CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN
Cầu nguyện để được nên công chính
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Lu-ca
18:9-14)
Cầu nguyện là cách chúng ta biểu lộ đức tin vào Chúa. Cầu nguyện bằng đức tin kiên trì như trong dụ
ngôn bà góa xin ông quan tòa bất chính minh xét cho mình. Hôm nay, Chúa Giê-su kể một dụ ngôn nữa để
khai triển thêm đề tài cầu nguyện: mục đích khi chúng ta cầu nguyện là để được
nên công chính. Dụ ngôn hai người lên đền
thờ cầu nguyện cho thấy mục đích hoặc kết quả của việc cầu nguyện, qua lời khẳng
định của Chúa Giê-su: “Tôi nói cho các
ông biết: người này [người thu thuế] khi
trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công
chính; còn người kia [ông
Pha-ri-sêu] thì không”.
Sách Giáo lý dạy chúng ta về những mục đích của cầu nguyện
là để ngợi khen Chúa, cảm tạ Người, xin ơn tha thứ tội lỗi và cầu xin Chúa ban
ơn. Nhưng câu chuyện dụ ngôn hôm nay còn
đặc biệt nhấn mạnh đến một khía cạnh khác của cầu nguyện, là giúp chúng ta được
nên công chính. Hai cách cầu nguyện để
được ơn nên công chính của ông Pha-ri-sêu và người thu thuế trái ngược nhau chắc
chắn cho chúng ta dịp xét lại cách cầu nguyện của mình.
Trước hết nói về tư thế thể xác khi cầu nguyện. Ông Pha-ri-sêu đứng thẳng. Đứng thẳng quả
thực là định nghĩa của sự công chính. Từ
“công chính” trong tiếng La-tinh có nghĩa là quyền đứng thẳng (jus+stare;
justificatio). Nếu vậy ông Pha-ri-sêu
khi cầu nguyện với tư thế đứng thẳng thì ông đã tự cho mình là người công chính
rồi! Vì cho mình là công chính, nên ông
mới tự hào kể lể với Chúa về sự công chính của mình: nào tạ ơn Chúa vì mình không tội lỗi như những
người khác, cụ thể “như tên thu thuế kia” đang đứng ở cuối đền thờ, nào mình ăn
chay tuần hai lần và rộng rãi dâng tiền cho Chúa. Kể lể như thế, hoặc là ông muốn chứng minh sự
công chính của mình, hoặc là “đòi” Chúa phải công nhận ông là công chính. Trái với cách kiêu căng đòi sự công chính như
đòi quyền lợi, cách cầu nguyện “xin” ơn công chính của người thu thuế thật là
khiêm tốn. Khiêm tốn trong cử chỉ khi cầu
nguyện, là đứng đằng xa, cúi gằm mặt không dám nhìn lên trời, đấm ngực, và ông
ta chỉ có thể nói với Chúa một điều duy nhất:
“Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Đúng vậy, tội lỗi đã làm cho con người còng
xuống, đã cướp đi khỏi con người cái quyền đứng thẳng trước mặt Chúa. Người thu thuế đã cầu nguyện với con người
đích thực của mình, cầu nguyện như một kẻ tội lỗi và với lòng sám hối đấm ngực
ăn năn. Ông ta không biết cầu xin điều
gì khác hơn là xin Chúa thương xót mình.
Ông đến cầu nguyện để biểu lộ lòng tin vào lượng từ bi của Chúa. Nói tóm lại, ông đã nắm chắc được mục đích của
việc cầu nguyện, là xin Chúa thương xót nhìn đến thân phận tội lỗi của ông.
Rõ ràng có sự đối nghịch giữa cách cầu nguyện của ông
Pha-ri-sêu và của người thu thuế. Cách cầu
nguyện tôn mình lên đã hạ ông Pha-ri-sêu xuống, ngược lại, cách cầu nguyện hạ
mình xuống đã tôn người thu thuế lên. Một
người đòi cho mình quyền đứng thẳng thì phải khom xuống, còn người cúi xuống
không dám ngửa mặt lên nhìn Chúa thì được Người cho đứng thẳng lên. Đó chính là ý nghĩa của mục đích việc cầu
nguyện vậy!
Sống sứ điệp Tin Mừng
Cầu nguyện với tư cách là kẻ tội lỗi có thể là điều ít khi
nào chúng ta nghĩ tới. Ý thức mình là kẻ
tội lỗi không làm cho chúng ta thất vọng chán nản mà không cầu nguyện nữa, trái
lại càng là động lực thúc đẩy chúng ta tin tưởng vào lòng thương xót của
Chúa. Thiên Chúa là người cha nhân hậu
chờ đón chúng ta trở về và đến với Người.
Cánh tay Người luôn rộng mở. Như
người cha phục hồi cho đứa con hoang đàng mọi sự nó đã đánh mất do tội lỗi,
Chúa cũng phục hồi tư cách con cái Chúa nơi chúng ta và ban cho chúng ta cơ hội
mới để phát huy sự thân mật khắng khít với Người. Đức công chính là quyền được làm con cái
Chúa, quyền Chúa Ki-tô đã chuộc lại cho chúng ta bằng cái chết của Người trên
thập giá. Do đó khi cầu nguyện, chúng ta
không quên tạ ơn Chúa đã cho chúng ta được gọi Người là Cha, nhất là Người đã
ban Thánh Thần để giúp chúng ta thưa rằng:
“Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha…” (Lu-ca 15:21). Rồi chúng ta sẽ được Người đỡ dậy!
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi