GIOAN LÀM CHỨNG
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi
DCCT
CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG, năm C
Lc 3, 10-18
Chúng ta đang sống
trong Mùa Vọng của năm đức tin. Do đó, Mùa Vọng lại có một ý nghĩa thật đặc
biệt. Mùa Vọng là Mùa chờ đợi, là mùa hy vọng và là mùa của niềm tin. Trong năm
đức tin, Giáo Hội mời gọi chúng ta khơi dậy niềm tin. Đức tin của chúng ta đã
có ngày chúng ta lãnh nhận phép rửa, ngày chúng ta tuyên xưng để lãnh nhận Chúa
Thánh Thần và khi vào đời chúng ta đang sống niềm tin. Tuy nhiên, có lúc vì vô
tình hay hữu ý, chúng ta đã làm đức tin của mình bị lu mờ. Nên, chúng ta phải
làm ấm lại đức tin. Chúng ta phải khơi dậy. làm đức tin bừng sáng và tỏa sáng.
Thiên Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi con người. Dù con người có lúc lỗi phạm, có
lúc sa ngã. Thiên Chúa luôn một mực trung thành. Các bài đọc hôm nay nói lên ý
nghĩa sâu xa ấy.
Gioan Tẩy Giả được Chúa
mời gọi từ sa mạc để loan báo Chúa đến. Sa mạc là nơi thanh vắng, là nơi tĩnh
mịch. Gioan Tẩy Giả đã ở trong sa mạc: ăn chay, cầu nguyện, sống mật thiết với Chúa
và tới thời, tới lúc, Gioan Tẩy Giả vâng lời Chúa ra khỏi sa mạc, lãnh sứ mạng
dọn đường cho Chúa và giới thiệu Đấng Cứu Thế cho môn đệ của Ông và cho nhiều
người. Được Gioan kêu gọi thống hối, ăn năn, nhiều lớp người, nhiều hạng người
đã tới với Gioan. Họ hỏi Gioan :” Chúng tôi phải làm gì ? “. Gioan trả lời :”
Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy “.
Những người thu thuế cũng đến hỏi Gioan :” Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì ?”.
Ông trả lời :” Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định “. Binh lính cũng hỏi Gioan
:” Còn anh em chúng tôi phải làm gì ? “. Ông bảo họ :” Chớ hà hiếp ai, cũng
đừng chiếm đoạt của người, hãy bằng lòng với đồng lương của minh “. Gioan Tẩy
Giả đã dạy dỗ dân chúng những điều thực tế theo từng nghề nghiệp, chức vụ của
con người. Ngài không dạy những điều trừu tượng, nói trên mây trên gió, không
dạy dân chúng những việc quá sức họ. Gioan chỉ dạy họ những điều hợp với khả
năng, hợp với chức vụ của con người mà thôi. Gioan Tẩy Giả chỉ là một vị ngôn sứ
lớn, nhưng thực tế, Ông đã sống đời sống khắc khổ, đời sống nhiệm nhặt đến nỗi
đã có rất nhiều người lầm tưởng và tự đặt câu hỏi hay Gioan là Đấng Cứu Thế,
Đấng Thiên Sai mà dân chúng mong mỏi chờ đợi từ lâu. Gioan dạy dân chúng sống
đạo đức bởi vì muốn nên giống Chúa phải sống đời sống của Chúa như thánh Phaolô
đã nói :” Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi “.
Sống đời sống của Chúa là đang làm chứng cho Chúa. Gioan đã làm chứng cho Chúa
bằng chính cái chết của mình dưới sự tàn bạo của Hêrôđê. Thánh Luca đã đặt trên
môi miệng Gioan câu trả lời mạnh mẽ và dứt khoát bởi vì Gioan quả thực chỉ là
tiếng kêu trong sa mạc dọn đường cho Chúa đến, và khi Chúa Giêsu xuất hiện
Gioan đã lui vào bóng tối, để cho vai trò của mình lu mờ đi và để Chúa lớn lên,
nổi bật lên :” Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại “. Ngài còn xác đinh :”
Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người “. Rồi
Gioan lại cho chúng ta biết : “ Ngài làm phép rửa thống hối bằng nước theo tập
tục của người Do Thái. Còn Chúa sẽ làm phép rửa bằng Thánh Thần và bằng lửa “.
Tin Mừng của thánh
Matthêu trong chương nói về ngày tận thế, Chúa đồng hóa mình với kẻ khó nghèo,
bần cùng, rách rưới, đói ăn, khát nước, kẻ bị tù tội vv…Chúa nói mỗi lần chúng
ta làm cho những người vừa nêu trên là chúng ta làm cho Chúa. Mùa Vọng còn là
mùa bác ái, mùa chia sẻ, mùa thi ân. Ông phú hộ đã không biết chia sẻ cho
Lazarô người nghèo. Chàng thanh niên giầu có đã không dám làm theo lời Chúa đề
nghị. Mùa Vọng luôn mời gọi chúng ta thực thi bác ái, chia sẻ, quảng đại và cảm
thông vv…Trong năm đức tin, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy trở về với đức tin
của mình đã lãnh nhận, học hỏi, tìm hiểu qua Sách Thánh, Giáo Lý và qua các
Huấn từ của Hội Thánh để càng ngày càng hiểu biết Chúa Giêsu, yêu mến ngài và
thông truyền đức tin cho nhiều người. Năm đức tin, nhiều hình thức và nhiều con
đường mà các tín hữu phải thực hành để gặp được Chúa và gặp gỡ tha nhân.
Mùa Vọng là mùa mong đợi. Mong và chờ như
người lính canh mong đợi hừng Đông, như người vợ chờ chồng trở về. Để mong đợi
Chúa đến, mọi Kitô hữu phải biết lắng nghe lời Chúa, và thực hành lời Chúa
trong đời sống của mình. Thực tế, thái độ của người Kitô hữu là phải mau mắn và
nhạy cảm trước các dấu chỉ của thời đại để mau chóng nhận ra ý Chúa. Chúa Giêsu
chê trách và lên án những người Biệt phái, cũng như người Pharisêu không phải
họ thiếu đạo đức nhưng vì họ tự mãn, kiêu ngạo, nên họ không thể nhận ra Chúa
khi Chúa đang ở với họ. Chờ đợi Chúa phải có thái độ khiêm tốn như các mục
đồng, như các tông đồ và đặc biệt như Đức Mẹ, Thánh Giuse vv...
Gioan Tẩy Giả đã làm chứng cho Chúa và
giới thiệu Chúa cho nhiều người bằng thái độ khiêm tốn của mình.
Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, này dân
Chúa đem tất cả niềm tin đợi chờ ngày sinh Nhật Đấng Cứu Thế. Xin hướng niềm
vui chúng con về chính nguồn hoan lạc của mầu nhiệm Giáng Sinh cao cả để tâm
hồn chúng con hoàn toàn đổi mới, mà họp mừng ngày cứu độ đã gần kề. Amen ( Lời nguyện nhập lễ Chúa nhật III Mùa Vọng ).
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ ?
1.Tại sao Chúa nhật III
Mùa Vọng , chủ tế lại mặc áo màu hồng ?
2.Gioan Tẩy Giả đã
khuyên dân chúng thế nào ?
3.Mùa Vọng nói lên gì ?
4.Vai trò đích thực của
Gioan Tẩy Giả ?