CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN C
Gr 38,4-10 ; Dt 12,1-4 ; Lc 12,49-53
LÀM BÙNG CHÁY NGỌN LỬA TIN YÊU
I.
HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 12,49-53
(49) Thầy
đã đến ném Lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi Lửa
ấy đã bùng lên! (50)
Thầy còn một phép
Rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc
này hoàn tất
!”. (51) Anh
em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo
anh em biết: Không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. (52) Vì
từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau: ba chống lại
hai, hai chống lại ba. (53)
Họ sẽ chia rẽ nhau:
cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái,
con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống
lại mẹ chồng”.
2. Ý CHÍNH: Bài Tin mừng
hôm nay ghi lại lời Đức Giê-su dạy các môn đệ về sứ vụ của Người và
những đòi hỏi đối với những ai muốn trở nên môn đệ của Người:
- SỨ VỤ CỦA ĐỨC
GIÊ-SU: là đem Lửa xuống trần gian và ước mong cho
ngọn Lửa đó bùng cháy lên trong lòng mọi người. Sứ vụ của Đức
Giê-su còn là phải chịu một phép Rửa tức là chấp nhận trải qua
cuộc Tử Nạn và Phục Sinh để ban ơn cứu độ cho lòai người.
- NHỮNG ĐÒI
HỎI ĐỐI VỚI MÔN ĐỆ: Người đòi môn đệ phải sẵn sàng chia sẻ sự đau
khổ mà Người sắp phải chịu. Vì thực tế sẽ có sự chia rẽ từ trong
các gia đình: trong cùng một nhà mà có những người tin Chúa và có
kẻ lại không tin. Nhưng ai bền đỗ đến cùng thì sẽ được ơn cứu độ
3. CHÚ THÍCH:
- C 49-50: + Thầy
đã đến ném Lửa vào mặt đất:
Trong Thánh kinh, Lửa biểu tượng sự phán xét của Thiên Chúa, nhất
là trong ngày Tận thế, để thiêu hủy những kẻ gian ác và thanh luyện
số ít người trung tín còn sót lại (x. Lv 10,2 ; Lc 3,9). Lửa cũng là
biểu tượng của Thần Khí Thiên Chúa, đã làm cho lòng hai môn đệ làng
Em-mau phải nóng lên, khi cùng đi đường đàm đạo với Chúa Phục Sinh (x.
Lc 24,32), Lửa Thần Khí cũng đậu xuống trên đầu các Tông đồ để thánh
hóa các ông vào lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2,3-19). Lửa còn là những đau khổ
mà Đức Giê-su phải chịu để thanh luyện con cái Ít-ra-en giống như
vàng được thanh luyện trong lửa (x. Mc 13,1-4 ; Is 1,25). + Thầy
những ước mong phải chi Lửa ấy đã bùng lên: Đức Giê-su mong ước ban Lửa Thần Khí cứu độ cho thế
gian. Đó là nhiệm vụ duy nhất của Người. + Thầy còn một phép
Rửa phải chịu: Phép Rửa
có nghĩa là sự nhận chìm dưới mặt nước. Thời Giáo hội sơ khai
người chịu phép Rửa phải được nhận chìm toàn thân trong một hồ nước
và sau đó trồi lên. Phép Rửa này tượng trưng cho sự chết trong cuộc
Khổ Nạn của Đức Giê-su: Người cũng đã chết và được an táng trong
lòng đất, rồi ngày thứ ba Người đã trỗi dậy vinh quang. +
Lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất: Đức Giê-su thao thức chu toàn
sứ vụ Chúa Cha trao phó là trải
qua cuộc tử nạn và phục sinh để cứu chuộc loài người.
- C 51-53: + Anh em tưởng rằng Thầy đến
để ban hòa bình cho trái đất sao?: Hòa bình hay bình an (Shalom) là mức sung mãn của sự
sống, là quà tặng tuyệt vời của Đấng Mê-si-a (x. Is 9,5-6 ; Lc 1,79). +
Không phải thế đâu: Thứ
bình an Chúa ban không phải là thứ bình an dễ dãi, như Người đã nói:
“Thầy ban bình an của Thầy không như thế gian ban tặng” (Ga 14,27). Cũng
không phải là thứ “bình an vô sự” mà các ngôn sứ giả đã mơ tưởng (x.
Gr 6,16 ; Ed 13,10.16). + Nhưng là đem sự chia rẽ: Đứng trước Đức Giê-su, người
ta phải lựa chọn dứt khoát: Tin theo hay chống lại Người. Sự lựa
chọn này là nguyên nhân gây ra chia rẽ ngay trong nội bộ từng gia đình.
+ Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau: cha
chống lại con trai...: Theo
lời các Ngôn sứ thì sự chia rẽ là một đặc điểm của thời kỳ sau
hết (x. Mk 7,6 ; Ml 3,24). Vào thời Giáo hội sơ khai, các tín hữu chỉ
là một thiểu số ở giữa một thế giới ngoại giáo lớn lao. Họ luôn
bị giằng co giữa tin hay không tin, chọn Chúa hay chọn thế gian. Đức
Giê-su đòi những ai tin Người phải sẵn sàng vượt lên trên tình cảm gia
đình ruột thịt để dứt khóat chọn Chúa và bước theo Người (x. Lc
14,26 ; 18,29-30).
4. CÂU HỎI:
1)Theo Thánh kinh, Lửa là biều tượng cho những gì ? 2) Phép Rửa mà Đức Giê-su sắp phải chịu ám chỉ điều gì ? 3) Bình an Đức Giê-su ban khác với bình an của thế gian
thế nào ? 4) Tại sao Đức
Giê-su lại đến đem sự chia rẽ cho các gia đình thay vì đem bình an ?
II.
SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA:
“Thầy đã đến ném Lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi
Lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49).
2. CÂU CHUYỆN:
Tại một giáo xứ
kia, sắp đến ngày mừng ngân khánh kỷ niệm 25
năm thụ phong linh mục của cha sở. Giáo dân trong
xứ đã âm thầm mở một cuộc lạc quyên để có tiền tổ chức liên hoan
và biếu cha tiền vé máy bay và các chi phí khác cho một tháng nghỉ
hè sắp tới của cha. Biết được ý định của giáo dân, cha sở đã phát
biểu như sau: “Anh chị em thân mến. Tôi biết anh chị em lúc nào cũng
quảng đại đối với tôi. Anh chị em đã dâng cúng tiền của để chi phí
các khỏan sinh hoạt cho nhà thờ và cho tôi. Hiện nay tôi biết anh chị
em đang quyên góp để cho tôi phương tiện đi nghỉ hè nhân dịp kỷ niệm 25
năm thụ phong linh mục của tôi. Tôi xin cám ơn lòng tốt của anh chị em.
Nhân dịp này tôi xin chia sẻ với anh chị em nguyện ước tha thiết nhất
trong cuộc đời linh mục của tôi là: làm thế nào để đưa được nhiều
người về làm con Thiên Chúa; Làm thế nào để những anh chị em công
giáo siêng năng đến nhà thờ tham dự các thánh lễ Chúa nhật. Vậy
nguyện vọng của tôi nhân dịp mừng ngân khánh linh mục
không phải là tiền bạc vật chất, nhưng là làm sao có được 25 người
quay về với Chúa. Cộng đoàn giáo xứ
hiểu ý cha sở, nên trong ngày mừng ngân khánh linh
mục của cha, họ đã chọn 25 người có quá khứ tội lỗi để xếp vào
đòan dâng lễ vật hôm ấy. Những người này mặc quần áo trắng khi lên
dâng lễ trên bàn thờ. Trong phần Lời nguyện Cộng đoàn, họ cũng nêu
lên quyết tâm sẽ đi theo Chúa tới cùng và xin Chúa giúp họ từ bỏ
những thói hư tật xấu như rượu chè, bài bạc...
3. SUY NIỆM:
Đức Giê-su được Thiên
Chúa
sai đến trần gian với sứ vụ ban ơn cứu độ
cho loài người. Tin mừng hôm nay cho thấy:
Để
thi hành sứ vụ Thiên Sai ấy, Người luôn
thao thức theo ơn soi dẫn của Thánh Thần và vâng phục thánh ý Chúa Cha. Người
cũng muốn các môn đệ là các tín hữu chúng ta hôm nay tích cực cộng tác trong sứ
vụ cứu độ này.
1)
SỨ VỤ CỨU
ĐỘ CỦA ĐỨC GIÊ-SU:
Đức
Giê-su đem Lửa xuống trần gian và ước mong cho
ngọn Lửa đó bùng cháy lên trong lòng mọi người. Thao
thức
của Đức Giê-su là mong sớm hoàn tất công cuộc tử nạn và phục sinh theo
ý Chúa Cha để cứu độ lòai người được
diễn ta bằng hình ảnh phép Rửa.
-Thầy đã đến ném Lửa vào mặt đất và Thầy những
ước mong phải chi Lửa ấy đã bùng lên! (Lc 12,49):
Lửa do Đức Giê-su ném vào mặt đất là gì ?
Là
Lửa Thánh Linh được đổ xuống trên Cộng Đoàn Hội Thánh Sơ Khai vào lễ Ngũ Tuần
để gia tăng sức mạnh giúp Hội Thánh vượt qua nỗi sợ hãi và can đảm làm chứng
cho Chúa, hăng say loan báo Tin Mừng đi khắp thế gian (x Cv 2,1-13).
Là Lửa Tin Yêu được Đức Giê-su mang vào thế giới tội lỗi, hận
thù, giết hại lẫn nhau…, để làm bùng cháy lên tình thương “tứ hải giai huynh
đệ”- bốn bể đều là anh em một nhà, hầu cho mọi người biết yêu thương nhau và
tạo hạnh phúc cho nhau.
Đức Giê-su ước mong cho ngọn Lửa cứu độ ấy bùng cháy lên để thế giới sớm biến thành “Trời Mới Đất Mới” như sách
Khải Huyền đã diễn tả như sau: “Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ
đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa… Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt
họ: Sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì
những điều cũ đã biến mất” (Cv 21,1.4). Khi ấy mọi dân
nước đều nhận biết tôn thờ một Thiên Chúa là Cha và sống chan hòa hạnh phúc với
nhau trong đại gia đình có “Thiên Chúa là Tinh Yêu” ngự trị (1 Ga 4,8).
-Thầy còn một phép Rửa phải chịu, và
lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất !”:
Phép Rửa dìm mình
trong nước thanh tẩy la hình ảnh diễn tả mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Đức
Giê-su. Người luôn vâng theo ý Chúa Cha là cứu chuộc nhân loại ba8fng con đường
« qua đau khổ vào vinh quang » như ba lần Người đã tiên báo với các
môn đệ (x Mt 16,21 ; 17,22-23 ; 20,18-19).
Về sau, thanh Phao-lô Tông đồ cũng diễn tả ý
nghĩa mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Giê-su hàm chứa trong nghi thức phép
Rửa dìm mình trong nước của các tín hữu như sau: « Anh em không biết rằng:
Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là
chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao ? Vì được dìm vào trong
cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như
Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì
chúng ta cũng được sống một đời sống mới. Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với
Đức Ki-tô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người,
nhờ được sống lại như Người đã sống lại» (Rm 5,3-5).
Đức Giê-su được Chúa Cha trao sứ vụ cứu chuộc
tội lỗi nhân loại băng con đường « Qua đau khổ vào trong vinh quang »
như Người đã chia sẻ với hai môn đệ làng Em-mau để động viên họ: « Nào Đấng
Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của
Người sao ? » (Lc 24,26). Trong suốt cuộc đời Đức Giê-su luôn thao thức
và mong sớm hoàn tất công trình cứu độ tử nạn và phục sinh ấy theo thánh ý Chúa
Cha.
2)
NHỮNG ĐÒI HỎI ĐỐI VỚI CÁC
TÍN HỮU HÔM NAY:
-Chúng ta phải làm gì để cộng tác với
Đức Giê-su làm bùng cháy ngọn
lửa
tin yêu nơi bản thân, gia đình và môi trường sống?:
Ngoài việc năng cầu xin Thánh Linh đổ ơn xuống
đầy lòng chúng ta khi cầu nguyện, mỗi tín hữu chúng ta còn
phải
năng học sông Lời Chúa trong các buổi sinh hoạt hằng tuần
noi gương Cộng Đoàn Hội Thánh Sơ Khai. Nhờ đó chúng ta sẽ được
gia
tăng đức tin để dễ dàng cảm nghiệm được
sự hiện diện của Chúa Giê-su khi dự lễ và rước lễ,
nhất là sẽ nhiệt thành giới thiệu Chúa cho tha
nhân, noi gương hai môn đệ làng Em-mau sau khi gặp Chúa Phục Sinh (x Lc
24,13-35). Các thánh Tông đồ và những môn đệ tiên khởi đã
làm cho lửa tin yêu bùng lên tại những miền đất xa lạ mà các ngài đặt chân đến.
Mahatma
Gandhi, vị thánh của Ấn Độ đã nhận định rất sâu sắc về ngọn lửa tin
yêu này
như sau: "Một vật cứng rắn đến đâu, cũng sẽ tan chảy trong lửa tình yêu. Nếu
vật ấy không tan chảy, chính vì ngọn lửa chưa đủ mạnh".
- Đức
Giê-su đã ném lửa vào mặt đất và Người hằng mong ước lửa ấy bùng lên: Nhưng
làm sao lửa tin yêu ấy bùng lên nếu không được các tín hữu chúng ta khơi lên ?
Chính Đức Giê-su xưa đã đẩy lui bóng tối tử thần bằng ánh sáng
Phục sinh và đã sai các môn đệ ra đi loan báo tin mừng khắp thế gian (Mt 28,19 ; Mc 16,15), thì nay Người cũng sai chúng ta đi
loan báo Tin Mừng Tình Thương, tích cực góp phần với các người thiện chí để xua
tan bóng tối văn hóa sự chết là những bất công hận thù, nghèo đói, tội ác… bằng
cách gieo vãi ánh sáng văn hóa sự sống là lối sống yêu thương khiêm nhường phục
vụ tha nhân vô vụ lợi.
- Sứ vụ của các tín hữu chúng
ta là phải cộng tác với Chúa Ki-tô, giúp cho nỗi khắc
khoải cứu độ của Người được sớm thành hiện thực như mẹ Tê-rê-sa can-quýt-ta đã luôn
cộng tác với Chúa và cầu xin Chúa giúp như sau: “Lạy Chúa Giê-su thương mến. Xin
ban cho chúng con tỏa lan hương thơm của
Chúa
đến mọi nơi chúng con
đi.
Xin Chúa hãy làm tràn
ngập tâm hồn chúng con bằng Thần Khí và sức sống
của Chúa.
Xin Chúa hãy xâm chiếm
toàn thân chúng con để chúng con chiếu tỏa sức
sống Chúa.
Xin Chúa hãy chiếu sáng
qua chúng con,
để những người chúng con
tiếp xúc
cảm nhận được Chúa đang
hiện diện nơi chúng con. Xin cho chúng con biết
rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói
suông,
nhưng bằng cuộc sống chứng
tá,
và bằng trái tim tràn đầy
tình yêu của Chúa.”
4. CÂU HỎI: 1)
Thế giới hiện còn nhiều bóng tối của ma quỷ. Vậy tâm hồn bạn hiện
đang ở trong bóng tối ganh ghét hay ánh sáng tình thương ? 2) Bạn sẽ làm gì để
đẩy lùi bóng tối của ma quỷ là văn hóa sự chết như: tội lỗi, bạo
lực, đam mê... và các tệ nạn xã hội ra khỏi môi trường sống là gia
đình, khu xóm và nơi làm
việc ?
5. NGUYỆN CẦU
- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin giúp chúng con
tỏa hương thơm tình thương đến mọi nơi mà Chúa sai chúng con tới. Xin
hãy đổ đầy tâm hồn chúng con bằng ngọn Lửa của Thánh Linh. Xin Chúa
hãy ngự trị trong tâm hồn chúng con, để chúng con luôn chiếu tỏa ánh
sáng của Chúa trước mặt người đời, qua thái độ và hành động đầy
tình người của chúng con, để những người chúng con tiếp xúc cảm
nhận được sự hiện diện của Chúa. Xin cho chúng con luôn nhiệt thành
rao giảng Tin mừng của Chúa, không những bằng lời nói, nhưng còn bằng
hành động chứng tá, bằng trái tim đầy tình yêu thương của Chúa.
- LẠY CHÚA GIÊ-SU.
Lời Chúa hôm nay đòi chúng con phải chọn lựa dứt khoát. Xin cho chúng
con biết chọn theo Chúa, sẵn sàng tuyên chiến với các đam mê tội lỗi.
Như hạt lúa cần phải bị mục nát đi, mới có thể mọc lên thành cây
lúa. Như bác nông dân cần phải chịu vất vả một nắng hai sương nơi
đồng lúa, mới có thể có được một mùa gặt bội thu. Xin Chúa cho
chúng con sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ khi loan báo Tin mừng Nước
Thiên Chúa. Nhờ đó, chúng con sẽ có thể phát sinh nhiều hoa trái bác
ái giữa gia đình và hoa trái đức tin nơi nhiều người chưa
nhận biết Chúa.
X)HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.-
Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH
- HHTM