YÊU THƯƠNG MỌI NGƯỜI
Linh mục Giuse Nguyễn
Hưng Lợi DCCT
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG
NIÊN, năm C
Lc 10, 25-37
Lẽ ở đời hễ ai thương mình, thì mình thương
lại, ai ghét mình thì mình ghét lại hoặc nếu không ghét họ, mình cũng chẳng mặn
mà gì với người ghét mình.Đối với người Kitô hữu lại khác, họ yêu thương Thiên
Chúa như một người Cha và yêu thương kẻ khác như anh em. Tuy nhiên, tình yêu
đối với người khác cần phải đi xa tới đâu, cần phải trải rộng tới đâu ? Người
thông luật trong đoạn Tin Mừng Lc 6, 25-37, hỏi Đức Giêsu :” Ai là người thân
cận của tôi ? “.Chúa Giêsu không trả lời với Ông trực tiếp câu hỏi Ông nêu
nhưng Ngài lấy dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu để trả lời cho Ông và cho hết
mọi người :” Tình thương đó phải trải rộng đến tất cả mọi người, không phân
biệt chủng tộc, mầu da, ngôn ngữ vv…”. Điều này cho thấy, giới răn mới, giới
răn bác ái yêu thương là giới răn Chúa Giêsu đem lại hoàn toàn mới mẻ cho nhân
loại…
Câu chuyện Đức Giêsu đem ra để trả lời cho
người thông luật đồng thời Ngài đặt câu hỏi :” Vậy ai là người thân cận của kẻ
bị cướp ?”. Người thông luật trả lời :” Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót
“. Đức Giêsu bảo Ông:” …Hãy đi, và cũng hãy làm như vậy “ ( Lc 10, 37 ).Người
Samaritanô nhân hậu đã thực thi đức ái một cách tuyệt vời. Ông đã không chỉ nói
đầu môi chóp lưỡi, và đã không chỉ nói cho qua lệ, cho qua loa rồi thôi, nhưng
thực tế, Ông đã nói và đã làm. Hành đồng của người Samaritanô nhân hậu hoàn
toàn khác với các vị thông luật, Pharisêu, luật sĩ vv…Các vị này nói mà không
làm. Ngôn hành của họ bất nhất.Chắc chắn Đạo Do Thái đã qui định tình yêu
thương đối với người khác. Nhưng các vị này vì quá tỉ mỉ, chi li nên đã giới
hạn tình yêu thương đối với kẻ khác, cố bóp méo quan niệm về tình yêu thương
đó. Chúa Giêsu qua dụ ngôn này đã phá tung rào cản mà những Kinh sư, Luật sĩ,
Pharisêu đã núp để khỏi sống theo những đòi hỏi của luật bác ái. Ở đây, chúng
ta thấy thầy tư tế và thầy Lêvi “tránh qua bên kia mà đi “ khi đối diện với
người bị nạn. Sở dĩ hai thầy này có thái độ đó là vì các thầy sợ nhiễm trùng,
sợ ô uế khi đụng vào xác chết, sợ bọn cướp, sợ phiền hà, liên lụy tới bản thân
vv…Còn người Samaritanô dù không đồng đạo, dù không phải là chức sắc, chức việc
tôn giáo, nhưng ông đã biết dừng lại để làm cái điều mà tiếng lương tâm thôi
thúc, đòi buộc.Ông đã biết làm một điều mà thầy tư tế và thầy Lêvi, những chức
sắc cao cấp của Đạo Do Thái, những người chỉ biết nói trên đầu môi chóp lưỡi,
nhưng thực tế lại sống xa đức bác ái, đức thương yêu…Hành động, cử chỉ của
người Samaritanô nhân hậu thật cao quí biết bao bởi vì Ông đã vượt qua giới hạn
mà các thầy tư tế, các thầy Lêvi phải làm nhưng đã không làm. Vâng, người
Samaritanô đã trở nên bạn với người bị nạn. Bởi vì, tất cả đều có thể trở nên
anh em với nhau khi người này người kia biết cảm thông, giúp đỡ và yêu thương
nhau. Thầy tư tế và thầy Lêvi thực sự đã sống hoàn toàn xa lạ, không trở nên
bạn, không trở thành anh em với người khác. Người Samaritanô tốt lành đã trở
nên anh em với người bị nạn.
Chính vì thế, chúng ta có thể hiểu được rằng
yêu thương không phải là cho đi một cái gì, nhưng là yêu thương với tất cả con
tim, biết hy sinh, từ bỏ, cảm thông, tha thứ, quên mình, hiến thân phục vụ tha
nhân. Chúa đã làm gương hy sinh, từ bỏ, hiến thân cho nhân loại :” Không có
tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu “
( Ga 15, 13 ). Con người phải biết hy sinh, từ bỏ và hiến mạng sống, bản thân
để phục vụ mới có giá trị. Vì con người càng ích kỷ, hẹp hòi, càng tìm bản thân
mình, càng đánh mất chính mình. Nên, con người chỉ là người khi họ dám hy sinh
cho người khác. Biết bao gương của các thánh đã minh chứng hy sinh cho người
khác sẽ nhận lại được nhiều, càng cho đi càng nhận lãnh. Chân phước Têrêsa
Calcutta và các nữ tu bác ái của Mẹ đã hy sinh biết bao cho người khác. Nhiều
vị thánh đã hy sinh cả cuộc đời để phục vụ và đem hạnh phúc cho kẻ khác. Do đó,
họ cho đi và họ lại nhận lãnh được nhiều.
Người Kitô hữu phải thể hiện cuộc sống của mình
theo gương Chúa Giêsu. Đạo Công giáo là Đạo tình thương. Mọi Kitô hữu đều phải
sống tình thương bằng những việc làm tỏa sáng, nếu không họ chỉ là những Kitô
hữu giả hiệu.Thánh Gioan đã định nghĩa :” Thiên Chúa là Tình Yêu “. Nên, người
môn đệ Chúa phải bắt chước Chúa sống tình yêu bằng những việc bác ái, hy sinh.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nêu gương cho chúng con
bằng chính sự từ bỏ, bằng chính sự hiến mình trên thập giá.Xin cho chúng con
hiểu được rằng Đạo của Chúa thiết lập là Đạo tình thương, cốt lõi của Đạo là
tình thương.Xin cho chúng con luôn biết đón nhận, yêu thương mọi người, đừng để
chúng con chỉ biết nghĩ đến lợi ích của chúng con mà quên những anh chị em đang
sống xung quanh, họ rất cần đến bàn tay góp sức của chúng con. Amen.
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :
1.Dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu nói gì cho
chúng ta ?
2.Đạo Công giáo là
gì ?