quá gần, việc loan báo Lời lại bị cản trở, và cũng đưa
Người đến gần Simôn và các bạn hơn, bởi vì các ông đang ở trên thuyền với Thầy,
nên cũng trở thành thính giả nghe Lời. Bằng cách đó, Đức Giêsu vừa có thể ngỏ
lời với người ở gần lẫn người ở xa.
Việc lấy khoảng cách
vẫn tiếp tục. Trước tiên lệnh của Đức Giêsu cho Simôn (“Chèo ra chỗ sâu”, epanagage eis to bathos) vừa giữ khoảnh
cách chiều ngang với đám đông, vừa bắt đầu một chuyển động theo chiều đứng, một
chiều hướng đầy xuống thấp và dấn dần kéo cả Simôn vào. Lệnh của Đức Giêsu theo
nghĩa chữ là: “Đi ra xa, vào chỗ (nước) sâu”; đây không chỉ là đi ra xa hơn, mà
còn là đi vào chiều sâu của cái hồ! Một vài động từ xác nhận chiều hướng biểu
tượng này: “Các anh hãy thả lưới” (c. 4), “tôi sẽ thả lưới” (c. 5), “hầu như
rách cả lưới” (c. 6), “đến gần chìm” (c. 7). Đây không chỉ là một chuyển động
thể lý, gắn liền với việc đánh cá, vì chính cử chỉ và lời nói sau cùng của
Simôn cho thấy: ông phục xuống dưới chân Đức Giêsu và nói: “Xin tránh xa con…”.
Vấn đề là tương quan với Đức Giêsu, là gắn bó với Người hay tránh xa Người.
Tới cuối bài tường
thuật, nhờ lời hứa của Đức Giêsu, khoảng cách đáng sợ giữa Đức Giêsu và Simôn
được điều chỉnh lại và khoảng cách với đám đông cũng được xóa đi, bởi vì Simôn
Phêrô và các bạn đã kéo thuyền vào bờ, nơi có đám đông, và đi theo Đức Giêsu.
Như vậy, qua biện chứng
“cách xa”, chủ đề của bài tường thuật là việc kêu gọi Simôn và các bạn, việc
kêu gọi này có nghĩa chính xác là đến gần Đức Giêsu, bằng cách lấp đầy các
khoảng cách ngăn cách với Người. Vậy đây là hành trình đức tin. Nhưng điều này
không chỉ liên hệ đến các môn đệ, mà còn liên hệ đến tất cả các thính giả hoặc
độc giả Tin Mừng tương lai; chính vì thế mà có sự xen kẽ số đơn và số phức.
Chúng ta sẽ thấy bản văn trình bày diễn tiến của hành trình đức tin.
* Giới thiệu khung cảnh và công việc của Đức
Giêsu (1-3)
Sau thất bại ở Nadarét
(4,16-30), Đức Giêsu vẫn có những người sẵn sàng lắng nghe, chính đám đông
“chen chúc” (epikesthai) bên bờ hồ
Ghennêxarét đã chứng tỏ điều đó. Chúng ta ghi nhận: không phải là họ tìm nghe
lời một người phàm, nhưng nghe “lời Thiên Chúa”. Một ghi nhận kế tiếp: Đức
Giêsu không rao giảng trong hội đường nữa. Đây là một biểu tượng: kể từ nay,
nơi duy nhất chúng ta có thể nghe được lời của Thầy chí thánh chính là cộng
đoàn Kitô hữu; đây là nơi mà tất cả những ai đi tìm ánh sáng, sự an ủi và niềm
hy vọng đều phải đến. Trên con thuyền này, chỉ có Đức Giêsu là thánh thiện, còn
những người khác thì tốt lành, nhưng đều là những “kẻ tội lỗi”. Dù vậy, cũng
chính là từ con thuyền này mà Lời Chúa được công bố.
Đức Giêsu mau chóng chỉ
định các cộng sự viên. Truyện hôm nay cho thấy bản chất của tương quan giữa
Người và các ông này. Ở đây mọi sự đều do sáng kiến của Người và được nhắm đưa
tới kinh nghiệm như Simôn sẽ có. Tuy vậy, bản văn cho thấy Đức Giêsu chỉ tỏ ra
năng động có hai lần thôi: lần đầu khi Người ra lệnh (c. 4) và lần thứ hai khi
Người ban một lời hứa (c. 10); còn ở giữa là hành động và phản ứng của
Simôn và các bạn. Simôn cũng có hai câu nói thưa với Đức Giêsu: một câu là
khẳng định về kinh nghiệm đánh cá (c. 5), một câu là lời mời (c. 8).
Chính do quảng đại mà Simôn đã hỗ trợ
cho việc loan báo Lời. Trong giai thoại chữa bà mẹ vợ (4,38-39), Simôn là một
nhân vật chìm: không nói không làm gì cả! Còn ở đây, nổi bật lòng quảng đại và
sự sẵn sàng của ông, khiến ông trở thành một thính giả ưu tiên của Lời.
* Đức Giêsu - Phản ứng của Simôn trước mẻ cá
(4-7)
Việc
lắng nghe Lời không tự động đưa tới đức tin. Để cho việc lắng nghe này là thật,
thì cần có việc tận tình đáp trả những yêu cầu của Lời. Nói xong với đám đông,
Đức Giêsu ban một lệnh trực tiếp cho một người, ngay giữa lòng cuộc sống
cụ thể của người ấy (c. 4): “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (c. 4).
Simôn đã phản ứng, ông khẳng định theo kinh nghiệm của ông: người ta bắt cá ban
đêm; thế mà suốt đêm các ông đã vất vả (kopiasantes) mà chẳng bắt được
gì, phương chi bây giờ là ban ngày! Lệnh này có vẻ như một sự gây chuyện! Tuy
nhiên, Đức Giêsu không hề nêu lý do hoặc thêm ý soi sáng; Người nói một lời
và cho thấy mọi sự tùy thuộc lời này. Đối với Simôn, Đức Giêsu không phải là
một người xa lạ. Ông đã thấy Người chữa lành nhạc mẫu của ông (4,38-39). Do đó,
ông tín nhiệm vào lời Đức Giêsu cho dù lời này có yêu cầu những điều bề ngoài
không mong đạt kết quả, hoặc những điều phi lý vì đi ngược lại mọi kinh nghiệm
của loài người. “Thưa Thầy, … dựa vào lời Thầy”, epistata, … epi de tô rêmati sou (c. 5): Những từ ngữ này hết sức quan trọng, vì đây là công
thức diễn tả thái độ của con người đối
với Thiên Chúa (x. Tv 119,
25b.42.57.105). Epistatês theo nghĩa
chữ là “người ở trên”, “người chủ tọa”. Simôn nhận biết Đức Giêsu là người dẫn
đường, Người không chỉ là một thầy dạy, mà là một chủ nhân đời sống!
Điều chúng ta ghi nhận
ở đây là chính Simôn đã đưa thuyền ra khơi (c. 4); chính ông công bố niềm tin
vào lời Đức Giêsu (c. 5); chính ông gọi Người là “Lạy Chúa” (c. 8); ông là
người được mời trở thành “kẻ lưới người” (c. 10). Tất cả các yếu tố này cho
thấy rằng Simôn được chọn cho một thừa tác vụ đặc biệt trong Hội Thánh. Nhiệm
vụ của ông là nghe lời Chúa và di chuyển, không phải ra nơi mà kinh nghiệm dẫn
đưa ông, nhưng nơi mà Thầy muốn ông đến.
Và
để chứng minh là người ta có thể tin vào lời Đức Giêsu, các ông đã kéo được mẻ
cá quá sức phong phú. Lưới gần bị rách. Cả hai thuyền đều đầy cá, nặng đến nỗi
gần chìm. Kết quả này không do tài năng của Simôn, nhưng do lời của Đức Giêsu.
Simôn cần trợ giúp; ông ra hiệu cho các bạn chài ở thuyền kia đến giúp (c. 7).
Nay ta biết tên họ là Giacôbê và Gioan, con ông Dêbêđê. Các ông này được gọi là
“bạn” (koinônoi) của Simôn (c. 10). Koinônos không chỉ là bạn cùng nghề
nghiệp; các tác giả Tân Ước dùng từ ngữ này để chỉ những tín hữu hiệp thông với
nhau (x. Cv 2,42.44; 4,32; Rm 12,13;
15,26.27; …).
* Phản ứng của Simôn sau mẻ cá - Đức Giêsu (8-10)
Tức
khắc, Simôn nhận ra Đức Giêsu là ai và chính ông là ai: kinh ngạc sợ hãi. Ông
thưa với Đức Giêsu như là “Chúa tể”, là điều mà trước đây các mục đồng đã được
loan báo: Đấng Cứu thế, Đức Kitô, Đức Chúa (2,11). Simôn đã trải nghiệm quyền
năng thực thụ của vị Chúa tể này. Do đó, bây giờ không những ông biết ông không
ở trên cùng một bình diện với Người, mà còn biết rằng đối diện với
Người, ông là một kẻ tội lỗi. Đứng trước quyền năng và sự thánh thiện
của Thiên Chúa, con người cảm thấy có nhiều điều trong đời mình không coi được.
Kinh nghiệm về Đức Chúa cho thấy nơi Phêrô có nhiều chuyện sai lạc, đi ngược
lại với Người và làm cho ông nên bất xứng và không trong sạch. Ông thấy giải
pháp cho hoàn cảnh không thể chịu nổi này là Chúa xa ông đi: “Lạy Chúa, xin
tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (c. 8). Việc Simôn quỳ phục xuống, gọi Đức
Giêsu là “Chúa” (kyrios), lời nói về
thân phận bất xứng, cho thấy ông đang gặp Thiên Chúa, một kinh nghiệm về thần
hiển như trong trường hợp Môsê (Xh
3,6) và Isaia (x. Is 6,5). Ở đây, y
như thể Simôn muốn nói rằng: Chúa tránh xa con, để như thế con lại có thể chịu
nổi con và lại có sự bình an bề ngoài của con. Nhưng chắc chắn cách xử sự của
Đức Giêsu không phải là tránh xa những người tội lỗi và bỏ mặc họ trong tội lỗi
và với số phận của họ (x. 5,32). Ý thức của Simôn hoàn toàn đúng, nhưng giải
pháp ông đề ra không được Đức Giêsu chấp nhận: Người không tránh xa ông, Người
cũng không đẩy ông xa Người, nhưng nhận lấy ông, đưa ông vào phục vụ chương
trình của Người. Chính Simôn, người đã nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con!”, lại
sẽ đi theo Đức Giêsu cùng với các bạn (5,11).
Ở
đây lần đầu tiên và lần duy nhất, bên cạnh tên Simôn quen thuộc, có tên Phêrô:
phải chăng đây là một gợi ý kín đáo về sự phản bội của Phêrô trong tương lai?
Trong thực tế, việc nhận biết thân phận tội lỗi của mình, trước khi đươc kêu
gọi, chứng tỏ sứ vụ của Phêrô không dựa trên các đức tính của ông, nhưng hoàn
toàn dựa trên sự ban tặng nhưng-không của Thiên Chúa.
Đức Giêsu tỏ ra rất tế
nhị với Simôn. Người không nhận định gì về tình trạng tâm hồn của ông, Người
không khuyến cáo; trái lại Người để cho ông làm một hành vi đức tin. Kết
quả là Simôn nhận ra sự cao cả, sự tốt lành và quyền lực của Đức Giêsu, nên ông
đã dễ dàng, như theo bản năng, từ bỏ các tội lỗi của ông. Khi đó, ông trở nên
hoàn toàn tự do, ông có thể hiểu lời mời gọi của Người. Lời mở đầu: “Đừng sợ!”
chứng tỏ sự can thiệp của Đức Giêsu mang màu sắc một cuộc thần hiển thực thụ.
Lời hứa của Đức Giêsu: “Từ nay, anh sẽ là người thu phục người ta như bắt cá”
(NTT: “sẽ là kẻ chài lưới bắt người”) được thêm vào kinh nghiệm mà Simôn đã có
về tính vững chãi của lời Đức Giêsu nói. Simôn nhận biết Đức Giêsu như là Đấng
muốn người ta đón tiếp Tin Mừng. Trong một cách thức chưa rõ mấy, Đức
Giêsu cho ông hiểu rằng ông phải tham gia vào lối hành động này, nhưng luôn dựa
vào quyền lực của Người.
* Kết luận: Đời môn đệ (11)
Simôn
và các ông khác, tức Giacôbê và Gioan, “đã bỏ hết mọi sự mà theo Người”. Từ
nay, Simôn và tất cả các môn đệ phải nhận biết rằng việc phục vụ mà Đức Giêsu đưa
các ông vào dựa trên không phải là các đức tính, các năng khiếu cá nhân, nhưng
dựa trên Lời của Người. Hai động từ “bỏ” và “theo” mô tả sứ mạng của người môn
đệ. Nằm tại trung tâm cuộc sống của các ông, không phải là một giáo thuyết,
nhưng là một con người và một dự phóng đời sống. Tiếng gọi này phát sinh không
từ một mệnh lệnh, nhưng từ kinh nghiệm về một Lời mạnh mẽ và hữu hiệu, có thể
không những tạo ra một mẻ cá dồi dào lạ lùng, nhưng còn gây nên một tiếng “xin
vâng” cho trọn một cuộc đời.
+ Kết luận
Simôn đã hiểu thi hành một
nhiệm vụ Đức Giêsu giao nghĩa là gì. Ông cũng trải nghiệm về bản thân ông
là ai khi đứng trước Đức Giêsu. Như thế, ông cũng hiểu ra rằng, khi đứng trước
một lời hứa của Đức Giêsu, tất cả các khả năng con người, dù có hạn hẹp,
cũng như những cơ may thành công, dù có mong manh, cũng không còn đáng bận tâm
nữa. Bài tường thuật phép lạ trước tiên là một biểu tượng về sự phong
nhiêu của Lời Chúa.
Đây là một sự
đảo lộn hoàn cảnh nguyên thủy. Lúc đầu, Simôn, có phần tự hào về bản thân, đã
trở thành một người có khả năng nhảy một bước trong đức tin. Từ
đó, ông cũng nhận ra được sự nghèo hèn của mình; do đó ông nên khiêm tốn để
sống đức tin chan hòa. Chỉ nhờ kinh nghiệm về quyền năng của Thiên Chúa như
thế, người môn đệ mới được đào tạo.
Sứ mạng được ký thác
cho toàn thể cộng đoàn Kitô hữu, để cho thấy rằng có thể có một tập thể hoàn
toàn đặt nền tảng trên sự tha thứ, việc chia sẻ của cải, việc phục vụ lẫn nhau,
tôn trọng những người khác. Các Kitô hữu sẽ phải luôn luôn tự hỏi những người
khác đang trông chờ mình đưa lại cho họ thứ “ơn cứu độ” nào, mình có thể phục
vụ họ tốt nhất cách nào, mình đang lo tìm cứu độ từng con người hay chỉ bảo vệ
một cơ cấu.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Hoạt động tông đồ không thể dựa trên khả
năng của các tông đồ hoặc trên thiện chí của những người mà các ngài được cử
đến gặp, nhưng chỉ dựa trên trách nhiệm được giao và quyền năng của Chúa. Người
ta chỉ có thể đảm nhận công việc ấy “theo lời Người”. Simôn có thể trải nghiệm
quyền năng và giá trị của lời Đức Giêsu và phải trải nghiệm về sự giới hạn yếu
đuối của bản thân ông. Đồng thời ông cũng trải nghiệm được sự hạ cố nhân ái của
vị Chúa tể quyền năng, đã đưa ông vào phục vụ Người. Việc phục vụ này mãi mãi được
liên kết với các kinh nghiệm cơ bản này.
2. Các mục tử hôm nay lại không nhận ra bài học
cho mình sao? Quyền lãnh dạo của họ trên cộng đoàn Kitô hữu không phải là để họ
áp đặt ý muốn của mình, nhưng là để giúp nhận ra ý muốn của Đức Giêsu. Họ có
nhận ra tiếng nói của Thầy chí thánh và phân biệt tiếng nói này giữa các cảm
xúc, các trực giác và các ý tưởng của họ chăng?
3. Người ta không thể trách Simôn về sự kiện
ông là kẻ tội lỗi. Chính ông đã biết rồi, và ông sẽ trải nghiệm về điều này
cách cay đắng (Lc 22,33t.54-60).
Nhưng Đức Giêsu đã đưa kẻ tội lỗi ấy vào phục vụ Người, đã cầu nguyện cho ông
(22,31t), đã nhìn ông với ánh mắt nhân hậu (22.61t). Như thế, Simôn có thể chu
toàn nhiệm vụ, mà không bao giờ cậy dựa vào các sức mạnh của mình, nhưng tín
thác vào Lời Chúa.
4. Khi biết nhìn đến lòng thương xót của Thiên
Chúa đối với chúng ta, quyền năng cũng như lòng tốt của Ngài, chúng ta mới nhận
ra sự nghèo nàn và cần ơn cứu độ của chúng ta. Simôn đã nhân ra điều đó, ông
không sợ hãi gì nữa; cho dù kẻ khác có nghĩ ông là một kẻ tội lỗi, điều
này cũng quan hệ gì. Ông đã bước được một bước quyết liệt trong việc
giải phóng bên trong. Đức Giêsu đã đào tạo môn đệ bằng phương tiện là những
bước nhảy trong đức tin và bằng cách làm cho người ấy biết quyền lực thần linh
của Người. Con thuyền của Phêrô chính là Họi Thánh. Đức Giêsu vẫn tiếp tục dạy
chúng ta trên chiếc thuyền này, dọc theo dòng các cuộc cử hành Phụng vụ, và
nhất là trong Bí Tích Thánh Thể.
5. Chính Thiên Chúa ban ơn gọi cho loài người.
Mọi người phải bỏ mọi sự mà đáp trả quảng đại. Như thế là thực hiện một bước
điên rồ, nhưng chính bước điên rồ này làm nên con người. Simôn đã thực hiện sự
từ bỏ này khi thả lưới trái với kinh nghiệm thông thường, rồi sau đó, khi bỏ
mọi sự mà bước theo Đức Giêsu. Nhờ dám “đánh liều cuộc đời”, Simôn trở thành
người mà Thiên Chúa nhắm khi cho ông xuất hiện trong cuộc đời. Trong gia đình Kitô
hữu, giáo dục con cái biết sống quảng đại là cách thức tốt nhất để chuẩn bị cho
con cái sống quảng đại, để nhờ đó, chúng thực hiện được chương trình của Thiên
Chúa.
Lm PX Vũ
Phan Long, ofm