HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA
CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH, C
(Cv 14, 20b-26; Kh 21,
1-5a; Ga 13, 31-33a. 34-35)
Jos.Vinc. Ngọc Biển
Đọc lại lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam
thủa ban đầu, chúng ta thấy cha ông mình đã sống hết lòng yêu thương và đoàn
kết với nhau. Vì thế, những người ngoài Công Giáo thời đó không biết tiền nhân
của chúng ta theo đạo gì mà lại sống những giá trị cao đẹp như vậy, nên họ nói
với nhau: những người này họ sống “Đạo
Yêu Nhau”.
Tại sao các tín hữu lại có lối sống như thế?
Lối sống đó bắt nguồn từ đâu? Thưa! Các ngài đã lấy Chúa làm trung tâm, làm
điểm tựa cho mọi hoạt động. Lấy tinh thần bác ái, yêu thương làm nên bản chất
của mình. Mọi giá trị và ưu phẩm đó khởi đi từ một Đấng đã sống và dạy cho con
người bài học “yêu thương”, Đấng đó
chính là Đức Giêsu.
1. Đức Giêsu là hiện thân của tình yêu
Khởi đi và bắt nguồn từ lòng dạ thương xót của
Thiên Chúa Cha, vì thế, người: “Yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai
tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga
3,16).
Đến lượt Đức Giêsu, Ngài cũng sống triệt để sứ
mạng đó khi yêu và yêu đến cùng. Ở điểm này, thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu
Philipphê đã diễn tả hành vi thương xót của Đức Giêsu như sau:“Đức Giêsu
Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang
hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-8).
Thế nên, cả cuộc đời của Đức Giêsu chỉ có một
nỗi thao thức, đó là “chạnh lòng thương” đến những người bất hạnh. Luôn cảm
thông với người tội lỗi, nâng đỡ kẻ yếu đuối, vỗ về người thất vọng. Xót thương
đến đàn chiên bơ vơ không người chăn dắt, nên đã nuôi sống họ bằng phép lạ hóa
bánh ra nhiều. Ngài không đành lòng khi nhìn thấy những người ốm đau bênh tật,
nên sẵn lòng ra tay chữa lành. Ngài còn cúi xuống rửa chân cho các môn đệ; làm
ơn cho kẻ hại mình; yêu luôn cả kẻ thù và sẵn sàng tha thứ cho họ. Không những
thế, Đức Giêsu còn trao ban chính mình Ngài cho chúng ta qua Bí tích Thánh Thể
và ở lại mọi ngày với loài người cho đến tận thế. Đỉnh cao của mầu nhiệm thương
xót này chính là cái chết trên thập giá để hiến mạng vì người mình yêu: “Không
có mối tình nào lớn lao cho bằng mối tình của kẻ chết vì người mình yêu” (Ga
15,13).
Đồng thời, do lòng xót thương thúc đẩy, Đức
Giêsu không ngừng lên tiếng phản đối những kẻ không chút thương xót và gây nên
những hậu quả bi đát cho những người thấp cổ bé họng, khiến họ phải lao tâm khổ
tứ, quằn quại trong khổ nhục đắng cay...
Như vậy, cả cuộc đời của Đức Giêsu đã sống và
chết vì yêu. Qua đó, Ngài cũng dạy cho các môn đệ bài học về tình yêu: “Đây
là Điều Răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga
15,12).
Lệnh truyền:
“Hãy yêu thương nhau” là di chúc của Đức Giêsu dành cho các môn đệ khi sắp
lên đường chịu chết. Còn yêu “như Thầy đã yêu” là căn cốt của tình yêu,
là một lối yêu mới, khác với lối yêu cũ của thời Cựu Ước.
2. Điểm mới của giới
luật yêu thương
Khi khuyên bảo các môn đệ: “Hãy yêu thương nhau”, Đức Giêsu không
chỉ dừng lại ở khái niệm trừu tượng, chung chung, mà Ngài nói tiếp: “Yêu như Thầy đã yêu”. “Yêu Như Thầy”,
chính là điều khác biệt với những kiểu yêu trước đó, và “Yêu như Thầy” đã làm nên điểm mới của giới luật yêu thương nơi người
môn đệ Đức Giêsu.
Nếu thời Cựu Ước, người ta
yêu nhau theo lẽ công bằng, tức là được phép trả thù khi có người làm hại mình:
“Mắt đền mắt, răng đền răng”, hay đi
xa hơn một chút thì cũng chỉ là yêu mọi người như yêu chính mình.
Nhưng với lời mời gọi: “Yêu
như Thầy”, Đức Giêsu muốn đột phá và đi đến tận căn của tình yêu.
Chữ “như” ở đây không phải là liên từ để so sánh hai vế, mà nó có một ý
nghĩa rất đặc biệt, đó là mở ra nguồn gốc của tình yêu. “Yêu như Thầy”, tức là lấy khuôn mẫu tình yêu giữa Đức Giêsu với
Chúa Cha và giữa Ngài với các môn đệ, để các ông cũng yêu nhau và yêu mọi người
như chính mình đã chứng kiến và được yêu.
Vậy “yêu như Thầy đã yêu” là gì?
Thưa, đó là hạ mình như một
người tôi tớ. Tự hủy mình ra không và từ bỏ cái tôi ích kỷ. Yêu với một tình yêu
phát xuất từ lòng dạ xót thương chứ không phải một thứ tình yêu vụ lợi, thực dụng,
chụp giật. Yêu với một thái độ cảm thông, phục vụ chứ không phải bố thí, ban
phát, thương hại. “Yêu như Thầy” là
không chấp nhất, coi người làm hại mình là bạn và sẵn lòng tha thứ tất cả. Đỉnh
cao của tình yêu này chính là chết thay cho người khác, đây chính là một tình yêu cao cả.
Với tất cả những nét đặc thù
trên đã làm nên điểm mới của luật yêu thương mà Đức Giêsu mời gọi các môn đệ
trong bài Tin Mừng hôm nay.
3. Sống và thi hành
giới luật yêu thương
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy
cho chúng ta bài học mới về tình yêu; đồng thời cũng chỉ ra cho chúng ta thấy
điểm khởi nguồn và phát xuất tình yêu, đó là lòng thương xót.
Lời mời gọi: “Hãy yêu như Thầy”
mà Đức Giêsu trăng trối cho các môn đệ thì cũng là tâm tư mà Ngài muốn gửi đến
cho mỗi người chúng ta.
Vì vậy, hôm nay, chúng ta sẽ
cùng nhau tìm hiểu và tập sống tinh thần yêu thương ấy ngang qua một nghĩa cử
xót thương cụ thể với những người mà chúng ta hay gọi là kẻ thù của mình. Bởi
vì yêu được kẻ thù, ấy là chúng ta đang thực thi cốt lõi của tình yêu, là phản ảnh
lòng dạ thương xót của Thiên Chúa cho anh chị em của mình cách rõ nét nhất.
Tuy nhiên, muốn thực hiện được
điều đó, trước tiên, chúng ta phải thay đổi quan điểm và tên gọi cho phù hợp với
tinh thần Tin Mừng. Khi dùng từ kẻ thù, ấy là lối nói có tính tiêu cực, và vô
hình chung, ta coi đối phương là kẻ mà chắc chắn phải tiêu diệt! Vì thế, muốn
yêu kẻ thù, chúng ta nhất định phải thay đổi cách gọi, quan điểm và lối nhìn.
Thứ đến, khi người anh chị
em chúng ta xúc phạm đến ta, hãy coi nhẹ lỗi của họ, đừng thổi phồng như bong
bóng. Nhiều khi cần phải đặt mình vào hoàn cảnh của người anh em để dễ thông cảm
cho hành vi của họ hơn. Nhìn thấy lỗi của anh em gây ra cho mình, ngay lập tức,
cẩn trọng và hồi tâm suy nghĩ: có bao giờ cũng cùng lỗi đó, mình đã gây ra cho
người khác không? Đôi khi lỗi của mình nặng hơn chăng? Hay điều mà người anh em
đang gây ra cho mình có lẽ đúng! Nếu đúng, tại sao không biết cám ơn, nếu sai,
sao phải hận thù cho khổ tâm!
Tiếp theo, noi gương Đức
Giêsu trên thập giá, không ngớt cầu xin Chúa Cha tha cho kẻ hại mình. Vì thế,
khi gặp phải những người hại ta, hãy cầu nguyện cho họ. Xin cho họ và ta được
bình an. Hành vi này thật cao quý, vì hơn bao giờ hết, trong tận cùng của khổ
đau, chúng ta lại thật hạnh phúc vì đang được diễm phúc tham dự vào công cuộc cứu
chuộc của Thiên Chúa cách cụ thể.
Cuối cùng, khi bị hiểu lầm,
vu khống, phân biệt, thậm chí bách hại bằng tư tưởng, miệng lưỡi hay đòn vọt và
chết chóc, ta hãy vui mừng, bởi lẽ, đó là lúc ta được tôn vinh vì đang được hiệp
thông với Đức Giêsu chịu đóng đinh.
Lạy
Chúa Giêsu, Đấng hiện thân của lòng thương xót, xin Chúa ban cho chúng con được
ở lại trong tình yêu của Chúa và luôn biết yêu thương nhau như Chúa đã yêu và
thương xót chúng con. Amen.