TIN SỰ SỐNG ĐỜI SAU
(CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN, C)
Jos. Vinc. Ngọc Biển
Có ngày sinh ắt có ngày chết. Đó là chân lý. Nếu ngày sinh, chúng
ta cất tiếng khóc trong niềm vui mừng của mọi người, thì ngày chết, mọi người
sẽ khóc cho kiếp người của ta đến đây kết thúc. Vậy, chết là lẽ thường tình của
một kiếp nhân sinh. Tuy nhiên, điều mà chúng ta cần đặt ra, đó là: chết rồi sẽ
đi về đâu? Bên kia cái chết là gì?
Những câu hỏi như thế, nhóm Sa đốc trong bài Tin
Mừng hôm nay cũng đã đặt ra cho Đức Giêsu. Nhân cơ hội, Đức Giêsu đã mạc khải cho họ biết về cuộc sống mai hậu.
Và đây cũng chính là câu trả lời cho mỗi chúng ta về thắc mắc trên.
1. Tại sao nhóm Sa đốc không tin sự sống lại
Bài Tin Mừng hôm nay được đặt vào trong
bối cảnh sau khi Đức Giêsu loan báo cuộc khổ nạn lần thứ ba, và cũng là một
trong những bài giáo huấn quan trọng của Ngài tại Giêrusalem. Đức Giêsu lên
Giêrusalem lần này là để chuẩn bị cho cuộc thương khó mà Ngài sẽ chịu: "Này chúng ta lên Giêrusalem, và tất cả
những gì các ngôn sứ đã viết về Con Người sẽ được hoàn tất” (Lc18,31). Vì thế, khi Đức Giêsu và các môn đệ
của Ngài ở đây, nhóm Pharisêu và Biệt Phái luôn tìm cách gài bẫy để bắt Đức
Giêsu nhằm loại trừ Ngài và xóa bỏ giáo lý mà Ngài đang loan báo. Hôm nay, thêm
một nhóm nữa cũng với ý đồ như hai nhóm trên, họ chính là nhóm Sa đốc.
Nhóm này là một trong ba
nhóm quyền lực nhất trong dân thời bấy giờ, đó là: Pharisêu, Biệt Phái và Sa đốc.
Hai nhóm đầu họ chỉ chú trọng đến việc đạo đức và giữ luật cách tỉ mỉ, hình thức
bên ngoài. Còn nhóm Sa đốc thì lại chú tâm đến vấn đề chính trị và tiền bạc.
Thái độ và cách thức khác nhau, nhưng họ đều là những người chống đối Đức Giêsu.
Chủ trương của nhóm Sa đốc này là không tin có sự sống lại. Họ hoàn toàn phủ nhận
tất cả những gì không nằm trong bộ Ngũ Thư, bởi vì họ chỉ tin năm cuốn sách đầu
của Cựu Ước, và họ bác bỏ hết tất cả các sách còn lại. Trong bộ Ngũ Thư của Mô
sê không có nói trực tiếp đến vấn đề sống lại. Có chăng chỉ là những hình ảnh. Vì
thế, họ không tin. Mặt khác, giả thiết của nhóm này là: nếu có tin thì sự sống
đời sau chẳng khác gì cuộc sống hiện tại trên trần gian và, quyền năng của
Thiên Chúa không xa hơn khả năng của con người là bao.
Khởi đi từ quan điểm, lựa
chọn trên của nhóm này, nên họ đã đặt ra cho Đức Giêsu một tình huống hết sức
ly kỳ. Họ trưng ra một câu chuyện theo kiểu trào phúng: khi có hai người lấy
nhau, người chồng chết mà không con, theo luật, người vợ đó sẽ được lấy tiếp
người anh em còn sống để có con nối dõi, và lần lượt như thế tới 7 đời chồng mà
vẫn không có con, vấn nạn đặt ra là sau khi sống lại, người đàn bà này sẽ là vợ
của ai? (x. Lc 20, 27-38)
Khi đặt ra cho Đức Giêsu
câu hỏi như vậy, họ đã dùng biện pháp “nhất
tiễn diệt song điêu” một mũi tên bắn hai đích. Một phần họ muốn gài bẫy Đức
Giêsu để kiếm cớ tố cáo Ngài; mặt khác, họ muốn so tài với nhóm Biệt Phái và
Pharisêu, vì hai nhóm này đã bị thất bại nhiều lần và chịu sự khiển trách nặng
nề của Đức Giêsu công khai trước mặt toàn dân.
Khi nhóm Sa đốc đặt ra cho
Đức Giêsu câu hỏi về sự sống lại như thế, nhân cơ hội này, Ngài đã mạc khải cho
họ về sự sống lại và cuộc sống của con người sau cái chết.
2. Mạc khải của Đức Giêsu về sự sống lại
Ngay sau khi nghe họ đặt
câu hỏi, Đức Giêsu đã đi thẳng vào vấn đề: "Con
cái đời này cưới vợ, lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau
và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng. Họ sẽ không thể
chết nữa: vì họ giống như thiên thần” (Lc 20, 35).
Thật vậy, ở đời này có lấy
vợ gả chồng chỉ là chuyện sinh, lão, bệnh, tử, nên cần phải có người giúp đỡ,
phục vụ và nối dõi. Khi con người đã trở thành bất tử, họ không còn sống phụ
thuộc vào không gian và thời gian nữa, vì thế, họ cũng không cần phải lấy vợ gả
chồng. Họ sẽ bước vào cuộc sống thần thiêng như các thiên thần, cuộc sống của họ
lúc này là trường sinh bất tử, sung mãn, trọn vẹn và tồn tại muôn đời với Đấng
Hằng Hữu. Công việc của họ chính là ca ngợi Chúa trong vinh quang Nước Trời như
các thiên thần, bởi vì: Thiên Chúa vẫn là Đấng Hằng Hữu, là Thiên Chúa của kẻ sống
chứ không phải là một vị Thiên Chúa của kẻ chết.
Tuy nhiên, không phải ai
cũng được vào dự phần vinh phúc đó, chỉ những người được chọn và gọi mà thôi: “những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau
và được sống lại từ cõi chết” (Lc 20, 35) thì sẽ được dự phần phúc ấy. Họ
là những con chiên được tuyển chọn và được tách ra khỏi dê, là lúa tốt được
phân rẽ ra khỏi cỏ lồng vực, là cá tốt được lọc ra khỏi cá xấu... Họ là con cái
Thiên Chúa, khi chết, họ trở về ngôi nhà vĩnh cửu của Cha mình để hưởng niềm hạnh
phúc tuyệt đối: “Điều mà Thiên Chúa đã dọn
sẵn cho những ai mến yêu Người là điều mà mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe,
lòng người không hề nghĩ được” (1Cr 2,9).
Nhưng được hạnh phúc, được
dự phần hay không, còn do thái độ của chính đương sự, chứ Chúa không ép buộc: "Đây Ta đưa ra cho các ngươi chọn: hoặc
con đường đưa tới sự sống, hoặc con đường đưa tới sự chết” (Gr 21,8) hay: “Ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được
sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5,29). Quả
thật, ân sủng của Chúa vẫn có đó, con người được ơn cứu độ hay không là tùy vào
thái độ đón nhận hay không đón nhận.
3. Niềm tin vào sự sống lại của chúng ta
Như vậy, qua mạc khải của
Đức Giêsu về sự sống lại, nên chúng ta tin: “Chính
Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được
sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11, 25-26); “Tôi là bánh
hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ
ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống" (Ga 6,51); "Ai
ăn thịt và uống máu Ta sẽ được sống đời đời" (Ga 6,59). Niềm tin ấy đạt đến đỉnh cao khi chính Đức Giêsu, Đấng đã chết,
được mai táng trong mồ ba ngày, và ngày thứ ba đã trỗi dậy từ cõi chết. Niềm
tin này đã được các tông đồ loan báo và làm chứng: “Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho
Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng” (Cv 3,
15; x. Cv 2,32; 10,41). Thật vậy: “Thiên
Chúa đã làm cho Chúa Kitô sống lại; chính Người cũng sẽ dùng quyền năng của mình
mà làm cho chúng ta sống lại” (1 Cr 6,14). Niềm tin này đã được Giáo Hội
tuyên tín trong kinh Tin Kính: “Tôi tin
xác loài người ngày sau sống lại”.
Khi tin như thế, cái chết chỉ là một sự chuyển hóa, là cánh cửa ta
cần bước qua để tiến vào sự sống viên mãn, vĩnh cửu hơn mà thôi. Quả thật, nếu
không có sự sống lại sau cõi chết, thì niềm tin của chúng ta trở nên mù quáng,
điều này cũng đã được chính thánh Phaolô diễn tả khi nói: “Nếu chết là hết, thì quả thực chúng ta là những kẻ khốn nạn nhất trong
cả thiên hạ” (x. Cr 15,19).
Tuy nhiên, sống hay chết
là một sự chọn lựa. Cuộc sống đời sau là có thật, nhưng để đạt được hạnh phúc
hay không lại tùy vào thái độ và sự lựa chọn của mỗi chúng ta. Chọn lựa tốt thì
sẽ được hạnh phúc, chọn lựa sai thì sẽ bị đau khổ.
Như vậy, muốn cho cuộc sống
của mình được hạnh phúc trường sinh với Chúa thì: hãy sống như những người tỉnh
thức để đợi chủ về. Hãy sống như các cô trinh nữ khôn ngoan. Và, hãy sống như
đây là giây phút cuối cùng của cuộc đời.
Lạy Chúa Giêsu, chính mầu
nhiệm Vượt Qua của Chúa là bảo chứng tuyệt đối của chúng con vào cuộc sống mai
hậu. Xin cho chúng con ý thức rằng một ngày nào đó chúng con sẽ phải từ giã cuộc
sống tạm bợ này để về với Chúa là nguồn bình an, hạnh phúc thực sự. Vì thế, xin
cho chúng con ngay từ giây phút này, biết chuẩn bị cho xứng đáng ngày trở về với
Chúa. Amen.