CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN

Đổi mới cuộc đời

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 19:1-10)

         Chúng ta đổi công việc, đổi nhà, thay xe…, nhưng nói đến đổi mới cuộc đời thì ít ai muốn thực hiện.  Có nhiều lý do, nhưng có lẽ lý do đáng kể nhất đó là người ta không muốn mạo hiểm và cố gắng.  Câu chuyện Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy một cuộc đổi đời đầy mạo hiểm và nỗ lực về phía ông Da-kêu, nhưng quan trọng hơn chính là vai trò và ảnh hưởng của Chúa Giê-su trong cuộc thay đổi này.

         Câu chuyện xảy ra tại Giê-ri-khô, một thành phố nằm phía đông Giê-ru-sa-lem và gần Biển Chết.  Thành phố đông dân cư, buôn bán phồn thịnh.  Cho nên ông Da-kêu đứng đầu những người thu thuế ở đây thì nhất định phải là người giàu có rồi.  Dân chúng khinh dể ông, còn gọi nhà ông ở là “nhà người tội lỗi”.  Chúng ta không rõ lý do nào khiến ông “tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai”.  Rất có thể vì ông đã nghe nói “các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng” và Người còn “đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng” (Lu-ca 15:1-2).  Tuy nhiên lần này cộng thêm với việc ông tìm cách gặp Chúa, thì chính Chúa lại chủ ý đi tìm ông.  Ông nấp ở trên cây sung, không ai nhìn thấy ông.  Nhưng Chúa Giê-su không cần ai mách bảo, Người chủ động nhìn lên và kêu ông xuống.  Trong cuộc đổi đời này, cả ông Da-kêu lẫn Chúa Giê-su đều đích thân tìm đến với nhau.  Chúa Giê-su đã mở đầu diễn tiến cho cuộc thay đổi khi Người đề nghị trước:  “Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”  Dường như Chúa muốn ngầm bảo ông:  Tôi đã tóm được ông rồi.  Giả như ông có đuổi, tôi cũng không đi!  Hôm nay tôi ở lại với ông, để bắt đầu cho việc ở lại vĩnh viễn suốt cuộc đời ông!  Đúng vậy, chỉ có sự hiện diện của Chúa mới giúp cho cuộc đổi đời thành công.  Khi người ta có mối tương quan với Chúa, tương quan ấy sẽ có sức mạnh biến đổi họ.  Gần đèn thì rạng là thế.  Đáp lại đề nghị của Chúa, ông Da-kêu “vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người”.

         Trong cảnh kế tiếp của câu chuyện, thánh Lu-ca mô tả một ông Da-kêu mới.  Chúa và ông Da-kêu đứng đó trước mặt mọi người.  Mặc cho bao con mắt soi mói, ông chỉ biết có Chúa Giê-su hiện diện mà thôi.  Ông công khai “xưng tội” với Chúa và trước mặt mọi người.  “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em”.  Ông nhìn nhận mình đã ăn cướp của người nghèo nên giờ đây ông lấy phân nửa tài sản để trả lại cho người nghèo.  Ông thú nhận đã chiếm đoạt nhiều thứ của người khác nên ông tự nguyện xin đền gấp bốn.  Quả thực ông đã trở thành con người mới rồi, tất cả là nhờ gặp gỡ Chúa Giê-su!  Về phần Chúa Giê-su, Người trang trọng nhìn nhận sự thay đổi của con người Da-kêu.  Chúa Giê-su trước hết nói về cuộc biến đổi của cái nhà: “nhà người tội lỗi” giờ trở thành “nhà tiếp nhận ơn cứu độ”.  Rồi Chúa nói đến sự biến đổi con người.  Từ một “người tội lỗi” và bị đồng bào loại trừ khỏi cộng đồng con cháu Áp-ra-ham, bây giờ ông Da-kêu được Chúa phục hồi quyền làm “con cháu tổ phụ Áp-ra-ham”.

Sống sứ điệp Tin Mừng

         Sau khi nhìn nhận cuộc đổi đời của ông Da-kêu, Chúa Giê-su đã khẳng định lại vai trò của Người:  “Con Người đến để tìm và cứu chữa những gì đã mất”.  Lời này của Chúa làm cho chúng ta vững tâm thay đổi cuộc sống.  Chúng ta “đã mất” trong nhiều phương diện, nhất là mất đi căn tính làm con cái Chúa.  Thường chúng ta không đổi đời một cách nhanh chóng và ấn tượng như trường hợp ông Da-kêu, nhưng là cuộc biến đổi từ từ, liên tục và kéo dài cả một đời.  Dù thế nào đi nữa, vai trò sự hiện diện của Chúa Giê-su và cố gắng của chúng ta vẫn là những yếu tố chính để việc biến đổi được tiếp tục.  Hơn lúc nào hết, hình ảnh “trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô” (Phi-líp-phê 4:10) mà thánh Phao-lô nêu lên luôn là hình ảnh sống động nhất diễn tả tiến trình thay đổi.  Có lẽ chúng ta sử dụng hình ảnh này mỗi ngày trong cuộc xét mình buổi tối, nhìn lại một ngày sống để xem cuộc đổi đời của chúng ta tiến triển như thế nào.

         Chúa Giê-su lúc nào cũng muốn đến để tìm và cứu chữa chúng ta.  Cũng như ông Da-kêu, chúng ta chỉ cần mở tâm hồn đón Chúa.  Chúa muốn ở lại với chúng ta, nên chúng ta hãy để cho người tiếp tục ở lại và thực hiện cuộc tìm và cứu chữa này.

         Lm. Đa-minh Trần đình Nhi      


Suy Niệm Lời Chúa Năm C