Hãy
dùng tiền để mua lấy Nước Trời
Jos.Vinc. Ngọc Biển
Trong cuộc sống, con người thường hay coi trọng
tiền bạc, bởi vì người ta thường nói: “đồng
tiền liền với khúc ruột”; hay: “có
tiền mua tiên cũng được” hoặc có những câu nói mỉa mai như: “Tiền là Tiên là Phật; là sức bật của
lò xo; là thước đo của lòng người; là tiếng cười của tuổi trẻ; là sức khỏe
của tuổi già; là cái đà danh vọng; là cái vọng che thân; là cán
cân công lý”. Chính vì thế, rất nhiều người khi đã kiếm được đồng tiền,
người ta lo hưởng thụ, ăn chơi và dùng đồng tiền để làm những điều bất chính.
Họ tôn vinh đồng tiền như một ông chủ trong cuộc sống của họ.
Nhưng với người Công Giáo, chúng ta có được coi
đồng tiền là mục đích, là tất cả không? Và, sử dụng thế nào cho hợp theo ý
Thiên Chúa muốn để được sự sống đời đời?
1.
Thái độ của Đức Giêsu
về vấn đề tiền bạc
Bài Tin Mừng
hôm nay trình thuật việc một người trong đám đông cất tiếng xin Chúa làm người
phân xử và chia gia tài cho anh ta: “Lạy
Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi”, nhưng Đức Giêsu trả lời: “Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét,
hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?". Rồi Người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình
tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm
cho đâu”. Qua câu nói đó của Đức Giêsu, Ngài muốn xác định sứ mạng của
Ngài là loan báo ơn cứu độ để cho con người được sự sống đời đời chứ không phải
chuyện phân chia tài sản; đồng thời mời gọi chúng ta hãy tìm nước Thiên Chúa
trước tiên, mọi sự khác Chúa sẽ lo cho sau.
Như vậy, Đức
Giêsu không lên án, cũng chẳng ủng hộ việc này. Ngài cũng không thượng tôn tiền
bạc cũng lại không khinh chê nó. Nhưng Ngài lại hướng cho anh ta và đám đông
đang đứng quanh đó một hướng đi mới; hướng đi của ơn cứu độ. Hướng đi ấy chính là biết cách sử dụng đồng tiền
sao cho hợp lý và biết cách làm giàu trước mặt Chúa để được hạnh phúc đời đời
chính là Nước Trời.
Nhân cơ hội
này, Đức Giêsu dạy họ phải biết tránh mọi thứ
tham lam; đồng thời nhắc cho mọi người biết là của cải không thể đem lại hạnh
phúc đích thực nếu không biết sử dụng nó theo ý Chúa, vì thế đừng có an tâm và
cậy dựa vào nó một cách thái quá.
Đức Giêsu cũng đưa ra hình ảnh của nhà phú hộ
ngu ngốc. Ông ta sẵn sàng bỏ quên Chúa, không lo cho phần hồn của mình, ngược
lại, ông ta tìm mọi cách để thu tích của cải trần gian và hả hê với những gì
đạt được. Nhưng, Đức Giêsu đã khiển trách ông rất nặng nề: “Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những
của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai? Vì kẻ tích trữ của cải cho mình mà không
làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy". Qua lời cảnh cáo đó, Đức Giêsu cũng
tiên báo cho những người chung quanh đó biết rằng: sự sống sự chết là ở trong
tay Chúa, nên đừng như nhà phú hộ kia, nên hãy lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa
để được hưởng sự sống đời đời. Nhà phú hộ kia đã mơ tưởng hão huyền, nhưng chưa
kịp hưởng thụ như trong mơ thì ông đã chết.
Quả thật, con người chúng ta có 3 người bạn
luôn theo chúng ta trong cuộc đời, đó là: bà con, tiền bạc và phúc đức. Tuy
nhiên, khi giờ chết đến, chỉ có ông bạn phúc đức là theo chúng ta sang thế giới
bên kia và tiếp tục là bạn chung thủy của chúng ta mà thôi. Còn bà con họ hàng
thì bỏ lại chúng ta ngay tại cửa mồ. Tiền bạc sẵn sàng chia tay chúng ta ngay
khi chúng ta chết, nhưng nó lại sẵn sàng, hăng say tố cáo chúng ta trước tòa
Phán xét. Ấy thế mà nhà phú hộ cứ ngỡ nó là người bạn tốt: "Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm:
ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi". Ông ta đâu biết rằng cuộc
sống của mình chỉ được cộng lại bằng những hơi thở ngắn ngủi, mong manh và
người bạn bạc bẽo nhất chính là đồng tiền mà ông ta đang thượng tôn nó.
2. Người Kitô hữu và việc sử dụng tiền bạc
Bài đọc 1 cho
chúng ta thấy: hư không trên các sự hư không; phù vân, quả là phù vân. Thật vậy, không có gì và không một ai trên trần
gian này làm cho ta thỏa mãn với bản năng của con người, lại không thể đảm bảo
cho chúng ta sự sống đời đời được. Chính vì thế, thánh Phaolô nói : “Anh em hãy hướng lòng
trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc
hạ giới”. Đức Giêsu thì truyền cho chúng ta một cách cụ thể hơn khi
nói: “Đừng thu tích của cải trần gian cho mình mà hãy lo làm giầu trước mặt
Thiên Chúa”. Hãy loại trừ tính tham lam. Khi tham lam là ta bất chấp mọi thủ đoạn.
Làm lớn có thủ đoạn của người làm lớn, làm nhỏ cũng có những mánh khóe của người
làm nhỏ. Nào là: bóc lột, tham nhũng, gian dối, lọc lừa... Nhưng thảm hại thay,
dù có làm đủ mọi cách, con người chúng ta cũng không bao giờ thỏa mãn, bởi vì “tham thì thâm”. Câu ngạn ngữ của người
Lamã thật chí lý: “Của cải như nước muối, bạn càng uống
thì càng khát”. Người Việt Nam của chúng ta cũng thường hay nói: “lòng tham vô đáy”.
Thật vậy, hạnh
phúc của chúng ta chỉ có thể đạt được nó khi ta bằng lòng với những gì mình
đang có. Nó hoàn toàn xa vời khi đó chỉ là những ước ao hão huyền. Cuộc sống của
chúng ta phải cố gắng, nhưng cần phải có thái độ phó thác: “hãy phó thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Ngài, Ngài sẽ ra tay”; “Đừng thu tích của
cải trần gian cho mình mà hãy lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa”. Được như vậy, chúng ta sẽ hạnh phúc ngay cả những cái không có nữa.
Nếu không, chúng ta sẽ bất hạnh và cảm thấy rất đau khổ cũng như luôn có thái độ
bất mãn…
Augier đã nói một câu làm cho chúng ta phải suy nghĩ: “Trong dự tính của
Thiên Chúa, người giầu chỉ là viên thủ quỹ của người nghèo”. Thánh Tôma Aquinô nói thêm và
ngài nhấn mạnh: “Những người giầu đã đánh cắp của người nghèo khi họ
tiêu xài phung phí những của cải dư thừa”.
Như vậy, trong
cuộc sống, chúng ta phải nhạy bén và biết liên đới với những người sống chung
quanh ta, đặc biệt là người nghèo. Vì xét cho cùng, mỗi người chúng ta đều là kẻ
nghèo khó trước mặt Thiên Chúa. Vì thế, đừng kiêu ngạo, tự phụ là do công sức của
mình hoàn toàn rồi hả hê, an tâm với những gì mình đạt được một cách tự mãn.
Thánh Công đồng Vaticanô II đã dạy cho
chúng ta biết: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu
và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ,
cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô”.
Quả thật, tiền bạc không phải là xấu, nhưng nó xấu đi là vì chúng ta biến
nó thành ông chủ tồi thay vì là đầy tớ tốt.
Vì thế, đừng bao giờ đặt cho mình mục đích sống
chỉ để kiếm tiền, bởi vì: “người giàu
cũng khóc”. Cũng đừng vì tiền mà đánh mất lương tri và trà đạp người khác
để đạt được mục đích. Đồng tiền không mua được hạnh phúc thật. Sự sống đời đời cũng
không thể có nếu ta bóc lột, tham nhũng, bất chính…
Sứ điệp mà Đức Giêsu muốn loan báo cho chúng ta hôm nay: hãy dùng của cải đời
này mà “làm giầu trước mặt Thiên Chúa”
(x. Lc 12,21). “Hãy bán của cải mình đi
mà bố thí. Hãy sắm lấy túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể
hao hụt ở trên trời, nơi trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục
phá” (Lc 12,33).
Như vậy, vấn đề không
phải là giàu hay nghèo mà là thái độ sống trong các mối tương quan của ta với
Chúa và tha nhân. Ưu tiên của tôi là cái gì: Thiên Chúa và anh em đồng loại hay
tiền bạc? Xin để lại suy nghĩ cho mỗi người chúng ta!