Sứ mạng của người môn đệ
(Chúa Nhật 14 Thường Niên C)

Jos.Vinc. Ngọc Biển

Đức Giêsu được Chúa Cha sai xuống trần gian để thực thi sứ vụ loan báo về Nước Trời và mời gọi mọi người tin để được cứu độ. Vì thế, đây chính là mối bận tâm hàng đầu của Ngài. Mối ưu tư đó được thể hiện rất rõ qua bài Tin Mừng hôm nay, khi thầy trò đang đi qua cánh đồng; “tức cảnh sinh tình”, Ngài nhìn các môn đệ và chỉ ra đồng lúa đã chín vàng rồi cất tiếng nói: “Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít. Vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt lúa về.” (Lc 10,2). Ngay sau đó, Đức Giêsu đã sai 72 môn đệ đi rao giảng Tin Mừng.


1. Sứ mạng tông đồ

Trong thời Cựu Ước, sứ mạng này thuộc về các ngôn sứ, thủ lãnh và các vua chúa. Các ngài là những trung gian để nói lời của Thiên Chúa cho dân; đồng thời cũng là những người chuyển cầu lên Chúa những nhu cầu của dân…

Thật vậy, Bài đọc I hôm nay cho chúng ta thấy: Tiên tri Isaia loan báo cho dân về một giai đoạn tự do. Dân không còn bị lệ thuộc trong thân phận nô lệ bên Babylon nữa, bởi vì vua Ba Tư đã ký và cho phép dân Israel hồi hương, kết thúc giai đoạn lưu đày. Tuy nhiên, lòng dân vẫn chưa thấy bình an, nỗi lo vẫn còn đó...! Biết được sự trăn trở của họ, Tiên tri Isaia đã trấn an họ bằng việc loan báo Chúa sẽ ban bình an và vinh quang cho Giêrusalem. Bổn phận của họ là kiên trì và tin tưởng vào Người. Cuối cùng là lời hứa cho những ai đặt trọn niềm cậy trông nơi Chúa, họ sẽ được no nê, sung sướng, bình an, được vỗ về, an ủi và nâng niu. Giống như người mẹ yêu thương con mình thế nào, Thiên Chúa cũng yêu thương dân của Người như vậy.

Sang Bài đọc II, Thánh Phaolô nêu lên cốt lõi của niềm tin và lời rao giảng nơi người môn đệ chính là Mầu nhiệm Thập Giá của Đức Kitô. 

Nếu thành Giêrusalem trong thời Cựu Ước là niềm hy vọng, là sự bình an của dân Israel, thì sang thời Tân Ước, chính thập giá của Đức Kitô mới đem lại ơn cứu độ thực sự cho dân Ngài. 

Thật vậy, Thánh Phaolô đã mạnh dạn tuyên bố niềm xác tín đó của mình khi nói: “Trong khi người Dothái đòi dấu lạ, và người Hylạp tìm sự khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô đã bị đóng đinh vào thập giá, cớ vấp phạm cho người Dothái, sự điên rồ đối với người dân ngoại (Hylạp).” (1 Cr 1,22-23).

Không chỉ nói, mà cả cuộc đời của ngài diễn tả niềm vui vì được kết hợp với Chúa Giêsu chịu đóng đinh: “Đối với tôi, không một vinh quang nào khác ngoài vinh quang thập giá Đức Kitô.”

Như vậy, nội dung của lời rao giảng nơi Thánh Phaolô chính là Thập giá Đức Kitô. Lời loan báo này đi ngược lại với lối hiểu và niềm hy vọng của con người, cho nên khi thi hành sứ mạng ấy, người môn đệ không thể nào tránh khỏi những cám dỗ về quyền hành, tiền bạc và danh vọng; đồng thời những khó khăn về địa lý, về tâm thức, cũng như bị chống đối vì hiểu lầm, bị bắt bớ và đe doạ cả đến tính mạng là điều luôn luôn xảy ra đối với đời sống tông đồ. Người môn đệ Đức Kitô muốn thoát ra khỏi những thứ đó để vẫn rao giảng cách trung thành và toàn diện về một Đức Kitô là Đấng cứu độ duy nhất thì phải có một tinh thần tông đồ sâu sắc. 

2. Tinh thần tông đồ

Sang bài Tin Mừng, khi đã gợi hứng cho các môn đệ về sứ vụ loan báo Tin Mừng qua hình ảnh cánh đồng lúa chín vàng, trước hết, Đức Giêsu bắt đầu sai họ ra đi để thu hoạch cho Ngài. Ngài sai “cứ từng hai người” một. Khi sai các môn đệ đi từng hai người một, Đức Giêsu muốn cho các ông hiểu rằng: khi loan báo về Nước Trời, thì trước tiên phải có sự hiệp thông; mặt khác, khi sai các ông đi từng cặp như vậy, Đức Giêsu trang bị cho các ông một điểm tựa, điểm tựa ấy là sự thật, bởi vì lời chứng của hai người là sự thật.

Khi đồng tâm nhất trí với nhau trong cùng một lời nói, cùng chia sẻ với nhau trong cùng một nội dung của lời giảng, người môn đệ đem lại cho con người niềm hy vọng. Niềm hy vọng này bắt nguồn từ truyền thống của dân Israel thời Cựu Ước. 

Thứ đến, Đức Giêsu tiên báo cho các môn đệ thấy trước những khó khăn thử thách, những rào cản trên cuộc hành trình ấy: “Thầy sai các con đi như chiên con đi giữa bầy sói.” (Lc 10,3). Ngài nói trước những khó khăn như vậy để cho các ông thấy rằng, trong khi loan báo về Nước Trời, không thiếu những kẻ không muốn vào mà lại còn tìm cách ngăn cản không cho những người khác được vào và khi ấy họ sẽ tìm cách triệt hạ những người được mời gọi. Chiên thì hiền lành mà sói thì hung dữ. Cuộc sống và hành trình này không phải lúc nào cũng xuôi trèo mát mái, mà luôn gặp phải những bão táp cuồng phong. Khi đưa ra hình ảnh của “chiên” và “sói”, Đức Giêsu muốn dạy cho người môn đệ bài học về sự kiên trì, chịu đựng, và trong mọi hoàn cảnh họ phải sống đúng bản chất của mình là “chiên” chứ không phải là “sói”, để yêu thương ngay cả kẻ thù của mình nữa.

Tiếp theo, tinh thần siêu thoát nhẹ nhàng là hành trang của người môn đệ. Trên hành trình ấy, Đức Giêsu không chấp nhận người môn đệ mang những thứ cồng kềnh. Bởi vì những thứ đó sẽ làm cho người môn đệ sinh ra nặng nề và đôi khi bỏ cuộc chỉ vì những chuyện phụ thuộc như “củ hành củ tỏi”.  Vì thế, Ngài nói:“Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép...”.  Các môn đệ phải sống nghèo thực sự. Có sống nghèo, các ngài mới có sự cảm thông, liên đới, mới dám chấp nhận tất cả vì sứ mạng.

Hơn nữa, loan báo về Nước Trời phải là một sự cần kíp, cấp bách đến độ phải ưu tiên hàng đầu. Vì thế, Đức Giêsu căn dặn các ông rằng “đừng chào hỏi ai dọc đường”. Ngài sai các ông lên đường với một mệnh lệnh khẩn trương, đòi hỏi người môn đệ phải nhanh nhẹn. Khi truyền cho các ông như thế, Đức Giêsu muốn dạy các ông rằng: khi loan báo Tin Mừng, không được quan tâm đến những chuyện bên lề quá nhiều để rồi quên đi việc chính yếu.


Cuối cùng, là tinh thần kiên nhẫn. Phải chăng chính Đức Giêsu đã cảm nghiệm sâu sắc khi người dân quê của Ngài nói: ông ấy chẳng phải là con bà Maria hay sao, cha ông ta lại không phải là bác thợ mộc…? Rồi biết bao những chống đối, ngờ vực, không tin, bị bắt bớ, đánh đòn nữa… Vì vậy, Ngài nói: “Vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón…”. Chúa muốn dạy cho các ông phải có tinh thần kiên trì, chịu đựng, không được nóng vội.

Như vậy, Đức Giêsu căn dặn, cảnh báo cho các ông tất cả những đức tính cần phải có nơi người môn đệ, đồng thời những khó khăn các ông sẽ gặp trên hành trình loan báo ấy, rồi đến lượt chúng ta, chúng ta loan báo bằng cách nào?

3. Sứ mạng tông đồ của mỗi chúng ta

Khi sai 72 môn đệ đi loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu muốn cho mỗi người chúng ta được tham dự vào sứ mạng ngôn sứ phổ quát của Ngài. Sứ mạng ấy được khởi đi từ lệnh truyền của Đức Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15). Từ đó, chúng ta xác định căn tính truyền giáo thuộc về chúng ta. Bao lâu chúng ta không truyền giáo, thì bấy lâu ta đánh mất bản chất của mình. Nói như Thánh Phaolô: “Khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng.” (1 Cr 9,16). Nỗi lòng thao thức của Đức Giêsu - “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít…” - phải là lời chất vấn lương tâm mỗi chúng ta. Là Kitô hữu, chúng ta cùng đồng lòng và cảm nghiệm với Đức Giêsu trước những cánh đồng bao la đang độ chín vàng… Tham gia vào sứ mạng truyền giáo là chúng ta đang đóng góp cho Giáo Hội những viên gạch, hạt cát để xây nên tòa nhà Giáo Hội, nơi đó là niềm vui, hạnh phúc và bình an. 


4. Cách thức loan báo Tin Mừng 

Thiết nghĩ, trong cuộc sống của con người thời nay, niềm tin của họ đang bị đánh cắp hay bị đặt sai chỗ bởi những chủ thuyết tương đối, dẫn đến tình trạng bình thường hoá mọi mặt, kể cả những giá trị đạo đức, những chân lý đức tin. Đứng trước thực trạng trên, chúng ta có bổn phận phải trở nên ánh sáng cho trần gian và muối ướp cho đời.

Nếu muối có tác dụng làm tăng vị cho thức ăn, ướp cho khỏi hư thối, thì người Kitô hữu cũng phải có bổn phận trở nên chứng nhân của sự thật, một sự thật sẵn sàng sống chết để bảo vệ cho chân lý. 

Nếu ánh sáng để soi sáng cho người ta đi đường và giúp tìm ra những thứ ở trong bóng tối thế nào, thì người Kitô hữu truyền giáo cũng phải trở nên ánh sáng, gương mẫu cho mọi người như vậy. 

Sứ mạng truyền giáo ấy khởi đi từ trong gia đình: chồng làm chứng cho vợ, vợ làm chứng cho chồng. Cha mẹ nêu gương sáng cho con cái. Bạn bè sống tốt với nhau trong môi trường, công ty xí nghiệp. Hàng xóm láng giềng ăn ở hài hoà, sẵn sàng giúp đỡ nhau những lúc cần kíp…

Khi sống đời chứng tá bằng những giá trị Tin Mừng như thế, chúng ta sẽ gặp không ít những khó khăn, thử thách trong đời sống. Không thiếu gì những cám dỗ làm cho muối ra nhạt, ánh sáng bị lu mờ. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn luôn nhớ mình thuộc về Đức Kitô, có tránh nhiệm mang Ánh Sáng ấy soi sáng thiên hạ. 

Có thế, chúng ta mới được coi là xứng đáng đón nhận phần thưởng của Chúa trao ban cho những ai đã cùng Ngài để quy tụ muôn dân về một mối là Nước Trời: “Hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi Trên Trời.”

Lạy Chúa, còn biết bao nhiêu người chưa nhận biết Chúa, biết bao nhiêu con chiên lạc chưa được đưa về ràn. Xin Chúa ban cho những người con của Chúa luôn sẵn sàng, hăng say loan báo Tin Mừng cho những người chưa nhận biết Chúa. Ước gì mọi người con của Chúa trên trần gian này đều được quy tu thành một ràn chiên duy nhất, dưới sự lãnh đạo của Vị Mục Tử Tối Cao là chính Chúa. Amen. 

 

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C