Theo Chúa, Phải
Từ Bỏ Tình Cảm Tự Nhiên
(Chúa Nhật 23 Thường Niên, C)
Jos.Vinc. Ngọc Biển
Trên hành trình lên
Giêrusalem để thi hành sự vụ
cứu độ con người qua cái chết của mình, Đức Giêsu thấy người ta theo mình rất
đông. Có những người theo Ngài chỉ vì tính hiếu tri, tò mò; lại có những người
theo vì mong được chứng kiến hay trực tiếp lãnh nhận được một vài phép lạ như Chúa
đã làm; lại có những người theo vì hy vọng Đức Giêsu thiết lập một vương quốc
oai hùng theo kiểu trần gian; tuy nhiên, cũng có những người theo Chúa vì muốn
được ơn cứu độ. Ngài biết rõ họ. Vì thế, như một mẫu số chung, Đức Giêsu đưa ra
một điều kiện tiên quyết cho hết mọi người, hầu giúp họ trắc nghiệm lại thái độ
theo mình của đám đông: “Ai theo Ta mà không dứt bỏ (ghét) cha mẹ, vợ con, anh
em, chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ Ta được. Và ai
không vác thập giá mình mà đi theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta được”(Lc 14,
26-27).
Vậy điều kiện đó của Đức
Giêsu có hợp lý không?
1. Đi theo và làm môn đệ
Đi theo ai là làm môn đệ cho
người ấy. Đi theo Chúa tức là tôn nhận Chúa làm chủ của mình. Đi theo Chúa cũng
là lắng nghe và thực hành Lời Chúa dạy; sống cuộc sống như Ngài đã sống, và
cùng chung số phận như chính Ngài đã chịu.
Đây là đặc tính của người
môn đệ, đồng thời cũng là điều kiện cần để theo Chúa. Thấy được tính hệ trọng
của sự việc, Đức Giêsu đã quay lại và bảo họ, hay đúng hơn là nhắc cho họ về
thái độ cần có khi đi theo mình. Tinh thần đó chính là sự dứt khoát, tiên quyết
để thoát ra khỏi mọi ràng buộc của cuộc sống hầu xứng đáng trở thành môn đệ.
Thật thế, hành trình đi
theo Chúa của người môn đệ được ví như người leo núi, hay đi qua cửa hẹp. Nếu
muốn leo lên núi được, cũng như qua được cửa hẹp, thì người lữ hành phải thanh
thoát và nhẹ nhàng, phải vứt bỏ lại tất cả những thứ cồng kềnh làm cản bước
chân và hành trình của mình. Cũng vậy, theo Chúa thì cũng phải có thái độ như
thế, tức là phải từ bỏ mọi sự để chỉ nhìn thẳng vào Chúa và nhắm tới đích mà
tiến bước: “Ai theo Ta mà không dứt bỏ (ghét) cha mẹ, vợ con, anh em, chị em
và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ Ta được”.
Đây có phải là đòi hỏi
thái quá không? Và có đi ngược lại với sự thảo hiếu với cha mẹ và nghĩa vụ đối
với gia đình không?
Thưa không! Bởi vì Chúa
không đòi hỏi người môn đệ phải bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em… một cách vô lý,
nhưng ý Ngài muốn nói rằng, nếu vì điều đó làm cho chúng ta không thể theo Chúa
được, hay làm cho chúng ta mất ơn cứu độ thì hãy từ bỏ, bởi lẽ mọi sự sẽ qua
đi, nhưng có Chúa là có tất cả, có Chúa là có cả một gia tài, thấy được rồi thì
phải tìm mọi cách mà giữ lấy (x. Mt 13,44-52).
Như vậy, con người không chỉ có cuộc
sống hiện tại, mà còn có cuộc sống mai sau, mà cuộc sống đời đời mới là cứu
cánh tối hậu của mình. Khi hiểu như thế, thì chữ “dứt bỏ” đồng nghĩa với chữ
“nghét” ở đây phải hiểu theo nghĩa “yêu thương”, tức là cần có một sự lựa chọn
ưu tiên, lựa chọn cái tốt hơn. Điều này được sáng tỏ nhờ Lời Chúa phán: “…ngươi phải
yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và hết
sức lực ngươi” (x. Mc 12:28-34). Khi hiểu như thế, ta thấy tình cảm dành
cho cha mẹ, vợ
con và anh chị em…là những người ta phải yêu thương, nhưng họ cũng là
con của Chúa, cũng là thụ tạo như chúng ta. Vậy thì khi phải lựa chọn, ta phải
chọn Đấng đã tác thành và trao ban họ cho ta. Có một thái độ như thế, ta mới
xứng đáng trở thành môn đệ của Chúa được. Đây là một sự lựa chọn
mang tính thứ bậc: Chúa là trên
hết, mọi sự là thứ yếu, nên cần phải vượt lên trên tình cảm tự nhiên để làm môn
đệ của Chúa.
Khi có thái độ như thế,
người môn đệ biết yêu Chúa trên hết mọi sự, từ bỏ mình là từ bỏ ý riêng và thay
vào đó là thánh ý Thiên Chúa, mà ý Thiên Chúa chính là yêu Ngài trên hết mọi sự
và yêu thương người thân cận như chính mình. Như vậy, khi từ bỏ mọi sự để theo
Chúa, ta lại được Chúa và mọi người nhờ vào tình yêu mà ta dành cho Chúa, thật
đúng như lời Chúa nói: “Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị
em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Phúc Âm, mà ngay bây giờ lại
không được gấp trăm ở đời này …”
2. Theo Chúa là vác thập giá hàng ngày mà theo
Tuy nhiên, theo Chúa là
từ bỏ mọi sự không thôi thì chưa đủ, nhưng còn phải vác thập giá mà theo thì
mới trọn vẹn ý nghĩa là người môn đệ của Đức Giêsu.
Thập giá trong đời sống
hằng ngày của người môn đệ được ví như cây gậy của người leo núi, như chiếc đèn
của kẻ đi đêm, như biển chỉ dẫn của khách lộ hành. Không có gậy, người
leo núi sẽ mệt và đôi khi không có thể làm điểm tựa khi đã mỏi gối chùn chân. Không
có đèn đi trong đêm, người ta dễ dàng sa xuống hố hoặc vấp ngã. Không có biển
chỉ đường, người ta dễ lạc lối. Như thế, thập giá hằng ngày chính là những hy
sinh thử thách giúp con người trưởng thành và sống có ý nghĩa hơn. Quả vậy, khi
suy tư về vấn đề này, Đức cố Hồng Y Thuận, vị Tôi Tớ Chúa đã nói: “thánh mà
không vượt qua thử thách là thánh giả”; “thánh lâm thời”.
Ơn cứu độ của chúng ta có
được là nhờ cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa. Như vậy, vác thập giá mà theo
Chúa tức là đón nhận tất cả những hy sinh, gian khổ vì Chúa và phần rỗi của
mình cũng như anh chị em: “Ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không
thể làm môn đệ Ta được” (Lc 14,27).
Điều kiện để theo Chúa
thật khó khăn và cam go như thế, nên Đức Giêsu muốn kẻ đi theo mình phải lựa
sức, phải cẩn trọng. Vì vậy, Ngài kể cho họ nghe hai dụ ngôn của người xây tháp
và ông vua đi giao chiến. Nếu muốn xây tháp, mà không biết chọn chỗ nào cho phù
hợp, mục đích của việc xây tháp là gì, và cần bao nhiêu thợ, cát, đá, sắt,
gạch…hay khi giao chiến mà không biết mình có bao nhiêu quân, địch bao nhiêu,
những thuận lợi, khó khăn của ta và địch, nói chung là không biết tính toán
trước thì thật là một kẻ dại dột, và như thế, thất bại là lẽ đương nhiên. Cũng vậy,
lựa chọn theo Chúa là một chuyện khó, nhưng sống sự lựa chọn đó, tức là làm chứng
cho Chúa còn khó hơn gấp bội. Đức Giêsu biết được điều đó, nên một mặt Chúa đòi
hỏi phải dứt khoát, từ bỏ mọi sự để theo thì mới xứng đáng, nhưng đàng khác,
Ngài cũng cảnh báo chúng ta phải suy tính cho cẩn thận, kẻo rồi dở đi mắc núi,
dở lại mắc sông: “Ai đã tra tay vào cầy mà còn ngoái lại đàng sau thì không
xứng đáng là môn đệ Ta”.
3.
Sống
lời Chúa hôm nay
Lời Chúa ngày hôm
nay dạy chúng ta rằng: phải yêu Chúa trên hết mọi sự, và như một sự phát sinh,
hệ quả…, yêu Chúa thì phải yêu người và yêu chính ta. Nếu chỉ yêu Chúa mà không
yêu người thì là kẻ nói dối. Nói cách khác, tình yêu với Thiên Chúa bao trùm
mọi tình cảm khác của con người, và như ngọn hải đăng soi sáng cho mọi người
nhìn thấy nhau thế nào, thì khi yêu Chúa, ta cũng dễ nhận ra nhau là anh chị em
của ta. Nói cách khác, khi yêu Chúa, ta sẽ thăng hoa được mọi thứ tình cảm tự
nhiên, và như thế, ta lại được lại mọi người như là cha, mẹ và anh chị em của
ta.
Chính vì thế, mà
khi cần, tức là những tình cảm tự nhiên làm cho ta bị chậm trễ hay cản bước ta
đến với Chúa và đi theo Chúa thì cần phải loại bỏ hết tất cả để đi theo Chúa và
thi hành điều Chúa truyền. Đây chính là định luật ưu tiên trong đời sống của
người Ki tô hữu.
Lạy Chúa Giê su,
Chúa là Đường, là Sự Thật, là Sự Sống. Xin cho chúng con nhận ra chân lý này,
để sẵn sàng từ bỏ mọi sự mà đi theo Chúa. Xin ban ơn trợ giúp, để chúng con
luôn đủ sức mạnh, hầu vác thánh giá hằng ngày mà theo Chúa cho nên. Amen.