CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN
Nhận lãnh sứ mệnh Chúa trao
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Lu-ca
5:1-11)
Từ một kẻ lưới cá trở thành kẻ “lưới người”, từ một nghề
nghiệp bước sang một sứ mệnh, đó là sự kiện hết sức độc đáo của cuộc đời thánh
Phê-rô, nhưng cũng là một bài học thực tế giúp chúng ta nhận ra lời Chúa kêu gọi
chúng ta lãnh nhận sứ mệnh Người muốn chúng ta thi hành trong cuộc đời cá nhân
chúng ta.
Đây là một câu chuyện Tin Mừng được thánh Lu-ca kể lại rất
sống động. Trước hết hình ảnh nổi bật là
Chúa Giê-su đang đứng bên bờ hồ; chung
quanh Người, dân chúng chen chúc nhau đến gần để nghe Người giảng. Dưới hồ là mấy người đánh cá đang giặt lưới,
chuẩn bị cho chuyến đánh cá kế tiếp. Với
người Việt mình, miếng trầu là đầu câu chuyện.
Ở đây chiếc thuyền là đầu câu chuyện của một sứ mệnh. Đúng thế, Chúa Giê-su đã mượn chiếc thuyền của
Phê-rô làm giảng đài và để bắt đầu câu chuyện gọi ông dấn thân cho sứ mệnh “lưới
người”. Sau bài giảng cho dân chúng
và cũng là cách mô tả sứ mệnh mà Chúa muốn gọi Phê-rô, Người cho ông thấy rõ khả
năng của ông và sự nâng đỡ của Người trong sứ mệnh ấy. Cũng như Người đã giúp cho ông đánh được mẻ
cá lạ lùng như thế nào, thì Người cũng sẽ luôn ở bên ông để giúp ông chu toàn sứ
mệnh rao giảng Tin Mừng cách tốt đẹp và thành quả như vậy. Đứng trước vẻ vĩ đại của Chúa, ông Phê-rô
nhìn vào thân phận nhỏ bé của mình và sợ hãi, không xứng đáng lãnh nhận bất cứ
điều gì Người muốn ở nơi ông. Nhưng Chúa
đáp lại thái độ của ông bằng một lệnh truyền:
“Đừng sợ, từ nay anh sẽ kẻ là đánh lưới người ta”. Sự thay đổi đã diễn ra hoàn toàn khi ông
Phê-rô “đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người”.
Bình thường Chúa không gọi chúng ta và trao cho một sứ mệnh
qua khung cảnh ngoạn mục như trường hợp ông Phê-rô. Việc Chúa gọi chúng ta thi hành một sứ mệnh
thường là một diễn trình chậm chạp, từ biến cố này sang một biến cố khác, từ
hoàn cảnh sống này tới hoàn cảnh sống kia, để chúng ta tìm hiểu và được chuẩn bị
dần dần. Chúng ta cứ nhìn vào việc một
thanh niên hay thiếu nữ trở thành linh mục, tu sĩ, nữ tu thì thấy điều ấy. Cụ thể hơn, chúng ta cũng nhìn vào một cuộc
hôn nhân sẽ thấy được hai người đã gặp nhau, tìm hiểu nhau, nuôi dưỡng tình
yêu, rồi tiến tới lãnh nhận sứ mệnh hôn nhân.
Nhưng khi lãnh nhận bất cứ sứ mệnh nào, người ta cũng gặp thấy mẫu số
chung, là thái độ sợ hãi của con người trước sứ mệnh, những lời hứa trợ giúp của
Chúa và việc họ “bỏ hết mọi sự”. Hãi sợ
là điều tự nhiên, vì đứng trước sứ mệnh chúng ta đều cảm thấy sức riêng chúng
ta không thể nào chu toàn được. Nhưng ơn
Chúa trợ lực lại là một lời hứa chắc chắn giúp chúng ta làm được điều tự mình
không làm nổi. Sau hết là chúng ta phải
bỏ lại tất cả những gì không phù hợp với sứ mệnh. Như thế, sứ mệnh không phải là riêng về một
phía, hoặc là Chúa trao sứ mệnh hoặc chúng ta lãnh nhận sứ mệnh. Nhưng đó là lời gọi từ Chúa mà đến và sự đáp
trả từ phía chúng ta. Lời gọi và đáp trả
không chỉ diễn ra trong một thời điểm, nhưng liên tục tất cả cuộc đời chúng
ta. Nghĩa là Chúa vẫn tiếp tục gọi
Phê-rô đánh lưới người và Phê-rô vẫn tiếp tục đáp lại lời gọi của Chúa bằng
cách dấn thân cho việc rao giảng Tin Mừng và phần rỗi các linh hồn, cho đến hơi
thở cuối cùng. Sứ mệnh của chúng ta cũng
vậy!
Sống sứ điệp Tin Mừng
Chúng ta đang sống sứ mệnh, nhưng chúng ta có thực sự ý thức
bậc sống hiện thời của mình là một “sứ mệnh” hay không. Nếu đang sống sứ mệnh hôn nhân, chúng ta hãy
sống sứ mệnh ấy bằng tình yêu và nâng đỡ nhau đích thực mà Chúa mời gọi hai người
cùng thực hiện. Nếu là sứ mệnh tu trì,
chúng ta sẽ yêu mến Chúa hết lòng, phục vụ Giáo Hội Chúa Ki-tô và các linh hồn. Nếu là sứ mệnh của người công nhân, chúng ta
hãy làm việc hết mình, làm sao cho công bằng với đồng lương chúng ta lãnh… Quan
trọng là chúng ta vẫn lắng nghe tiếng Chúa mời gọi mình chu toàn trách nhiệm và
làm hết sức mình để đáp lại những gì sứ mệnh ấy đòi hỏi.
Điều rất quan trọng là chúng ta có dám “bỏ hết mọi sự mà
theo Chúa” hay không? Và đâu là “mọi sự”
chúng ta cần phải bỏ lại? Tiền bạc, địa
vị, thú vui, những quyến rũ của trần gian…?
Để chỉ có Chúa là “phần gia nghiệp” của chúng ta!
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi