CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG
NIÊN
Làm tôi Thiên Chúa
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Lu-ca
16:1-13)
Dụ ngôn “Người quản gia bất lương” là câu chuyện sống động
Chúa Giê-su kể để khẳng định một chân lý rõ ràng: Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa
làm tôi Tiền Của được. Làm tôi là từ diễn
tả một lối sống tùy thuộc vào người khác hay vật nào đó. Tuy nhiên sự tùy thuộc này vẫn mang tính cách
tự do và tự nguyện, nhất là động lực tình yêu, sẽ là những yếu tố giúp chúng ta
phân biệt rõ ràng việc làm tôi Thiên Chúa khác với việc làm nô lệ cho người
khác hoặc cho tiền bạc danh vọng.
Nếu làm tôi Chúa hoặc làm tôi Tiền Của là một lối sống thì lối
sống ấy sẽ theo sát chúng ta và đòi hỏi chúng ta không được thay lòng đổi dạ,
nghĩa là phải trung tín trong việc lớn cũng như việc nhỏ. Cứ quan sát một người làm tôi Tiền Của sẽ thấy
rõ. Sáng mở mắt ra là nghĩ đến tiền. Tối nhắm mắt lại vẫn tiếp tục nghĩ mưu tính kế
làm sao có thêm tiền. Họ trung tín với
Tiền Của đến độ một xu cũng không chịu để mất, nói chi đến bạc triệu. Người ta còn trung tín đến nỗi bán cả lương tâm,
miễn sao có tiền hay có lợi. Tên quản
gia bất lương là một thí dụ cụ thể: ăn cắp
tiền của các con nợ và của chủ nợ để lo cho tương lai của mình.
Tương phản với thái độ làm tôi Tiền Của là làm tôi Thiên
Chúa. Khác biệt căn bản nằm trong đối tượng
của việc làm tôi. Tiền Của chỉ là vật
nay còn mai mất, không chạy theo chúng ta xuống mồ. Xe hơi o bế cho lắm, đụng một phát là được
kéo vào nghĩa địa xe. Nhà đẹp chỉ một trận
lụt, cháy rừng hay bão lớn là đi đời.
Còn Thiên Chúa thì “đã có trước vô cùng, và bây giờ và hằng có, và đời đời
chẳng cùng. A-men”. Tiền Của không thèm đáp lại lòng yêu thương của
chúng ta, phũ phàng bỏ chúng ta không hề thương tiếc. Thiên Chúa thì lúc nào
cũng yêu thương chúng ta, yêu đến độ hiến Con Một làm giá cứu chuộc chúng
ta. Tiền Của không bảo đảm tương lai cho
chúng ta. Còn Thiên Chúa thì đã sắp đặt
kế hoạch tương lai cho chúng ta từ đời đời.
Chúng ta còn trong lòng mẹ, Thiên Chúa đã “đăng ký” chúng ta trong lòng
bàn tay và ngay cả trong trái tim của Người rồi. Người lấy Máu Con mình để chuộc chúng ta khỏi
làm nô lệ tội lỗi. Người là Em-ma-nu-en,
Thiên Chúa ở cùng chúng ta, đồng hành với chúng ta, rồi cuối cùng đem chúng ta
vào trong lòng của Người giống như tổ phụ Áp-ra-ham vậy. Thêm một khác biệt căn bản giữa làm tôi Tiền
Của và làm tôi Thiên Chúa, đó là sự tự do.
Tiền Của cướp mất tự do của chúng ta, bắt chúng ta phải hoàn toàn theo sự
sai bảo của nó. Nó bắt nhà phú hộ phải
tiếp tục dựng thêm kho lẫm để tích trữ hoa hợi mùa màng, không còn thì giờ nghỉ
ngơi. Trái lại, Thiên Chúa ban cho chúng
ta tự do, nếu chúng ta tín thác vào sự quan phòng của Người. Hoa cỏ ngoài đồng, chim trời… Người còn chăm
sóc, huống chi chúng ta. Người thích “bận
tâm” về chúng ta, đến nỗi một sợi tóc rơi xuống Người cũng không bỏ qua! Chỉ là để chúng ta không phải “lo lắng” và được
an cư lạc nghiệp sống trong tình yêu của Người.
Quả thực là điều trái ngược, làm tôi Tiền Của đúng là làm tôi đòi, làm
nô lệ; còn làm tôi Thiên Chúa thì lại được
hoàn toàn tự do, thanh thản và bình an.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Chúa Giê-su luôn nhấn mạnh đến việc tích trữ kho tàng trên
trời. Người cho chúng ta thấy thân phận
bé bỏng của chúng ta trước tình yêu bao la của Cha trên trời. Bài học làm tôi Thiên Chúa là bài học phong
phú, dễ hiểu. Vậy mà sao chúng ta vẫn
không chịu học đến nơi đến chốn hoặc không muốn học? Hai hành vi Chúa Giê-su nêu ra – ghét chủ này
mà yêu chủ kia, gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ – chắc chắn sẽ giúp chúng
ta xét mình về việc chúng ta làm tôi Tiền Của và làm tôi Thiên Chúa như thế
nào.
Mong chúng ta nghiêm túc nhìn lại thái độ của mình: Thiên Chúa và Tiền Của, ai là “Thiên Chúa thật”
của tôi? Tôi có đang dần dần thoát ra khỏi
mãnh lực của Tiền Của để tiến sâu vào sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa
không? Tôi đang “sử dụng” tiền bạc, hay
tiền bạc đang “sử dụng” tôi? Quan trọng
hơn hết: tôi có là người con “tự do” của
Chúa không? Cám ơn Chúa Giê-su đã lập lại
cho chúng con bài học làm tôi Thiên Chúa!
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi