CHÚA NHẬT 12 THƯỜNG NIÊN
Đào tạo đức tin của người môn đệ
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Lu-ca
9:18-24)
Chúa Giê-su cố gắng thuyết phục người ta nhìn nhận sứ mệnh
của Người là được sai đến như Đấng Ki-tô của Thiên Chúa. Nhưng các nhà lãnh đạo tôn giáo thì luôn chống
đối ra mặt, còn dân chúng mỗi lúc một xa dần Người. Chỉ còn lại các môn đệ đi theo Người. Chúa sai các tông đồ đi rao giảng. Các ông trở về và còn được tham dự vào phép lạ Chúa khiến năm cái bánh và
hai con cá hóa nhiều để nuôi đám đông dân chúng. Đó là bối cảnh các tông đồ tuyên xưng đức tin
vào Chúa. Theo thánh sử Mát-thêu, chính
Chúa Cha đã mặc khải cho Phê-rô biết được Chúa Giê-su là “Đấng Ki-tô, Con Thiên
Chúa hằng sống”. Tin Chúa Giê-su là Đấng
Ki-tô của Thiên Chúa, đó là đức tin của người môn đệ Chúa Ki-tô. Đó cũng là đức tin cần phải được đào tạo và
thăng tiến trong cuộc sống. Việc đào tạo
và thăng tiến này được gồm tóm trong hai câu hỏi cần được trả lời: Đấng Ki-tô là ai, và thăng tiến đời sống đức
tin này như thế nào?
Để trả lời câu hỏi thứ nhất, Chúa Giê-su nói rõ về sứ mệnh
của Con Người, tức là Đấng Ki-tô: “Con
Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị
giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”.
Ai ai cũng tưởng rằng “Đấng Ki-tô” phải là một nhân vật có tài kinh bang
tế thế, một anh hùng có khả năng đánh đuổi ngoại xâm đế quốc Rô-ma để giành lại
độc lập. Cho nên khi Chúa Giê-su cho thấy
vai trò đích thực của Đấng Ki-tô, các môn đệ Người đã choáng váng và thất vọng. Thánh Mát-thêu viết rằng: “Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết…” Ông Phê-rô đã can ngăn Người đừng bó tay chịu
chết, vì ông thấy rõ Người có đầy đủ quyền năng Thiên Chúa ban cho. Nhưng Chúa Giê-su vẫn bắt đầu tỏ cho họ biết, bắt đầu một giai đoạn đào tạo đức tin quyết
liệt. Kể từ đây, Chúa Giê-su sẽ đặc biệt
dạy dỗ nhóm nhỏ này và rèn luyện đức tin của họ. Tuy sách Tin Mừng không kể lại chi tiết việc
rèn luyện này, nhưng chúng ta có thể hiểu rằng Chúa Giê-su sẽ sửa sai tất cả những
ý nghĩ hoặc hình ảnh sai lầm về Đấng Ki-tô mà các môn đệ đã có. Thay vì là một đấng ki-tô của trần thế, Chúa
Giê-su là Đấng Ki-tô “của Thiên Chúa”. Con
đường Đấng Ki-tô đi không phải là danh vọng và chiến thắng vật chất, nhưng là
con đường của Thương Khó, cái chết và chiến thắng tội lỗi. Nếu đọc Tin Mừng Mác-cô, chúng ta sẽ thấy rõ
những giáo huấn của Chúa về việc làm môn đệ phản ánh vai trò của Đấng
Ki-tô: tinh thần hy sinh, tinh thần phục
vụ và tránh óc bè phái.
Đức tin vào Đấng Ki-tô không phải chỉ là biết về chân tính của Người, mà còn phải
được tuyên xưng và sống bằng hành động
“theo Chúa”. Theo Chúa là cách tuyên
xưng Người là Đấng nào, đồng thời cũng biểu lộ quyết tâm sống theo con đường và
lối sống của Người. Con đường theo Chúa
đã được chính Người phác họa: là “từ bỏ
chính mình, vác thập giá mình hằng ngày”.
Khi người môn đệ từ bỏ mình và vác thập giá thì đúng là họ đang “liều mạng”
để cứu mạng sống mình. Nghịch lý liều mạng
không phải là khó hiểu. Nghĩa là mình biến
đổi cuộc sống mình, để cho con người cũ tội lỗi mất dần đi và chúng ta sẽ có một
con người mới, tức là người môn đệ chân chính và có đời sống đức tin sống động
vào Chúa Ki-tô.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Chúng ta đang sống trong Năm Đức tin. Tái khám phá đức tin theo như Tông huấn “Cửa
Đức tin” kêu gọi, chính là đúng đắn trả lời cho câu hỏi của Chúa Giê-su: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Cuộc tái khám phá này bắt đầu bằng việc hoán
cải, “trở về với Chúa là Đấng duy nhất cứu độ thế giới” (Cửa Đức tin, 6), rồi
“sống đức tin với cảm nghiệm về tình yêu đã nhận lãnh” từ Chúa Ki-tô, và “ không
ngừng buông mình vào vòng tay của một tình yêu dường như lớn lao thêm mãi, bởi
tình yêu ấy phát xuất từ Thiên Chúa (số 7).
Trong tiến trình đào tạo đức tin của người môn đệ Chúa,
chúng ta có để cho nguyên tắc liều mất mạng vì Chúa thực hiện một cuộc biến đổi
tâm hồn giúp chúng ta trở nên giống Chúa mỗi ngày một hơn không? Chúng ta có đáp lại lời Chúa mời gọi, “yêu mến
Thầy hơn những người khác” không? Với
các thông tin về giáo lý, chúng ta biết Chúa bằng trí óc, nhưng với tình yêu nồng
nàn, chúng ta một có được một đức tin sống động. Lm. Đa-minh Trần đình Nhi