CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN
Chúa nhậm lời những ai kiên trì cầu nguyện
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Lu-ca
11:1-13)
Khi dạy các môn đệ cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha, Chúa Giê-su
cho chúng ta thấy Lời Chúa quả thực giống như cây gươm hai lưỡi: một lưỡi cắt để chúng ta thấy được Thiên Chúa
là Đấng nào và một lưỡi cho biết chúng ta là ai. Ngoài việc phải cầu xin điều gì khi cầu nguyện,
Chúa Giê-su còn lấy những thí dụ để dạy chúng ta phải cầu nguyện với tâm tình
nào. Tuy nhiên dường như Chúa Giê-su muốn
nhấn mạnh đến thái độ đáp trả của Chúa Cha nhiều hơn. Đó cũng là đề tài suy niệm của chúng ta.
Phần thứ hai của bài Tin Mừng hôm nay gồm có hai điểm: thái độ
kiên trì của chúng ta và sự tốt lành nhân từ của Thiên Chúa. Để diễn tả sự kiên trì của chúng ta khi cầu
nguyện, Chúa Giê-su trưng ra một thí dụ cụ thể về mối tương giao tình bạn. Một người vì có khách đến bất ngờ nên nửa đêm
đến xin bạn mình cho vay ba cái bánh. Thực
ra ba cái bánh chẳng đáng giá bao nhiêu, nhưng người bạn ngại bị quấy rầy đang
khi cửa đã đóng và con đã ngủ nên không muốn dậy để lấy bánh cho người ấy. Có hai tiêu chuẩn để người bạn cho vay bánh
chấp nhận yêu cầu của người đến xin vay.
Một là người này cho vay bánh vì tình bạn, tức là tiêu chuẩn lý tưởng. Tiêu chuẩn thứ hai là người này cho vay bánh
vì không muốn bị quấy rầy do sự kiên trì “lì lợm” của bạn mình. Đối với người đời thì vậy, nhưng đối với
Thiên Chúa, ngay cả trước khi chúng ta “cứ lì ra đó” thì Người đã chăm sóc cho
chúng ta và biết chúng ta cần những gì rồi!
Trong tình bạn, thái độ kiên trì nhiều khi vẫn còn mang chút tự ái và ngại
ngùng. Nhưng đối với Cha trên trời của
chúng ta, thái độ kiên trì của chúng ta được biểu lộ trong tình yêu thương cha
con cao cả hơn tình bạn, vì Cha quan phòng luôn lo lắng cho con cái là chúng
ta.
Sau khi nói về sự kiên trì của chúng ta, Chúa Giê-su đề cập
đến lòng nhân từ quảng đại của Chúa Cha.
Người cũng dùng một thí dụ cụ thể khác:
người cha đối xử với con cái. Một
người cha trần gian không thể đang tâm làm hại con cái, nhưng ít ra “còn biết
cho con cái mình của tốt của lành”. So
sánh giữa người cha trần gian và Cha trên trời khác nhau một trời một vực, vì
chúng ta là “những kẻ xấu” trong khi Thiên Chúa là tốt lành. Người cha trần gian chỉ có thể cho con cái
mình của tốt của lành, còn Cha trên trời ban cho chúng ta Thánh Thần, nguồn mạch
mọi hoa quả của “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung
tín, hiền hòa, tiết độ” (Ga-lát 5:22).
Tin tưởng vào lòng nhân lành của Thiên Chúa, chúng ta thấy rõ ý nghĩa điều
Chúa Giê-su khẳng định, là nếu chúng ta cứ xin Cha, cứ tìm nơi Cha, cứ gõ cửa
nhà Cha, thì Cha nhân lành của chúng ta sẽ đáp lại.
Dựa trên hai yếu tố là sự kiên trì của chúng ta và lòng nhân
lành của Cha trên trời, việc cầu nguyện của chúng ta quả thực là một sinh hoạt
sống động nói lên tương quan giữa chúng ta và Người. Chắc chắn Cha trên trời luôn chờ đợi chúng ta
đến với Người để Người có dịp biểu lộ lòng nhân lành, còn chúng ta thì cảm thấy
mạnh dạn và tin tưởng cầu xin Người.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Chúng ta từng đọc
kinh Lạy Cha không biết bao nhiêu lần.
Nhưng thử hỏi chúng ta đã thực sự cầu
nguyện bằng kinh Lạy Cha chưa? Khi cầu
nguyện bằng kinh Lạy Cha, chúng ta không chỉ xướng lên những ý nguyện Chúa
Giê-su dạy chúng ta, nhưng chúng ta còn dâng lên Chúa Cha nhưng lời nguyện xin ấy
với thái độ kiên trì, nghĩa là cứ tiếp tục tin tưởng nơi Người. Lý do chúng ta kiên trì là vì chúng ta xác tín
Cha nhân lành chắc chắn sẽ nhậm lời chúng ta.
Câu chuyện tổ phụ Áp-ra-ham cầu nguyện với Thiên Chúa, mặc cả
với Người, là một tấm gương cầu nguyện sống động (bài đọc I). Ông không ngần ngại mặc cả với Thiên Chúa vì
ông tin vào lòng nhân lành của Người.
Ông kiên trì mặc cả và Thiên Chúa luôn nhượng bộ sự kiên trì của
ông. Thực sự ông Áp-ra-ham đã cầu nguyện
với tất cả lòng tin. Vậy có khi nào
chúng ta xét lại cách chúng ta cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha không? Chúng ta sẽ làm cách nào để cầu nguyện thật sốt
sắng kinh Lạy Cha trong Thánh lễ hôm nay?
Lm. Đa-minh Trần dình Nhi