CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN
Làm giàu trước mặt Chúa
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Lu-ca
12:13-21)
Đề tài về sự tham lam bắt đầu bằng một câu chuyện thực tế
trong đời sống hằng ngày. Chắc chắn đã
có những người ngưỡng mộ Chúa Giê-su đến nỗi tin rằng Người có thể giúp họ giải
quyết bất cứ khó khăn nào. Dẫn chứng là trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay, có một
người xin Chúa làm “người xử kiện hay người chia gia tài” cho hai anh em họ. Không rõ lý do nào khiến người em đến xin
Chúa ra lệnh cho người anh của anh ta phải chia gia tài cho anh ta. Hoặc là vì người anh tham lam đã chiếm lấy hết,
hoặc cũng có thể là người em đã có đủ phần của mình, nhưng cũng vì tham lam muốn
đòi được chia nhiều hơn nữa. Chung qui
chỉ là lòng tham của con người. Vì thế,
câu chuyện đã trở thành cơ hội để Chúa Giê-su chia sẻ với chúng ta về sự tham
lam của cải.
Tham lam là một từ trừu tượng, nên để diễn tả lòng tham lam,
Chúa Giê-su sử dụng phương pháp quen thuộc:
kể dụ ngôn nhà phú hộ. Ở đâu cũng
vậy, người giàu có thường có đủ phương tiện để làm giàu thêm. Ngày xưa người giàu thì có đồng lúa thẳng
cánh cò bay, vườn cây hoa trái đi mỏi cả chân.
Hoa lợi mỗi năm một tăng triển.
Có tiền, người ta mua thêm ruộng đất.
Đối với họ, tiền bạc của cải là lẽ sống và là thước đo giá trị con người. Họ đã có người làm công, khỏi phải động tay động
chân, chỉ cần ngồi đấy đề ra kế hoạch làm giàu thêm. Nhà phú hộ cũng không quên lên kế hoạch cho
cuộc đời mình. Làm mãi đủ rồi. Bây giờ là lúc “cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui
chơi cho đã!” Con đường sự tham lam dẫn
người ta đi là cứ tiếp tục làm giàu thêm cho đến mức “không còn chỗ mà tích trữ
hoa màu”. Tiếp theo là dựng kho lẫm lớn
hơn để “tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó”. Tưởng đâu con đường tham lam dừng lại ở
đây! Nhưng không phải. Tham lam đưa người ta sang một lối khác: ăn uống vui chơi cho đã. Nó không đưa người ta đến với Thiên Chúa hoặc
đến giúp đỡ người nghèo khổ, nhưng dừng lại ở chính con người tham lam ấy. Tham lam không đưa người ta đi theo kế hoạch
của Thiên Chúa. Những tính toán và kế hoạch
của kẻ tham lam chỉ là tính toán và kế hoạch của “đồ ngốc”. Tham lam không muốn nhìn nhận sự hiện diện của
cái chết là “kẻ thù” sẽ lấy đi tất cả những gì người tham lam đã tích trữ trên
cuộc đời này. Kế hoạch về cuộc đời chúng
ta đã được Chúa sắp đặt, là phải “làm giàu trước mặt Thiên Chúa”. Chúa không đánh giá trị chúng ta bằng đô-la
hay vàng lá, nhưng bằng những công nghiệp việc lành phúc đức chúng ta đã thực
hiện khi còn sống ở đời này. Dĩ nhiên
làm việc và tiền của có mục đích tốt của nó, nhưng nó luôn là phương tiện chứ
không phải cứu cánh. Nhà phú hộ tham lam
đã đảo lộn vai trò của công việc và tiền của khi ông ta chỉ lo làm giàu để cuối
cùng mình được tha hồ ăn uống vui chơi cho đã.
Tham lam đã dẫn ông ta đến con đường tự hủy diệt rồi!
Sống sứ điệp Tin Mừng
“Đồ ngốc! Nội đêm
nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay
ai?” Có lẽ bạn sẽ trả lời: Tôi đã làm di chúc sẵn sàng rồi! Không phải Chúa không biết điều ấy. Nhưng Người muốn bảo chúng ta rằng qua cái chết,
chúng ta không thể mang theo bất cứ gì ngoài công đức của chúng ta. Chúa không cần của cải, nhưng Người cần tâm hồn,
một tâm hồn giống như tâm hồn của Người vậy.
Người muốn một tâm hồn thực sự giàu tình yêu thương, giàu bác ái, giàu cảm
thông, sẵn sàng đến với anh chị em nghèo khổ, an ủi khích lệ anh chị em gặp cơn
khó khăn. Người muốn một tâm hồn đã được
Ki-tô hóa, dễ dàng “chạnh lòng thương” trước những đau khổ thiếu thốn của người
khác.
Chắc chắn chúng ta không thích nghe Chúa gọi chúng ta là “đồ
ngốc”, nhưng liệu chúng ta có chịu nghe lời Chúa cảnh báo “phải lo làm giàu trước
mặt Thiên Chúa” hay không? Thường chúng
ta hay bị cám dỗ làm giàu, cho rằng tất cả những gì đang có chưa phải là đủ,
cho nên chúng ta có khi trở thành “workaholic”, người tham làm việc không ngừng,
đánh mất sự quân bình và quên chân lý “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa
và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ khác, Người sẽ thêm cho”
(Mát-thêu 6:33).
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi