CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG

Những lời khuyên thực tế để sám hối

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 3:10-18)

          Trong bài Tin Mừng tuần trước, thánh Lu-ca đã giới thiệu với chúng ta thánh Gio-an Tẩy Giả và sứ mệnh của ngài làm tiếng người hô trong hoang địa.  Tiếng hô ấy kêu gọi người ta dọn đường tâm hồn đón Chúa đến.  Tiếng hô vang dội tới khắp miền và ngày hôm nay để đáp lời kêu gọi, “dân chúng lũ lượt đến xin ông Gio-an làm phép rửa”.  Tuy nhiên phép rửa chỉ là dấu hiệu nói lên sự sám hối, còn thực hành sám hối như thế nào mới là cốt yếu.  Vậy thánh Gio-an đưa ra những đề nghị thực tế cho từng hạng người đến xin ngài một lời khuyên giúp họ sám hối.

          Chúng ta hãy trở lại khung cảnh bờ sông Gio-đan, nơi thánh Gio-an Tẩy Giả thi hành sứ vụ.  Người ta từ các nơi kéo đến để xin ngài làm phép rửa, khai mào cho một cuộc trở về với Thiên Chúa.  Ngoài thành phần dân chúng Do-thái ra, chúng ta lấy làm lạ về sự có mặt của cả những người thu thuế và binh lính Rô-ma nữa.  Như vậy việc sám hối không dành riêng cũng không loại trừ ai, mà là cho mọi người muốn tìm về với Chúa.  Câu hỏi chung mọi người đặt ra cho Gio-an là:  “Chúng tôi phải làm gì?”  Câu trả lời là hãy thay đổi trong chính hoàn cảnh sống và bổn phận của mình, rời bỏ đường tội lỗi để trở về nẻo công chính.  Nếu là một đời sống ích kỷ, chỉ biết mình chứ không để ý ân cần giúp đỡ tha nhân, thì người sám hối phải biết chia cơm xẻ áo với những người nghèo khổ.  Nếu là nhân viên chính phủ hay sở tư, công nhân của các nhà máy hay hãng xưởng, thì người sám hối phải làm việc sao cho xứng với tiền lương và đức công bằng.  Nếu là binh lính, họ cũng phải phục vụ đất nước trong tinh thần kỷ luật, không lấy sức mạnh của súng ống vũ lực mà hà hiếp bóc lột dân lành.

          Trong diễn trình sám hối, lời kêu gọi của Gio-an Tẩy Giả chỉ là giai đoạn khởi đầu.  Nó cần được tiếp tục với cuộc thanh tẩy bằng Thánh Thần và bằng lửa do phép rửa của Chúa Giê-su.  Do đó khi sám hối, chúng ta không thể không xác tín vai trò tối quan trọng của Chúa Giê-su, Đấng sẽ “cầm nia rê sạch lúa trong sân:  thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”.  Thóc mẩy là biểu tượng nói lên những người thực sự thi hành sám hối, tiến triển trong cuộc biến đổi dần dần để đạt tới tầm vóc trưởng thành của Đức Ki-tô.  Còn thóc lép là hình ảnh những người không đáp lời thánh Gio-an Tẩy Giả kêu gọi, không theo sự dẫn dắt của Thánh Thần và cũng chẳng có lửa mến đối với Chúa cũng như tha nhân, tất nhiên họ sẽ bị hủy diệt.  Trong ngày tận thế, Chúa Giê-su sẽ quy tụ tất cả những người lành giống như thu góp thóc mẩy, để đem về quê hương vĩnh cửu trên trời.

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Nói đến sám hối, chúng ta thường nghĩ tới một tình trạng tội lỗi nặng nề, nên cũng nghĩ sám hối là một việc thật lớn lao.  Không hẳn như vậy.  Nhưng sám hối là đứng trước nhu cầu cần thay đổi đời sống hiện tại của chúng ta, chúng ta phải trả lời câu hỏi:  “Vậy tôi phải làm gì?”  Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy sống trong “phép rửa của Chúa Giê-su”, tức là để cho sự dẫn dắt của Thánh Thầnlửa yêu mến biến đổi chúng ta.  Chúa Giê-su tiếp tục thanh tẩy chúng ta bằng lối sống và tình yêu của Người.  Khi chọn suy nghĩ và hành động như Chúa Giê-su, chúng ta sẽ từ chối lối suy nghĩ và hành động của thế gian.  Khi chúng ta sống bằng ngọn lửa tình yêu của Chúa Giê-su, chúng ta sẽ thực thi giới răn yêu mến Thiên Chúa và yêu thương anh chị em bằng tất cả khả năng sức lực, tâm trí và linh hồn của mình.

          Một cách cụ thể, hầu hết chúng ta không phải là những nhân viên thuế vụ hoặc binh lính, nên chúng ta có thể thực hành một đề nghị hết sức thực tế của thánh Gio-an Tẩy Giả, là “Ai có hai áo, thì chia cho người không có;  ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”.  Có lẽ từ lâu, trái tim chúng ta đã thu hẹp lại, lòng quảng đại chúng ta đã héo tàn, nên chúng ta không còn thấy lòng mình rung động trước những khổ đau thiếu thốn của những người chung quanh.  Áo mặc và của ăn người khác cần, có khi chỉ là một chút hơi ấm của tình yêu thương hay sức mạnh của lời an ủi khích lệ.  Đó là những gì chúng ta ít nhất có thể đem lại cho anh chị em.  Nhưng muốn làm như vậy, chúng ta phải biết mở bàn tay và mở lòng trước đã!

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi