HÔM NAY...ĐƯỢC ƠN CỨU ĐỘ
(CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN, C)
Jos. Vinc. Ngọc Biển
Thiên Chúa luôn yêu
thương, tha thứ và ban cho con người được ơn cứu độ. Đây chính là bản chất của
Thiên Chúa. Bởi vì: “ Thiên Chúa thương
xót mọi loài, vì Chúa có thể tác tạo mọi sự, và nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi
loài người để họ ăn năn sám hối. Chúa yêu thương mọi tạo vật, và không ghét bỏ
bất cứ vật gì Chúa đã tác thành: vì nếu Chúa ghét bỏ một vật gì, thì Người đâu
có tác tạo nó” (Kn 11, 23-24).
Bài Tin Mừng hôm nay làm
toát lên đặc tính đó khi Đức Giêsu chủ động gọi Giakêu và vào nhà ông cũng như
dùng bữa mặc cho người ta sầm xì bàn tán:
"Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi" (Lc 19,7). Như vậy,
chúng ta thấy Thiên Chúa không quan tâm đến quá khứ của con người, nhưng Ngài để
ý đến giây phút hiện tại, sự thiện chí và ngay lành của họ để ban ơn cứu độ.
1. Ý nghĩa Lời Chúa
Tin Mừng hôm nay trình thuật
cho chúng ta thấy việc Đức Giêsu đi ngang qua thành Giêricô, đây là chặng cuối
cùng trên đường lên Giêrusalem để thực thi sứ vụ cứu chuộc của Ngài bằng cái chết
trên thập giá. Trên lộ trình ấy, có dân chúng theo sau Ngài khá đông. Tuy nhiên,
trong đám người đó có Giakêu, ông là: “thủ
lãnh những người thu thuế và là người giàu có” (Lc 19, 2). Như vậy,
ông là một vị quan chức cấp cao. Nhưng chớ trêu thay, ông lại lùn, mà đám người thì lại quá đông, nên ông ta phải trèo lên cây sung để mong được nhìn thấy Đức
Giêsu đi ngang qua, người mà ông đã mong ngóng đợi trông từ lâu.
Nói đến Gia Kêu là người
thu thuế, người Do Thái thường có những dị nghị về hạng người như ông và họ xếp
ông chung với hạng đĩ điếm, trộm cắp, là những người làm tay sai cho đế quốc La
Mã, vì thế họ là những người phản quốc, hại dân. Khi gặp họ, người Do Thái
tránh xa như tránh dịch. Không ai được phép giao du với những con người như thế.
Bởi vì đây là người tội lỗi tầy trời, đồ thối tha dơ bẩn. Khi đi ngang qua người
ấy, người ta sẵn sàng nhổ nước miếng tỏ lòng khinh bỉ...
Tuy bị người ta khinh thị
như thế, nhưng ông nhất quyết không chịu khuất phục trước đám đông cũng như vượt
lên trên dư luận, và nhất là vượt lên trên mặc cảm tự ty của mình để trèo lên
cây sung với hy vọng được tận mắt nhìn thấy Đấng Kitô, Ngài là Cứu Chúa của
mình và toàn dân. Để được thấy Chúa, ông phải dùng đến một cách thế xem ra hơi
lố bịch với người có địa vị như ông. Thật thế, sự quyết tâm của ông rất mãnh liệt.
Sở dĩ ông vượt qua được dư luận như vậy là vì ông đang có một nỗi đam mê lớn
lao. Đam mê ấy của ông chính là Giêsu, con người mà ông đang mong đợi. Sự kiên
quyết của ông không chỉ đơn thuần là sự tò mò, mà đây còn là khởi điểm của hành
trình đức tin nơi ông.
Đức Giêsu đã không để cho ông
thất vọng khi gọi chính tên ông: "Hỡi
Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi" (Lc
19, 5). Theo lối hiểu của Kinh Thánh, gọi
tên ai là biểu hiện của việc biết rõ về người ấy và có một mối tương quan thân
tình với người được gọi. Hôm nay, Chúa gọi ông, vậy Chúa biết rất rõ lòng ông
và muốn ông trở về với con người lương thiện, công chính của ông, bởi vì
tên Giakêu tiếng Do thái là “Zakkay”
có nghĩa là “người thanh khiết – người công chính”, hơn nữa, Đức Giêsu còn muốn
trở thành người nhà của ông khi nói: “hôm
nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi” (Lc 19, 5). Như vậy, nếu hiểu qua,
Giakêu hôm nay đi tìm Chúa, nhưng thực ra Chúa đã đi tìm ông trước.
Thật vậy, người đời thường
nói: “Con mắt là cửa sổ của tâm hồn”
Đức Giêsu cũng nói: “Đèn của thân thể là
con mắt” (Mt 6,22t; x. Lc 11,34t). Hôm nay, Đức Giêsu nhìn Giakêu,
nhưng cái nhìn của Chúa là một cái nhìn mang tính chinh phục, cảm hóa tâm hồn,
cái nhìn nhân từ, thương xót, cái nhìn cứu độ. Chính cái nhìn này đã đi lọt vào
trong tâm hồn của Giakêu và như một lời cật vấn lương tâm của ông. Và cũng
chính cái nhìn nhiệm mầu này đã khiến ông nhìn lại chính mình và quyết tâm đổi
mới.
Nếu ánh mắt của Đức Giêsu
là ánh mắt nhân từ, yêu thương, thì ánh mắt của Giakêu là ánh mắt sám hối, tin
tưởng. Chúa Giê su chủ động tìm ông vì Ngài không muốn ông sống mãi trong tình
trạng tội lỗi như hiện thời nữa. Đây cũng chính là sứ vụ cứu chuộc của đức Giê
su. (x. Lc 19,10). Tội của ông rất lớn, vì ông không phải là một người thu thuế
thường, mà lại là một thủ lãnh những người thu thuế. Nhưng: “Sai lầm là bản tính của con người và tha thứ
là bản chất của Thiên Chúa” (A.Pope).
"Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà
ngươi" (Lc 19, 5). Câu nói này của Đức Giêsu làm cho ông không
tưởng! Làm sao mình lại được diễm phúc
như vậy? Làm sao Chúa lại vào nhà ông, một người tội lỗi tầy trời như thế? Chưa
hết bàng hoàng, vì Chúa gọi đúng tên
ông, nhưng ông đã mau mắn tụt xuống khỏi cây sung và sẵn sàng mở rộng tấm lòng
để đón tiếp Đức Giêsu vào nhà ông. Hành động tụt xuống của ông cho ta thấy, từ
đây ông dốc quyết quay lưng lại với con đường tội lỗi, không kiêu ngạo, không
bóc lột, không hà hiếp và không làm những điều sai quấy chống lại nhân dân nữa...
và, ông đã biểu hiện tấm lòng sám hối chân thành ấy bằng việc thực thi đức công
bằng và sống đức bác ái: "Lạy Ngài,
tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho
ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn" (Lc 19, 8).
Không vui và thay đổi sao
được khi cả một xã hội khinh miệt và coi thường ông, thì một Đức Giêsu; một Cứu
Chúa lại sẵn sàng vào nhà mình. Giờ đây, với ông, cuộc gặp gỡ này là một cuộc gặp
gỡ của tình yêu. Tình yêu đi bước trước là Đức Giêsu, và ông thực sự cảm nghiệm được tình yêu của Chúa dành cho
ông, nên tình yêu đáp trả tình yêu. Tình yêu đã biến đổi ông, tình yêu đã gợi lại
cho ông lòng bác ái và lẽ công bằng, và tình yêu đã hướng dẫn ông và dẫn ông đến
hành động là đức ái. Tại sao ông lại can đảm để cho lương tâm lên tiếng? Tại
sao ông lại có được lòng quảng đại như vậy? Thưa chỉ một lẽ rất đơn giản là vì
ông đã được tha thứ và được yêu nhiều. Lời tuyên bố của Đức Giêsu đã là một lời
minh chứng về lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho ông: "Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái
Abraham. Vì chưng Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất" (Lc
19, 9).
Thật vậy, Gia kêu hôm nay
đã chuộc tội của mình bằng việc bác ái, và ông đáng được hưởng ơn cứu độ: “Bố thí thì cứu cho khỏi tội và khỏi chết”
(Tb 4,11). Trong sách Tiên tri Đaniel có viết: “Hãy chuộc tội con bằng bố thí, và bằng sự thương yêu kẻ khó
nghèo” (Dn 4,24). Và sách công vụ Tông đồ cũng có câu: “Của bố thí bay lên như hương thơm trước mặt Chúa” (Cv 11,4). Gia
kêu đáng cứu độ, vì lòng đơn sơ của ông xuất phát từ sự khiêm nhường, và khiêm
nhường lại là linh hồn của đức đơn sơ.
2. Sứ Điệp Lời Chúa Hôm Nay
Đã là con người, ai cũng
có những thiếu xót bất toàn. Điều quan trọng là chúng ta có dám tụt xuống khỏi
cây sung để gặp được Chúa như Gia Kêu hay không?
Khi Gia kêu trèo lên cây
sung, ông nghĩ sẽ nhìn thấy Chúa rõ ràng hơn, nhưng Chúa lại không để ông ở
trên đó, có lẽ vì Chúa muốn ông phải trở về cuộc sống đời thường, phải sống thật
sự chân thành, khiêm nhường thì mới gặp được Chúa. Bản chất của con người là: “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Tuy nhiên
với năm tháng và môi trường nghề nghiệp, nhiều khi con người dễ bị tha hóa.... Nhưng
không phải vì con người tha hóa do môi trường, nghề nghiệp mà không thể hoán cải
được. Không! Con người vẫn có thể trở nên tốt nếu họ có cơ hội. Cơ hội đó có thể
đến từ chính họ, và đôi khi cũng phải đến từ phía chúng ta...Ông Giakêu hôm nay
ông đã gặp được Chúa, nên cuộc đổi đời của ông thành công, còn nếu ông mà gặp
người Biệt Phái thì có lẽ ông đã xấu lại còn xấu thêm...
Trong cuộc sống, mỗi người
chúng ta đều là tội nhân trước mặt Chúa, chẳng có ai là người trong sạch hoàn
toàn. Vấn đề đặt ra đó là thái độ của chúng ta có quyết tâm quay lại với Chúa
hay không thôi. Bên giáo lý nhà Phật có câu: “Quay đầu là bờ”, tức là đừng đi theo con đường tỗi lỗi nữa, mà hãy
quay lại nẻo chính đường ngay thì mới được giác ngộ. Chúng ta đừng kiêu ngạo và
tự cho mình là tốt lành thánh thiện trước mắt Chúa. Chúng ta cũng đừng coi thường
hay khinh bỉ người khác như người Do thái khi xưa: "Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi". Coi chừng, chính chúng ta đang có nguy cơ xa
dần và đánh mất ơn cứu độ ngay trong khi nhân danh sự tốt lành, thánh thiện kiểu
mồ mả. Khi nói về sự giả tạo, Đức Giê su đã lấy hình ảnh nấm mồ để vạch trần sự
gian trá của những người tự coi mình là đạo đức và coi khinh người khác: “Khốn
cho các ngươi, hỡi các luật sĩ và biệt phái giả hình ! Các ngươi giống như mồ mả
tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi
thứ ô uế. Các ngươi cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ,
nhưng bên trong là giả hình và gian ác” (Mt 23,27-28;x. Lc 11,44). Thánh Phaolô cảnh giác chúng ta : “Ai đang đứng ý tứ kẻo ngã” (1 Cr 10,
12).
Lời Chúa hôm nay cũng muốn
cho chúng ta thấy: cần phải có sự cảm thông, xóa bỏ mặc cảm để đến với người tội
lỗi với lòng bao dung, tha thứ như Thiên Chúa. Đây cũng chính là liều thuốc
bình an mà Đức Giêsu đã dùng cho những người mà Ngài gặp gỡ... Một Đức Giêsu
không hề coi thường những người tội lỗi, nào là: đĩ điếm, thu thuế... Ngài không coi thường
không có nghĩa là ủng hộ, cổ súy cho những hành vi sai trái của họ, không! Ngài
muốn cải hóa họ bằng tình yêu, chỉ có tình yêu mới có thể đem lại cho người ta
một sự hoán cải sâu xa mà thôi. Có thể
nói: sai lỗi là chuyện bình thường, sa ngã mà không biết chỗi dậy mới là bất
bình thường; hay các thánh là ai? Thưa các Ngài là những người 99 lần ngã,
nhưng lần cuối cùng thì đứng dạy luôn (x. Đương Hy Vọng).
Ngày hôm nay, biết bao người
đang xa dần Thiên Chúa. Họ rời xa Thiên Chúa và Giáo hội đôi khi chỉ vì những
miếng cơm manh áo. Và đôi khi tìm mọi cách để chỉ vì no cái bụng, ấm cái thân
mà quên đi công lý, tình thương. Họ sẵn sàng buôn gian bán lậu; chà đạp người
khác để mình sống; tham nhũng, bóc lột, nói chung, bất chấp tất cả miễn sao có
tiền. Vụ bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường và nhân viên trong tiệm thẩm mỹ viện Cát Tường
làm chết người, ném xác xuống sông để phi tang là một điển hình cho những người
chỉ vì tiền mà không hề có lương tâm...
Mong thay, trong xã hội
ngày nay, nhiều người nhận ra và dám sống theo lương tâm; đồng thời bạn và tôi,
chúng ta hãy ý thức một điều căn bản là:
có một lúc nào đó tiền bạc không đem lại cho ta niềm hạnh phúc thật. Chức
quyền không đảm bảo được cuộc sống mai sau. Chỉ có Chúa mới là nguồn bình an,
niềm vui và hạnh phúc thật, bởi vì Ngài là đường, là sự thật và là sự sống.
Lạy Chúa, xin ban cho
chúng con ơn biến đổi như Giakêu khi xưa. Xin cũng ban cho chúng con biết yêu
thương mọi người và sẵn sàng thực thi bác ái trong tinh thần Kitô giáo. Được
như thế, chúng con tin tưởng và hy vọng sẽ được ơn cứu độ của Chúa như khi xưa
Chúa đã chúc phúc và trao ban cho Giakêu. Amen.