MỨc
đỘ cỦa đỜi sỐng như là giá trỊ lỚn nhẤt
(Luca 12,13-21 – CN
XVIII TN - C)
1.- Ngữ cảnh
Những lời Đức Giêsu ngỏ
với các môn đệ trước mặt một đám đông (Lc 12,1-12.22-34) bị cắt ngang bởi lời thỉnh cầu của một người
trong đám đông để xin Đức Giêsu can thiệp vào một vụ tranh tụng giữa anh
ta và người anh liên hệ đến chuyện gia tài (12,13-15). Sự cố này lại là dịp để Đức
Giêsu kể Dụ ngôn Ông phú hộ (cc. 16-21). Như thế, đề tài chuyển đi từ những lời
nói về việc thụ hưởng cho bản thân đến những thái độ đối với của cải trần thế
(12,13-34): “Phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam” (c. 15). Bài dụ ngôn tiếp
theo có thể được coi như một bài bình luận cho câu nói của Đức Giêsu về sự tham
lam (c. 15).
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia
thành ba phần:
1) Một vụ kiện (12,13-15);
2) Dụ ngôn Ông phú hộ
(12,16-20);
3) Nhận định kết luận
của Đức Giêsu (12,21).
3.- Vài điểm chú giải
- Thưa Thầy (13): Bởi vì vấn đề chia gia tài được bàn
đến trong Bộ Ngũ Thư (chẳng hạn Đnl
21,15-17; Ds 27,1-11; 36,7-9), một vị
tôn sư về đạo giáo hoặc một kinh sư là những con người thích hợp để tham
vấn.
- Này anh (14): Dịch sát là “này người” (anthrôpe,
hô-cách của anthrôpos, “người”; x. 5,20). Từ này thường được dùng theo
dạng này để từ chối, hay diễn tả sự dè dặt.
- tham lam (15): Từ Hy Lạp pleonexia thường
có trong những đoạn văn khuyến thiện của Tân Ước (Rm 1,29; 2 Cr 9,5; Cl 3,5; Ep 4,19; 5,3; 2 Pr
2,3.14). Đây là sự ham muốn có thêm nữa, quá mức cần thiết (x. 1 Tm 6,10).
- Thiên Chúa bảo ông ta (20): nghĩa là trong một
giấc mơ ban đêm. Ông này được chính vị Chúa tể của sự sống ngỏ lời với,
trong khi ông sắp xếp chương trình sống không có Ngài.
- ngốc (20): Từ hy-ngữ aphrôn có
nghĩa là “kẻ mất trí, ngu dốt, ngu ngốc, điên, rồ dại” (x. 11,40).
- người ta sẽ đòi lại mạng ngươi (20): Động từ aitousin
ở ngôi thứ ba vô định số phức tương đương với một thái bị động thay tên Thiên
Chúa: “Thiên Chúa sẽ đòi lại mạng ngươi”.
- cho mình (21): nghĩa là không phải cho người
khác, như người nghèo, quả phụ, trẻ mồ côi, người ngụ cư (x. Đnl 24,17-22; 2 Cr 6,10b).
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Một vụ kiện (13-15)
Đức Giêsu lấy khởi điểm
để giáo huấn là một vụ kiện về vấn đề chia gia tài. Rất có thể đây là một
người em trong gia đình không đồng ý với cách quản lý và thụ hưởng chung
gia tài, nên muốn có phần của mình để dùng theo cách độc lập. Trong những vụ
tranh cãi như thế, người ta thường đến gặp các kinh sư, để xin soi sáng vấn đề.
Đức Giêsu dứt khoát từ chối can thiệp. Yêu cầu của người ấy và yêu cầu của Đức
Giêsu ở trên hai bình diện khác nhau. Người ấy thì muốn có một phần sở
hữu độc lập. Đức Giêsu thì dựa vào đó để nói về tương quan của con người với
của cải. Chính các tranh chấp về gia tài thường đưa ra ánh sáng một liên
hệ chặt chẽ với sở hữu và thường đưa đến những mối thù nghịch kéo dài suốt đời.
Điều này có lẽ khiến chúng ta hiểu vì sao ở đây Đức Giêsu khuyến cáo chống lại
lòng tham lam mạnh mẽ đến thế. Của cải sở hữu không phải là giá trị cao nhất,
khiến ta phải hy sinh mọi sự để có cho bằng được. Đức Giêsu sẽ minh họa điểm
này bằng dụ ngôn tiếp theo.
* Dụ ngôn Ông phú hộ (16-21)
Với dụ ngôn này, Đức
Giêsu muốn cho thấy rằng giá trị của các của cải trần thế rất nhỏ bé, nên bám víu vào đó là một tính
toán sai lầm.
Theo một quan
niẹm nào đó về cuộc sống, hoàn cảnh Đức Giêsu phác ra có thể coi là lý tưởng.
Con người này giàu có. Không hề có nguy cơ là của cải của ông sẽ giảm thiểu đi,
bởi vì ông đang nhắm tới một vụ thu hoạch dồi dào. Vấn đề duy nhất ông đặt ra
là: “'Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!”. Đây là một
vấn đề cũng dễ giải quyết. Như thế, ông này có trong tay các phương tiện để
sống một cuộc sống không phải bận tâm lo lắng; ông có thể tự do sống
theo ý thích, trong sự sung túc.
Đức Giêsu cho thấy là
Thiên Chúa và cái chết sẽ ập vào cuộc đời ấy như thế nào. Cái chết đột ngột đảo
lộn tất cả các toan tính nhắm thụ hưởng an toàn trong nhiều năm trời. Tất cả
những gì đã thu tích được và tất cả những gì người ta đã dự phóng cách hợp lý
trở thành vô giá trị. Đức Giêsu cho biết rằng một cuộc sống chỉ dành cho
chuyện ăn uống và hưởng thụ tiện ích thì không có giá trị trước mặt Thiên Chúa.
Một người sống như thế thì không giàu có trước mặt Thiên Chúa. Đức Giêsu khẳng
định rằng để đạt được sự sống đời đời, cần có tình yêu đối với Thiên Chúa và tình
yêu đối với người thân cận (10,25-37). Chỉ nhờ đi trên nẻo đường này, người ta
mới trở thành giàu có trước nhan Thiên Chúa.
* Nhận định kết luận của Đức
Giêsu (21)
Câu kết luận của Đức
Giêsu cho hiểu rằng có lẽ đời sống trần thế tùy thuộc các của cải trần thế,
nhưng đời sống này không được đảm bảo hay đạt được mức thành toàn nhờ các của
cải ấy. Chúng ta phải nhận được sự thành toàn cuộc đời chúng ta từ lòng nhân
lành của Thiên Chúa.
+ Kết luận
Đức Giêsu không quan
tâm đến những điểm tranh luận phụ thuộc; Người chỉ cứu xét những câu hỏi lớn
liên quan đến sự sống: đâu là điều quan trọng nhất? Ta có thể tín nhiệm vào
điều gì? Điều gì ta phải tìm cách đạt cho được? Ta phải sử dụng cuộc sống và
dấn thân thế nào để đạt được mục tiêu cuộc đời? Đức Giêsu nói rõ ràng các của
cải vật chất không thể đảm bảo cho cuộc sống, còn sự sung túc, thoải mái, không
thể là nội dung của cuộc sống được. Sự thành toàn chỉ được một mình
Thiên Chúa ban cho mà thôi. Vậy trong cuộc sống này, chúng ta có thể và phải
tính sổ với Thiên Chúa. Chúng ta phải chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình
trước mặt Ngài.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Vấn đề thu hoạch dồi dào đến nỗi người ta
không biết để của cải ở đâu đã trở thành phổ biến, vào thời đại hôm nay. Mỗi
người cần phải tự hỏi theo ý mình, thế nào là cuộc sống lý tưởng, mình vận dụng
sức lực cho chuyẹn gì, nếu lại không phải là “mình bây giờ ê hề của cải, dư xài
nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!”. Ở bên ngoài các giá
trị này, còn những giá trị và mục tiêu nào có thể nên được nhắc đến?
2. Cái chết “phá rối”, ai cũng biết. Người ta
tìm mọi cách để đối phó với nó. Người ta cản bước nó tối đa bằng các cách tri
liệu y khoa. Người ta nghĩ tới nó ítchừng nào tốt chừng đó. Người ta tránh để
cho lòng mình bị xúc động trước cái chết của người khác. Dĩ nhiên người ta vẫn
không tránh được cái chết. Do đó, người ta phải khai thác tối đa thời gian của
cuộc sống được ban cho ta. Cũng phức tạp, nhưng cách nào đó, người ta có thể “đạt
thắng lợi” trên cái chết. Nhưng làm thế nào đạt thắng lợi trên vị Thiên Chúa
“phá rối”? Người ta cũng tìm cách tránh xa Ngài, quên Ngài đi. Người ta có thể
không nói đến Ngài nữa và sống y như thể không có Ngài. Tuy thế, người ta không
thể tránh né Ngài kiểu tiêu cực. Phải sống làm sao để cuộc sống của mình có giá
trị trước mặt Thiên Chúa. Người nào chỉ sống cho những nhu cầu riêng và những
đòi hỏi vật chất, thì đã chết trong cuộc đời này rồi, vì đã bị cô lập trong
tính ích kỷ của mình. Tình trạng cô lập này trở nên trọn vẹn và được xác nhận
bằng cái chết.
3. Cuộc sống viên mãn chỉ hệ tại tình yêu. Chỉ
cuộc sống nào nhắm đến tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân
thì mới là cuộc sống trung thực. Chỉ một cuộc sống như thế mới có thể được
Thiên Chúa chuẩn nhận và được Ngài đưa đến chỗ thành toàn với ân huệ là sự sống
đời đời. Chúng ta đã nhận đời sống từ Đấng Tạo hóa, thì chúng ta cũng phải nhận
cả ý nghĩa của đời sống từ Ngài. Và đối với Ngài, ý nghĩa của đời sống không
phải là tiện nghi, mà là tình yêu.
Lm FX Vũ
Phan Long, ofm