Bình An Chỉ Có Khi Sự Thật Lên Ngôi
(Chúa Nhật XX Thường Niên, C)
Jos.Vinc.
Ngọc Biển
Nếu Tin Mừng Chúa Nhật XVIII, Đức Giêsu kêu gọi hãy dùng tiền
của bất chính để mua lấy Nước Trời để được hạnh phúc thật, và Chúa Nhật XIX, Ngài nhấn mạnh
đến thái độ “sẵn sàng”; “tỉnh thức” để đón chờ Chúa đến
trong ngày Quang Lâm…,thì Chúa Nhật XX
này,
Đức Giêsu chuyển sang một hướng khác, một đề tài liên quan trực tiếp đến sứ mạng
và chương trình cứu độ của Ngài, khi loan báo về cuộc thương khó
cũng như cái chết.
Bài Tin Mừng hôm nay được chia làm hai phần:
phần I, Đức Giêsu muốn nói đến sứ mạng Thiên
Sai của Ngài;
phần II, Ngài tiên báo về những hệ lụy do sứ mạng của Mình
mang lại.
1. Sứ mạng Thiên
Sai
của Đức Giêsu
Đức Giêsu chính là Đấng
Cứu Thế, Ngài đến để cứu độ con người, nhưng Ngài cứu độ không bằng quyền bính, mà bằng chính cái chết của mình
để cứu độ nhân loại. Thật thế, qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu tiên báo cho các môn đệ biết về sứ mạng
của Mình: “Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết
bao cho đến khi hoàn tất”.
Phép rửa mà Đức Giêsu muốn nói ở đây chính là sự thương khó
và cái chết của Ngài. Đồng thời những ai muốn bước theo Ngài thì cũng phải đón
nhận phép rửa như Ngài đã chịu, tức là từ bỏ ý riêng, để vâng
theo ý Chúa, sẵn sàng hy sinh và chấp nhận cả cái chết để
sống và làm chứng về những giá trị Tin Mừng.
Phép rửa và sứ mạng ấy, Đức Giêsu mong muốn cho mau đến: "Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và
Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên” Ngọn “Lửa” ấy chính là Chúa Thánh Thần.
Người đến để thanh luyện những tâm hồn sỏi đá, phân biệt
sự thật và giả dối, Người đến còn là để xét xử
trần gian.
Ngọn “Lửa” ấy cũng chính là ngọn “Lửa” của Tình yêu, Sự Thật,
Công Bình.
Như vậy Đức Giêsu ao ước cho “Lửa” ấy bùng cháy lên để biến đổi
trái đất này thành Trời mới Đất mới, những
tâm hồn trai cứng thành mềm dẻo, biết yêu thương nhau, nâng đỡ và đồng hành với
nhau để làm chứng cho Chúa trong sự thật, để yêu thương anh chị em như anh
em một nhà.
Làm được điều đó là chúng ta đã đi vào trong quỹ đạo của
Thiên Chúa, một quỹ đạo của sự thật, yêu thương, bình an và
hoan lạc.
Nhưng để đạt được điều đó thật không dễ,
bởi vì nó đòi hỏi ta phải sẵn sàng chấp nhận hy sinh,
thử
thách, đau thương; phải chấp nhận hủy mình ra không để
thánh ý Thiên Chúa được thể hiện, chấp nhận hủy diệt bản thân
mình như hạt lúa gieo vào lòng đất, tức là chấp nhận cái chết:
chết đi cho con người cũ là con người tội lỗi, để thay vào đó là một con người
mới, tâm hồn mới và thái độ mới theo hình ảnh của Đức Kitô.
2. Những
hệ lụy của đời chứng nhân
Sau khi đã nói về sứ mạng của Mình, Đức
Giêsu muốn đi xa hơn để tiên báo về những hệ lụy sẽ xảy đến cho cuộc đời của
người môn đệ, Ngài nói: “Các con tưởng rằng Thầy đến đem hòa bình cho trần
gian? Thầy bảo cho các con biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia
rẽ” (Lc 12,49.51). Mới nghe, chúng ta
có cảm tưởng rất nghịch lý và mâu thuẫn nội tại. Tức là mâu thuẫn với chính Đức
Giêsu, bởi vì Ngài được mệnh danh là “Hoàng
Tử Hòa Bình”, hơn nữa, Ngài đến để đem bình an cho nhân loại! Ấy vậy mà hôm nay, Ngài lại bảo: tôi đến để đem chia rẽ? Nhưng không! Qua câu nói đó,
Đức Giêsu muốn cho chúng ta hiểu một cách sâu xa hơn rằng: con đường bình an của Ngài là
con đường hy sinh,
của từ bỏ; con đường của sự chết vì chân lý. Và, muốn có được
bình an thì phải đi
trên con đường đó, để làm chứng cho
sự thật, bảo vệ cho công lý, và xây dựng hòa bình. Chính Đức Giêsu cũng chỉ
vì sự thật mà phải chết. Ngài không bị kết án vì đã dạy cho con người sống tốt;
Ngài cũng không bị kết án vì đã làm ơn cho kẻ khác;
nhưng
Ngài bị kết án chỉ vì dám nói, sống và làm chứng về sự thật.
Như vậy, bình an của Chúa chỉ có thể đến được với những người
có tâm hồn thật thà, ngay thẳng, biết lắng nghe, và
thực
hành Lời Chúa. Bình an của Đức Giêsu không phải là một thứ bình an theo kiểu
người đời trao tặng cho nhau, cũng không phải là một
thứ bình an làm cho con người ngủ mê… Nhưng bình an của
Đức Giêsu đem đến cho nhân loại chính là thứ bình an chỉ có được qua hy
sinh, được tôi luyện bằng những thử thách, và được lớn lên trong khuôn khổ thập
giá.
Quả thật, hôm nay, lời của Đức Giêsu như
là một lời tiên tri cho chính Ngài và sứ vụ của các môn đệ: sẽ có nhiều người
chống đối vì họ không thể chấp nhận và thay đổi. Họ không muốn sống theo sự thật.
Vì thế, ngay trong gia đình cũng luôn xảy ra những mâu thuẫn, bất đồng vì có
người theo và có người không theo; sẽ xảy ra những sự chia rẽ giữa những người
tin và những người không tin: “Năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người
chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai
chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống
đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng".
Qua câu nói này, Đức Giêsu muốn dạy rằng: bình an chỉ có thể
có khi sự thật, công lý được lên ngôi.
3.
Bình an chỉ có được khi sự thật được tôn trọng
Tuy nhiên, trong cuộc sống,
nhiều khi chúng ta không dám nói lên sự thật chỉ vì chúng ta sợ mất lòng và bị
người ta ghét bỏ. Hơn nữa, có khi chúng ta lại còn đứng về phía
bất công để kết án những người lương thiện chỉ vì họ sống thật thà
với một lương tâm ngay thẳng.
Trong buôn bán, có nhiều kẻ ghét những người
buôn bán thật thà; người hay nói dối (nổ) thì lại ghét những người
nói thật…trong gia đình, những đứa con hay nịnh bợ thì lại được
cha mẹ yêu hơn, còn những đứa con thật thà thì lại không được yêu…
Nhưng là Kitô hữu, chúng ta muốn được bình an thực sự của
Chúa, chúng ta không có con đường nào khác, đó là con đường thập giá,
con đường của chính Đức Giêsu đã đi. Khi đứng về phía sự thật, là chúng
ta chấp nhận những hệ lụy như chính Đức Giêsu đã chịu. Hậu quả đó có thể do ghen tức, trục
lợi, hoặc chỉ vì dám nói lên những điều ngay thẳng… Đọc chuyện
các thánh Tử Đạo Việt Nam chúng ta thấy rất rõ điều này: có
những đấng bị chính con cái tố cáo, bỏ tù chỉ vì ghen ghét; có những đấng bị bắt
chỉ vì người nhà, bạn bè, học trò ham tiền, trục lợi… Khi bị bắt rồi, các ngài
không chịu nói dối để được tha, thậm chí còn nhân cơ hội ấy để nói và làm chứng
cho vua chúa quan quyền thời bấy giờ về sự thật, thế nên các ngài đã phải đón nhận cái chết
như một sự trả lẽ cho sự thật.
Như vậy, muốn có hòa bình thực sự là khi và chỉ khi chúng
ta đã quyết liệt chiến đấu để lựa chọn. Hòa bình chỉ có được khi nó thực sự
tách biệt khỏi gian dối, hận thù và ghen tương;
tách
bóng tối ra khỏi ánh sáng nhờ ngọn “Lửa” của Chúa Thánh
Thần mà Đức Giêsu đã ban xuống cho nhân loại.
Mong sao, tâm tư của Đức Giêsu sớm được thực
hiện trên trần gian này: “Thầy đã đến
đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên”.
Lạy Chúa, xin giúp cho chúng con hiểu rằng: muốn
có được bình an đích thực là chúng con phải từ bỏ con đường tội lỗi, hận thù và
ghen ghét; đồng thời phải can đảm sống và làm chứng cho sự thật, một sự thật
toàn vẹn. Ước gì ngọn lửa của tình yêu, sự thật và lòng mến thiêu đốt tâm hồn
chúng con, để tâm hồn chúng con được bình an và đáng hưởng sự sống vĩnh cửu
trong cuộc sống mai hậu. Amen.