Lắng nghe Lời Chúa là điều tốt nhất
(Suy niệm Chúa Nhật
XVI Thường Niên, Năm C)
Jos. Vinc. Ngọc Biển
Trong truyền thống Việt
Nam, văn hoá ứng xử qua việc giao tiếp là quan trọng, điều này đã được cha ông
chúng ta rất đề cao. Qua việc đón tiếp khách, người ta đánh giá được sự hiếu
khách hay không của gia chủ; đồng thời nó cũng thể hiện sự văn minh và nền giáo
dục của gia đình đó như thế nào.
Bài Tin Mừng hôm nay
trình thuật cho chúng ta thấy việc Đức Giêsu ghé thăm gia đình của Martha. Nơi
đây, Ngài nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt của của hai chị em Martha và Maria.
Hai cách đón tiếp khác nhau, nhưng đều thể hiện sự kính trọng, yêu mến mà hai
cô dành cho Đức Giêsu. Tuy nhiên, kết quả lại khác nhau, bởi vì hệ tại ở hành
vi lựa chọn.
1. Cuộc
đời là một sự lựa chọn không ngừng
Kinh nghiệm trong cuộc
sống cho chúng ta thấy: có rất nhiều điều cần phải “lựa” và “chọn”. Khi còn
nhỏ, cha mẹ lựa chọn cho con cái trường nào tốt để gửi con vào học; khi lớn lên
một chút, ta lựa chọn bạn để chơi, lựa chọn thầy để học, lựa chọn nghề để mưu
sinh, lựa chọn người yêu để cưới… Như vậy, có lẽ trong cuộc đời, chỉ có lần
sinh ra và chết đi là ta không có quyền chọn lựa mà thôi, còn mọi trường hợp đều
đòi ta phải có sự chọn lựa.
Có những lựa chọn tích
cực và những lựa chọn tiêu cực. “Lựa chọn” trong đời thường là lọc ra những thứ
không cần thiết và chọn cho mình những thứ cần dùng. Còn “lựa chọn” theo Kinh
Thánh là nghe theo tiếng Chúa và thi hành.
Thật vậy, có biết bao
điều cần phải lựa chọn. Lựa chọn cái tốt, tốt vừa, tốt hơn, hay tốt nhất? Đây
chính là điều đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ, đắn đo trước khi chọn.
Mỗi sự chọn lựa đều có
giá của nó, và ta phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về chính ta qua sự chọn lựa
của mình. Nếu lựa chọn đúng thì sẽ đem lại hạnh phục. Lựa chọn sai thì sẽ dẫn
đến sự bất hạnh. Chọn lựa được coi là “đích đến” và “bánh lái” cho cuộc đời nếu
lựa chọn đó là tốt, là đúng. Còn nếu lựa chọn sai thì sẽ bị tác dụng ngược lại.
Lựa chọn là khởi đầu của một hành trình, thì sống sự lựa chọn đó là đi về đích
điểm. Thật hạnh phúc cho những ai biết quyết định và lựa chọn đúng với thánh ý
của Thiên Chúa.
Hôm nay, bài Tin Mừng cho
chúng ta thấy: Martha lựa chọn phục vụ Chúa qua việc nấu nướng để thiết đãi
Chúa một bữa ăn thịnh soạn. Maria thì lựa chọn việc ngồi để lắng nghe Chúa nói.
Đây là tư thế và thái độ của người môn đệ trước vị tôn sư của mình… Nếu Martha
thể hiện lòng kính trọng và yêu mến Chúa qua việc nấu ăn, thì Maria cùng một
lòng kính trọng và tình yêu mến Chúa như Martha, nhưng Maria thì thể hiện cách
khác là lắng nghe Lời Chúa. Hai công việc đều phát xuất từ lòng mến và được
khởi đi từ sự kính trọng. Hai thái độ đều tốt. Một bề ngoài, một bề trong.
Nhưng giá trị thì lại khác nhau. Hôm nay Chúa khen và nói Maria đã chọn phần
tốt nhất, còn Martha có thể đã chọn phần tốt hoặc tốt hơn chứ chưa phải là tốt
nhất
2. Lắng
nghe lời Chúa là điều tốt nhất
Thật vậy, lắng nghe Lời
Chúa và đem ra thực hành phải là điều quan trọng nhất bởi vì: mọi sự sẽ qua đi,
nhưng Lời Chúa vẫn luôn tồn tại.
Trong Cựu Ước, Chúa
phán: “Giả như ngươi lưu ý đến mệnh lệnh của Ta, thì sự bình an của
ngươi chan chứa như dòng sông, sự công chính của ngươi sẽ dạt dào như sóng
biển, tên của ngươi sẽ chẳng bao giờ bị huỷ diệt, chẳng bao giờ bị xoá bỏ khỏi
mắt Ta” (Is 48,18-19b).
Sang thời Tân Ước, Kinh Thánh đã ca ngợi Mẹ Maria là người luôn suy đi nghĩ lại
Lời Chúa trong lòng (x. Lc 2,19.51). Vì thế, Đức Giêsu đã khen Mẹ trước mặt mọi
người: “Mẹ và anh em tôi chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem
ra thực hành” (Lc 8,21). “… Lời ấy chính là Tin Mừng đã được
rao giảng cho anh em”(1 Pr 1, 25; x. Is 40, 8). Lời ấy chính là Đức
Kitô.
Trong cuốn Đắc nhân tâm,
bà Carnegie đã viết: “Cách làm cho khách vui lòng nhất là lắng nghe
khách nói, lắng nghe ước muốn, nguyện vọng, tâm tư của người khác. Như
vậy, tỏ ra mình kính trọng, quan tâm đến người để hiểu biết, thông cảm, chia sẻ
những tâm tình, những kiến thức, những yêu cầu thiết thực của người, quí hơn cả
cơm ăn, áo mặc”.
Quả thật, thái độ của
Maria thật thích hợp để làm vui lòng Chúa trong thời điểm này, bởi vì Chúa sắp
lên Giêrusalem để chịu nạn chịu chết, nên việc lắng nghe để chia sẻ những tâm
tư của Chúa và thi hành phải là điều quan trọng nhất chứ không phải tiệc tùng ăn
uống, dẫu biết rằng thức ăn nuôi sống thể xác là điều cần thiết cho cuộc sống của
con người, nhưng trong hoàn cảnh này thì việc lắng nghe Lời Chúa là của ăn tinh
thần phải là điều quan trọng thiết yếu. Thật thế, Maria đã lựa chọn điều tốt
nhất là được ở bên Chúa (x. Lc 10,42), nghe lời Chúa dạy (x. Lc 10,39)
và lo lắng đến những gì thuộc về Ngài (x. 1Cor 7,32). Bà đã chọn cho mình phần phúc Nước Trời,
bởi lẽ Đức Giêsu chính là nội dung của Tin Mừng, là hiện thân của Nước Hằng Sống.
Vì thế, có Đức Giêsu là được cả Nước Trời. Nghe được Lời Chúa nói với mình và
đem ra thực hành thì được ví như “… người khôn xây nhà trên đá. Dù
mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên
nền đá " (Mt 7, 25). Đức
Giêsu chính là kho tàng quý giá mà Thiên Chúa Cha đã đem trồng vào trong mảnh
vườn nhân loại. Sống trong Ngài là được trở nên nghĩa thiết với Ngài và được
Ngài yêu thương, để Ngài ở đâu, chúng ta cũng sẽ được ở đó với Ngài. Maria
trong bài Tin Mừng hôm nay đã có được đầy đủ các yêu tố trên, nên cô đáng được
Đức Giêsu khen là người có phúc: “chỉ có
một sự cần mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất".
3. Lời
Chúa trong đời sống Giáo Hội và nơi mỗi chúng ta
Giáo Hội được sinh ra và
sống bằng Lời Chúa. Vì thế, “Giáo Hội luôn tôn kính Thánh Kinh như
chính Thân Thể Chúa”.
Khi dành cho Lời Chúa một
vị trí quan trọng và ngang hàng với chính Chúa như thế, Giáo Hội muốn xác tín
niềm tin của mình vào sức mạnh vạn năng của Lời ấy: “Lời Chúa có một
sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội, ban sức mạnh đức
tin cho con cái Giáo Hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh
tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội.” (x. DV, số 21).
Như vậy, trong mọi thời,
Giáo Hội luôn mời gọi con cái của mình hãy siêng năng đọc Thánh Kinh, suy gẫm
và đem ra thực hành cách sống động trong gia đình, lối xóm, giáo xứ và bất cứ
môi trường nào... Thế nhưng, vì quen lối sống đạo xưa kia, nên chúng ta nhiều
khi chỉ thuộc kinh và không mấy coi trọng Thánh Kinh. Khi nói như thế, chúng ta
không có ý phủ nhận lối sống đạo bình dân của cha ông, vì trên thực tế, đời
sống đạo truyền thống này đã sản sinh cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân
anh dũng và chúng ta ngày hôm nay được kế thừa niềm tin cũng nhờ cung cách sống
đạo bình dân đó.
Tuy nhiên,
chúng ta quên mất rằng, mọi lời Giáo huấn, truyền thống của Giáo Hội, mọi lời
kinh từ bao thế hệ đều được khởi đi và suy tư từ Thánh Kinh mà ra. Nếu chúng ta
am tường và hiểu biết Thánh Kinh càng nhiều, thì đời sống đạo của chúng ta càng
sống động. Thật thế, thánh Giêrônimô đã nói: “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”. Vì thế, Hội đồng Giám mục
Việt Nam đã gợi lên cho chúng ta cách tiếp cận cụ thể với Thánh Kinh như sau:“Yêu
mến Thánh Kinh không chỉ thể hiện qua việc phổ biến sách Thánh Kinh, mà còn là
siêng năng đọc Lời Chúa trong đời sống và cho đời sống cụ thể của mình. Nói
cách khác, đọc Lời Chúa không những để hiểu về Chúa mà còn để tìm hướng đi cho
cuộc đời.” (x. Thư Chung 1980, số 8). Như vậy, chúng ta dành ưu
tiên cho việc đào sâu "Kiến thức
siêu việt về Chúa Giêsu Kitô" (Pl 3,8).
Như vậy, qua hình ảnh,
thái độ của Maria, và nhất là được nghe lời chúc phúc của Đức Giêsu cho cô, mỗi
người chúng ta hãy yêu mến Lời Chúa, chăm chỉ đọc Thánh Kinh, và nhất là đem
Lời Chúa ra thực hành. Đây chính là điều cao trọng nhất để ta thể hiện lòng yêu
mến Chúa trọn vẹn. Yêu mến Chúa mà không giữ Lời Chúa thì là người nói dối; giữ
Lời Chúa như một luật lệ cứng ngắc, thậm chí chỉ giữ trong nhà thờ mà thôi thì
ta sẽ bị rơi vào tình trạng giữ đạo hình thức, hời hợt bên ngoài. Nếu đời sống
đạo của chúng ta đúng như vậy, thì chẳng khác gì người mang danh và đeo cái mác
Công Giáo, chứ thực ra không phải là người mang Đạo trong mình. Làm thế nào để vừa giữ được những yếu tố bên ngoài mà
vẫn có chiều sâu bên trong. Nói cách khác, mọi hoạt động của đời tông đồ nơi
chúng ta phải được đời sống nội tâm thúc đẩy. Qua đời sống nội tâm, chúng ta
suy niệm về cuộc đời, ý định và sứ vụ của Đức Kitô, rồi đến lượt chúng ta, chúng
ta cũng chia sẻ và loan báo về một Đức Kitô đã được mặc khải trong Thánh Kinh
và nhờ đời sống nội tâm sâu xa bên trong. Như vậy, chúng ta sẽ tránh được tình
trạng “cho cái chúng ta không có”.
Nhưng để nghe được tiếng
Chúa và kết hợp với Ngài cách mật thiết, chúng ta cần phải loại bỏ một số thứ
không cần thiết; đồng thời phải lựa chọn ưu tiên cho việc thinh lặng nội tâm. Làm
được như thế, tâm hồn chúng ta hoàn toàn thuộc về Chúa và để chúng ta dễ nhận
ra tiếng Chúa trong Thánh Kinh, cuộc sống và qua lương tâm.
Mong thay, mỗi chúng ta
biết chọn sao cho trọn. Chọn điều tốt sẽ dẫn đến kết quả tốt. chọn điều xấu ắt
sẽ xấu. Nhưng trong tất cả mọi sự chọn lựa, Lời Chúa phải chiếm địa
vị quan trọng nhất, và thực hành Lời Chúa phải là điều chúng ta quan tâm thực sự
để trong cuộc sống, chúng ta làm cho Chúa được hiện tại hóa trong lời nói, cử
chỉ, hành động của mỗi chúng ta.
Có thế, Lời
Chúa mới thực sự bén rễ sâu và sinh hoa kết quả trong đời sống đạo của chúng
ta.
Ước gì Lời Chúa khen ngợi
cô Maria khi xưa vì đã biết chọn phần tốt nhất cũng là lời tác phúc cho mỗi
chúng ta khi chúng ta thành tâm đi tìm kiếm Chúa và yêu mến Chúa bằng việc lắng
nghe và đem ra thực hành Lời ấy trong cuộc sống.
Lạy Chúa, xin cho mỗi
người chúng con biết chọn Chúa làm chủ tể đời chúng con. Xin cho chúng con biết
yêu mến và lắng nghe Lời Chúa bằng thái độ của người môn đệ. Và, xin cho chúng
con biết đem Lời Chúa ra để thực hành trong cuộc sống hiện tại. Amen.