đỨc vua cũng là đÂng cỨu thẾ chỊu đóng
đinh
(Luca 23,35-43 – Đức Kitô, Vua Vũ trụ - C)
1.- Ngữ cảnh
Đây là đoạn văn trích từ bài tường thuật của tác giả Luca về
cuộc Thương Khó của Đức Giêsu. Trong bản văn này, Đức Giêsu đã đến điểm chung
kết số phận Người; cuộc “xuất hành” của Người (9,31) đi từ cuộc đời này đã đưa
Người đến chặng cuối này. Người đã bị đóng đinh tại nơi gọi là “Cái Sọ” giữa
hai tên gian phi (23,33). “Quyền lực tối tăm” (22,53) đã khép lại trên Người.
Bây giờ, đến lúc các thủ lãnh và lính Rôma sỉ vả Người. Nhưng cũng trong tình
cảnh này, Người được chính thức gọi là “vua dân Do Thái”.
Tiếp nối cảnh tang thương này, là một bản văn chỉ có trong TM III: một tên gian phi nhục mạ
Người, nhưng tên kia đã mắng lại vì nhận biết sự vô tội của Đức Giêsu và xin
Người nhớ đến anh. Đức Giêsu đã ban một lời hứa thật đẹp.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành hai phần:
1) Dân chúng, các thủ lãnh và lính
tráng đối với Đức Giêsu (23,35-38);
2) Hai tên gian phi đối với Đức Giêsu
(23,39-43).
3.- Vài điểm chú giải
- Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh
thì buông lời cười nhạo (35): Theo thói quen của ngài,
tác giả Lc không trích nguyên văn bản văn Kinh Thánh, nhưng bản văn
thánh vẫn bàng bạc trong bài tường thuật. Ở c. 35 này, chúng ta có thể nhận ra Tv 22,8 LXX[1]: “Hễ thấy (theôrountes)
tôi là họ nhạo cười (exemyktêrisan), họ trề môi, họ lắc đầu” (NTT), vì Lc 23,35 dùng lại hai động từ này: “Dân
chúng đứng nhìn (theôrôn), còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo (exemyktêrizon)”.
Bằng cách này, tác giả cho thấy là quang cảnh này lại hoàn tất Kinh Thánh cách
bí nhiệm.
- Đấng Kitô của
Thiên Chúa, người được Chúa tuyển chọn (35): “Đấng Kitô
của Thiên Chúa” là danh hiệu vương giả; “người được Chúa tuyển chọn” là danh
hiệu của Đấng Mêsia.
- đưa giấm cho Người
uống (36): Oxos (do tính từ oxys, “cay”) được dùng
trong vùng đông Địa Trung Hải thời cổ. Đây là một thứ rượu chua, hoặc
cay, khác với oinos là rượu ngọt. Ta không rõ vì sao người ta lại cho
Đức Giêsu uống thứ rượu này, chỉ biết là Lc đã bỏ đi thứ “rượu pha mộc
dược” nhằm giảm đau (esmyrnismenon oinon) trong Mt 15,23.
- Nếu ông là vua dân
Do Thái (37): Câu này gợi ý tới lời quan Philatô hỏi Đức Giêsu
(23,3) cũng như tới tấm biển ghi bản án trên thập giá (23,38).
- Chúng ta chịu như
thế này là đích đáng (41): Tên gian phi thứ hai nhìn nhận
tội mình, và như thế là mặc nhiên diễn tả tâm tình metanoia (hoán cải)
trước nhan Thiên Chúa.
- hôm nay, anh sẽ
được ở với tôi (43): “Hôm nay” đây không phải là “ngày
đóng đinh theo lịch”, nhưng là ngày “ơn cứu độ thiên sai được ban”, đặc biệt
nhờ cái chết của Đức Giêsu.
- thiên đàng (43): Danh từ Hy Lạp paradeisos lấy từ tiếng Ba Tư cổ (pairidaêza)
được dùng ba lần trong Kinh Thánh với nghĩa là một khu vườn có cây cối (Dc 4,13; Nkm 2,8; Gv 2,5). Bản LXX
đã dịch “khu vườn” ở Êđen là paradeisos (St 2,8.9.210.15.16; 3,1…). Người Do Thái diễn tả thế giới bên kia
bằng những công thức liên hệ đến không gian: “sheol” hoặc nơi cư ngụ của
tất cả những người đã chết, “lòng Abraham” hoặc “thiên đàng”, là
nơi mà những người công chính quây quần quanh các tổ phụ mà chờ đợi được nhận
vinh quang trọn vẹn vào lúc tận thế.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Vào lúc Đức Giêsu chào đời, thần sứ Chúa
đã loan báo: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua
Đavít, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa” (Lc
2,11). Như thế, ngay từ khi mới xuất hiện, Đức Giêsu đã có một nhiệm vụ
lớn lao. Ngay từ đầu, câu hỏi này đã được nêu ra: Đức Giêsu sẽ thực hiện nhiệm
vụ này như thế nào? Người có ở ngang tầm với mọi tình cảnh bần khốn của con
người chăng? Phải chăng Người là Đức Kitô, là Đức Vua vĩnh viễn được Thiên Chúa
sai phái đến, để đưa lại ơn cứu độ trọn vẹn?
Câu hỏi này được đặt ra hết sức trầm
trọng sau khi Đức Giêsu bị đóng đinh, không phải là đặt ra trên bàn giấy, trong
cuộc tranh luận, nhưng được ném ra cho Đức Giêsu đang ở trên thập giá, giữa hai
tên gian phi. Toàn bản văn được đặt dưới dấu chỉ là “đức vua”, có khi là đối
tượng cho người ta mỉa mai (cc. 35-39), có khi là đối tượng cho người ta tin
tưởng để rồi được ban thưởng (cc. 40-43).
* Dân chúng, các thủ
lãnh và lính tráng đối với Đức Giêsu (35-38)
Trước tiên, có đoàn dân chúng. Họ có vẻ
không hiểu những gì đang xảy ra. Rất có thể họ đang tự hỏi làm thế nào mà con
người đã không kháng cư lại cái chết lại có thể là đức vua bao đời mong đợi và
nếu Người là vị vua ấy, tại sao Thiên Chúa không cứu Người? Chúng ta biết tác
giả Lc vẫn có thiện cảm với những
người nghèo nhất, những người cùng rốt. Ngài cho thấy dân chúng đứng lặng thinh
và cho biết rằng họ không chịu trách nhiệm về cái chết của Đức Giêsu. Một vài
câu sau, ngài sẽ nhận xét: “Toàn thể dân chúng đã kéo đến xem cảnh tượng ấy,
khi thấy sự việc đã xảy ra, đều đấm ngực trở về” (c. 48). Những con người này
có thể đại diện cho tất cả những người có thiện chí đang muốn hiểu được chương
trình của Thiên Chúa, nhưng không thể được, vì những người có thể soi sáng cho
họ đều mù quáng và không ý thức về điều dữ họ đang làm.
Dưới chân thập giá, cũng có các nhà lãnh đạo, các đối thủ của Đức
Giêsu, những người chịu trách nhiệm về cái chết của Người. Bây giờ họ chỉ còn
có thể chế nhạo Người về biết bao tự phụ và điên rồ mà Người đã chứng tỏ trước
đây thôi. Một kẻ đã bị buộc phải đi đến thập giá và bị người ta làm cho mình
tất cả những gì mình không muốn, có thể nào lại là Đức Vua Cứu thế được Thiên Chúa
gửi đến? Đáng giá gì một Đức Kitô mà đến việc cứu chính mình khỏi chết
cũng không làm nổi? Nếu ý đồ của hắn ta là thật, hắn chỉ việc chứng minh ngay
bây giờ đi!
Câu nói chế nhạo sau đây trở đi trở lại
như một điệp khúc: “Nếu ông là vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi”;
“Nếu ông là Đấng Kitô thì hãy chứng tỏ sức mạnh của mình đi!”. Các lời này, các
thủ lãnh nói ra để sỉ vả Người. Thật ra, khi vừa bắt đầu sứ vụ, Đức Giêsu đã bị
Satan cám dỗ như thế (4,3), rồi tại Nadarét, Người cũng đã bị yêu cầu như vậy (4,23);
nay là tại chặng chót của hành trình trần thế.
Còn một nhóm thứ ba có mặt là toán lính. Họ cũng là những người
nghèo, nên vì một ít tiền bạc, có thể dùng vũ lực để áp đảo những người có lối
ăn nói, thói tục và tôn giáo khác họ. Họ có tội, nhưng họ cũng là nạn nhân của
sự điên rồ của các sĩ quan của họ; họ phải vâng lệnh. Họ đóng kịch như dâng
rượu lên đức vua, để chế nhạo Người. Ngay cả tấm biển ghi bản án, “Đây là vua
dân Do Thái”, thật ra là một cái nhãn hiệu đầy mỉa mai do quan Philatô
tạo ra (x. Ga 19,15.19.22). Tên gian
phi thứ nhất cũng yêu cầu được cứu với giọng cay độc. Thập giá đặt một dấu
chấm hỏi to lớn trên tất cả công trình trước đây của Đức Giêsu. Thập giá dường
như đã bác bỏ cao vọng của Người. Một con người đã bị đóng cứng trên thập giá
và sắp chết thì còn có thể giúp đỡ ai? Trong bầu khí đen tối này, chi tiết:
“Toàn thể dân chúng đã kéo đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy sự việc đã xảy ra,
đều đấm ngực trở về” (c. 48), là chi tiết đầy an ủi và hy vọng.
Trước tất cả những lời sỉ nhục và thách thức đó, Đức Giêsu không
trả lời một tiếng nào.
* Hai tên gian phi
đối với Đức Giêsu (39-43)
Một tên gian phi cũng cùng với tập thể kia hòa lời mỉa mai sỉ nhục
Đức Giêsu. Thế nhưng tên gian phi thứ hai lại trách bạn mình. Anh nhìn nhận tội
lỗi mình và nhìn nhận cái chết thập giá dành cho mình là xứng đáng, nhưng anh
tuyên bố Đức Giêsu vô tội. Chẳng những thế, anh còn công nhận rằng con người bị
đóng đinh và bị chế giễu này, con người không xuống khỏi thập giá dù bị thách
thức, chính là Đức Vua Cứu thế. Anh đã diễn tả lòng tin vào Đức Giêsu như Đấng
Mêsia vương giả bằng lời thỉnh cầu: “Khi vào Nước của Ngài, xin Ngài nhớ đến
tôi”; lòng tin này được bày tỏ với một tình yêu đặc biệt qua lời kêu cầu
rất thân thương: “Giêsu ơi!”. Anh ta không xin Đức Giêsu cứu cho khỏi chết, vì
anh chấp nhận cái chết như là hình phạt đích đáng. Nhưng anh xác tín rằng Đức
Giêsu không chấm dứt cuộc đời với cái chết, mà qua cái chết, Người sẽ đi vào
trong vương quốc Người. Anh tin rằng Đức Giêsu cứu người ta không phải chỉ là khỏi
cái chết, nhưng là đưa sang bên kia cái chết. Như thế, câu viết trên bản án đầy
vẻ bôi bác, “Đây là vua dân Do Thái”, lại đạt được nội dung đích thực: Đức
Giêsu đúng là Vua Cứu thế; Người đi vào vương quốc của Người và đưa vào đó tất
cả những ai tín thác nơi Người.
Với anh gian phi này, Đức Giêsu trả lời: “Tôi bảo thật anh, hôm
nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”. Qua câu nói này, Người cho hiểu
rằng, với cái chết, Người sẽ đi vào trong sự hiệp thông viên mãn với Thiên
Chúa; nhưng cũng cho hiểu rằng chính Người quyết định ai sẽ vào đó với Người:
chính Người bố trí để đưa người ta đi vào hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa.
+ Kết luận
Tất cả những điều xảy ra trên Núi Sọ hôm ấy có thể được nhìn theo
theo nhiều quan điểm: đối với các thủ lãnh, đây là một thành công vì họ
đã trừ khử được một kẻ lâu nay cứ ngáng đường họ. Đối với dân chúng,
dường như họ còn chờ đợi để hiểu rõ biến cố này hơn. Nhưng đối với tác giả Lc
khi suy gẫm về câu chuyện này, thì đây là chương trình của Thiên Chúa được ghi
trong Kinh Thánh nay đã hoàn tất.
Ngoài ra, tư cách “Vua” của Đức Giêsu, điều mà các thủ lãnh và lính
tráng đưa ra làm trò cười bởi vì họ chỉ đầy ứ sự căm hờn và mỉa mai, lại đã
được khẳng định tích cực khi người gian phi thứ hai lấy đức tin nhìn nhận Người
và được Người hứa cho vào thiên đàng, “Nước của Ngài”. Cho đến chết, Người vẫn
là Đấng cứu độ những người tội lỗi.
Chúng ta ghi nhận trong mỗi phân đoạn
có một cảnh đối lập:
- Trong phân đoạn 1: Trong khi dân
chúng đứng nhìn (rồi họ sẽ hoán cải: c. 38), các thủ lãnh và lính tráng lại chế
giễu Đức Giêsu;
- Trong phân đoạn 2: Trong khi tên gian
phi thứ nhất nhục mạ Người, tên gian phi thứ hai lại tin tưởng trao phó cuộc
đời cho Người.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Ra sức làm một
hành vi vĩ đại, thì đã chứng tỏ mình đáng được nể trọng. Nhưng im lặng thản
nhiên, khi bị người ta khinh bỉ, sỉ nhục, bôi nhọ, thì càng chứng tỏ mình có
tâm hồn cao thượng và đáng nể trọng hơn. Đức Giêsu đã chứng tỏ như thế, nhất là
khi Người lại là chính Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa, và các kẻ đang nhao nhao
sỉ nhục Người chỉ là những thọ tạo của Người. Đấy là bài học cho các Kitô hữu
mỗi khi cảm thấy mình không được tôn trọng đủ.
2. Bản văn nói lên
sự mỉa mai của loài người trước Đức Giêsu bị đóng đinh, nhưng cũng cho thấy có
sự mỉa mai của Thiên Chúa đối với sự “khôn ngoan ranh mãnh” của người đời:
Chính khi họ tưởng họ thắng được Thiên Chúa thì họ lại thua vĩnh viễn; chính
khi công trình cứu độ có vẻ thất bại, thì lại thành công mỹ mãn.
3. TM Luca ghi lại biết bao người đã
tin tưởng đến với Đức Giêsu và đã trải nghiệm sự giúp đỡ và ơn cứu độ của
Người. Người thường bảo họ: “Đức tin của con đã cứu con” (7,50; 8,48; 17,19;
18,42). Cũng như người phụ nữ tội lỗi và như Dakêu, có những người đã đến với
Người từ tình trạng bị đẩy ra bên lề và đã được Người ban ơn hoán cải và ơn cứu
độ. Anh gian phi hoán cải là kết tinh của công trình cứu chữa này. Anh ở trong
tình trạng bị loại trừ tuyệt đối, anh nhìn nhận mình đáng phải chết đóng đinh,
nhưng anh cũng xứng đáng được Đức Giêsu áp dụng câu nói: “Đức tin của anh đã
cứu anh”. Anh đã tin vào Đức Giêsu, một con người bị đóng đinh như anh.
Do đó, anh đã được ban cho ơn cứu độ toàn vẹn.
4. Đức Giêsu chịu
đóng đinh là để cho thấy rằng Người không phải là một Đức Vua Cứu thế sẽ
đảm bảo cho họ có sự sung túc trần thế. Người đã không cứu chính mình khỏi
chết, thì Người cũng không gìn giữ chúng ta khỏi bệnh tật và cái chết. Quyền
lực của Người không nhắm đến đời sống thoải mái trần tục của chúng ta, nhưng
nhắm đến đời sống của chúng ta với Thiên Chúa. Ai tìm sự hiệp thông với Thiên
Chúa, và biết nhờ Đức Giêsu, Đức Giêsu sẽ cứu độ người ấy, cho dù người ấy đến
với Người như một tên gian phi.