CHÚA NHẬT 2
MÙA CHAY C
St
15,5-12.17-18 ; Pl 3,17-4,1 ; Lc 9,28b-36
MÙA CHAY BIẾN ĐỔI ĐỜI
SỐNG
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 9,28b-36
(28b) Hôm ấy Đức Giêsu lên núi cầu nguyện, đem theo
các ông Phêrô, Gioan và Giacôbê. (29) Đang lúc Người cầu nguyện, dung
mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa. (30)
Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Môsê và ông Êlia.
(31) Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc Xuất hành
Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem. (32) Còn ông Phêrô và đồng bạn
thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của
Đức Giêsu và hai nhân vật đứng bên Người. (33) Đang lúc hai vị này rời
xa Đức Giêsu, ông Phêrô thưa với Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây
thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cái cho Thầy, một
cái cho ông Êlia, và một cái cho ông Môsê”. Ông không biết mình đang nói
gì. (34) Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông.
Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ. (35) Và từ đám mây
có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy
vâng nghe lời Người !” (36) Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một
mình Đức Giêsu. Còn các môn đệ thì nín thinh. Và trong những ngày
ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã
thấy.
2. Ý CHÍNH: HIỂN DUNG TRƯỚC MẶT MÔN ĐỆ
Cuộc hiển dung của Đức Giêsu xảy ra vào khỏang
tám ngày sau khi Người tiên báo về cuộc Tử Nạn và Phục Sinh mà
Người sắp trải qua. Ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan được theo Đức Giêsu lên
núi (x. Lc 9,28). Đang lúc cầu nguyện, dung mạo Người đổi khác: y phục
nên trắng tinh chói lòa (c.29), có Môsê và Êlia hiện ra đàm đạo với
Người về “cuộc Xuất hành” mà Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem
(c.31). Phêrô đã xin Thầy cho dựng lều (c.33). Rồi có đám mây bao phủ
các ông, và từ trong đám mây có tiếng Chúa Cha tuyên phán: “Đây là Con
Ta, Người được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe Lời Người” (c.34-35). Sau
cuộc biến hình, các môn đệ đã “nín thinh, không kể lại cho ai biết
gì cả về những điều mình đã chứng kiến” (c.36).
3. CHÚ THÍCH:
- C 28b-29: + Đức Giêsu lên núi: Đây có thể là núi Hermon, cao 2.795 mét ở gần
thành Xêdarê Philíp. Nhưng ngày nay đa số các nhà chú giải cho núi đó
là Thabo, cao 562 mét, cách thành Xêdarê Philíp một đoạn đường, đi bộ
mất từ 6 đến 8 ngày. + Cầu nguyện: Tin mừng Luca
đã ghi lại nhiều lần Đức Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha (x. Lc 10,21 ;
22,41-42 ; 33,34.46). + Đem theo các ông Phêrô, Gioan và Giacôbê:
Đây là ba môn đệ thân tín nhất, sau này ba ông cũng sẽ được chứng kiến
giờ đau khổ tột cùng của Thầy trong vườn Cây dầu trước khi bị bắt
(x. Mt 26,37). Vì thế hôm nay Đức Giêsu cho các ông thấy trước vinh quang
của Người, hầu có thể vượt qua thử thách ấy.
- C 30-31: + Ông Môsê và ông Êlia: Môsê
là một vị mục tử tài ba, sống vào thế kỷ XII trước Công nguyên.
Ông có công cứu con cháu Giacóp thóat ách nô lệ cho dân Ai cập, biến
dòng tộc Giacóp trở thành một dân tộc có luật pháp, tôn giáo và
quân đội... Cuối cùng Môsê đã thành công trong việc đưa dân tộc Ítraen
về tới hứa địa là xứ Canaan. Môsê là tiền ảnh của Đức Giêsu sau này.-
Êlia: là một ngôn sứ sống vào thế kỷ IX trước Công nguyên vào
thời các Vua. Ông có công chấn hưng tôn giáo, giải thóat dân Ítraen
khỏi sự tôn thờ thần tượng của dân ngoại. Ông là tiền ảnh của Gioan
Tiền sứ, có sứ vụ đi trước dọn đường cho Đấng Thiên Sai sau này (x Ga
1,21; Mc 9,11).- Hai vị hiện ra rạng ngời vinh hiển: Vì
được tham phần vào công trình cứu độ, nên Môsê và Êlia cũng được tham
phần vào vinh quang của Đức Giêsu.- Nói về cuộc xuất hành Người
sắp hoàn thành tại Giêrusalem: Cuộc “Xuất hành” của Đức Giêsu
gồm mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh, sắp được Người hoàn tất tại Giêrusalem.
- C 32-33: + Ông Phêrô và đồng bạn thì ngủ mê
mệt: Sự kiện các môn đệ ngủ mê cho thấy cuộc biến hình xảy
ra vào ban đêm. Sự kiện này tương tự như sau này, ba ông cũng ngủ mê khi
Đức Giêsu cầu nguyện trước khi bị bắt trong vườn cây Dầu (x Mt
26,40.43.45). + Chúng con xin dựng ba cái lều: một cái cho Thầy,
một cái cho ông Môsê và một cái cho ông Êlia: Câu này cho thấy
khi ấy người Do thái đang mừng lễ Lều trại tại Giêrusalem (x. Lv
23,33-34 ; Ds 29,12-38).
- C 34-36: + Có một đám mây bao phủ các ông:
Nhắc lại đám mây bao phủ dân Ítraen trong thời kỳ Xuất hành (x. Xh
40,35). Khi truyền tin, sứ thần cũng đề cập tới quyền năng Thiên Chúa
sẽ bang trợ cho Maria như sau: “Quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên
bà” (Lc 1,35). + “Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn”: Chúa
Cha từ trong đám mây xác nhận Đức Giêsu là Con, và là “Người Tôi trung
được Thiên Chúa tuyển chọn” (x. Is 49,7). Trong cuộc khổ nạn, các thủ
lãnh Do thái cũng nói rằng: “Nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên
Chúa, Người được tuyển chọn” (Lc 23,35). + “Hãy vâng nghe lời
Người!”: Đức Giêsu là Ngôi Lời nhập thể (x. Ga 1,14). Người luôn
nói Lời của Thiên Chúa cho loài người (x. Ga 3,34) và Lời Người cần
phải được đón nhận. + Tiếng phán vừa dứt thì chỉ còn thấy
một mình Đức Giêsu: Cuộc hiển dung chấm dứt sau lời tuyên phán
của Chúa Cha. Các môn đệ im lặng, chờ ngày các mặc khải kia được
ứng nghiệm.
4. CÂU HỎI: 1)
Đức Giêsu đã biến hình trên núi cao là núi nào ? 2) Tại sao Đức Giêsu
cho ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan được chứng kiến việc biến hình
vinh quang của Người ? 3) Hai nhân vật nào của Cựu ước đã hiện ra khi
Đức Giêsu hiển dung và ba vị đã nói chuyện nội dung về vấn đề gì ? 4)
Cuộc biến hình xảy ra vào ban ngày hay ban đêm ? Bằng chứng ? 5) Đám mây
bao phủ ba môn đệ nói lên điều gì ? 6) Chúa Cha đã giới thiệu Đức Giêsu
là ai ?
I.
SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Đang
lúc cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác” (Lc 9,29)
2. CÂU CHUYỆN:
1) ĐƯỢC ƠN BIẾN ĐỔI LÀ BẰNG CHỨNG CỦA MỘT ĐỨC TIN THỰC
SỰ:
Tân là một thanh niên chuyên
bán thịt bò tại một cửa hàng thịt trong chợ AĐ. Anh nổi tiếng là người bán hàng gian dối khi thỉnh thoảng lại bán thịt heo
giả làm thịt bò và còn thường hay cân thiếu cho khách hàng. Một ngày nọ, có người thấy anh theo học khóa giáo lý dự tòng để chuẩn
bị kết hôn với một cô gái công giáo và sáu tháng sau anh đã được lãnh ba bí
tích khai tâm gia nhập đạo.
Nghe tin anh theo
đạo, nhiều người quen biết tỏ vẻ không tin vì cho rằng anh chỉ giả bộ theo đạo
để lấy vợ như câu người đời thường mỉa mai: “Cúi đầu lạy Chúa Ba Ngôi. Cho tôi
được vợ tôi thôi nhà thờ !”. Nhưng sau nhiều ngày thấy anh cùng vợ thường xuyên
dự lễ Chúa Nhật và tỏ ra vui vẻ thân thiện với mọi người, nhất là sau khi kiểm
tra thấy việc buôn bán của anh không còn cảnh cân thiếu hay lừa đảo như trước
thì họ mới tin anh thực tâm tin theo Chúa.
Lời Chúa Giêsu: "Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt
chiên mà đến với anh em, nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh
hoa quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng,
làm gì có vả mà bẻ? Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây
tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt. Cây nào
không sinh quả tốt, thì bị chặt đi và quăng vào lửa. Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả
nào, thì biết họ là ai” (Mt
7,15-20).
2) ĐƯỢC ƠN CHỮA LÀNH NHỜ CÂY THÁNH GIÁ:
Năm 1982, các nữ tu Dòng Con Đức Bà Phù Hộ, quen gọi là
Dòng nữ Salêsiên ở Cáp bên nước Haiti, muốn thuê nhà điêu khắc PÊRIKHÊT
làm một cây thánh giá lớn để đặt
trong nhà nguyện mới của nhà dòng. Nhưng lúc đó, ông Pêrikhết lại mới bị phát hiện mắc
bệnh ung thư. Viên bác sĩ riêng của
nhà điêu khắc,
cũng có mặt khi các nữ tu đến nhờ cậy, đã nói với các nữ tu như sau: “Thật tốt biết bao nếu các chị
đến đây sớm hơn. Rất tiếc là bây giờ
căn bệnh ung thư của ông Pêrikhêt đã quá nặng rồi”. Sau đó, viên bác sĩ quay sang nói với nhà điêu khắc: “Là một tín hữu, ông hãy cứ cậy trông vào Chúa, cho dù thực tế có xảy
ra điều gì bất lợi đi nữa”.
Nhưng từ khi biết
mình bị ung thư, nhà điêu khắc Pêrikhêt trở nên chán nản, chẳng còn thiết thực hiện thêm bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào nữa nên từ chối. Ít ngày sau, một nữ tu lại đến gặp Pêrikhêt và năn nỉ ông: “Này ông
Pêrikhêt. Các nữ tu ở nhà thờ mới tại Cáp ước mong ông làm cho nhà dòng một cây thánh giá dài hai mét thật đẹp như ông đã làm. Họ rất ngưỡng mộ tài năng tuyệt vời của ông! Trước khi có câu trả lời dứt khoát cho họ, tôi muốn hỏi ý kiến ông thêm một lần nữa”. Bấy giờ nhà điêu khắc im lặng suy nghĩ trong giây lát rồi bình thản
nói: “Tôi quyết định nhận lời làm cho nhà dòng. Cây thánh giá này sẽ là tác phẩm cuối cùng của đời tôi trước khi nhắm mắt. Cầu
Chúa dủ lòng thương xót linh hồn tôi”.
Thế là từ hôm ấy nhà điêu khắc bắt tay vào công việc
với tất cả nhiệt tâm của
một người mong hoàn thành tác phẩm để sớm gặp được gặp Chúa. Công việc dĩ nhiên nặng nề khó khăn hơn do bệnh
ung thư gây
ra. Nhưng có điều lạ là mỗi nhát búa đập trên thanh sắt nóng
đỏ, thay vì làm cho nhà điêu khắc
bị mệt mỏi, lại làm cho ông thêm phấn chấn và sức khỏe tốt
hơn. Ông tiếp tục làm việc ngày đêm cho chóng hoàn thành. Sau khi hoàn
thành công việc thì
nhà điêu khắc cũng hoàn toàn được bình phục. Ông đã được
ơn Chúa biến đổi là được chữa lành khỏi căn bệnh ung thư quái ác đã bị mắc phải trước đó. Ngày nay, cây thánh giá do Pêrikhêt thực hiện vẫn còn treo
trên gian
thánh nhà thờ thành phố Cáp và tiếp tục thu hút nhiều tín hữu đến kính viếng. Mọi người đến
đây đều cảm thấy như được gia tăng sức khỏe khi cầu nguyện trước cây thánh giá kỳ
diệu này.
Thánh Phaolô cũng khẳng định về ơn
chữa lành kỳ diệu này như sau:
“Đức Giêsu có
quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu
hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh
hiển của Người” (Pl 3,21).
3) MỘT CUỘC HOÁN CẢI LẠ LÙNG
Trong một nhà giam các tù nhân trọng án, có một
tù nhân khét tiếng hung ác tên là SITA ĐÊLI (Starr Daily). Anh ta vào tù
ra khám nhiều lần vì tội say sỉn đánh lộn làm mất an ninh trật tự xã
hội. Trong lần tuyên án thứ năm, quan tòa đã tuyên bố: “Chúng tôi biết
rằng có bắt anh ở tù thêm cũng chẳng có kết quả. Phải nói thật là:
chúng tôi hoàn toàn thất vọng về anh! Nhưng chúng tôi không thể không
tuyên án cho anh. Lần này anh bị phạt tù giam 10 năm”.
Sau khi vào nhà tù, Đêli vẫn tỏ thái độ ngoan cố và
còn coi thường kỷ luật nhà tù hơn trước. Anh thường hay đánh đập các bạn
tù và phản đối lại cai tù, đến nỗi anh bị biệt giam trong một căn hầm
tối dơ bẩn đầy gián hôi và lũ chuột cống... Một hôm, khi đang nằm ngủ
trên nền gạch lạnh giá, đột nhiên Đêli nghe có tiếng nói như sau: “Hỡi
Đêli, tại sao mi lại bị nhốt riêng trong căn hầm khủng khiếp này? Tại
sao mọi người đều thù ghét mi? Tại sao mi không dùng sức khỏe để phục
vụ mà cứ tiếp tục làm điều ác chống lại kẻ khác như thế? ”... Tư
tưởng này đã đánh động tâm hồn khiến Đêli nhiều phen suy nghĩ. Rồi
một đêm kia Đêli đã gặp được Đức Giêsu trong giấc mơ, Đấng mà anh đã
xua đuổi ra khỏi cuộc đời anh từ khi mười hai tuổi. Cũng từ đây, hình
ảnh của Đức Giêsu thường xuyên xuất hiện trong tâm trí anh. Anh mơ thấy
Người đến bên âu yếm nhìn và nói với anh những lời mà anh đã từng
thuộc lòng khi còn bé: “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin mừng”, “Hãy
yêu thương kẻ khác như yêu chính mình ngươi”... Anh cảm thấy tâm hồn được
bình an mà từ trước đến nay chưa khi nào được hưởng. Rồi khuôn mặt
của những kẻ đã từng bị anh hãm hại lần lượt xuất hiện trong tâm
trí khiến anh rất hối hận. Lần đầu tiên, anh đã mở miệng cầu nguyện:
“Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội” (Lc 18,13).
Cảm nghiệm ấy đã biến Đêli từ một người hung ác
gian tham và thù hận, trở thành một người đầy độ lượng nhân ái! Sự
biến đổi nội tâm khiến Đêli không còn la hét đập phá như trước, Các
nhân viên cai ngục đã nhận ra có sự thay đổi rõ rệt xảy ra nơi anh, họ
cho phép anh được trở lại trại giam thường phạm. Tại đây anh bắt đầu
đối xử tốt với các bạn tù: Anh luôn bênh vực những người mới đến,
nên dần dần anh được mọi người trong trại quý mến. Rồi anh được giảm
án tù từ mười xuống còn 5 năm. Mãn hạn tù, anh gia nhập vào “Nhóm
cải thiện chế độ lao tù”. Cùng với cha tuyên úy và các bạn, Đêli đi
thăm và động viên các tù nhân còn bị giam và khuyên họ hãy học tập cải
tạo tốt. Nhờ đó nhiều bạn tù đã sớm được về đoàn tụ với gia đình.
Linh mục Pitơ Mácsôn (Peter Marshall) đã bình luận về sự hóan cải của
Đêli như sau: “Đây là một bằng chứng sống động cho thấy: Sita Đêli không
chỉ là một người cũ được tân trang lại, nhưng chính là một tạo vật
hoàn toàn mới của Thiên Chúa!”.
3. THẢO LUẬN: Cầu
nguyện, ăn chay và chia sẻ cơm bánh cho người nghèo là 3 việc làm tốt
trong mùa Chay này để được ơn biến đổi nên tốt. Vậy trong những ngày Mùa
Chay này mỗi người chúng ta sẽ làm ba việc đó thế nào?
4. SUY NIỆM:
1) Hai cuộc biến hình trong thời gian giảng đạo của Đức Giêsu:
Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu đã hiển dung trước mắt ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan trên núi cao (x. Lc 9,28b-29). Về sau cũng ba ông này sẽ được chứng kiến Đức Giêsu thay đổi hình
dạng tại Vườn Dầu vào đêm trước cuộc khổ nạn (x. Mc
14,33). Ở trên núi cao hôm nay, Đức Giêsu hiển dung nên vinh
hiển và được Chúa Cha xác nhận là Con yêu được tuyển chọn.
Ba môn đệ đã được chứng kiến Đức Giêsu hiển
dung, sau này sẽ
còn được chứng kiến giờ phút Người buồn sầu xao xuyến tại vườn Cây Dầu như Người đã tâm sự với các ông: “Linh hồn Thầy buồn sầu đến chết được” (Mc 14,34).
2) Ý nghĩa của hai cuộc biến hình của Đức Giêsu:
- Đức Giêsu hiển dung trên núi cho
thấy thân xác loài người chúng ta sau này cũng sẽ
được biến đổi trở nên vinh quang sáng láng, cho dù hiện tại thân xác ấy xem ra mỏng dòn yếu đuối. Rồi khi chịu chết đau thương trên cây thập giá, toàn thân Đức Giêsu đã bị biến dạng đầy những vết thương bầm dập do bị quân lính đánh đập hành hạ trong cuộc thương khó,
nhưng khi phục sinh thì thân xác của Người lại trở nên tốt đẹp đến nỗi các người thân cận vẫn không nhận ra Người vào sáng ngày
Phục Sinh (x. Ga 20,14-16) hoặc khi hiện ra đàm đạo với hai môn đệ ở làng Emmau
(x. Lc 24,14-16).
- Đức Giêsu sau Phục
Sinh và Đức Giêsu trước cuộc tử nạn vẫn là một, nhưng mang hai khuôn mặt khác nhau. Điều này cho thấy: Thân xác con người ở nơi trần gian
và sau khi được sống lại trong ngày Tận Thế tuy là một,
nhưng vẫn có sự khác biệt với nhau, như thánh
Phaolô đã diễn tả
trong thư I Côrinthô : “Đây
tôi nói cho anh em biết mầu nhiệm này: không phải tất cả chúng ta sẽ chết,
nhưng tất cả chúng ta sẽ được biến đổi trong một giây lát, trong một nháy
mắt, khi tiếng kèn cuối cùng vang lên. Vì tiếng kèn sẽ vang lên, và những kẻ chết
sẽ trỗi dậy mà không còn hư nát; còn chúng ta, chúng ta sẽ được biến đổi. Quả vậy, cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt;
và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử (1 Cr 15,51-53).
3) Bài học từ cuộc biến hình của Đức Giêsu:
- Qua cuộc biến hình
trên núi cao, Đức Giêsu muốn tỏ cho ba môn đệ thân tín thấy khía cạnh sáng láng vinh hiển của Người để chuẩn bị cho các
ông khi phải đón nhận khía cạnh đen tối của Người khi khởi đầu
cuộc khổ nạn tại vườn Cây Dầu. Đây cũng là bài học cho chúng ta trong cuộc sống tương quan với tha nhân:
+ Một tội nhân dù có phạm tội xấu
xa đến đâu cũng vẫn có những điểm sáng trong tâm hồn là những tính tốt. Khi đối diện
với một tội nhân, cần tránh chỉ nhìn những tội lỗi xấu xa của họ để kết án, mà
cần nhìn cả những ưu điểm tốt đẹp của họ để cảm thông và giúp họ hoán cải.
Cụ thể:
Thánh nữ Maria Mácđala hoặc thánh
giám mục Augúttinô đã chẳng trải qua cuộc biến đổi nên thánh từ một quá khứ tội
lỗi bất xứng đó sao ?
+ Các cuộc biến đổi kỳ diệu từ xấu nên tốt đều do
ơn Chúa Thánh Thần tác động nhờ lời cầu nguyện và sự vâng nghe Lời
Chúa của những người trong cuộc:
* Nhờ ơn Chúa
ban qua lời cầu nguyện: Cũng như Đức Giêsu đã thay hình đổi
dạng khi đang cầu nguyện, thì các thánh nhân cũng được biến đổi nên con
người mới, khi các ngài ý thức về thân phận tội lỗi của mình và cầu xin
Chúa trợ giúp. Người tín hữu chúng ta cũng chỉ được biến đổi nên
tốt lành thánh thiện khi cậy nhờ vào ơn Chúa như Đức Giêsu đã nói với
các môn đệ sau Tiệc Ly: “Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được !”
(Ga 15,5).
* Nhờ sự vâng
nghe và thực hành Lời Chúa: Trong cuộc hiển dung, Chúa Cha
từ trong đám mây đã xác nhận Đức Giêsu là Con yêu dấu được tuyển
chọn, và dạy các môn đệ: “Hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35). Chính
Lời Chúa như thanh gươm sắc đã tỉa sạch các thói hư nơi con người cũ của
các môn đệ và biến các ông trở nên tạo vật mới của Thiên Chúa (x. Ga
15,2).
4) Chúng tôi phải
làm gì? :
Trong mùa Chay, chúng ta cần gặp được Chúa để được biến hình.
Sám hối đích thực là điều kiện dẫn tới nếp sống chiếu sáng trước mặt người đời. Chúng ta cần tham dự các tuần
tĩnh tâm Mùa Chay để tỏ lòng ăn năn sám hối tội lỗi.
Chiếu sáng qua việc âm thầm cầu nguyện,
qua lối sống hãm
mình chay tịnh và qua hành động quảng
đại chia sẻ cơm bánh với tha nhân.
Cụ thể trong Năm Thánh Lòng Chúa
Thương Xót này, mỗi người chúng ta cần thể hiện tình thương thế nào đối với những
người đang bị đau khổ bệnh tật và các tội nhân đang lạc xa Chúa?
5. NGUYỆN CẦU:
- LẠY CHÚA GIÊSU. Xin
biến đổi con nhờ sự suy
niệm Lời Chúa và cầu nguyện hằng ngày:
Xin
biến đổi cái nhìn của
con nên nhân từ hơn sau mỗi lần con chiêm ngắm Chúa;
Xin
thanh tẩy môi miệng con sau mỗi
lần con lên rước Chúa vào lòng;
Xin
biến đổi đôi tai con sau mỗi lần con lắng nghe lời Chúa phán;
Xin làm cho khuôn mặt của con
rạng ngời ánh sáng tin yêu mỗi
lần con gặp được Chúa.
Ước gì mọi người chung quanh nhìn thấy niềm vui của Chúa qua nụ cười rạng rỡ của con; Thấy sự ân cần dịu dàng của Chúa qua lời ăn tiếng nói và cách ứng xử của con.
- LẠY CHÚA. Xin giúp con biết bỏ đi “cái Tôi” ích kỷ tự mãn và
các thói hư gọi là mối tội đầu. Xin cho con sẵn sàng vác thập giá mình hằng
ngày là các việc bổn phận, các đau khổ bệnh tật hay các điều cực lòng do người
chung quanh gây ra… mà theo chân Chúa giữa đời thường. Nhờ đó hy vọng con
sẽ được ơn biến đổi ngày một nên giống Chúa giàu lòng từ bi thương xót hơn,
nhất là trong những ngày Mùa Chay Thánh này.
X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ)
XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM