CẦU NGUYỆN LÀ SỰ SỐNG CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU
(Chúa
Nhật 29 Thường Niên, C)
Jos.
Vicn. Ngọc Biển
Bất
kể một tôn giáo nào, cầu nguyện là yếu tố sống còn của mình. Cầu nguyện được ví
như hơi thở, là hoạt động căn bản của đời sống tâm linh. Cầu nguyện đối với người
Công Giáo, chính là thể hiện niềm tin, phó thác cho sự an bài quan phòng của Thiên
Chúa.
Bài
Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu một lần nữa nhắc lại cho chúng ta thấy tầm quan trọng
của việc cầu nguyện, đồng thời Ngài dạy mỗi chúng ta hãy kiên trì, trung thành khi
cầu nguyện qua dụ ngôn vị thẩm phán bất lương và bà góa nghèo.
1. Sự cần thiết của lời cầu nguyện
Nếu
cá cần nước để sống; cây cối cần ánh sáng mặt trời để quang hợp và sinh trưởng,
thì cầu nguyện cũng cần cho đời sống của người kitô hữu như vậy. Cầu nguyện
chính là nâng tâm hồn lên với Thiên Chúa để xin Ngài ban ơn, nâng đỡ. Cầu nguyện
còn nói lên một sự thật là ta thuộc về Chúa; Chúa thuộc về ta. Tuy nhiên, vẫn
là khởi đi từ Thiên Chúa, Ngài luôn thúc đẩy tâm hồn chúng ta khao khát Ngài: “như nai rừng mong mỏi, hồn con cũng trông
mong được gần Ngài, lạy Chúa”. Hay nói như thánh Âu Tinh: “Lạy Chúa, tâm hồn con vẫn bồn chồn xao xuyến
mãi cho tới khi được nghỉ ngơi trong Chúa”.
Khi
nói đến sự cần thiết của cầu nguyện, Đức Giêsu cũng đã nhiều lần khuyên các môn
đệ của mình hãy cầu nguyện và, chính Ngài cũng luôn luôn cầu nguyện trước,
trong và sau khi làm bất cứ việc gì. Thật vậy, Ngài cầu nguyện trong sa mạc; nơi
hội đường; trên triền núi; ngoài bãi biển. Đặc biệt, nơi các giáo huấn của Ngài,
chúng ta thấy toát lên tâm tình cầu nguyện. Khi dạy các tông đồ cầu nguyện,
Ngài nói: “Phải cầu nguyện luôn mãi không
ngừng nghỉ” (Lc 18,1). “Hãy tỉnh thức
và cầu nguyện” (Mc 14,38). Rồi khi dạy các ông về sự tín thác, Ngài nói: “Không có Thầy, chúng con không thể làm được
gì” (Ga 15,5). Qua câu nói này, Đức Giêsu cho chúng ta thấy sức mạnh vô
song của lời cầu nguyện, cũng như quyền năng của Thiên Chúa trên mọi sự.
Thánh
Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã nói về sức mạnh của lời cầu nguyện như sau: “Hãy cho tôi một đòn bẩy, một điểm tựa, thì
tôi sẽ nâng thế giới lên”.
Như
vậy, cầu nguyện là điều quan trọng. Không cầu nguyện, ta đánh mất điều căn bản
để làm nên đời sống tinh thần. Tuy nhiên, khi cầu nguyện, Đức Giêsu dạy phải có
sự kiên trì và trung thành.
2. Kiên trì trong cầu nguyện
Nói
về sự kiên trì trong cầu nguyện, Đức Giêsu đã kể dụ ngôn bà góa và vị thẩm phán:
Bà
góa mà Đức Giêsu nói đến hôm nay chính là một trong những thành phần bị xã hội
khinh khi, bỏ rơi; là thành phần thấp cổ bé họng trong xã hội, không có tiếng
nói và ít được ai quan tâm. Sở dĩ có sự kỳ thị này là do thói quen, văn hóa và
truyền thống của một số nước niềm Cận Đông thời bấy giờ. Thành phần bà góa là một
trong ba thành phần không cần quan tâm (quả phụ, cô
nhi và di dân).
Họ cũng không có quyền đòi xã hội phải công bằng với mình. Chính vì thế, việc
ông thẩm phán dửng dưng và không thèm quan tâm tới bà là lẽ đương nhiên, không
có gì lạ. Ý thức được điều đó, nên bà đã trai lỳ và hoàn toàn phó thác trong
tay vị thẩm phán bất công.
Nói
lên tính kiên trì của bà góa này, tưởng cũng nên nhắc lại khuôn mặt của vị thẩm
phán trong dụ ngôn hôm nay để thấy được lòng kiên định, trung thành của người
đàn bà này.
Vị
thẩm phán chính là một người bất lương, tham nhũng, bóc lột. Cuộc đời của ông
là tiền và tiền chứ không có ân nghĩa gì hết. Vì thế, ông ta “không có kiêng nể ai” và, cũng “chẳng coi Thiên Chúa ra gì”. Cán cân
công lý của ông chính là tiền. Tuy nhiên, ông đã chịu thua bà góa nghèo. Bà này
có một thứ vũ khí thần kỳ, khiến vị thẩm phán cứng lòng, vô cảm đến đâu cũng phải
khuất phục, đó là: kiên trì để ngồi lỳ, kỳ nèo, năn nỉ. Quả thật, ông thẩm phán
này không thể chịu nổi sự phiền hà của bà góa. Cuối cùng, ông ta đã phải mở
phiên tòa để minh oan cho bà. Điều mà Đức Giêsu muốn nói ở đây chính là sự kiên
trì của bà góa. Và, đi xa hơn một bước nữa, Đức Giêsu muốn nói về lòng nhân từ
của Thiên Chúa qua hình ảnh vị quan tòa.
3. Lòng nhân từ của Thiên Chúa
Nếu
người thẩm phán trong bài Tin Mừng hôm nay rất bất lương và bất nhân như thế,
mà ông ta còn phải chịu khuất phục trước nỗi thống khổ của bà góa, thì Thiên
Chúa là Đấng nhân lành, từ bi, chậm giận và hay thương xót… lại không thương con
cái khi chúng chạy đến với mình hay sao? Chính Đức Giêsu đã mạc khải cho thấy
tình thương của Thiên Chúa khi nói: “Hãy
xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ thấy, hãy gõ thì sẽ mở cửa cho” (Mt 11,9). Tuy
nhiên, lời cầu nguyện của chúng ta có khi đẹp lòng Chúa và ích lợi cho phần hồn
thì Chúa sẽ ban cho ngay, nhưng đôi khi chúng ta chỉ biết xin mà không biết điều
đó có lợi hay có hại, những lúc như thế, Chúa sẽ trì hoãn hoặc ban những ơn
khác tốt đẹp hơn cho chúng ta. Vì vậy, hãy tin tưởng, kiên trì và phó thác nơi
Thiên Chúa. Hãy trở thành tác phẩm trong bàn tay tuyệt diệu của Thiên Chúa. Vậy,
nếu chúng ta đã được Chúa yêu thương, thì chúng ta cũng phải loan truyền về một
vị Thiên Chúa giàu tình thương và muốn cho con người được hạnh phúc đến với hết
mọi người, mọi nơi...
4. Truyền giáo bằng cầu nguyện
Hôm
nay là ngày khánh nhật truyền giáo, ngày cả Giáo Hội cầu nguyện cho công cuộc
truyền giáo, đồng thời cũng là dịp để mỗi chúng ta ý thức vai trò loan báo Tin
Mừng của mình.
Truyền
giáo là bản chất của Giáo Hội. Nếu Giáo Hội không truyền giáo thì Giáo Hội đánh
mất bản chất của mình, và như thế đặc tính của chúng ta mất. Tuy nhiên, truyền
giáo có nhiều cách. Một trong những cách truyền giáo hữu hiệu nhất chính là cầu
nguyện.
Đức
Giêsu khi xưa cũng vậy, Ngài khởi đầu sứ vụ của mình bằng việc vào hoang địa ăn
chay, cầu nguyện. Ngài cầu nguyện để: nhằm
tìm kiếm, đón nhận và thi hành thánh ý của Chúa Cha (x. Mt 4,1-11). Sau khi
loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu cũng cầu nguyện: “Giải tán họ xong, Ngài lên núi một
mình mà cầu nguyện” (Mt 14, 23); “Anh em ngồi lại đây, Thầy đến đàng kia cầu
nguyện” (Mt 26,36); “ sau khi từ biệt các ông, Ngài lên núi cầu nguyện” (Mc
6,46); “Ngài lui vào nơi hoang vắng để cầu nguyện” (Lc 5,16)...
Tại
sao khi truyền giáo phải cầu nguyện? Thưa vì chúng ta xác định rất rõ: công
trình cứu độ là của Thiên Chúa. Chúng ta chỉ là người cộng tác vào công trình ấy
mà thôi. Thật vậy: “Nếu như Chúa chẳng xây nhà, thờ nề vất vả cũng là uổng
công…”. Chính Thiên Chúa mới làm cho công cuộc truyền giáo sinh hoa kết quả (x.
1 Cr 3, 6-7). Thánh Phaolô cũng nói: “ Trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem
lời cầu khẩn, van xin, và tạ ơn mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều
anh em thỉnh nguyện” (Pl 4,6).
Khi
cầu nguyện, chúng ta biết được tính cấp thiết của sứ vụ. Biết mưu cầu hạnh phúc
cho người khác. Sẵn sàng hy sinh, trung thành vì Nước Trời và phần rỗi của các
linh hồn.
Nếu
không có đời sống cầu nguyện, chúng ta sẽ là những người thợ dại khờ trong cánh
đồng của sự chết. Cầu nguyện để xin Chúa biến đổi chính chúng ta, làm cho chúng
ta trở nên xứng đáng để trở thành sứ giả của Chúa, những người thợ gặt lành
nghề như Chúa muốn trong cánh đồng truyền giáo của Ngài, trở nên những người
gieo vãi hạt giống Tin Mừng yêu thương giữa một thế giới đang dần dần muốn xa rời
Thiên Chúa, đến với những con người chưa có cơ hội biết Ngài, những con người lầm
lạc trong thế giới hôm nay.
Lạy
Chúa, xin cho chúng con yêu mến đời sống cầu nguyện, bởi vì có cầu nguyện,
chúng con mới biết Chúa là Đấng yêu thương. Xin cũng cho chúng con biết kiên
trì, trung thành trong khi cầu nguyện. Xin Chúa ban cho cánh đồng truyền giáo của
Giáo Hội có được nhiều thợ gặt lành nghề, để ra đi thu lúa về cho Chúa. Amen.