CHÚA NHẬT III PHỤC SINH
Phục Vụ Trong Tình Yêu
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Gio-an 21:1-19)
Tất cả chúng ta vẫn còn nhớ câu chuyện
xảy ra ba năm trước cũng tại bờ biển hồ Ti-bê-ri-a này: đánh được mẻ lưới thật nhiều cá theo lời dạy
của Chúa Giê-su, ông Phê-rô đã sấp mình trước mặt Người và thú nhận mình là kẻ
tội lỗi, rồi Chúa đã gọi ông đi theo Người.
Hôm nay, cũng với một mẻ lưới đếm được 153 con cá lớn, Chúa đòi ông
Phê-rô phải công khai ba lần phát biểu lòng yêu mến của ông đối với Chúa, trước
khi Người trao cho ông sứ vụ lãnh đạo cộng đồng Dân Mới của Chúa. Chúa Giê-su không phải là con người tình cảm
lãng mạn, nhưng Người muốn cho ông Phê-rô và các bạn ông thấy rõ chân lý lãnh đạo
là phục vụ trong tình yêu.
Có nhiều cách lãnh đạo. Nhưng đối với Chúa Giê-su, ý niệm lãnh đạo được
khẳng định như sau: "Anh em biết: thủ lãnh các dân thì
dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa
anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em,
thì phải làm người phục vụ anh em.”
(Mát-thêu 20:25-26). Rồi Chúa đã nêu
gương lãnh đạo: “Cũng
như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và
hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người" (20:28). Sau
khi sống lại, Chúa Giê-su đã muốn gặp các tông đồ thân yêu của Người tại nơi đầy
kỷ niệm, nơi Người đã hứa sẽ làm cho các ông trở thành “những kẻ lưới người như
lưới cá” (Mát-thêu 4:19). Hôm nay Chúa
thực hiện lời hứa ấy và trao quyền lãnh đạo cho các ông và đặc biệt cho ông
Phê-rô quyền “chăn dắt các chiên con và chiên” của Người. Chúa đòi Phê-rô tuyên xưng tình yêu: “Anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Không phải một lần, nhưng ba lần, khiến cho
Phê-rô “buồn”. Ông buồn không phải vì
nghĩ rằng Chúa chưa tin tưởng ở tình yêu chân thành của ông, nhưng vì ba lần
này nhắc ông nhớ lại mình đã ba lần chối bỏ Chúa trong cuộc Thương khó của Người. Tuyên xưng tình yêu để chuộc lại lỗi lầm là
cách cha mẹ thường muốn con cái làm, để chúng quên đi mặc cảm tội lỗi. Tuy nhiên ba lần cũng là cách người Do-thái
diễn tả điều gì ở mức độ cao nhất. Do
đó, rõ ràng Chúa muốn Phê-rô quên đi tội lỗi mình và yêu mến Chúa nhiều nhất. Như vậy Phê-rô mới có thể đảm nhận được sứ vụ
quan trọng là lãnh đạo Giáo Hội của Chúa.
Phục vụ Chúa và Giáo Hội là công việc
đòi hỏi rất nhiều hy sinh. Chúa Giê-su
đã ám chỉ hy sinh lớn lao nhất mà ông Phê-rô phải chấp nhận, là ông sẽ phải
“dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn”. Tại Giê-ru-sa-lem, ông Phê-rô đã mạnh dạn rao
giảng Chúa Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh thập giá. Ông nhiệt thành phục vụ Giáo Hội Chúa. Dù bị ngăn cấm, đánh đòn và giam trong ngục,
ông vẫn luôn biểu lộ tình yêu bằng cách “vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người
phàm”. Tại Rô-ma, Phê-rô đã chịu đóng
đinh giống như Thầy mình, mặc dù theo truyền thống kể lại, ông nhận thấy mình
không đáng được giống như Thầy nên xin người ta đóng đinh ngược đầu xuống đất. Tình yêu là động lực duy nhất để ông phục vụ
Chúa và anh chị em. Ông đã noi theo tấm
gương phục vụ của Thầy. Ông đã thực hiện
lý tưởng của Thầy, là “Không có tình thương nào cao cả hơn tình
thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Gio-an 15:13).
Cùng với Phê-rô, các tông đồ khác cũng đều theo gương Thầy mà hy sinh
tính mạng mình cho công việc rao giảng Tin Mừng và phục vụ Giáo Hội.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Chúng ta có muốn Chúa Giê-su hỏi chúng
ta cùng một câu hỏi Người đã hỏi ông Phê-rô không? Chắc chắn có chứ! Mỗi người chúng ta đều được Chúa gọi để phục
vụ và phục vụ trong yêu thương. Nếu
không phải vì yêu mến Chúa và yêu thương mọi người, chúng ta sẽ khó chấp nhận
hy sinh trong khi phục vụ. Ở Việt Nam,
nhiều bác sĩ không phải là “lương y như từ mẫu”, vì động lực duy nhất để họ
“làm bác sĩ” là đồng tiền, chứ không phải tình thương yêu. Trong giáo xứ hay cộng đồng, chúng ta làm
công việc phục vụ nhiều khi do những động lực không phải là tình yêu, mà là để
vinh danh mình hoặc vì những lợi lộc khác.
Sở dĩ thánh Phê-rô và các bạn đã học và thực hành bài học phục vụ trong
tình yêu là vì các ngài đã lắng nghe Chúa gọi:
“Hãy theo Thầy”. Chúng ta cũng
hãy theo Chúa như vậy!
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi