CHÚA THÁNH THẦN TIẾP
NỐI CON ĐƯỜNG THƯƠNG XÓT
CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH,
C
(Cv
15,1-29; Kh 21,10-23; Ga 14,23-29)
Jos. Vinc. Ngọc Biển
Trình thuật Tin Mừng hôm nay tiếp nối tuần
trước trong bối cảnh bữa Tiệc Ly và nó nằm trong diễn từ ly biệt giữa Đức Giêsu
và các môn đệ.
Trong diễn từ này, Đức Giêsu loan báo cuộc ra
đi của Ngài bằng con đường thương xót theo ý Chúa Cha qua cái chết trên thập
giá cho các môn đệ. Tuy nhiên, lời loan báo này đã làm cho các ông xao xuyến, hoang
mang vì mất đi điểm tựa.
Nhưng, Đức Giêsu, nhân cơ hội này, đã giúp cho
các ông hiểu rõ hơn về một cuộc hiện diện khác, cuộc hiện diện thần linh, nhiệm
mầu.
Để cho
sự hiện diện này được khăng khít, người môn đệ phải đi trên con đường của Thầy
đã đi. Phải chung nhịp đập xót thương với Thầy. Chìa khóa để đi vào sự hiệp
thông trọn vẹn ấy chính là yêu mến và tuân giữ Lời của Ngài.
Đây là con đường tình yêu của Thầy và trò. Đây
cũng là đường thương xót để đến với tha nhân. Chúa Thánh Thần sẽ tiếp nối con
đường xót thương ấy qua việc bào chữa, an ủi và trong vai trò khai trí mở lòng,
nhằm giúp các ông hiểu tường tận những Lời Đức Giêsu đã dạy, để họ cũng thi
hành cùng một hành vi xót thương đến với tha nhân như chính bản thân đã cảm
nghiệm.
1. Tuân giữ Lời và thi
hành là yêu mến cách trọn vẹn
Tin Mừng hôm nay, thánh sử Gioan đã khéo léo
trình bày tâm trạng hỗn độn, hoang mang, sợ hãi của các môn đệ khi nghe tin
Thầy của họ sắp sửa ra đi để chịu chết. Họ lo sợ bởi tính háo thắng, ham danh, muốn được ưu đãi, trọng
thị, mong được hưởng những đặc quyền, đặc lợi theo kiểu trần gian.... những lý
tưởng đó sắp bị tan thành mây khói.
Đến đây, chúng ta hiểu thêm một điều nữa, đó
là: vì những lựa chọn rất tầm thường đó chỉ đạo tâm tưởng của các môn đệ, nên những
điều Thầy của họ giảng cũng như những việc Ngài làm... đã không ăn nhập gì với
mục đích cũng như chẳng giúp các ông nhận ra sứ vụ Thiên Sai, đầy thương xót
của Đấng Cứu Thế!
Thấu hiểu tâm trạng và diễn biến tâm lý nơi
các học trò, nhất là nỗi hãi vì sự liên lụy đến cái chết của mình, nên Đức
Giêsu đã trấn an: “Đừng xao xuyến và buồn
sầu” (Ga 14,27). Ngay sau đó, Ngài đưa ra một chỉ dẫn để giữa các ông và
Ngài có một mối thông hiệp cách chặt chẽ: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy
tuân giữ các giới răn của Thầy” (Ga 14,5). Việc tuân giữ và thi hành Lời của
Thầy, ấy là thước đo chính xác và cụ thể nhất lòng yêu mến của các ông đối với Ngài.
Đồng thời, khi tuân giữ Lời của Thầy, các ông sẽ hướng đích cuộc đời mình dưới cái
nhìn sứ vụ. Như thế, giữa trăm chiều thử thách trông gai, và ngay cả cái chết,
các ông vẫn vui mừng và sẵn sàng thốt lên: “Không
có gì tách chúng tôi ra khỏi tình yêu của Đức Kitô”; và:“Đối với tôi sống là sống cho Đức Kitô và
chết là một mối lợi”. Hơn nữa, khi yêu mến và giữ lời của Thầy, họ sẽ được
hưởng trọn vẹn lòng thương xót, đến độ không còn gì có thể so sánh bằng, bởi
nơi tình yêu ấy, có sự hiện diện và xót thương của cả Ba Ngôi Thiên Chúa: “Ai
yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, Chúng Ta sẽ
đến và ở lại với người ấy”(Ga 14,23).
2. Chúa Thánh Thần tiếp
nối con đường thương xót
Để cuộc đời và sứ vụ của các môn đệ sang một
trang mới, nên ngoài việc Đức Giêsu chỉ cho các ông tuân giữ Lời của Ngài, thì
việc loan báo về Chúa Thánh Thần trong vai trò là Đấng An Ủi, Bào Chữa... là
điều hết sức quan trọng.
Vì thế, Đức Giêsu đã nói với các ông: “Thầy ra đi thì có lợi cho các con. Thật
vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với các con; nhưng nếu
Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với các con”(Ga 16,7).
Khi Chúa Thánh Thần
đến, Người sẽ làm cho sự hiện diện của Thầy trò trong trạng thái “cách mặt, nhưng gần
lòng”, bởi vì: “Đấng Bào Chữa
là Thánh Thần sẽ dạy các con mọi điều và sẽ làm cho các con nhớ lại mọi
điều Thầy đã nói với các con” (Ga 14,26).
Thật vậy, như đã nói: nhiệm vụ của Chúa
Thánh Thần là tiếp nối đường thương xót của Đức Giêsu trong vai trò dạy dỗ và
nhắc lại những điều Đức Giêsu đã loan báo lúc tại thế. Khi nhắc cho các ông điều Đức Giêsu đã nói không
phải chỉ là ôn lại, nhưng theo cách hiểu của Thánh Kinh là: khám phá ra ý nghĩa
lời nói và cử chỉ của Đức Giêsu dưới ánh sáng của biến cố phục sinh. Qua việc
tiên báo này, Đức
Giêsu sẽ hiện diện trong Lời của Ngài cách cụ thể qua vai
trò Trung Gian của Chúa Thánh Thần. Vì thế, mặc dù ra đi, nhưng lòng lại gần
lòng hơn bao giờ hết, và các môn đệ không bao giờ bị cảnh mồ côi đơn chiếc, vì:
“Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận
thế” (x. Ga 14,18).
Để đảm bảo lời hứa,
nhất là giúp cho các môn đệ được can đảm, trung thành đi đến cùng con đường
thương xót mà Đức Giêsu muốn các ông tiếp bước trong lòng mến, nên Đức Giêsu hứa ban cho các ông sự bình an riêng của Ngài. Đây là sự
bình an đặc biệt, bình an nội tâm, một sự bình an tuyệt hảo mà chỉ Thiên Chúa mới
có và mới ban tặng cho chúng ta: “Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban
cho các con bình an của Thầy, Thầy ban cho các con không như thế gian ban
tặng”(Ga 14,27).
Lời dạy và những ân
ban của Đức Giêsu cho các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay, cũng là lời mời
gọi và nhắc nhớ mỗi người chúng ta trong tư cách là người môn đệ của Đức Giêsu
trong Giáo Hội của Ngài.
3. Sứ điệp Lời Chúa
Sống trong một xã hội đang bị đe dọa đủ thứ,
nhất là sự xáo trộn về giá trị đạo đức trong mọi lãnh vực...! Ơn bình an đích
thực dường như vắng bóng trong xã hội. Có lẽ con người không còn đủ niềm tin
vào thực tại cuộc sống, bởi lẽ, sự “tử
tế” gần như là một cái gì đó xa xỉ nếu không muốn nói là người ta không
thích nhắc đến, bởi khi nhắc đến, họ sợ cái “bụng”
bị đói!
Trong một môi trường “ô nhiễm” do nạn thượng tôn “ông
chủ bụng” mà trà đạp lên sự “tử tế”
như vậy, nhiều người muốn sống đàng hoàng cũng khó, bởi vì: “Thật thà, thẳng thắn thì thường thua
thiệt”; “Gian tham lọc lừa lại lên lương”. Người ta coi: “Chân Lý và chân giò bằng nhau”; “Lương Tâm,
lương thực và lương tháng cùng giá trị”!
Từ thực trạng trên, người nghèo trở thành đối
tượng nhắm đến cho những nhu cầu bất chính nơi một số “Chủ nhân ông”. Từ đó gây
nên sự bất an trong xã hội.
Nguyên nhân chính yếu đó là: họ đã không có
lòng thương xót, đã tách Lời Chúa ra khỏi cuộc sống. Quan điểm: “Kính nhi viễn tri”; hay: “Mũ ni che tai” đối với Lời Chúa là điều
mà nhiều người trong chúng ta chọn lựa.
Vì thế, họ sợ phải sống theo Lời Chúa
dạy. Không dám đối diện với sự thật và
lòng xót thương. Khước từ cũng như trối bỏ chân lý, nên không dám sống theo sự
hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: hãy
ngoan ngùy dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Luôn trung thành tuân giữ và
yêu mến Lời Chúa. Đem Lời Chúa vào cuộc sống. Để Lời Chúa trở thành “khuôn vàng thước ngọc”; là “kim chỉ nam”, đem lại sự hợp nhất, yêu
thương, tha thứ, biến đổi, nhất là sự bình an. Đây cũng là dấu chỉ của người
đang đi trong đường lối thương xót của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến và làm cho
tâm hồn chúng con nóng lên ngọn lửa yêu mến Chúa. Amen.