XIN CHO TẤT CẢ NÊN MỘT
CHÚA NHẬT 7 PHỤC SINH, C
(Cv 7, 55-60; Kh 22,
12-14; Ga 17, 20-26)
Jos.Vinc. Ngọc Biển
Chuyện xưa kể rằng: có một ông bố muốn giáo
dục con cái về sự hiệp nhất, vì thế, ông đưa cho các con một bó đũa đã cột lại
làm một và bảo các con bẻ thử, mấy người con cố gắng cũng không thể nào bẻ gẫy
bó đũa… Sau đó, ông lại bảo: hãy tháo bó đũa ra và bẻ từng cái và thế là bó đũa
bị bẻ gẫy dễ dàng. Lúc đó, người cha liền bảo: “Như thế là các con đều thấy rằng: chia lẻ ra thì yếu, hợp lại thì
mạnh. Vậy các con phải biết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Có đoàn kết thì mới
có sức mạnh; đoàn kết thì sống, chia rẽ là chết”.
Tin Mừng hôm nay thuật lại lời cầu nguyện của Đức
Giêsu cho các môn đệ. Ngài cầu nguyện cho các ông được hiệp nhất và yêu thương
nhau. Bởi vì nếu họ biết hiệp nhất, yêu thương thì sẽ cùng nhau vượt qua khó
khăn, thử thách cách dễ dàng, cùng chung tay xây dựng Giáo Hội và cùng nhau làm
chứng cho Chúa.
1. Hiệp nhất để xây dựng Giáo Hội
Đức Giêsu là người hiểu tâm lý của các môn đệ
hơn ai hết. Ngài đã đích thân gọi và chọn các ông làm môn đệ cho mình. Cũng
chính các ông là những người Ngài sẽ trao phó cách hữu hình công việc xây dựng
Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập.
Tuy nhiên, Đức Giêsu biết rõ sự xuất thân của
các ông. Ngài thấu hiểu hoàn cảnh, tâm lý của từng người. Vì thế, lời cầu
nguyện cho các môn đệ được hợp nhất là điều rất quan trọng và thực tế. Chính sự
hiệp nhất là yếu tố quyết định hưng thịnh hay suy vong của công việc.
Hơn nữa, Đức Giêsu cầu nguyện cho các ông được hiệp nhất, vì: có hiệp
nhất, thì mới có mối tương quan, sự cảm thông; mới xây dựng được đời sống lý
tưởng nơi cộng đoàn; có sự hiệp nhất thì mới cùng nhau làm chứng về Chúa cách
hùng hồn. Nếu không có sự hiệp nhất, thì lẽ tất nhiên, cộng đoàn tan rã và sứ
mạng Chúa trao phó không thể chu toàn. Và, không có sự hiệp nhất, thì việc
xây dựng Giáo Hội trở nên ảo tưởng và vô lý, những lời rao giảng của các môn đệ
không ăn nhập gì với mục đích của lời rao giảng.
2. Hiệp nhất để truyền giáo
Đức Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ và cho cả những ai tin vào lời các ông
rao giảng cũng được hiệp nhất với nhau. Đây quả là yêu tố quan trọng trong khi
loan báo Tin Mừng. Bởi lẽ, nếu không có sự hiệp nhất, lời rao giảng của các môn
đệ trở nên phản chứng hơn bao giờ hết; và những ai đi theo lời các ông loan báo
thì thật tệ hại cho cả một đời của họ. Chính vì lẽ đó, nên Đức Giêsu khao khát cho các môn đệ
phải là những người sống kiểu mẫu về sự hiệp nhất; đồng thời, những ai thuộc về
Giáo Hội mà các ngài rao giảng cũng đều có một mẫu số chung như các ngài.
Sứ mạng loan báo Tin Mừng ấy luôn đòi hỏi tinh
thần hy sinh và từ bỏ của người môn đệ rất cao. Khó khăn ấy là: ốm đau, bệnh
tật, cô đơn, hiểu lầm, bắt bớ và chịu chết để làm chứng cho lời rao giảng của
mình... Nhưng nếu có sự hiệp nhất, yêu thương thì dù trong hoàn cảnh nào, các
ông cũng đều làm chứng cho mọi người về một thực tại siêu việt vượt lên trên
những thực tại chóng qua và vô bổ ở đời. Nếu người môn đệ Đức Giêsu rao giảng về một Tin Mừng
giải thoát, yêu thương mà chính bản thân các ngài lại không có những yếu tố
hiệp nhất để chứng minh về lời rao giảng đó thì quả là một điều vô lý. Vì thế,
trước khi truyền giáo, người môn đệ phải biết “yêu”. Yêu thương là đoàn kết. Yêu thương là sống mầu nhiệm tự hủy
để chỉ còn sống cho người khác. Yêu thương là muốn cho người khác cũng được yêu
thương như mình. Yêu thương chính là điểm hội tụ của những tấm lòng khao khát
tìm chân lý. Có yêu thương như Thầy, thì những lời chứng của người môn đệ mới
đủ khả tín. Được như thế, người môn đệ của Đức Giêsu có quyền hy vọng về một tương lai của Giáo Hội mà trong
đó người muôn nước sẽ về phủ phục trước Tôn Nhan và muôn dân sẽ thấy ơn cứu độ
của Thiên Chúa.
3. Người Kitô hữu sống hiệp nhất theo tinh thần của Đức Giêsu
"Lạy Cha, xin cho mọi người nên một" (Ga 17,21) là lời cầu nguyện thể hiện mối ưu tư của Đức Giêsu rất lớn cho vận mạng Giáo
Hội. Lời cầu nguyện này phát xuất từ nỗi lòng của Ngài trong bữa tiệc ly trước
khi chia tay các môn đệ.
Hôm nay, Lời Chúa mời gọi mỗi người chúng ta
biết cùng nhau chung tay xây dựng tình hiệp nhất nơi môi trường, hội đoàn của
mình. Biết bỏ đi những kiêu ngạo, ích kỷ, tư lợi cá nhân để xây dựng công ích. Vợ
chồng biết nhường nhịn nhau, con cái biết ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ. Anh chị
em biết đoàn kết với nhau, yêu thương và đùm bọc nhau. Mọi người biết ý thức
được giới hạn của mình để cần đến người khác.
Tuy nhiên, không ai cho cái mình không có.
Phải có mới cho. Vì thế, sự hiệp nhất phải bắt nguồn từ Đức Giêsu. Hiệp nhất với Ngài
như ngành nho với thân nho; như cây cối cần ánh sáng của mặt trời; như
cá trong nước... Có hiệp nhất với Đức
Giêsu và nên một với Ngài thì mới phát sinh sự hiệp nhất với nhau. Đây
cũng chính là điều kiện để trổ sinh hoa trái. Hiệp nhất mang tính truyền giáo
và truyền giáo nhằm mục đích hiệp nhất. Nếu ai hiệp nhất với Thiên Chúa thì
phải sinh hoa kết trái dồi dào. Còn những ai không sinh hoa kết trái thì chính
người ấy đã không sống trong sự hiệp nhất với Thiên Chúa.
Ước mong lời cầu nguyện của Đức Giêsu khi xưa, nay được hiện tại
hóa và sinh hoa kết trái dồi dào nơi những môn đệ của Ngài trong thế giới hôm
nay.
Lạy Chúa Giêsu, xin
Chúa ban cho chúng con luôn được hiệp nhất với nhau, nhờ biết loại bỏ hận thù,
kỳ thị, tranh chấp, kết án lẫn nhau… Xin cho chúng con luôn khiêm tốn trong lời
nói và hành động, để không làm thương tổn đến sự hiệp nhất trong Giáo Hội và
nơi gia đình. Amen.