CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG
Lên đường phục vụ nhân loại
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Lu-ca
1:39-45)
Theo dõi một cuộc chạy đua đường dài trong vận động trường,
hồi hộp nhất vẫn là vòng cuối cùng. Chúng
ta bước vào vòng đua cuối cùng của mùa Vọng, nên hãy nhìn vào những “vận động
viên” đã thắng giải để noi gương bắt chước các ngài là Chúa Giê-su và Mẹ
Ma-ri-a. Bài đọc thứ hai trình bày Chúa
Giê-su là vị Thượng Tế tối cao của Thiên Chúa đang lên đường đến trần
gian. Còn bài Tin Mừng mô tả Mẹ Ma-ri-a
hành trình đi thăm bà chị họ Ê-li-sa-bét và Gio-an là thai nhi trong lòng
bà. Từ những cuộc lên đường này, chúng
ta suy nghĩ về hành trình đức tin của chúng ta trong Năm Đức tin.
Điều làm chúng ta ngưỡng mộ nhất về cuộc lên đường của Mẹ
Ma-ri-a và Chúa Giê-su trong lòng Mẹ, đó là để thực thi thánh ý Thiên
Chúa. Lời thưa “xin vâng” của Đức Ki-tô
(Do-thái 10:9) và của Mẹ (Lu-ca 1:38) đã phối hợp với nhau trong cuộc viếng
thăm lịch sử khi các ngài đến gặp gỡ bà Ê-li-sa-bét và Gio-an. Chúa Giê-su lên đường đến trần gian để “hiến
dâng thân mình làm lễ tế” trên thập giá.
Còn Mẹ Ma-ri-a lên đường để bắt đầu đem Chúa đến cho nhân loại. Cuộc viếng thăm của Mẹ Ma-ri-a và Chúa Giê-su
còn là một hành động liên kết giữa Thiên Chúa và con người, giữa ân sủng và đặc
tính nhân bản, giữa tình yêu Thiên Chúa được nhập thể nơi Chúa Giê-su và tình
yêu nhân loại được thể hiện nơi Mẹ Ma-ri-a.
Do đó, khi chúng ta biểu lộ tình thương yêu đối với nhau cũng là lúc
Thiên Chúa biểu lộ tình yêu của Người.
Một cuộc viếng thăm liên kết tình Chúa với tình người như vậy
chắc chắn sẽ đem lại hoa trái. Hoa trái
đầu tiên là kẻ được viếng thăm nhận ra những hạnh phúc Thiên Chúa ban. Nào là hạnh phúc cho chính mình vì “được Thân
Mẫu Chúa và người con được chúc phúc đến với mình”. Nào là hạnh phúc cho “đứa con trong bụng”
đang nhảy lên vì vui mừng. Và hoa trái quý
giá nhất, đó là hạnh phúc nhận ra phẩm giá của người khác: “Em thật có phúc, vì
đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”.
Cuộc viếng thăm được mô tả qua những hành vi và động tác thật
đơn sơ và dễ thương. Trước hết đó là một
chuyến đi “vội vã”, vì Mẹ muốn mau mắn chia sẻ những gì mình đã lãnh nhận từ
Thiên Chúa. Cuộc viếng thăm chân tình,
biểu lộ qua những cử chỉ tự nhiên như “nhảy lên, kêu lớn tiếng, bỡ ngỡ, khâm phục,
lời khen tặng chân thật”. Nhưng những cử
chỉ bộc phát ấy không chỉ nói lên tình người, mà còn diễn tả một đức tin sâu
xa, được tác động do Chúa Thánh Thần nữa.
Quả thực đây là một cuộc viếng thăm gương mẫu chúng ta có thể đặt làm
tiêu chuẩn cho tất cả những cuộc viếng thăm của chúng ta khi đến với những người
anh chị em.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Có khi nào chúng ta hồi tưởng lại một cuộc viếng thăm của
chúng ta khi đến với người khác, thí dụ một người bà con ở xa, một người thân
đang nằm trong bệnh viện, một đứa con đang trọ học sống xa nhà và xa cả Chúa,
hoặc một người già neo đơn đang ở trong nhà dưỡng lão không? Trong một cuộc viếng thăm, chúng ta hãy cư xử
giống như Mẹ Ma-ri-a, không cần phải dùng những lời lẽ khách sáo của người đời,
nhưng là biểu lộ tình yêu đích thực, tình Chúa và tình người. Ở đây, chúng ta không nghe thấy Mẹ nói điều
gì, nhưng chắc chắn qua cử chỉ của Mẹ Ma-ri-a, bà Ê-li-sa-bét đã đọc và nghe được
tất cả những tâm tình chan chứa trong Mẹ.
Cuộc viếng thăm của chúng ta cũng phải phối hợp giữa hành
vi nhân bản và hành vi đức tin. Một lời
kinh trước khi chúng ta lên đường, một lời cầu ngắn chúng ta chia sẻ với người
già neo đơn, một lời nguyện thầm hay lời khuyên dịu dàng nhưng thẳng thắn và
khích lệ cho đứa con đã lâu ngày không đến nhà thờ… chắc chắn sẽ đem Chúa đến với
người khác. Cuộc viếng thăm của chúng ta
cũng phải mang đến niềm vui cho người khác, giống như Gio-an nhảy lên trong bụng
mẹ, như bà Ê-li-sa-bét không kềm nổi vui mừng nên đã “kêu lớn tiếng”. Quan trọng hơn cả, cuộc viếng thăm của chúng
ta sẽ đem người khác đến với Chúa, để họ có thể nhận ra Chúa “sẽ thực hiện những
gì Người đã nói” với họ. Lm. Đa-minh Trần đình Nhi