CHÚA NHẬT II MÙA CHAY
Cuộc Xuất Hành của Chúa Giê-su tại Giêrusalem
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Lu-ca 9:28-36)
Khi kể lại cuộc Hiển dung của Chúa
Giê-su trên núi, các thánh sử Tin Mừng Nhất lãm đều nhắc đến cuộc đàm đạo giữa
Người với ông Mô-sê và ngôn sứ Ê-li-a.
Riêng thánh Lu-ca cho chúng ta biết đề tài của cuộc đàm đạo này là “cuộc
xuất hành Chúa sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem”. Vậy cuộc xuất hành này là gì và
Chúa Giê-su sẽ hoàn thành như thế nào?
Có lẽ các thánh sử không cần phải thuật
lại nội dung cuộc đàm đạo, vì chính sự hiện diện của ba vị đã nói lên ý
nghĩa câu chuyện của các ngài rồi. Dĩ
nhiên nhân vật chính là Chúa Giê-su và sự hiện diện của hai vị trong Cựu Ước tượng
trưng cho tất cả những điều được ghi chép trong sách Lề Luật và các ngôn sứ để
nói về sứ mệnh của Chúa Giê-su. Như thế,
chúng ta có thể hiểu chắc chắn rằng tất cả những điều các ngài nói chuyện với
nhau đều xoay quanh chủ đề sứ mệnh của Chúa Giê-su, hoặc hiểu rõ hơn theo thánh
Lu-ca là các ngài nói về cuộc xuất hành, tức cuộc Thương khó Chúa Giê-su sắp chịu
tại Giê-ru-sa-lem. Lu-ca gọi đây là cuộc
xuất hành, nghĩa là cuộc ra đi của Chúa Giê-su.
Nói tới cuộc xuất hành, chúng ta liên
tưởng tới cuộc Xuất Hành của dân Do-thái ra khỏi đất Ai-cập dưới sự lãnh đạo của
ông Mô-sê. Được Thiên Chúa trao sứ mệnh,
ông Mô-sê đã đưa dân Ít-ra-en thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập để vào Đất Hứa. Giống như Mô-sê, Chúa Giê-su là Mô-sê Mới, đã
được Thiên Chúa Cha trao sứ mệnh dẫn toàn thể nhân loại thoát khỏi ách nô lệ tội
lỗi và sự chết. Sứ mệnh của Chúa là rao
giảng Tin Mừng cứu độ và làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa, kêu gọi người ta bỏ
đàng tội lỗi và sống xứng đáng làm con cái Thiên Chúa. Tuy nhiên sứ mệnh không chỉ là rao giảng và
làm phép lạ, mà tột đỉnh của sứ mệnh phải là cuộc Thương khó tại
Giê-ru-sa-lem. Cuộc xuất hành của Chúa
Giê-su về với Chúa Cha và đưa nhân loại về với Người sẽ được thực hiện qua ba mầu
nhiệm: chết, sống lại và lên trời. Vì tầm quan trọng vô cùng của nó, Chúa Giê-su
ba lần báo trước cho các môn đệ biết những gì sẽ xảy ra trong cuộc xuất hành
này. Thế mà họ nhất định không muốn chấp
nhận, lại còn cố theo đuổi những mục đích thế tục đi ngược với sứ mệnh của Chúa
Giê-su. Cho nên mục đích Chúa biến đổi
hình dạng sáng láng không phải chỉ để Người tái xác tín tầm quan trọng của cuộc
xuất hành mà chấp nhận, nhưng còn là dịp để Người kêu gọi và củng cố niềm tin của
các môn đệ vào sứ mệnh của Người.
Đối với cuộc Hiển dung của Chúa
Giê-su, phản ứng của ba môn đệ thật phức tạp.
Trước hết, khi Chúa đàm đạo với hai vị khách thì các ông “ngủ mê mệt”. Hẳn là các ông vẫn còn đắm chìm trong tham vọng
theo đuổi một vị mê-si-a trần thế! Nhưng
“khi tỉnh hẳn”, các ông nhìn thấy vinh quang của Chúa Giê-su, nên muốn ở trong
vinh quang ấy mãi mãi. Rồi khi có đám
mây, biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa, bao phủ các ông, thì các ông
“hoảng sợ”. Có lẽ Chúa Cha muốn “quay”
cho các ông chóng mặt, rồi Người mới dõng dạc tuyên bố: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn,
hãy vâng nghe lời Người”! Đây cũng chính
là thông điệp Chúa Cha muốn họ – và chúng ta nữa – hãy lãnh nhận: Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Cùng với bài Tin Mừng, bài đọc sách
Sáng Thế và bài Thánh thư Phi-líp-phê lại cho chúng ta hiểu thêm một ý nghĩa nữa
của biến cố Hiển dung. Vì ông Áp-ram tin
Chúa, nên Chúa lập giao ước với ông và biến
đổi thân phận của ông, làm cho ông trở nên tổ phụ của một dân tộc. Tiếp đến là bài trích thư thánh Phao-lô gửi
tín hữu Phi-líp-phê cho chúng ta niềm tin rằng “Chúa Ki-tô sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta
nên giống thân xác vinh hiển của Người”.
Chúa Giê-su xuất hành về với Chúa Cha.
Nhưng chắc chắn Người không về tay không, mà Người dẫn theo “một đàn em
đông đúc” (Rô-ma 8:29), vì Người là “trưởng tử” của một nhân loại mới! Như thế, biến cố Hiển dung kêu gọi ta hãy đặt
trọn niềm tin vào người Anh Cả ấy và mau mắn lên đường ra đi (xuất hành) cùng với
Người và anh chị em chúng ta. Chúng ta cứ
nghe lời Chúa Cha phán dạy và chăm chú nhìn vào Chúa Giê-su để khỏi lạc đường!
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi