Hãy Khiêm Nhường
(Chúa Nhật XXII Thường Niên, C)
Jos.Vinc. Ngọc Biển
Bài Tin Mừng hôm nay tiếp nối giáo huấn của Đức Giêsu tuần trước. Nếu
tuần trước, Đức Giêsu dạy hãy qua “cửa hẹp”
mà vào, tức là phải vứt bỏ lại những thứ không cần thiết, phải chiến đấu, sám hối,
và uốn nắn đời sống theo những giáo huấn của Tin Mừng, thì tuần này, Đức Giêsu
dạy cho những người cùng dự tiệc với Ngài một bài học về đức khiêm nhường: “Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên, ai nâng
mình lên sẽ bị hạ xuống”(Lc 14,11).
Theo truyền thống của người Dothái, khi đến dự tiệc, mỗi vị khách
thường được mời kể một câu chuyện để phục vụ những người cùng bàn với mục đích
giúp cho khách ăn ngon miệng. Vì thế, họ thường kể cho nhau nghe những chuyện
vui, bông đùa…, đến lượt Đức Giêsu, Ngài không kể chuyện tiếu lâm hay một vài mẩu
chuyện vui như những người đồng bàn đã làm, nhưng Ngài quan sát và thấy người
ta đi dự tiệc lại cứ thích ngồi chỗ nhất, chỗ danh dự, nên Đức Giêsu đã tập trú
vào đề tài khiêm tốn khi được mời đi dự tiệc (x. Lc 12,7-11). Đây là một đề tài
khiến cho những người dự tiệc hôm ấy nhức óc vì họ thường “đánh lận con đen” giả bộ khiêm nhường hoặc đòi được trọng vọng nơi
đám đông.
Khởi đi từ sự quan sát, Đức Giêsu cất tiếng nói: "Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới,
ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc
với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: 'Xin
ông nhường chỗ cho người này'. Bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt
hết”. Câu nói này của Đức Giêsu đã soáy sâu vào tận trái tim của những người
dự tiệc hôm ấy, và Ngài đã lật tẩy mặt nạ giả bộ giả hình của họ, khiến họ cảm
thấy khó chịu khi nghe Đức Giêsu nói.
Tiếp theo, Đức Giêsu đã đưa ra một tiêu chuẩn cho tất cả mọi người
khi được mời đi dự tiệc: “Khi ngươi được
mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến, nói với ngươi rằng:
'Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên'. Bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những
người dự tiệc”. Đây là quy luật tất yếu trong cuộc sống: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ
mình xuống sẽ được nâng lên”.
“Nâng lên” và “hạ xuống” là hai động từ trái ngược
nhau. “Nâng lên” chính là muốn khẳng
định mình; tự coi mình là nhất. Đây là hành vi của những kẻ kiêu ngạo, mà kiêu
ngạo là đầu mối sinh ra những tội khác như: “Hà
tiện, ghen tương, giận dữ, dâm ô, mê ăn uống, và lười biếng hay nguội lạnh”
(x. GLHTCG. số 1866).
Những người kiêu ngạo thường không biết mình, không biết những giới
hạn của mình, họ thường coi mình là “cái
rốn vũ trụ”, coi mình là “number one”,
là “đệ nhất đế vương…”.
Còn “hạ xuống” là thái độ
của người khiêm nhường. Khiêm nhường là khiêm tốn nhìn nhận mình còn thiếu, còn
bất toàn để vươn lên, còn yếu đuối để sám hối. Khiêm nhường còn là đón nhận sự
thật và lấy sự thật làm căn gốc. Chấp nhận “tôi”
là “tôi” với đầy đủ những mặt mạnh và
mặt yếu của mình.
Người khiêm nhường thật là người luôn sống trong tinh thần tự hủy,
coi mình không là gì cả. Khi bị xúc phạm, họ vẫn cảm thấy thanh thản, khi được
khen, họ luôn tạ ơn Chúa và không có thái độ vênh vang tự đắc. Họ coi mọi sự
mình có là do Chúa ban cho nên không hề có thái độ khinh khi những người thấp
kém hơn mình.
Như vậy, qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dạy cho mỗi chúng ta một
bài học căn bản trong cuộc sống chính là sự khiêm nhường. Nếu không khiêm nhường,
ta không thể gặp được Chúa. Môsê muốn gặp Chúa, ông phải cởi dép ra, phải trở về
với sự trần trụi của mình khi đến trước nhan Chúa; Giakêu muốn được Chúa vào
nhà thì ông phải tụt xuống khỏi cây sung; Phêrô và Phaolô muốn trở thành bạn hữu
của Chúa và trở thành những kẻ “chung phần”
với Thầy thì các ông phải khiêm tốn và vứt bỏ những thanh gươm kiêu ngạo, tự phụ
và hiếu thắng của mình.
Thật vậy, trong đời sống gia đình, nếu vợ chồng, con cái không có
thái độ khiêm nhường, chúng ta không thể đón nhận được sự khác biệt của nhau,
không biết lắng nghe nhau, không thông cảm và tôn trọng nhau. Như thế, mỗi người
sẽ là một hòn đảo, và một con chim én không thể làm nên một mùa xuân.
Trong cuộc họp, ai cũng thi nhau nói và ai cũng bảo vệ lập trường của
mình, cho dù biết đó là điều sai, thì cuộc họp ấy thất bại và gây thêm chia rẽ.
Trên giảng đường, và trong trường đời, nếu ta bảo thủ và cho rằng
chúng ta biết hết mọi sự và không cần lắng nghe, học hỏi…ấy là lúc ta đang tụt
hậu mà không biết, ta đang trong tình trạng “ếch
ngồi đáy giếng” mà chẳng hay!
Thật vậy, nhìn ra xã hội hôm nay, chúng ta thấy nhiều người luôn có
khuynh hướng “chơi trội”. Nếu người
khác có nhà một tầng, ta phải hai tầng; người khác có xe, ta phải có xe tốt
hơn; chức tước và học vị cũng là những điều con người thời nay thường khẳng định…thái
độ đó cho thấy ta không chịu thua kém người khác. Nhưng có ít ai thấy rằng một
ngày nào đó chúng ta sẽ trở về “sắc sắc,
không không” trước mặt Chúa?
Tóm lại, khiêm nhường chính là cái gốc, là nền móng của chúng ta. Có
được điều đó, ta sẽ xây dựng được sự chân thành; tình huynh đệ; sự hiệp nhất; lòng
bao dung và sự tôn trọng. Hơn nữa, có được đức khiêm nhường là ta đang trở nên
giống Chúa, đang được ở trong mối tương quan nghĩa thiết với Ngài.
Mong thay hình ảnh kiêu ngạo của Adong, Eva; những người xây tháp
Baben và những khách được mời dự tiệc trong bài Tin Mừng hôm nay là bài học cho
chúng ta nếu chúng ta đang là những người tự phụ, kiêu căng và đang đi tìm những
danh vọng ảo tưởng ở đời này…
Lạy
Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết học cùng Chúa vì Chúa hiền lành và khiêm nhường
trong lòng. Amen.