CHÚA NHẬT II PHỤC SINH
Chúa đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Gio-an 20:19-31)
Một cử chỉ hoặc một lời nói của người
khác có thể làm chúng ta nhớ suốt đời.
Đó là điều thánh Gio-an đã ghi lại trong bài Tin Mừng hôm nay. Tường thuật hai lần Chúa Phục Sinh đã hiện ra
với các môn đệ, thánh sử đều nói đến sự kiện “Chúa đứng giữa các ông và
nói: “Bình an cho anh em”. Chắc chắn cử chỉ và lời nói này vẫn còn in
sâu trong tâm hồn các môn đệ, đến nỗi sau nhiều năm, chi tiết ấy vẫn không thể bị
bỏ quên trong trình thuật của thánh Gio-an.
Nhưng liệu cử chỉ và lời nói ấy còn ảnh hưởng gì nơi chúng ta, những
Ki-tô hữu hôm nay không?
Trước hết chúng ta trở lại với khung cảnh
Chúa hiện ra với các môn đệ, lần thứ nhất vắng mặt ông Tô-ma và lần thứ hai có
mặt ông với lời tuyên xưng rất cảm động của ông: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con”. Chúa đến và đứng giữa các môn đệ. Người đang ở trung tâm của cuộc gặp gỡ, một vị
trí quan trọng nhất. Đứng tại đây, vai
trò của Chúa nổi bật, vì Người là tất cả những gì đức tin Ki-tô phải hướng về. Sự Phục sinh của Người là cốt lõi cho tất cả
những điều các môn đệ Người mọi thời mọi nơi phải làm chứng và rao giảng. Mặc dù hiện thời chung quanh Chúa chỉ là một
nhóm nhỏ các môn đệ Ki-tô hữu tiên khởi nhút nhát và sợ sệt, nhưng họ đã thay mặt
cho cả một Giáo Hội mai sau sẽ hiện diện khắp nơi trên thế giới. Họ đang đón nhận Mầu nhiệm Phục Sinh với tất
cả sự “vui mừng” và chờ đợi được Người sai đi:
“Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. Họ cũng đang mở rộng tâm hồn để nhận lấy
Thánh Thần khi Chúa “thổi hơi vào các ông”, để họ có quyền tha tội cho người ta
và lớn tiếng tuyên xưng Chúa Giê-su là “Chúa của tôi” và “Thiên Chúa của tôi”
như tông đồ Tô-ma đã tuyên xưng. Chúa Phục
Sinh đứng giữa họ để ban cho họ được tham dự vào quyền năng Thiên Chúa, rồi
cũng như Người, họ có thể thực hiện nhiều điềm thiêng dấu lạ (x. Công Vụ Tông đồ
5:12).
Nhưng sự hiện diện của Chúa Giê-su đứng
giữa các môn đệ còn có một ý nghĩa quan trọng khác, đó là Người đem lại bình an
cho họ. Chúng ta thử tưởng tượng xem, lần
trước, khi Chúa hiện đến, họ tưởng Người là ma.
Người phải “chứng minh” rằng Người không phải là ma bằng cách bảo họ: “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây
mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt
như anh em thấy Thầy có đây”. Rồi Người
còn cầm lấy khúc cá nướng mà ăn trước mặt họ nữa. Chứng minh đến thế là cùng! Vì họ chưa hoàn toàn tin, nên mới lo sợ và mất
bình an. Bình an chính là điều họ cần có
nhất trong lúc này, nên lời đầu tiên và khẩn thiết Chúa phải nói với họ,
là: “Bình an cho anh em!” Bình an của Chúa không những dẹp yên bão táp
như trên Biển Hồ năm xưa, mà còn ban cho tâm hồn họ một ân sủng quý báu nhất
trong các hoa quả của Thánh Thần (Ga-lát 5:22).
Chắc chắn rồi mai đây, các môn đệ Chúa lại càng cần tới bình an hơn nữa,
khi họ bị bách hại trên đường rao giảng và làm chứng cho Chúa Ki-tô Phục Sinh.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Giống như ngày xưa Chúa Giê-su Phục
Sinh đã đứng giữa các môn đệ và chúc bình an cho họ, hôm nay Chúa vẫn đứng giữa chúng ta, trong nhà tạm Thánh Thể và
Lời Chúa tại nhà thờ, trong cộng đoàn hoặc trong gia đình mỗi người chúng ta,
và ngay giữa tâm hồn chúng ta. Lời chúc
bình an của Người, chúng ta nghe và chúc cho nhau trong Thánh Lễ, hoặc trong những
lời khích lệ chúng ta nói với anh chị em.
Sự hiện diện và bình an của Chúa vẫn mang cùng một lệnh truyền giáo và
cùng một sức mạnh đỡ nâng, để chúng ta tiếp tục sứ mệnh của Người. Đặc biệt trong Năm thánh này, Chúa Giê-su đứng
giữa chúng ta như “khuôn mặt lòng thương xót” của Chúa Cha. Người kêu gọi chúng ta là môn đệ Người hãy tỏ
lòng thương xót đối với anh chị em, như Cha trên trời của chúng ta là Đấng hay
thương xót.
Bài đọc 2 kể lại rằng khi ông Phê-rô
đi qua, cái bóng của ông phủ lên bệnh nhân nào là người ấy được chữa lành. Vậy có Chúa ngự giữa tâm hồn, chúng ta mỗi
người sẽ trở thành cái bóng của Người, để tất cả những ai gặp gỡ cái bóng của
Chúa sẽ được Người ban cho bình an và sức mạnh.
Thánh lễ hôm nay, Chúa Giê-su đứng giữa chúng ta khi chúng ta lắng nghe
Lời Chúa và rước Người vào lòng. Người
phán: “Bình an cho anh chị em!”
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi