CẦU NGUYỆN VÀ KHIÊM NHƯỜNG
(CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN C)
Jos. Vinc. Ngọc Biển
Trong thư thứ
nhất của thánh Phêrô, ngài đã khẳng định thật mạnh mẽ khi nói: "Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu
ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường" (1 Pr 5, 5). Thật vậy, kiêu
ngạo là kẻ thù số một của Thiên Chúa, bởi vì nó là con đẻ của Ma Quỷ. Ngược
lại, khiêm nhường là trở nên giống Con Thiên Chúa làm người.
Hôm
nay khi nói về đức khiêm nhường, Đức Giêsu đã kể cho dân chúng và các Tông đồ
nghe dụ ngôn người Biệt Phái và người Thu Thuế lên đền
thờ cầu nguyện.
1.
Hai
hình ảnh và hai thái độ đối lập nhau khi cầu nguyện
Dụ
ngôn được khởi đi từ việc Đức Giêsu nhận định về một tầng lớp trí thức trong
dân tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác (x. Lc 18, 9). Họ là
những người Biệt Phái, luôn miệng khoe khoang mình là người người đạo đức,
chuyên cần suy gẫm Lời Chúa, tuân giữ cách tỉ mỉ từng dấu chấm, dấu phết, rồi thông
luật, nắm bắt được mọi vấn đề và, có lòng quảng đại vượt trội. Điều này được thể
hiện rất rõ qua hình ảnh của người Biệt Phái hôm nay. Ông ta cùng lên cầu nguyện
một trật với người Thu Thuế. Khi ông ta cầu nguyện, thay vì tạ ơn Thiên Chúa vì
những ân huệ mà họ đã nhận được, thì họ lại kể lể, liệt kê thành tích của mình;
đồng thời tố cáo anh em đồng loại. Nào là: "Lạy
Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính,
ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng
cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18, 12). Quả thật, những thành
tích đó, đã gắn liền với cái tôi ích kỷ của ông, nên cũng từ cái tôi đó mà ông
trở nên rỗng tuếch. Đúng là: “cái thùng
kêu to là cái thùng rỗng”. Ông đâu biết rằng mọi sự là của Chúa, nếu Chúa
không ban cho ông thì ông đâu có của cải để mà làm như vậy… Sự khoe khoang của nhà
Biệt Phái đã làm cho ông ta mất phần phúc Nước Trời. Trong Tin Mừng, Đức Giêsu
cũng đã dạy: "Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương
cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự
trên trời, ban thưởng” (Mt 6, 1). Sự khiên nhường
của ông chính là một sự khiêm nhường giả tạo. “Khiêm nhường như vậy thì bằng bốn lần kiêu ngạo”.
Hình
ảnh người Thu Thuế thì trái ngược hẳn. Ông ý thức mình là người tội lỗi trước mặt
Chúa, nên ông chẳng có gì để khoe cả, ông chỉ có con người tội lỗi , tấm lòng
thành và tâm tình sám hối của mình mà thôi. Vì vậy, ông Thu Thuế này đã hết
lòng tin tưởng và cậy trông vào sự nhân từ của Thiên Chúa. Ông khiêm tốn không
dám ngẩng đầu lên vì coi mình không xứng đáng tiến đến gần Chúa. Vì vậy, từ
đàng xa, ông này đã thốt lên: “Lạy Chúa, xin thương
xót con là kẻ có tội”. Tấm chân thành của ông đã đụng tới trái tim,
lòng trắc ẩn của Thiên Chúa, nên ông đã được Chúa thương nhận lời. Nói về sự
khiêm nhường, Gióp đã phải thốt lên: “Chúa
triệt hạ kẻ ăn nói kiêu căng và cứu vớt ai khiêm nhường cúi mặt” (G 22, 29).
Người Thu Thuế hôm nay quả là một người khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa. Ông đã
nhận ra con người thật của mình để tự hào một cách khiêm tốn, và tự trọng đúng
với giá trị của mình (x. Hc 10, 28).
Kết
thúc dụ ngôn, Đức Giêsu đã kết luận bằng lời xá tội và tuyên án “Tôi nói cho các ông biết: người này, khi
trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì
phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên"
bởi vì “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường”
(Lc 1, 52).
Hình ảnh và thái độ của người Thu Thuế hôm nay đáng để
cho mỗi người chúng ta noi theo.
2. Sống Sứ Điệp Lời Chúa hôm nay
Muốn
khiêm nhường thực sự, chúng ta phải sám hối thật lòng, phải nhìn lại quá khứ lịch
sử cuộc đời chúng ta để thấy được Thiên Chúa là Đấng yêu thương, tha thứ, trung
thành; còn chúng ta thì vô ơn, bội bạc, bất trung… Khi nhìn lại quá khứ của
chúng ta như thế, và chúng ta đặt mình trước mặt Chúa để thấy Chúa lớn lao, thấy
Chúa là Chúa Tể, ta chẳng có gì, mà nếu có thì cũng là do ơn Chúa. Vì thế, tâm
tình sám hối và tạ ơn là dấu chỉ của kẻ khôn ngoan. Thậy vậy, muốn đón nhận được
ơn Chúa, ta phải trở nên người bé nhỏ, đơn sơ và khiêm tốn.
Nói về đức khiêm nhường, hẳn chúng ta vẫn còn nhớ Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII. Khi
ngài còn là Khâm sứ Toà Thánh kiêm Đại diện Tông Toà quản trị các giáo phận ở
Bungari và Thổ. Lúc đó có một linh mục bất mãn với ngài, nên viết thư tố cáo
ngài nhiều chuyện. Tuy nhiên, thay vì giận dữ, Đức Giáo Hoàng đã trân trọng kẹp
thư đó vào trong cuốn Kinh Thánh, để hằng ngày suy gẫm, để sửa sai và để nhớ
đến vị linh mục đó và cầu nguyện cho vị linh mục đã tố cáo và ngài coi là đại
ân nhân của mình. Khi gặp lại vị linh mục đó ở Vaticăng, trong một buổi triều
yết riêng, vị linh mục này rất sợ, vì biết những việc sai lỗi của mình, nhưng
khi gặp, Đức Giáo Hoàng đã chủ động tiến lại, ôm trầm lấy vị linh mục đó và ôn
tồn trong khiêm tốn, ngài nói: "Con đừng hoảng sợ, cha không bao giờ
giận con đâu. Cha cám ơn con. Cha cũng là người, cũng yếu đuối, cha ngăn bức
thơ con viết vào Kinh Thánh để hằng ngày đọc vào đó mà xét mình, hầu có thể dứt
khoát với những khuyết điểm còn tồn tại hoặc xa tránh những lầm lỡ có thể xảy
đến trong tương lai. Mỗi lần như thế cha lại nhớ đến con và cầu nguyện cho
con" (x. Đường Hy Vọng).
Mong thay, mỗi chúng ta
hãy có được tâm tình sám hối như người Thu Thuế và thái độ khiêm nhường như Đức
Giáo Hoàng Gioan XXIII. Được như thế, chúng ta sẽ gặp được bình an, hạnh phúc,
và được trở nên giống Thiên Chúa. Thật vậy: “Tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề,
hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của
tôi, và hãy học cùng tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh
em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,29-30).
“Lạy Chúa, xin
thương xót con là kẻ có tội” phải là lời cầu nguyện
của chúng ta hằng ngày, mọi nơi, mọi lúc. Khi lời cầu nguyện đó được thốt lên
thì cũng là lúc ta nhìn lại chính mình, để cần đến ơn tha thứ của Thiên Chúa
nhiều hơn; yêu thương anh chị em và không bao giờ dám tố cáo lỗi lầm của người
khác như người Biệt Phái khi xưa. Có lẽ nhiều lúc trong mắt chúng ta vẫn có cái
xà thì làm sao trông rõ để lấy cái rác trong mắt anh chị em mình. Ý thức được
điều đó, ta phải đấm ngực ăn năm vì đó là lỗi của ta chứ không đấm ngực người
khác và bảo lỗi tại ông, tại bà, tại anh, tại chị chứ không phải tại tôi.
Lạy Chúa, xin
cho con biết phó thác, tin tưởng
vào tình thương của Thiên Chúa. Biết sám hối để nhận ra lỗi lầm của mình và khiêm
nhường xin ơn tha thứ của Thiên Chúa; đồng thời biết yêu thương anh chị em mình
thực lòng chứ không nhân danh đạo đức để tố cáo anh chị em chúng ta như người
Biệt Phái khi xưa. Amen.