CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN

Đường lên Giê-ru-sa-lem

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 9:51-62)

          Đi một ngày đàng học một sàng khôn.  Con đường từ Ga-li-lê lên Giê-ru-sa-lem đi bộ trung bình cũng mất cả tuần lễ.  Chúa Giê-su dẫn các môn đệ đi lên thánh đô, vì Người sắp hoàn thành sứ mệnh cứu chuộc tại đây và cũng để chuẩn bị cho các ông tiếp tục sứ mệnh của Người.  Do đó, có biết bao điều họ phải học hỏi trong những ngày đàng cùng đi với Chúa, nhưng đầu óc mê muội của họ liệu có thâu nhận được những “sàng khôn” Chúa dạy nếu không có Thánh Thần trợ giúp họ?  Bài học hôm nay họ học là đi theo Thầy.

          Bài học đầu tiên rút từ tấm gương của chính Thầy Ki-tô, là “Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem”.  Được rước lên trời là cách nói ám chỉ cuộc Thương Khó Chúa Giê-su phải chịu khi Người xuất hành về với Chúa Cha.  Chúa Giê-su vì lòng yêu mến Chúa Cha và nhân loại, đã quyết tâm chấp nhận đau khổ và cái chết ô nhục để giải phóng loài người khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết.  Người muốn các môn đệ cũng phải quyết tâm hy sinh chấp nhận đau khổ thiệt thòi để mưu ích cho tha nhân.

          Trong hành trình, Chúa và các môn đệ phải đi ngang qua miền Sa-ma-ri là đất của những người thù nghịch với dân Do-thái.  Dân trong một làng ở miền này không đón tiếp Chúa, nên các môn đệ nổi giận và họ muốn “khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó”!  Lại một bài học khác:  Thầy trò đi sang làng khác.  Sứ mệnh của Chúa là cứu độ, chứ không phải hủy diệt.  Môn đệ Chúa phải là những người gieo rắc yêu thương và biểu hiện tình yêu của Thiên Chúa.

          Tiếp đến là ba bài học về thái độ sẵn sàng đi theo Chúa, rút ra từ kinh nghiệm của ba người đến xin làm môn đệ Chúa.  Muốn đi theo Chúa, điều thứ nhất người ta phải sẵn sàng là “Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”.  Thầy làm gì có chỗ tựa đầu!  Thầy không có nhà lầu xe hơi, không có chương mục trong nhà băng.  Nơi Thầy đi không phải những chỗ sang trọng, nhưng là nơi của những người cần sự giúp đỡ ủi an.  Nơi cuối cùng của Thầy là thập giá, nơi Thầy hoàn tất sứ mệnh và trút hơi thở cuối cùng.  Thầy chỉ có một chỗ tựa đầu duy nhất là tình yêu của Chúa Cha.  Điều sẵn sàng thứ hai là phải chọn ưu tiên “đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa”.  Người kế tiếp đến xin làm môn đệ muốn xin phép Thầy cho anh ta về nhà chôn cất cha anh trước.  Dĩ nhiên đây là việc hiếu thảo nên làm.  Nhưng việc đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa có tầm quan trọng ưu tiên hơn.  Do đó chúng ta phải “chọn phần tốt nhất” (Lu-ca 10:42).  Sau hết là một người muốn xin Thầy cho anh trở về từ biệt gia đình.  Thầy dạy “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa”.  Khi ông Ê-li-sa xin ngôn sứ Ê-li-a cho phép mình về từ biệt cha mẹ (1 Vua 19:19-21), ngôn sứ chấp thuận.  Còn Thầy Giê-su thì đòi hỏi người ta tuyệt đối phải đem tất cả tâm huyết dành cho việc xây dựng Nước Thiên Chúa.  Thầy đã yêu mến Thiên Chúa và nhân loại tới cùng, nên Thầy cũng đòi hỏi môn đệ phải dành trọn trái tim cho công việc của Thiên Chúa.

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Chúng ta không có diễm phúc như các môn đệ ngày xưa được đồng hành với Chúa trên đường lên Giê-ru-sa-lem, nhưng chúng ta lại may mắn hơn họ vì được đồng hành với Chúa qua Kinh Thánh.  Khi đọc và suy niệm Kinh Thánh, nhất là sách Tin Mừng, chúng ta có thể sống lại khung cảnh của Chúa ngày xưa, lắng nghe Chúa nói với chúng ta và chuyện trò thân mật với Người.  Những bài học Chúa dạy trên đường lên Giê-ru-sa-lem vẫn còn sống động và đầy thách đố.  Quý giá hơn cả những bài học ấy, đó là việc Chúa Ki-tô đã giải thoát chúng ta để chúng ta được tự do (Ga-lát 5:1).  Tuy nhiên mục đích của tự do không phải để chúng ta sống theo xác thịt (c. 13), mà là để có thể dễ dàng đi theo Chúa và làm môn đệ Người.  Chúa mời chúng ta nhìn vào tấm gương của Người, là phải quyết tâm chấp nhận hy sinh, yêu thương cả kẻ thù và sẵn sàng từ bỏ mọi sự vì Nước Trời.  Bài học chúng ta không học bằng trí óc, nhưng bằng con tim, nghĩa là sống trong tương quan mật thiết với Chúa, để đáp lại lời gọi:  “Anh hãy theo tôi!”

 

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C