CHÚA NHẬT V PHỤC SINH

Yêu thương nhau để tôn vinh Thiên Chúa

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Gio-an 13:31-33a.34-35)

          Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su đã lợi dụng những giây phút thầy trò thân mật để nói về tình yêu thương lẫn nhau.  Người tha thiết nói với các môn đệ những lời nhắn nhủ và trăn trối quan trọng nhất đời:  Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.  Người gọi đây là điều răn mới.  Điều răn này vô cùng quan trọng, vì nó là “điểm” hoặc dấu hiệu để “mọi người nhận biết anh em là môn đệ Thầy”.  Tuy nhiên yêu thương nhau còn có một tầm quan trọng khác, là để tôn vinh Thiên Chúa nữa.

          Đúng vậy, có khi nào chúng ta đọc kỹ hơn một chút đoạn Tin Mừng (câu 31-32) ngay trước đó không?  Tại sao thánh sử Gio-an lại đặt chi tiết “tôn vinh Thiên Chúa” ngay trước việc Chúa Giê-su ban điều răn mới về yêu thương?  Trước hết là chi tiết “Giu-đa ra khỏi phòng tiệc ly”.  Giu-đa vừa bước ra khỏi phòng để đi thực hiện mưu đồ phản bội Chúa.  Sự kiện Giu-đa phản bội là nguyên nhân gần nhất dẫn đến cuộc Thương khó của Chúa Giê-su.  Lập tức Chúa Giê-su nói đến việc Người được tôn vinh và việc Chúa Cha cũng sẽ được tôn vinh.  Đối với Chúa Giê-su, bắt đầu cuộc Thương khó chính là bắt đầu cuộc tôn vinh Người, vì Người sẽ “được giương lên cao” trên thập giá để chết mà chuộc tội cho nhân loại.  Cũng chính cái chết của Chúa Giê-su lại là cuộc tôn vinh Chúa Cha, vì kế hoạch cứu độ của Chúa Cha đã được thực hiện.

          Nhưng làm sao chúng ta hiểu được việc tôn vinh Chúa Giê-su và tôn vinh Chúa Cha lại liên hệ với vấn đề yêu thương?  Câu trả lời nằm trong động lực khiến Chúa Cha “trao nộp” Con Một Người và khiến Chúa Con “bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”.  Phải, chính vì yêu thương nên Chúa Cha và Chúa Con mới quảng đại và hy sinh cho nhân loại chúng ta.  Chúa Giê-su đã yêu thương đến cùng, sẵn sàng thí mạng sống mình vì bạn hữu, nên bản thân Người xứng đáng được tôn vinh.  Khi Chúa Giê-su vâng phục Chúa Cha và bày tỏ lòng yêu thương của Chúa Cha với nhân loại, thì Người đã dùng cái chết để tôn vinh Chúa Cha rồi!  Nói tóm lại, biểu lộ yêu thương là cách để Chúa Giê-su được tôn vinh và là cách để chính Người làm vinh danh Chúa Cha.  Cũng thế, Chúa Giê-su muốn chúng ta theo cùng một đường lối yêu thương để tôn vinh Cha của Người.  Do đó, sau khi nói đến việc Người tôn vinh Chúa Cha, Chúa Giê-su mới trịnh trọng ban cho các môn đệ “điều răn mới” là yêu thương nhau như là phương thức tuyệt hảo nhất để tôn vinh Chúa Giê-su và tôn vinh Thiên Chúa.

          Khi Chúa Giê-su dạy các môn đệ hãy yêu thương nhau “như” Người đã yêu thương họ, thì không phải Chúa chỉ nói đến cách thức và mức độ yêu thương mà thôi, nhưng Người còn muốn họ phải nhắm tới mục đích cao cả của yêu thương, là để tôn vinh Thiên Chúa.  Những Ki-tô hữu của cộng đoàn tiên khởi Giê-ru-sa-lem đã yêu thương nhau đến nỗi dân trong thành thán phục và thương mến họ;  còn họ, họ lấy chính việc yêu thương nhau để mà “ca tụng Thiên Chúa” (Cv 2:46).

 

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Chúng ta thường hiểu việc tôn vinh Thiên Chúa qua những nghi thức phụng vụ trang trọng hoặc những buổi họp mặt cầu nguyện sốt sắng.  Không hẳn vậy đâu.  Chúng ta thử nghĩ đến tâm tình của một bà mẹ trong ngày con cái họp mặt để mừng ngày Mother’s Day.  Một phần nào bà cảm thấy vui vì những món quà và những lời chúc mừng của các con.  Nhưng niềm vui và hãnh diện sâu sa hơn cả, đó là khi bà thấy con cháu bà thực sự biết yêu thương đùm bọc nhau.  Tâm tình của Thiên Chúa cũng không khác mấy.  Từ trời cao, Chúa nhìn xuống và thấy con cái Người sống đích thực là anh chị em con cùng một Cha, thì Người vui lắm.  Người vui lòng khi thấy không uổng công sai Con Một xuống trần gian để dạy nhân loại bài học yêu thương.  Giống như Người đã nghe dân chúng Giê-ru-sa-lem khen ngợi các Ki-tô hữu của Con Một Người, hôm nay Người cũng sẽ hãnh diện khi thấy chúng ta biết thương yêu nhau.  Yêu thương đích thực luôn luôn tìm ra những cách thức mới để tôn vinh Thiên Chúa!

          Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C