con
trai bà góa Nain sông lại
(Luca 7,11-17 – CN X TN - C)
1.- Ngữ cảnh
Sau
bài diễn từ trong đồng bằng, Đức Giêsu đi vào Caphácnaum. Tại đây Người chữa
lành một người nô lệ sắp chết (7,1-10). Do đó, ta có thể thấy có một sự
tiến triển từ truyện ấy đến truyện đọc hôm nay: ở 7,1-10, ta ghi nhận là tại
Caphácnaum, Đức Giêsu chữa lành một
người nô lệ “gần chết”; ở 7,11-17, tại Nain, Đức Giêsu cho một thanh niên, con một bà
góa, đã chết, được “trỗi dậy”.
Hai
dấu chỉ này lại không tách biệt với những gì đến sau: trong câu trả lời cho
những người được Gioan cử đến, Đức Giêsu gửi họ trở lại với những phép lạ cho
người chết sống lại (7,22). Như vậy, chức năng của hai truyện Caphácnaum và
Nain đã rõ: tác giả dùng để chuẩn bị cho câu hỏi về chân tính của Đức Giêsu và
câu trả lời của chính Người. Nhờ hai hành vi quyền lực này cũng như những cuộc
chữa lành khác (x. 7,21), Đức Giêsu có thể nói: anh em cứ nhìn xem những gì tôi
đã làm! Nhưng việc nếu người ta có thể nhận biết Người là bởi vì các phép lạ
đáp lại một sự chờ đợi này được gây nên bởi một lời hứa: trong
câu trả lời, Đức Giêsu nhắc lại bản văn Isaia
đã đọc tại hội đường Nadarét, cũng như những bản văn khác (x. Is 26,19; 29,18; 35,5-6; 61,1), để nói
lại lần nữa rằng trong tất cả những chuyện này, phải thấy là các lời ngôn sứ được
ứng nghiệm. Đàng khác, nếu rảo qua tất cả các xen nằm trong Lc 7,1–7,49, ta thấy rõ toàn khối có
tính thống nhất: từ đầu cho đến cuối chương 7 này, đề tài là tư cách ngôn sứ
của Đức Giêsu và những dấu chỉ cho phép nhận ra Người. Để thấy được diểm này,
ta có thể so sánh Lc 7,1-10 // 7,11-17; 7,18-23 // 7,24-28; 7,29-35 // 7,36-49.
2.- Bố cục
Bản
văn có thể chia thành ba phần:
1)
Giới thiệu các nhân vật (7,11-12);
2)
Hành động của Đức Giêsu (7,13-15);
3)
Phản ứng của dân chúng: ca ngợi và phổ biến (7,16-17).
3.- Vài điểm chú giải
- Nain (11): Một thành ở về phía nam Galilê, chỉ được nhắc
đến ở đây trong Kinh Thánh. Thành ở không xa Enđo về phía tây bắc của Nêbi
Đahi, một quả đồi ở giữa Ghinbôa và núi Tabo, cách Nadarét về phía tây nam vài
dặm.
- Bà đừng khóc nữa (13): Dạng mệnh lệnh
hiện tại có nghĩa là “Bà đừng tiếp tục khóc nữa!”. Đức Giêsu không ngăn cản nỗi
đau của một người mẹ, nhưng khuyên bà như thế là nhắm đến hành vi Người
sắp làm.
- ngôn sứ (16): Hẳn là sự kiện này nhắc nhớ đến sự
việc ngôn sứ Êlia cho người con một của bà góa Sarépta sống lại. Có thể so sánh
1 V 17,20 // Lc 7,12; 1 V 17,17.20 // Lc 7,12; 1 V 17,22 // Lc 7,15; 1 V 17,23 // Lc 7,15; 1 V 17,24 // Lc 7,16. Sau này chính tác giả Lc cho thấy đám đông coi Đức Giêsu là
Êlia của thời cuối cùng (9,18).
- Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người (16): Câu này nhắc lại
minh nhiên câu mở đầu và câu kết của bài Benedictus (1,68.78). Có lẽ tác
giả thấy trong cả hai trường hợp, có
việc ban tặng một người con: cho Dacaria và Êlisabét đã lâu vẫn xin có
được một con trai, và cho bà góa vừa mất đứa con một.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Giới thiệu các nhân vật (11-12)
Bài
tường thuật bắt đầu với việc giới thiệu các nhân vật qua hai bước (= hai thì).
Câu 11 cho thấy Đức Giêsu đang tiến về một thành gọi là Nain, có các môn
đệ và một đám đông cùng đi với Người. Còn c. 12 thì kể rằng khi Đức
Giêsu đến cửa thành thì gạp một người chết là con trai một, được đưa đi
chôn, mẹ của anh là một bà góa, và một đám đông đáng kể của thành
đi với bà.
Chúng
ta ghi nhận sự song đối: có hai đám đông, nhưng đi theo hai hướng đối ngược.
Đây là hai nhóm người không có gì chung cả: những người thuộc nhóm thứ nhất đi
theo một người có uy quyền, còn những người thuộc nhóm thứ hai đi theo một
người chết.
* Hành động của Đức Giêsu (13-15)
Chúng ta không biết gì
về tình cảm của cả hai nhóm. Nếu tác giả không ghi lại các tình cảm của những
người đi theo người chết cũng như phản ứng của các môn đệ nhằm lưu ý Đức Giêsu về
tình trạng bất hạnh của bà góa, thì không phải là vì ngài quên, nhưng ngài muốn
nêu bật kết quả: phần giới thiẹu ngắn gọn và hoàn toàn khách quan, bề ngoài, về
các nhân vật, nhằm giúp tập trung chú ý vào lòng thương cảm của Đức Giêsu:
Người là chủ ngữ của tất cả các động từ trong cc. 1-15: thấy, chạnh lòng
thương/đầy lòng tắc ẩn (splanchnizomai:
ruột gan quặn thắt), nói (với bà góa), lại gần, sờ, nói (với người chết), trao
anh ta cho bà mẹ. Cũng như trong truyện Dakêu (Lc 19,1tt), chính sáng kiến của Đức Giêsu gây ra sự cố: nếu Đức
Giêsu đi qua mà không dừng lại trước bà góa hoặc không ngỏ lời với ông trưởng
nhóm thu thuế, thì hẳn là chẳng một ai trong những nhân vật ấy đã được
nếm cảm niềm vui. Trong cả hai trường
hợp, lời Đức Giêsu nói cho thấy Người hiểu thấu trái tim con người hoặc
Người vén mở cho thấy dần dần căn tính của con người. Quả thật, chính Đức Giêsu
nói lên ý thức về nỗi phiền muộn của người phụ nữ: “Bà đừng khóc nữa!” (c. 13),
và về tuổi tác của người chết: một người thanh niên (c. 14)! Đặc biệt
lời Người nói có sức mạnh vô song, bởi vì tức khắc điều Người truyền đã xảy ra:
từ lời quyền năng của Người trào vọt ra mọi thay đổi tiếp đó. Ta ghi các lời
nói tuôn trào từ lời của Đức Giêsu: “Đức Giêsu nói: Hãy trỗi dậy! Người chết
liền … bắt đầu nói … Mọi người đều nói: Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện …
Lời này (logos) được đồn ra trong khắp cả miền Giuđê”. Tác giả đã đưa
chúng ta chuyển đi từ cái nhìn trên nhóm người đi đưa đám sang chú ý vào Đức
Giêsu bằng cách gọi Người là “Chúa” (kyrios, c. 13). Ngài không nói
trong tư cách là người tường thuật một sự kiện, một biến cố,
nhưng trong tư cách tín hữu. Đối với tác giả, chính chúa tể của sự sống và sự
chết đang ngỏ lời với bà góa. Có hai chi
tiết khiến ta nhờ đến bài thánh ca Benedictus:
Lòng trắc ẩn của Đức Giêsu (1,78: “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn”) và lời của
dân chúng: “Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (7,16; x. 1,68: “đã viếng thăm
cứu chuộc dân Người”). Từ đó, có thể nói: khi Đức Giêsu cứu chữa vì lòng trắc
ẩn, Thiên Chúa đã đến gặp dân Ngài. Chính dân
Cũng cần ghi nhận một
điểm nữa. Vừa giới thiệu xong hai nhóm, tác giả ghi nhận một hành
động của Đức Giêsu: “trông thấy bà, idơn autçn” (c. 13a). Không phải
người chết khiến Đức Giêsu phải động lòng thương, nhưng là người mẹ đang khóc.
Chính do ghi nhận này của tác giả mà người đọc hiểu rằng bà đang yêu thương và
đang đau khổ như chỉ một người mẹ mới có thể đau khổ, và chính nỗi đau
đớn này khiến trái tim của Đức Giêsu không chịu nổi. Chuyện người chết bắt đầu
nói cũng không quan trọng gì ở đây, vì điểm nhắm là người mẹ đau khổ như bản
văn nối tiếp cho thấy: c. 13a, “Chúa chạnh lòng thương bà”; c. 15b, “Đức Giêsu
trao anh ta cho bà mẹ”. Chúng ta ghi nhận rằng chủ ngữ của động từ “chạnh lòng
thương” là “Chúa” (trong phép lạ cho con gái ông Gia-ia sống lại, chủ ngữ luôn
là “Đức Giêsu”: 8,40.41.45.46.50): dường như tác giả muốn nêu bật tư cách Mêsia
của Đức Giêsu, hơn là chiến thắng của Người trên sự chết. Như vậy, việc cho
người con trai của bà góa sống lại được coi như một trong các kỳ công của Đấng
Mêsia, nhằm chứng thực cho sứ vụ của Đức Giêsu (x. Lc 7,19: Gioan sai các môn đệ đến hỏi “Chúa”). Tuy nhiên, cả hai
lần từ “Chúa” xuất hiện đều thuộc về người kể truyện. Lý do: tác giả muốn giữ
một khoảng cách so với tiếng nói của những người có mặt (các môn đệ và đám
đông), vì họ đang tung hô Người là “một vị ngôn sứ vĩ đại” (7,16). Tác giả vừa
duy trì ý kiến chung của mọi người coi Đức Giêsu là “ngôn sứ vĩ đại” (c. 17:
“Lời này về Đức Giêsu…”), vừa đưa vào một sự hiểu biết mới mẻ và đúng đắn hơn
về Đức Kitô.
Người phụ nữ trở thành
mẹ vào lúc bà đón nhận người con trai từ tay Đức Giêsu, khi bà đón lấy làm con
người thanh niên vừa nhận sự sống không phải từ bà nữa nhưng từ Đấng Tạo hóa:
từ cử chỉ của Đức Giêsu, cả bà lẫn chàng trai nhận được chân tính là mẹ và là
con. Tác giả vẫn không muốn nói về các tình cảm của bà mẹ, chẳng hạn hy vọng
trước khi phép lạ xảy ra và tri ân sau khi người con đã được trả lại vì ngài
chỉ nhắm làm cho mọi người biết rằng mọi chuyện đều được Đức Giêsu biết và làm
cho xảy ra.
* Phản ứng của dân chúng: ca ngợi và phổ biến
(16-17)
Tuy không nói gì về các
tâm tình của hai mẹ con, tác giả Lc
không làm cho ta nghĩ họ là những con người vô ơn: bản văn nhấn mạnh rằng “mọi
người” không ngoại lệ “tôn vinh Thiên Chúa” (c. 16), và cũng như ở Lc 19,7, tính từ “mọi / tất cả [người]”
(pantes) có một ngoại diên tối đa bao hàm cả người phụ nữ và
chàng trai.
Cho dù trong cc. 16-17,
Đức Giêsu không nói cũng không hành động nữa, Người vẫn hiện diện, hoặc thậm
chí hiện diện khắp nơi, bởi vì danh tiếng Người tràn lan ra đến tận biên cương
xứ Paléttina. Lời Người nói cũng như việc Người làm nay biện minh cho việc dân
chúng nhìn nhận Người là “ngôn sứ” như Êlia (1 V 17,17-24 LXX) của thời đại cuối cùng (x. Lc 9,18) và sự kiện danh tiếng Người được đồn thổi khắp nơi. Cuối
cùng, Thiên Chúa cũng được ca ngợi là “đã viếng thăm dân Người”. Câu 16c này rõ
ràng nhắc lại lời mở và kết của bài Benedictus (1,68.78). Việc Đức Giêsu
đi ngang qua được coi như là việc Thiên Chúa viếng thăm nhằm cứu độ dân Ngài.
+ Kết luận
Trong bài tường thuật
này, các hàng rào bị phá vỡ. Đức Giêsu chạm tới thi hài, ngược lại mọi luật lệ
về trong sạch (x. Ds 19,11-16). Nhưng
ở một độ sâu hơn nữa, Người triệt tiêu giới hạn giữa sự chết và sự sống, bằng
cách làm cho chàng trai sống lại và ban lại niềm hy vọng cho ai đã hoàn toàn
mất hy vọng. Thế rồi “lời” băng qua cổng thành và tràn lan khắp vùng. Ý nghĩa
của phép lạ có tính phổ quát: có một Đấng có thể làm cho người chết sống lại.
Việc triệt hạ các hàng rào mở ra một cửa sổ trên mầu nhiệm của Đấng, khi tỏ ra
thương xót và biểu lộ ơn cứu độ cho dân Người, được nhìn nhận là vị ngôn sứ vĩ
đại, đồng thời là Chúa tể của sự sống.
Bằng khả năng viết tài
ba, tác giả Lc đã tiến hành bằng cách
mô tả hai nhóm, rồi tập trung vào nhân vật chính là Đức Giêsu (phản ứng của
Người, sáng kiến, lời năng động và các hậu quả), rồi ngay sau đó trở lại với
nhóm đã được thống nhất (“mọi người”). Sự biến đổi không chỉ hệ tại việc đưa
chàng trai trở về cõi sống, hay trong việc một người mẹ mất con nhận lại
anh ta vẫn sống từ tay Chúa, nhưng còn trong sự kiện hai đám đông tách biệt nay
hiệp nhất với nhau mà ca ngợi tôn vinh Thiên Chúa.
Phần
các môn đệ, nếu các ông đã nhận ra Đức Giêsu là Đấng Mêsia của Thiên Chúa ,
điều này có nghĩa là Đức Giêsu đã làm những dấu chỉ cho phép các ông nhận ra
Người. Do đó, các môn đệ sẽ phải bước theo Thầy trên nẻo đường đưa tới cái chết
và cuộc tôn vinh, hầu cho hành vi nhận biết được nên thật.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Điểm quan trọng của bản văn không phải là
người chết hoặc cái chết, hoặc việc trở lại cõi sống, nhưng là sự kiện một người
mẹ, đã là góa bụa, lại vừa mất đứa con một và Đức Giêsu không chịu để
cho bà phải khóc lóc. Việc trở về cõi sống không phải là mục tiêu mà sáng kiến Đức
Giêsu nhắm tới. Hành động của Đức Giêsu đã kết thúc với một nhận xét
đẹp: “Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ” (c. 15). Chuyện người chết bắt đầu nói
cũng không quan trọng gì ở đây, vì điểm nhắm là người mẹ đau khổ như bản văn
nối tiếp cho thấy: c. 13a, “Chúa chạnh lòng thương bà”; c. 15b, “Đức Giêsu trao
anh ta cho bà mẹ”.
2. Chúng ta có thể suy ngẫm về lời và cử chỉ
của Đức Giêsu, một lời hết uy quyền
và một cử chỉ hết sức khả ái. Người đã gọi người chết trở về cõi
sống và trao anh ta cho bà mẹ. Trong tư cách là Đấng Tạo hóa, Người đã ban cho
anh sự sống rồi trao anh cho mẹ. Chính khi đó, người phụ nữ trở thành mẹ và
chàng trai trở lại làm con.
3. Sự hiện diện của Đức Giêsu giữa lòng nhân
loại chính là sự hiện diện của Thiên Chúa cứu độ. Sự hiện diện này không chỉ
đưa lại sự an ủi, khích lệ, mà còn đưa lại sự sống, khôi phục sự sống và kiến
tạo sự hiệp nhất. Chính những hiệu quả này giúp dân chúng nhận ra rằng Thiên
Chúa đã đến viếng thăm họ nơi “vị ngôn sứ vĩ đại” này. Đấy hẳn cũng phải là
điều các môn đệ của Đức Giêsu ở mọi thời phải chứng tỏ.
4. Lời đáp của đám đông mang dấu ấn là nỗi sợ
hãi và tâm tình tôn vinh Thiên Chúa. Đây là phản ứng tiêu biểu của con người
khi đứng trước sự biểu lộ của thế giới siêu việt, của Thiên Chúa (x. Lc 1,12.65; 2,9; 5,26), nỗi sợ hãi có
kèm theo việc tôn vinh Thiên Chúa (Lc
2,20; 5,26; 13,13; 17,15; 18,43; 23,47), dấu chứng tỏ có hiểu biết về Thiên
Chúa và đáp lại bằng lời cầu nguyện với mạc khải của Thiên Chúa.
Lm PX Vũ
Phan Long, ofm