CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN
Giá trị của chúng ta trước mặt Chúa
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Lu-ca
15:1-32)
Chúa Giê-su kể luôn một mạch ba dụ ngôn, tìm được con chiên
lạc, tìm được đồng bạc bị đánh mất và tìm về lại đứa con đã đi hoang. Không hẳn Chúa Giê-su chỉ nhằm mục đích bênh
vực cho hành động của Người là “đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”,
nhưng mặt khác để nói cho người ta biết rằng mỗi người chúng ta dù thân phận tội
lỗi vẫn có một giá trị tuyệt đối trước mặt Thiên Chúa.
Trước hết chúng ta nhận thấy một sự thật tréo cẳng ngỗng: những người Pha-ri-sêu tự coi mình là những kẻ
công chính thì lại không muốn đến với Chúa Giê-su, còn “các người thu thuế và
các người tội lỗi lại đều lui tới với Chúa Giê-su để nghe Người giảng”! Với bối cảnh như vậy, chúng ta có thể tin chắc
rằng Người đang giảng cho những ai lui tới với Người và Người muốn bảo đảm với
họ rằng khi đến với Người là họ đang tìm lại giá trị của họ đã bị tước đoạt hoặc
đánh mất. Đến với Người, họ sẽ nhận biết
sứ mệnh của Người là phục hồi cho họ phẩm giá và địa vị làm con cái Thiên
Chúa. Vậy chúng ta lắng nghe Chúa Giê-su
giảng điều gì về giá trị của chúng ta?
Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã ban cho họ một giá trị. Đặc biệt giữa muôn loài thụ tạo, con người đã
được làm nên “theo hình ảnh Thiên Chúa”.
Kinh Thánh khẳng định chỗ đứng của chúng ta trong công trình tạo dựng: “Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh
là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay
Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Thánh Vịnh 8:6-7). Ngoài ra còn rất nhiều hình ảnh khác đã được
sử dụng để diễn tả giá trị của con người trước mặt Chúa. Giá trị ấy không được đánh giá bằng những gì
bề ngoài như tiền bạc, bằng cấp…, nhưng là giá trị tình cảm, một giá trị hoàn
toàn căn cứ vào tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ. “Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm
nhân là gì mà Chúa phải bận tâm?”, tác giả Thánh Vịnh đặt câu hỏi như vậy. Còn Chúa Giê-su thì trả lời bằng những dụ
ngôn chúng ta nghe hôm nay. Con chiên lạc
hay đồng quan mất đâu có đáng giá để người mục tử và người phụ nữ phải cất công
đi tìm! Ngay đến đứa con hoang đàng tự ý
muốn mất, muốn chết thì người cha bình thường cũng có thể coi nó như đã mất đã
chết rồi! Vậy mà giá trị tình cảm của đứa
con đã khiến người cha nhân hậu ngày ngày mòn mỏi đứng chờ trước cửa nhà.
Một cái gì mang giá trị tình cảm sẽ làm cho chủ nhân của nó
vui mừng khi họ tìm lại được nó. Khi nhấn
mạnh đến niềm vui của người chăn chiên, của người phụ nữ và người cha, Chúa
Giê-su đã khéo léo nói lên giá trị của những gì đã mất. Càng yêu mến bao nhiêu, người ta càng vui mừng
và biểu lộ niềm vui ấy khi tìm lại được vật hoặc người đã mất! Chúa yêu thương chúng ta nhiều lắm nên chúng
ta mới có giá trị tuyệt đối đối với Người.
Chúa vui mừng nhiều lắm khi chúng ta ăn năn sám hối, vì Người không muốn
mất đi một đứa con có giá trị trên các tạo vật khác. Một góc nhìn của bài Tin Mừng hôm nay tuy đơn
sơ nhưng vô cùng ý nghĩa, đã giúp chúng ta có một xác tín về giá trị của mình
và của những người anh chị em.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Chúng ta thuộc mọi tầng lớp khác nhau, giàu hay nghèo, khỏe
mạnh hay bệnh tật, công chính hay tội lỗi…, nhưng chúng ta có một mẫu số chung: là con người, là con cái của Cha trên trời. Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư không
nhận biết giá trị của con người nên mới xầm xì phê bình Chúa Giê-su. Họ không giúp cho người tội lỗi trở về, nhưng
tránh xa như tránh hủi. Đó không phải là
thái độ của Ki-tô hữu. Người ta có thể
đánh mất địa vị làm con Chúa khi họ phạm tội, nhưng thật nhiều lần chính chúng
ta lại là những người tước đoạt phẩm giá của họ. Chúng ta khinh dể người khác vì họ không cùng
giai cấp, màu da. Chúng ta coi thường
người khác vì họ không có bằng cấp, xe hơi nhà lầu… Người ta xấu xa, tội lỗi
bao nhiêu chưa phải là kết luận, nhưng quan trọng hơn, đó là người ta vẫn “lui
tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng”, vẫn được tiếp đón và cùng ăn uống với
Người!
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi