LỄ CHÚA KI-TÔ VUA
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Lu-ca
23:35-43)
Một động từ lập đi lập lại trong đoạn Tin Mừng hôm nay được
sử dụng để cười nhạo một kẻ tử tội
đang hấp hối trên thập giá bắt chúng ta phải suy nghĩ về ý nghĩa của nó, đó là
“cứu”, cứu lấy mình, cứu người khác, cứu chúng tôi. Có phải thánh sử Lu-ca cố ý lập lại từ “cứu” ấy
nhiều lần để diễn tả sứ mệnh cứu độ cao cả của Đấng Ki-tô hay không? Chắc chắn
là như vậy. Cứu độ là sứ mệnh của Chúa
Giê-su Ki-tô, vị Vua chúng ta tôn vinh hôm nay, không phải chỉ là “vua người
Do-thái”, nhưng là Vua của Nước Thiên Đàng.
Vua Ki-tô không những cứu chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi mà còn hứa cho
chúng ta “được ở với Người trên Thiên Đàng”.
Trong giây phút linh thiêng nhất của chương trình Thiên Chúa
cứu độ, tất cả những người cười nhạo Chúa Giê-su đều như réo lên cùng một điệp
khúc: Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì hãy cứu
mình đi. Rồi một anh gian phi cùng bị
đóng đinh còn phụ họa thêm: Và cứu cả
chúng tôi với! Họ hết thảy đều chỉ nghĩ
tới việc cứu mạng sống thể xác, không ai nghĩ đến việc cứu lấy sự sống thiêng
liêng hoặc cứu lấy linh hồn cả. Thực ra
Chúa Giê-su đang thực hiện điều Người đã nói với mọi người: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình [vì tôi], thì
sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lu-ca 9:24).
Do đó, sau khi chết trên thập giá, không phải Chúa Giê-su chỉ cứu được mạng
sống mình qua sự Phục Sinh, mà Người còn cứu mạng sống cả nhân loại khỏi cái chết
vì tội lỗi nữa. Suy niệm về cái chết cứu
chuộc này, thánh Phao-lô viết: “Người
(Chúa Cha) đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc
Thánh Tử chí ái; trong Thánh Tử, ta được
ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi” (Cô-lô-xê 1:13-14). Như vậy, Chúa Giê-su đã trả lời cho sự thách
thức của tên gian phi đã cùng chịu đóng đinh với Người: Phải, tôi chính là Đấng Ki-tô. Tôi đã tự cứu mình bằng cách vâng phục Chúa
Cha mà chịu chết vì phần rỗi nhân loại và được Thánh Thần cho sống lại từ cõi
chết. Nhờ cái chết và sự sống lại, tôi
đã chuộc tội cho nhân loại và sẽ tiếp tục dẫn họ về ơn cứu độ muôn đời.
Cùng với việc Chúa Giê-su tự cứu mình và cứu nhân loại,
chúng ta còn được nghe lời Người hứa với người trộm lành cũng như hứa với tất cả
chúng ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay,
anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”.
Thử hỏi có ông vua trần gian nào dám hứa với dân chúng là sẽ cho họ được
sống trong cung điện mình vĩnh viễn không?
Vậy mà Vua Giê-su của chúng ta hứa chắc chắn với người trộm lành như vậy. Vương quốc của Người là Thiên Đàng đích thực,
chứ không phải thứ thiên đàng trần gian được hứa hão do mấy tên hoạt đầu chính
trị hay những chủ nghĩa lừa gạt. Vua
Giê-su còn quả quyết thực hiện lời hứa ấy cho người trộm lành ngay lập tức: hôm nay,
anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.
Hôm nay, Chúa Giê-su trở về với Chúa Cha và hôm nay, Người cũng đưa người
trộm lành về với Chúa Cha, vì “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất,
tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Gio-an 12:32).
Sống sứ điệp Tin Mừng
Trên thập giá, người trộm lành nài xin với Chúa Giê-su: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin
nhớ đến tôi!” Trước khi nói lời cầu xin
này, anh ta đã nhận ra sự bất công Chúa phải chịu và Người “đâu có làm điều gì
trái”. Chắc chắn thái độ của Chúa Giê-su
trên thập giá đã giúp anh nhận biết Người, nhất là qua lời Người cầu nguyện với
Thiên Chúa: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì
họ không biết việc họ làm” (Lu-a 23:34).
Trước lời khẩn cầu của anh, Người không cần đợi cho đến khi vào Nước của
Người, Người mới nhớ đến anh. Nhưng Người
đã nhớ đến anh ngay cả trước khi trút hơi thở cuối cùng để chiến thắng thần chết
và tội lỗi.
Điều này nhất định phải là một tin mừng cho mỗi người chúng
ta. Chúa muốn nghe chúng ta cầu xin Người
với cùng một lời cầu xin của người trộm lành.
Vua vĩnh cửu của chúng ta không muốn bất cứ người nào trong các công dân
của Người phải hư mất (Gio-an 17:12), nhưng Người luôn nhớ đến chúng ta và còn
hứa ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế nữa (Mát-thêu 28:20). Vua Ki-tô của chúng ta không hứa lèo như
mấy ông tổng thống hay thủ tướng trần gian này.
Nhưng Người là Đấng trung thành giữ lời hứa.
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi