biẾt
khôn ngoan tiên liỆu
(Luca 16,1-13 – CN
XXV TN - C)
1.- Ngữ cảnh
Với chương 16, Tin
Mừng Luca thêm vào những dụ ngôn và những lời nói khác của Đức Giêsu. Tuy
nhiên, trong khi đề tài của ch. 15 là niềm vui vì tìm lại được những gì đã mất,
trong ch. 16 này, đề tài là thái độ đối với của cải và cách sử dụng chúng. Dù
thế, vẫn có thể cho rằng đề tài mới này đã được báo trước ở ch. 15 bằng truyện
đứa con thứ phung phí của cải. Bây giờ, chúng ta có hai dụ ngôn, Người quản lý
bất lương (cc. 1-8a) và Ông nhà giàu với Ladarô (cc. 19-31), triển khai rõ ràng
đề tài mới này. Ta cũng thấy có những lời Đức Giêsu được gắn vào dụ ngôn thứ
nhất (cc. 8b-13) và những lời khiển trách người Pharisêu ham tiền (cc. 14-15).
Chỉ có hai lời không liên hệ đến đề tài,
đó là lời nói về Lề Luật (cc. 16-17) và lời nói về ly dị (c. 18).
Đàng khác, dụ ngôn
Người quản lý bất lương được dẫn nhập ở c. 1 bằng từ de (“nhưng”) cùng
với liên từ kai (“cũng”). Ngữ pháp xác nhận rằng khi de được nối
tiếp bằng kai, điều đó có nghĩa là bản văn sau này được liên kết với bản
văn trước đó[1].
Trong khi trong dụ ngôn Người cha nhân hậu, người con thứ không có phương tiện,
thì giờ và tự do để làm lại cuộc đời cho mình, và cũng không biết xoay trở thế
nào, trong bản văn 16,1-8a, dù không có phương tiện và thì giờ, người quản lý
vẫn có thể làm lại cuộc đời cho mình, khiến anh ta xứng đáng được khen
(16,8a).
Cho đến nay, bài dụ
ngôn Người quản lý bất lương này vẫn là một crux interpretum (“thập giá
của các nhà chú giải”). Để hiểu dụ ngôn và các áp dụng, điều chủ yếu phải làm
sáng tỏ là bản chất luân lý của hành động của người quản lý liên hệ đến các
biên nhận của các con nợ của ông chủ. Ý kiến vẫn được đa số chấp nhận là người
quản lý, đã bất lương trong quá khứ, khi làm thất thoát tài sản của chủ, nay làm
thêm một hành vi bất lương nữa khi sửa lại các biên nhận, khiến tài sản
của chủ càng hao hụt thêm. Nhưng nếu đây là ý nghĩa của bản văn, ta khó mà hiểu
được là vì sao ông chủ có thể khen ngợi người quản lý là khôn khéo, và vì sao
Đức Giêsu có thể rút từ cách hành động này một kết luận chấp nhận được.
Dĩ nhiên, về phương diện luận lý, ta có thể tách sự tiên liệu và khôn khéo ra
khỏi những phương diện khác của hành động của người quản lý. Nhưng những phân
biệt như thế thì không dễ nắm bắt đối
với những tâm trí không quen kiểu làm việc này, còn đám đông Kitô hữu thì hẳn
là vẫn cảm thấy lúng túng khi đọc thấy sự song đối Đức Giêsu thiết lập giữa
người quản lý và các môn đệ Người. Không lẽ Đức Giêsu, là người vẫn quen ngỏ
lời với các con tim, lại thật sự đề ra một dụ ngôn hàm hồ như thế trong
một vấn đề đụng chạm đến sự vô luân, bị mọi người phản đối?
Ngoài ra, cứ cho đi là
người quản lý đã giả mạo các biên nhận nợ, thì anh ta chỉ càng làm cho hoàn
cảnh của mình thêm trầm trọng, mà cũng chẳng giữ được kín, vì anh sắp phải báo
cáo sổ sách, với lại bản văn cho thấy là ông chủ biết rất nhanh chuyện vừa xảy
ra. Và cũng khó mà hiểu vì sao anh lại được khen là khôn khéo. Nếu thế, dụ ngôn
này nói về một hành động khó có thật.
Chúng ta đừng quên rằng
Đức Giêsu không hề đánh giá hành vi của người quản lý về mặt luân lý, mà chỉ
nói là anh khôn khéo thôi. Chính câu 8 gọi anh là “bất lương”, nhưng đó là
trong quá khứ, trước khi anh ta làm hành động được bài dụ ngôn kể ra, còn hành
động này không nhất thiết là bất lương (x. Dụ ngôn ông quan tòa bất chính đã xử
công bình cho bà góa: Lc 18,2-8). Xin coi trong phần chú giải.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia
thành hai phần:
1) Dụ ngôn Người quản
lý bất lương (16,1-8a);
2) Ba áp dụng của Dụ
ngôn (16,8b-13):
a) Áp dụng 1 (cc. 8b-9),
b) Áp dụng 2 (cc. 10-12),
c) Áp dụng 3 (c. 13).
3.- Vài điểm chú giải
- một người quản lý (1): Danh từ Hy Lạp oikonomos
thường là một người nô lệ sinh ra tại nhà chủ (x. St 15,3: ben
bayit, “một người con của nhà”; St 14,14: yelid bayit,
“người sinh ra của nhà”), nhưng không nhất thiết là như thế. Tại Paléttina,
người quản lý không được trả lương; anh toàn quyền thay mặt chủ để giao dịch
làm ăn. Nếu anh ta biển thủ, thì không có một hành vi pháp lý nào có thể
giúp chủ thu hồi của cải cả; ông chủ chỉ có thể phạt bằng cách trách mắng, tiết
lộ hành vi bất lương của anh ta để làm anh mất tiếng tốt, rồi thải hồi anh
thôi. Sau khi đã biết quyết định của chủ, người quản lý phải tính sổ, nhưng vẫn
đại diện của chủ. Vì không có lương, người quản lý có thể cho vay lấy lãi. Thật
ra Luật Môsê cấm cho vay lấy lãi (x. Xh 22,25; Lc 25,36; Đnl
23,20-21), nhưng người Do Thái có cách xoay sở: người ta bảo là Luật nhắm che
chở những người túng cực khỏi bị bóc lột. Do đó, nếu chứng minh được là người
vay mượn đã có một phần của cải anh muốn mượn, và như vậy phần vay mượn
không là cấp bách, thì có thể lấy lãi. Chẳng hạn dầu và lúa (đó là lý do khiến
hai thứ này được đưa ra làm ví dụ ở đây): ai mà chẳng có đủ dầu để đốt một cái
đèn? Ai lại không có đủ lúa để làm một cái bánh? (Mishna). Ở đây, anh
quản lý tha phần lãi (quá đáng) để trả lại nguyên vốn cho chủ[2].
- tố cáo (1): Động từ Hy Lạp diaballein
thường có sắc thái vu khống.
- phung phí của cải (1): Động từ Hy Lạp diaskorpizein
cũng được dùng trong dụ ngôn Người con phung phá (15,13) để mô tả một cách
sử dụng hoang phí các của cải. Bản văn không nói rõ anh “phung phí của cải”
trong những chuyện gì.
- Một trăm thùng dầu
ô-liu (6):
Danh từ Hy Lạp batos phiên âm từ tiếng Híp-ri bat, “thùng” tương
đương với khoảng 45 lít (theo sử gia Gioxép, một batos = 72 xestai
Hy Lạp hoặc 72 sextarii Rô-ma).
- viết năm chục (6): Câu này không có
nghĩa là anh ta giả mạo số nợ người ta mắc với ông chủ của anh. Điều này có
nghĩa là con nợ hiện mắc nợ ông chủ chỉ năm mươi thùng dầu, còn năm mươi thùng
kia là hoa hồng của người quản lý. Như thế số lãi là 50%. Bên Cận Đông những
món nợ về lương thực thường có lãi cao như thế thật.
- Một trăm bồ lúa (NTT- 7; “Một ngàn
giạ lúa”: CGKPV): tức là một trăm kor lúa. Từ Hy Lạp koros
phiên âm từ từ ngữ Híp-ri kor,
tương đương với 10 bats, hoặc 450 lít (bên Hy Lạp có đơn vị đo lường medimnos
= 1,5 kor).
- viết tám trăm (7): Trong trường hợp
này, hoa hồng là 25% (trên tám mươi bồ/giạ lúa). Lãi 1/3 hay 1/4 là chuyện bình
thường.
- Và ông chủ khen (8): Ho kyrios
có thể hiểu là “Chúa (Đức Giêsu )” hay “ông chủ”. Ở đây, ta hiểu là “nhà phú hộ
kia” (c. 1) hay “ông chủ” (cc. 3.5). Vì các lý do: (1) “Nhà phú hộ” rất có thể
là một chủ đất thường xuyên đi vắng, nên đã giao việc quản lý công việc
làm ăn cho một người quản lý (oikonomos). Anh này không phải chỉ
là một người tôi tớ được đặt đứng đầu những tôi tớ khác (như ở 12,42),
mà là một nhân viên của ông chủ, được huấn luyện, được tin tưởng và được giao
quyền thay chủ. Anh này có thể hành động nhân danh chủ trong những giao dịch:
theo cách thông thường, anh này cho những người khác mượn của cải của ông chủ
với một phần hoa hồng hoặc lãi được cộng thêm vào biên nhận; trong biên
nhận này thường chỉ ghi số nợ, nghĩa là phần vốn cộng với phần lãi. Đây là tập
tục rất thông dụng bên vùng đông Địa Trung Hải, Ai Cập dưới thời Hy Lạp và
Rô-ma, Paléttina, Xyri, Átxyri, và Babylon.
Vậy tại sao ông chủ lại khen người quản lý? Tuy không biết
số hoa hồng người quản lý có được, chắc chắn ông chủ biết là anh có làm theo
thói tục lúc đó. Nhưng nếu người quản lý cố tình giả mạo biên nhận, hẳn là khó
mà cho rằng ông chủ lại khen anh. Ở đây, ông chủ khen người quản lý là vì thấy
anh khôn khéo, vì thấy anh này chấp nhận loại bỏ phần hoa hồng khỏi những biên
nhận trước đây, trong đó có phần cho vay nặng lãi. Như thế, anh đã biến những
con nợ của chủ thành người chiu ơn anh, mà không làm thiệt hại gì đến chủ.
- con cái ánh sáng (8): Đây là một cách
gọi các môn đệ Kitô hữu (x. 1 Tx 5,5; Ep 5,8; Ga 12,36).
- nơi ở vĩnh cửu (9): dịch sát là “các lều
vĩnh cửu”. Có lẽ hình ảnh này lấy từ lễ Lều, vì lễ này được coi như một tiền
ảnh của thời đại cứu độ (Dcr 14,16-21).
- Tiền của bất chính (9): Danh từ mamonas
là dạng hy-hóa của danh từ Híp-ri mamôn hoặc danh từ A-ram mamôna’.
Cách giải thích hợp lý nhất là cho rằng từ này là một dạng của ngữ căn ’mn,
và có nghĩa là “điều mà người ta đặt tin tưởng vào”, từ đó chuyển sang nghĩa là
“tiền bạc, của cải”. Đây là tiền của thủ đắc hợp pháp, tức theo luật lệ của
loài người, nhưng hư hỏng dưới cái nhìn của Thiên Chúa.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Dụ ngôn Người quản lý
bất lương (1-8a)
Bản văn dường như mô tả
một sự cố đã thật sự xảy ra. Người quản lý bị tố cáo là bất lương, nhưng chúng
ta không được biết đích xác trong chuyện gì. Chúng ta chỉ biết là bây giờ, khi
thấy hoàn cảnh của anh đã thành bấp bênh, vì ông chủ đã quyết định sa thải anh,
anh biết phản ứng nhanh và dứt khoát.
Người quản lý biết rằng
có nhiều người đang nợ chủ anh những món nợ kếch sù. Anh gọi các con nợ đến,
rồi hỏi người thứ nhất: “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy ?” Người ấy đáp: “Một
trăm thùng dầu ô-liu”. Người quản lý bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây,
ngồi xuống mau, viết năm chục thôi”. Món nợ đã được giảm từ 4.500 lít dầu ô-liu
xuống còn 2.250 lít, tương đương với tiền công nhật một năm.
Anh ta gọi người thứ
hai đang mắc nợ một trăm bồ lúa (tức một ngàn giạ lúa), tức là khoảng 35 tấn
(kết quả thu hoạch của hơn 42 mẫu ruộng tốt). Nay món nợ của ông giảm xuống còn
80 bồ thôi, tức là bớt đi khoảng 7 tấn!
“Ông chủ” (c. 8), dù là
Đức Giêsu hay là ông phú hộ, đã khen ngợi sự khôn khéo và sáng suốt của anh.
Người ta vẫn giải thích hành vi anh ta hướng dẫn những người làm biên nhận là
một hành vi bất lương: thay vì bảo các con nợ viết đủ số nợ thì lại bảo
họ viết bớt đi. Trong thực tế, vào thời Đức Giêsu, các quản lý không có lương,
nên họ được phép lấy hoa hồng từ món nợ (25-50%). Như thế, ở đây, người quản lý
không làm thiệt hại cho chủ, nhưng chỉ bớt món hoa hồng lẽ ra anh được hưởng.
Anh hy sinh một món lợi nhuận ngắn hạn như thế để mong được người ta
tiếp đón lâu dài. Vì thế, anh ta mới được khen là sáng suốt và biết khôn ngoan
tiên liệu.
Cho dù chọn cách giải
thích nào, các độc giả vẫn phải nhớ điểm nhắm của dụ ngôn là: sự thông minh của
một người khi nhìn đến tương lai của mình, hoặc nói bằng ngôn ngữ tôn giáo hơn,
các chọn lựa thận trọng khi nhìn đến việc cứu độ bản thân. Các môn đệ của Đức
Giêsu cũng phải biết tận dụng thì giờ, phải hành động một cách minh mẫn
và khôn ngoan, phronimôs, nghĩa là với cái đầu. Đức Giêsu bảo họ rằng họ
có thể học được nhiều nơi các con cái thế gian trong việc phân tích kỹ lưỡng
hoàn cảnh, suy nghĩ chín chắn và có một cách ứng xử thích hợp.
* Ba áp dụng của Dụ
ngôn (8b-13)
Thế rồi Đức Giêsu đã
chuyển từ ngôn ngữ kinh tế của dụ ngôn sang ngôn ngữ phù hợp với Do Thái giáo.
Ba áp dụng chứng tỏ cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đã sớm mặc cho dụ ngôn một bộ
áo luân lý. Cả ba thuộc về những ngữ cảnh khác nhau
Áp dụng thứ nhất (cc.
8b-9) mang màu sắc Sê-mít rõ ràng, có lẽ có một bối cảnh Paléttina, với
những thuật ngữ “con cái thế gian” , “con cái ánh sáng”, “Tiền Của bất chính”,
“nơi ở vĩnh cửu”. Áp dụng này đặt con cái thế gian ngang hàng với người quản lý (c. 8a). Do sự “khôn khéo” của
họ, họ hơn các “con cái ánh sáng”, tức các môn đệ của Đức Giêsu, trong cách dàn
xếp với thế hệ này. Như thế, các Kitô hữu có thể học được điều gì đó từ sự khôn
khéo của họ. Câu 8b là một lời bình tổng quát hóa về kết luận của bài dụ
ngôn, nhấn mạnh trên sự khôn khéo trong đời sống Kitô hữu. Câu 9 nêu ra khía
cạnh cánh chung của lời khuyên. Các Kitô hữu phải khôn khéo trong cách sử dụng
của cải vật chất, bây giờ được gọi là “tiền của bất chính”, để tạo lấy những
bạn bè sẽ đón họ vào nơi cư ngụ vĩnh cửu. Như vậy, quyết định khôn khéo của
người quản lý (c. 4) được ẩn-dụ-hóa để trở thành một khuyến khích sử
dụng khôn khéo của cải vật chất.
Áp dụng thứ hai (cc.
10-12) rút một bài học từ bài dụ ngôn như là một toàn thể và hệ quả về
cách quản lý có trách nhiệm. Khía cạnh cánh chung của c. 9 biến mất, để nhường
chỗ cho ý tưởng về trách nhiệm và sự trung tín ngày qua ngày. Áp dụng gồm ba
câu ở thể song đối đối nghĩa: câu 1 là câu tuyên bố (tương phản giữa trung tín
trong việc rất nhỏ và trung tín trong việc lớn) ; câu 2 và 3 ngắn hơn, là câu
hỏi (tương phản giữa trung tín trong việc sử dụng những của cải thông thường và
những của cải chân thật; tương phản giữa việc sử dụng của cải của người khác và
của cải của chính mình). Như thế, cả ba tương phản tóm tắt vai trò của sự trung
tín trong đời sống Kitô hữu.
Áp dụng thứ ba (c. 13)
được đặt ở đây do từ móc “tiền của” ở cc. 9,11 và 13d. Áp dụng này không liên
hệ với bài dụ ngôn, nhưng tóm một thái độ tổng quát đối với của cải. Có
thể nói áp dụng này bình luận cc. 10-12 dể đưa ra câu hỏi cho Kitô hữu: Anh em
muốn phục vụ ai?
+ Kết luận
Bài dụ ngôn không lưu ý về bản tính độc hại của của cải,
cũng không chuẩn nhận cho sự bất lương của người quản lý (cc. 1-2), hoặc chuẩn
nhận cho việc anh ta giả mạo các biên nhận khiến gây thiệt hại cho chủ. Câu
chuyện nhắm đến sự khôn khéo của ngưởi quản lý biết cách sử dụng phần của cải
thuộc về mình để lo cho tương lai. Như thế, “người quản lý bất lương” trở thành
điển hình cho các Kitô hữu về sự sáng suốt, khôn khéo. Đứng trước một tình
trạng khủng hoảng do sự bất cẩn và những lầm lạc trong phán đoán thuộc quá khứ,
anh biết khôn ngoan đánh giá tình hình và xoay sở hợp lý. Các Kitô hữu cũng
đang phải đối diện với đòi hỏi của Nước Trời đang đến, nên cũng cần biết sử
dụng của cải để có thể ứng phó với hoàn cảnh này.
Với ba áp dụng thêm vào, bài dụ ngôn đưa tới chỗ khuyến cáo
các Kitô hữu phải biết sử dụng của cải với tinh thần trách nhiệm và để phục vụ
hạnh phúc của người khác.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Đức Giêsu đã đến như
ánh sáng thế gian. Ai theo Người, thì có ánh sáng, với điều kiện phải để cho
ánh sáng hướng dẫn. Muốn sống như là “con cái ánh sáng”, các môn đệ Đức Giêsu
phải để cho Người hướng dẫn. Các môn đệ Đức Giêsu thỉnh thoảng phải nghĩ đến
tương lai của họ, để không bị bắt chợt mà trắng tay. Họ phải quan tâm không
những đến tương lai gần, mà cả tương lai ở bên kia cái chết. Đó là nhắm đạt
được những “cái lều vĩnh cửu”, túc sống hiệp thông bền vững với Thiên Chúa.
Tương lai ấy, người ta đạt được hay bị mất, là do cách hành động trong hiện
tại. Tương lai này, Đức Giêsu giúp các con cái ánh sáng đạt được, nhưng họ phải
chuẩn bị bản thân bằng một cách sống biết tiên liệu. Chính họ cũng phải
biết sử dụng của cải vật chất cách khéo léo và sao cho có thể đảm bảo tương
lai, nhờ biết tạo cho mình những bạn hữu. Họ phải chứng tỏ họ là những người
quản lý được tin cậy và trung tín trong những điều nhỏ nhất. Họ chỉ đạt được
như thế nếu họ phục vụ Thiên Chúa chứ không phải tiền của.
2. Các Kitô hữu sống
như “con cái ánh sáng” là có trái tim thuộc về Thiên Chúa. Ngài phải là Đức
Chúa mà họ yêu mến và họ hướng tới. Chỉ khi đã khởi đi từ một quan hệ
như thế với Ngài, họ mới có thể có một
tương quan đúng đắn với của cải trần thế và là tương quan bảo đảm tương lai
cho họ. Ai nhìn nhận Thiên Chúa là Chúa tể thì cũng nhìn nhận Ngài là Chúa tất
cả của cải vạt chất và biết rằng bản thân mình không phải là chủ tuyệt đối các
của cải đó, nhưng chỉ là người quản lý.
3. Một người quản lý lệ
thuộc chủ mình và chịu trách nhiệm trước mặt chủ. Anh không điều hành một của
cải của riêng anh, nhưng một của cải của người khác, của cải được Thiên
Chúa ký thác. Anh là người trung tín và đáng tin nếu anh biết đi theo ý muốn
của chủ mình, chứ không cư xử theo tính ngẫu hứng. Tất cả các ý tưởng của anh
phải nhắm đảm bảo sao cho chủ không bị thiệt hại gì cả, không có gì xảy ra
ngược ý muốn của chủ. Qua tương quan với các của cải của chủ, người quản lý
chứng tỏ giá trị của tương quan của mình với chủ. Như thế, các của cải trần thế
đã được ký thác cho chúng ta là để thử lòng chúng ta. Như những người quản lý,
qua các của cải ấy, chúng ta phải chứng tỏ tương quan của chúng ta với Thiên
Chúa; chúng ta phải chứng tỏ lòng trung thành và khả tín của mình.
4. Chúng ta chứng tỏ
mình biết sử dụng đúng dắn các của cải khi biết dùng của cải mà tạo cho mình
những bạn hữu, do dùng của cải mà phục vụ người thân cận. Các của cải không
được ban cho chúng ta để chúng ta hưởng thụ cách ích kỷ, nhưng là để chúng ta
dùng trong chiều hướng nhắm đến tương lai, thể theo ý muốn của Thiên Chúa. Đức
Giêsu nói đến của cải vật chất, nhưng điều Ngài nói cũng có giá trị cho mọi thứ
của cải trần thế khác, như các khả năng tinh thần, các tài năng, kiến thức, học
vấn… Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta phải sáng suốt và biết tiên liệu. Như thế,
không thể phung phí của cải trần thế vào việc hưởng thụ trong hiện tại. Đàng
khác, ai cho rằng mình có quyền bố trí các của cải theo ý mình, là sai lầm.
Chúng ta được liên kết trước tiên vào Chúa. Chúng ta không phải là chủ nhân tự
trị, nhưng chỉ là những quản lý các của cải của chúng ta. Và của cải được trao
vào tay chúng ta là để chúng ta dùng mà phục vụ anh chị em. Chỉ khi đó, chúng
ta mới đảm bảo được tương lai của mình.
5. Theo hình ảnh Đức
Giêsu sử dụng, thời gian là khoảng khắc chọn lựa đối với mỗi một môn đệ. Thời
gian không phải chỉ là những giây phút qua đi, nhưng là khoảng khắc cứu độ, cơ
hội Thiên Chúa ban cho con người để cứu lấy chính mình. Đức Giêsu không có ý
rao giảng rằng con người tự cứu lấy chính mình nhờ tài kháo và sức riêng, bởi
vì ơn cứu độ hoàn toàn là ân sủng Thiên Chúa ban. Nhưng cũng đúng là con người
phải lãnh trách nhiệm trong việc tận dụng những gì mình nhận được mà bảo đảm
lấy ơn cứu độ.
Lm FX Vũ Phan Long, ofm
[1] F. Blass
– A. Debrunner, Grammatica del
greco del Nuovo Testamento (Paideia, Brescia, 19972, § 447 I,
d).
[2]
Xem J.D.M. Derrett, Law in the
New Testament (