CHÚA NHẬT III MÙA CHAY

Không sám hối thì phải chết đời đời

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 13:1-9)

          Sám hối là việc không thể thiếu trong mùa Chay, cho nên suy nghĩ và thực hành sám hối luôn là đề tài được khai triển một cách phong phú qua Phụng vụ Lời Chúa.  Bài Tin Mừng hôm nay mở đầu bằng một tin tức thời sự, tiếp theo là bình luận của Chúa Giê-su về bản tin và những người đem tin, để dẫn tới đề tài sám hối;  sau cùng Người kết thúc câu chuyện bằng dụ ngôn cây vả không sinh trái để nói lên tầm quan trọng của việc sám hối.

          Người Do-thái xưa thường cho cái chết tàn bạo như là hậu quả do tội lỗi người chết ấy đã phạm khi còn sống.  Do đó, khi mấy người đến kể cho Chúa Giê-su nghe câu chuyện thời sự về những người Ga-li-lê bị Phi-la-tô giết đang khi dâng các tế vật, thì họ đã mang sẵn định kiến cho rằng những người bị giết ấy là những kẻ tội lỗi!  Nhưng Chúa Giê-su lập tức phản bác quan niệm này và dùng ngay quan niệm của họ để nói về việc sám hối:  “Không phải thế đâu;  nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy!”  Chưa hiểu rõ lý do tại sao những người bị Phi-la-tô giết thì đừng vội lên án họ.  Biết đâu họ là những người đang dâng tế vật tỏ lòng phụng thờ Chúa.  Hoặc họ là những người đang chuẩn bị một cuộc cách mạng lật đổ ách cai trị của Rô-ma để giải phóng dân tộc.  Nếu đúng thế, họ là những kẻ chết vì đạo hoặc là những anh hùng, chứ không phải kẻ tội lỗi. 

          Để nhấn mạnh, Chúa Giê-su đan cử thêm một sự kiện khác xảy ra ngay tại Giê-ru-sa-lem để dạy về sự cần thiết của sám hối.  Đó là có mười tám người bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết tại Giê-ru-sa-lem.  Đâu có gì chắc chắn để kết luận rằng những người này chết vì họ là kẻ tội lỗi.  Đây là một tai nạn thôi.  Có thể họ là những người đang làm công việc trùng tu ngọn tháp và chết vì tai nạn nghề nghiệp.  Biết đâu họ chẳng là những người chết vì lòng hy sinh cho cộng đồng.  Để bênh vực cho cái chết của họ, Chúa Giê-su cũng hỏi một câu tương tự:  “Các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở Giê-ru-sa-lem sao?”  Chúa liền trả lời và lại dẫn về đề tài sám hối:  “Không phải thế đâu;  nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy”.  Người muốn áp dụng sự cần thiết của sám hối vào ngay những người đang có quan niệm sai lầm về cái chết của người khác.  Người còn ám chỉ đến một cái chết còn tai hại hơn cái chết của thể xác, đó là chết đời đời và bị luận phạt trong hỏa ngục.

          Sau cùng, để bảo đảm với chúng ta rằng nếu ta sám hối thì ta sẽ không phải chết đời đời nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, Chúa Giê-su kể dụ ngôn cây vả không ra trái.  Cây vả không phải loại cây trồng trong vườn nho, vì nó không đáng, nên người ta thường trồng nó ở những chỗ đất thừa hoặc cạnh đường đi.  Vậy mà người chủ vườn nho đã trồng nó “trong vườn nho mình”.  Cây vả này thật có phước!  Nhưng dù “đã ba năm” quá thời hạn nó bắt đầu sinh trái mà cây vả vẫn chỉ tốt lá mà không trái, cho nên nó có bị chặt đi thì cũng là lẽ đương nhiên.  Chính ông chủ cũng muốn chặt nó đi cho khỏi hại đất.  Nhưng nhờ người làm vườn đứng ra bảo đảm sẽ giúp cho cây vả thay đổi, nhất định sẽ có trái vào năm tới, nên ông chủ đã bằng lòng giữ nó lại.  Rõ ràng Chúa Giê-su muốn ám chỉ đến lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho chúng ta là những kẻ tội lỗi.  Nhưng với điều kiện chúng ta phải sám hối để sinh hoa trái.  Ai sẽ giúp chúng ta sám hối, như người làm vườn giúp cho cây vả, nếu không phải là chính Chúa Giê-su, Đấng kêu gọi chúng ta hãy sám hối và tin vào Tin Mừng cứu độ?

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Chúa Giê-su kể dụ ngôn cây vả để kêu gọi chúng ta hãy sám hối.  Thánh Phao-lô cũng kêu gọi chúng ta hãy học bài học của cha ông người Do-thái mà trung thành với Chúa.  Sám hối là quay lưng lại với tội lỗi, là thay đổi não trạng trần tục bằng não trạng của Chúa Ki-tô.  Sám hối không chỉ là hành vi đơn độc khi chúng ta đi xưng tội, nhưng là một cuộc thay đổi liên tục để chúng ta trở nên “đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô”.  Tuy nhiên, còn một động lực quan trọng thúc giục chúng ta sám hối, đó là vững tin vào lòng thương xót của Chúa, điều chúng ta đang sống trong Năm thánh ngoại thường này, vì Chúa không muốn chúng ta phải chết đời đời.  Nhất định nhờ Chúa Ki-tô, chúng ta sẽ sinh hoa trái!

 

             Lm. Đa-minh Trần đình Nhi        

         


Suy Niệm Lời Chúa Năm C