CHÚA NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN
Liên hệ giữa tình yêu và tha thứ
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Lu-ca
7:36 – 8:3)
Để bênh vực hành động đúng của người khác, thường thì Chúa
Giê-su chỉ cần đưa ra một lý luận đanh thép.
Nhưng trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay, Chúa không chỉ giải quyết đơn
giản như vậy, mà Người còn dài dòng kể một dụ ngôn, rồi áp dụng dụ ngôn ấy vào
người phụ nữ đã xức dầu thơm lên chân Người.
Chúa bênh vực hành vi thống hối bằng nước mắt của người phụ nữ. Người nhìn nhận hành vi biểu lộ lòng yêu mến
bằng việc xức dầu thơm của chị ấy. Sau hết,
Chúa tuyên dương đức tin của một người tội lỗi trước mặt những người tự cho
mình là công chính. Tất cả những tình tiết
trong câu chuyện chứng tỏ rằng giữa tình yêu và tha thứ có một liên quan mật
thiết: được tha nhiều thì càng yêu mến
nhiều. Nói khác đi, lòng yêu mến là kết
quả phát sinh từ ý thức mình được tha thứ và là bằng cớ khẳng định lòng thương
xót của Chúa.
Chắc hẳn ông Pha-ri-sêu tên là Si-môn và các khách mời cảm
thấy khó chịu lắm khi bữa tiệc bị “phá đám” do sự xuất hiện của một người đàn
bà tội lỗi nổi tiếng trong thành. Hành động
của chị ta không thể chấp nhận được! Ai
đời bữa tiệc cần không khí tưng bừng trang trọng, thế mà chị ta xông vào, “đứng
đằng sau, sát chân Chúa mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người”! Lại nữa, chị ấy “lấy tóc mình mà lau, rồi hôn
chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên”!
Thái độ Chúa Giê-su chấp nhận những hành vi thống hối và tỏ lòng yêu mến
của chị ta có lẽ còn làm cho ông Pha-ri-sêu bực tức hơn. Ông lấy giá trị của “một người tội lỗi” để
đánh giá con người Chúa Giê-su: Nếu quả
thật ông này là ngôn sứ thì phải biết những gì đang xảy ra chứ! Đáng lẽ ông Si-môn phải lấy tội lỗi để đo lường
lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa thì mới đúng, bởi vì “Ở đâu tội lỗi càng
lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rô-ma 5:20).
Mục đích Chúa kể dụ ngôn hai con nợ được chủ tha nợ là để
giúp ông Si-môn ý thức chân lý nói trên.
Chúa muốn chính miệng ông nói lên chân lý này khi Người hỏi ông: “Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ
hơn?”. Ông Si-môn đáp: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều
hơn”. Chúa Giê-su khen: “Ông xét đúng lắm”. Nghĩa là Thiên Chúa đầy lòng thương xót tha
thứ cho chúng ta càng nhiều thì chúng ta có bổn phận càng phải yêu mến Người
hơn!
Thực ra đường đi nước bước của tình yêu và tha thứ diễn ra
như thế này: Trước hết, vì yêu thương
chúng ta trước, nên Thiên Chúa từ bi mới sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi chúng ta
qua cái chết của Con Một Người. Tiếp đến
là thái độ của chúng ta, khi nhận biết mình được tha thứ, chúng ta đáp lại tình
yêu và lòng thương xót của Chúa bằng cách yêu mến Người hơn, cố gắng sống như
con cái hiếu thảo không muốn làm cho cha mẹ phiền lòng.
Còn một điều thật cảm động trong câu chuyện Tin Mừng hôm
nay, đó là cách người phụ nữ tội lỗi biểu lộ lòng tin vào Chúa Giê-su. Chị ta “dám” tuyên xưng đức tin trước mặt nhiều
người, “dám” công khai cho người khác thấy
tình trạng tội lỗi của mình, “dám” khiêm nhường khóc và làm cử chỉ lấy tóc mình
lau chân Chúa, một cử chỉ ngay kẻ nô lệ cũng không làm cho chủ, “dám” lấy dầu
thơm đắt giá để xức… chân Chúa! Đó là một
đức tin được biểu lộ cách hùng hồn trước bao con mắt khinh dể của người khác.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Sứ điệp câu chuyện Tin Mừng hôm nay rõ ràng. Chúa Giê-su nói với ông Si-môn: “Tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều,
nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã
yêu mến nhiều”. Chị ta đã yêu mến nhiều
không phải là lý do để Chúa tha thứ rất
nhiều tội lỗi cho chị ta, nhưng là bằng
chứng chị ấy giúp cho chúng ta nhận ra được lượng từ bi hải hà của Chúa! Chúng ta không thể làm bất cứ điều gì để đáng
được Chúa tha thứ, nhưng sở dĩ Chúa tha thứ cho chúng ta bởi vì Người là Đấng
“giàu lòng thương xót” (Ê-phê-xô 2:4).
Trong Năm Đức tin, chúng ta có dám tuyên xưng đức tin như
người phụ nữ tội lỗi trong bài Tin Mừng hôm nay không? Có khi nào chúng ta nghĩ rằng mỗi khi đến với
bí tích Giải tội là chúng ta tuyên xưng tình yêu và lòng thương xót của Thiên
Chúa không? Mong câu chuyện Tin Mừng hôm
nay giúp chúng ta thêm can đảm!
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi