CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN
Sống xứng đáng con cái Thiên Chúa
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Lu-ca 20:27-38)
Bảy anh em trai phải lần lượt kết hôn với
một phụ nữ, vì theo luật Mô-sê, “nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ
mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay
em mình”. Dù là một câu chuyện giả tưởng,
nhưng được nhóm Xa-đốc dựng lên và sử dụng như câu chuyện có thật, để dồn Chúa
Giê-su đi tới việc chối bỏ sự sống lại.
Tuy nhiên Chúa Giê-su lại nắm lấy cơ hội này để đem những lời của ông
Mô-sê làm chứng cho sự sống lại và dạy chúng ta biết sống như con cái Thiên
Chúa.
Điều nực cười là khi nhóm Xa-đốc dựa
vào điều ông Mô-sê đã viết thành luật để dựng thành câu chuyện gài bẫy Chúa
Giê-su, thì Người cũng dùng chính những lời ông Mô-sê đã nói để phản bác và chứng
minh có sự sống lại. Trong đoạn văn nói
về bụi gai, khi gọi Đức Chúa là “Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của
tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp”, ông Mô-sê đã xác định là có
vấn đề kẻ chết trỗi dậy, tức là có sự sống lại.
Tại sao? Bởi vì Thiên Chúa là
Thiên Chúa của kẻ sống, cho nên nếu các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp đều
là những người chết và không khi nào được sống lại, thì ông Mô-sê không thể gọi
Thiên Chúa là Thiên Chúa của các tổ phụ như vậy được! Đối với Thiên Chúa, các vị tổ phụ kia đều
đang sống, mặc dù vẫn chờ ngày được sống lại.
Thực ra Chúa Giê-su không chỉ trả lời
cho nhóm Xa-đốc về sự sống lại, mà Người còn dạy họ một chân lý sâu xa hơn, đó
là: “Những ai được xét là đáng hưởng
phúc đời sau và sống lại từ cõi chết… Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự
sống lại”. Nếu Thiên Chúa là Thiên Chúa
của kẻ sống, thì chúng ta phải làm sao để được gọi là con cái Thiên Chúa? Chân lý vừa nêu trên trả lời: chúng ta phải sống ở đời này làm sao để “được xét là đáng hưởng phúc đời sau và đáng
được sống lại từ cõi chết”. Như vậy
Chúa Giê-su muốn gửi tới hết thảy chúng ta một sứ điệp vô cùng quan trọng: việc sống lại trong ngày sau hết là một sự thật,
nhưng chúng ta muốn được sống lại hay không là tùy thuộc lối sống của chúng ta
hiện giờ. Phán xét chúng ta xứng đáng
hay không xứng đáng là công việc của Thiên Chúa trong ngày tận thế. Còn công việc của chúng ta ở đời này là cố gắng
sống như con cái Chúa ngay từ lúc này
cho đến chết. Chết như con cái Chúa, giống
như các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp đã chết và ra đi trước chúng ta,
chúng ta sẽ được cùng các ngài gia nhập hàng ngũ con cái Thiên Chúa vĩnh cửu.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Tuy mang danh là con cái Chúa, nhưng có
lẽ ít khi chúng ta ý thức điều Chúa Giê-su khẳng định về Thiên Chúa: Đức Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết,
nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống! Khẳng định
ấy về Thiên Chúa đòi chúng ta phải nghiêm túc xét lại căn tính của mình. Nếu quả thực chúng ta đang chết phần linh hồn
do tội lỗi, thì chúng ta chẳng khác gì cái xác chết biết đi, đâu có thể nhận
Thiên Chúa là “của chúng ta” được. Chúa
cho chúng ta chia sẻ sự sống của Người qua Chúa Giê-su và Người mong chúng ta
làm cho sự sống ấy mỗi ngày một phát triển trong linh hồn chúng ta. Người muốn sự sống Thiên Chúa ấy biến đổi con
người chúng ta trở nên giống như Con Một Người là “Trưởng Tử giữa một đàn em
đông đúc” (Rô-ma 8:29), hoặc là “Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết sống
lại” (Cô-lô-xê 1:18).
Có lẽ qua những điều này, thánh Phao-lô
muốn đề nghị với chúng ta một lối sống mới, tức là sống như những người em bước theo vết chân của người Anh Cả Giê-su trong cùng một chức phận
làm con Thiên Chúa.
Vậy đang lúc chúng ta còn là con cái
Chúa ở đời này, chúng ta sẽ làm gì khi bước theo Chúa Giê-su? “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ mọi sự, vác thập
giá mình hằng ngày… Hãy đến với tôi, tôi sẽ bổ sức cho. Hãy học cùng tôi, vì tôi hiền lành và khiêm
nhường trong lòng. Tôi là bánh hằng sống; ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Ai nghe lời tôi mà đem ra thực hành thì giống
như người xây nhà trên nền bằng đá…” Nói tóm lại, chúng ta nghe Chúa Giê-su rất
nhiều lần mời gọi chúng ta bước theo Người, làm môn đệ Người. Còn chúng ta, chúng ta đáp lại lời Người mời
gọi hay không là tùy chúng ta!
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi