HÃY BIẾN HÌNH ĐỂ ĐƯỢC TRỞ NÊN GIỐNG CHÚA
CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY, C
(St
15,5-12.17-18; Pl 3,17- 4,1; Lc 9,28-36)
Jos. Vinc. Ngọc Biển
Mùa Chay là thời điểm
thuận lợi để mỗi người chúng ta sống tinh thần chiến đấu với ma quỷ cũng như những
khuynh hướng xấu của tội. Đồng thời cũng là mùa của những đổi mới. Đổi mới từ
con người nhu nhược, yếu hèn, trở nên một con người can trường, khẳng khái,
cương quyết trước cám dỗ; từ con người bất xứng sang thánh thiện; từ con người
già nua, tội lỗi, trở nên con người thanh xuân trong ân sủng.
Lời mời gọi đổi mới được
chính Đức Giêsu mạc khải qua biến cố Biến Hình mà chúng ta cử hành hôm nay.
1. Ý nghĩa cuộc biến
hình của Đức Giêsu
Thánh sử Luca trình
thuật việc Đức Giêsu biến hình trên núi Tabor. Sự kiện này diễn ra sau khi Ngài tiên báo về cuộc khổ nạn lần thứ nhất
(x. Lc 9, 22) cũng như nói về điều kiện cần có của người môn đệ khi đi theo
Ngài (Lc 9, 23-26), đồng thời nó cũng diễn ra trong bối cảnh Phêrô vừa tuyên
xưng đức tin (x. Lc 9,18-21).
Qua việc biến hình, Đức
Giêsu muốn củng cố niềm tin cho các Tông đồ trước khi chứng kiến cuộc khổ nạn của
Ngài, để các ông can đảm, trung thành làm chứng và chấp nhận chịu đau khổ khi
cơm thử thách ập đến.
Mặt khác, Đức Giêsu muốn
mặc khải cho các ông biết rõ căn tính của Ngài là Thiên Chúa, Đấng từ trời xuống
để đem con người về với Thiên Chúa trong vinh quang.
Khi mạc khải như thế, Đức
Giêsu muốn lật tẩy những xu hướng và đam mê của các Tông đồ về Ngài theo kiểu
trần tục, đó là việc thiết lập triều đại chốn trần thế..., để rồi chính bản thân
các ông sẽ được bù đắp bằng những ân lộc trần gian chốn quan trường!
Qua đó, Ngài mời gọi
các ông đi trên chính con đường mà Ngài đã đi, con đường đó là con đường tự hủy
và khổ giá. Nếu sẵn sàng từ bỏ ý riêng, vác thập giá để đi theo Chúa, thì cuối
con đường đó mới nở hoa vinh quang, vì: hạnh phúc, vinh quang không bao giờ dành
cho những người trốn tránh đau khổ. Nếu có thì cũng chỉ là thứ vinh quang phù
phiếm, hão huyền do con người tưởng tượng ra và gán ghép rồi đặt tên cho nó là
hạnh phúc, chứ thực ra không có thật! Vinh quang có thật chính là vinh quang của
những người can dự vào mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của chính Đức Giêsu; để
đi từ đau khổ đến vinh quang.
Vì thế, muốn chiếm được
vinh quang Nước Trời, người môn đệ phải chiến đấu không ngừng nghỉ, phải chấp
nhận chết cho tội, ý riêng và ngay cả sự sống thể xác... Hành trình này quả là
cam go, không dễ, sẽ có người chán nản mà bỏ cuộc, nên đây là lý do Đức Giêsu
biến hình trước mặt các Tông đồ để củng cố niềm tin cho các ông.
2. Chúng ta cũng được
mời gọi biến hình
Chúng ta không được diễm
phúc chiêm ngưỡng cuộc biến hình của Đức Giêsu như Phêrô, Giacôbê và Gioan khi
xưa! Nhưng chúng ta lại được mời gọi đi ngay vào cuộc biến hình của chính mình
để được trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài.
Cuộc biến hình đầu
tiên, đó chính là ngày chúng ta được lãnh nhận Bí tích Rửa tội, khi ấy, con người
tự nhiên của chúng ta có thể ví như được đặt vào một khuôn đúc mới để xuất hiện
một hình ảnh mới, hình ảnh Đức Kitô, Đấng đã phục sinh.
Nhờ cuộc biến hình
này, mà mỗi người chúng ta được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, thành
con Thiên Chúa và là đền thờ Chúa Thánh Thần.
Tuy nhiên, trải qua thời
gian với những thăng trầm, yếu đuối của bản thân, nên sự tinh tuyền ấy bị ô uế,
tâm hồn trong trắng bị vấy đục, khiến chúng ta trở nên con người cũ do tội lỗi
vây phủ.
Điều này cho thấy, nơi
con người chúng ta, luôn mang hình ảnh, dáng dấp, thái độ của Tông đồ Phêrô,
hay như các Tông đồ trong bài Tin Mừng hôm nay. Khi cơn sốt sắng đến, chúng ta
sẵn sàng từ bỏ mọi sự để được ở với Chúa, nhưng khi bả vinh hoa phú quý chào mời,
chúng ta cũng tranh dành quyền lực và ganh đua nhất nhì với nhau trong sự ích kỷ,
đê tiện của bản năng. Kinh nghiệm này đã được Thánh Phaolô thốt lên: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng
sự ác tôi không muốn thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,19).
Thế nên, Mùa chay chính là
thời điểm thuận tiện để chúng ta làm mới lại con người của mình, để xứng đáng
với hồng ân cao quý mà chúng ta đã lãnh nhận thủa ban đầu nơi Bí tích Thánh Tẩy.
Điều này đã được thánh Phaolô khuyên dạy: “Anh
em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị
những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải
mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa
để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,22-24).
Như vậy có thể nói: nếu
muốn được hạnh phúc, vinh quang, chúng ta sẽ phải biến đổi như thánh Phaolô mời
gọi. Đây là điều kiện để được chung phần với Đức Giêsu trong vinh quang.
3. Không biến hình thì chẳng được chung phần
với Chúa!
Khi cử hành lễ Chúa Biến
Hình, chúng ta cần xác tín rằng: Thiên Đàng hay hạnh phúc không thể có được nếu
chúng ta cứ sống một cuộc sống bê tha, ăn chơi, đàn điếm! Hạnh phúc Nước Trời
chỉ có được sau những đêm ngày chiến đấu với bản năng, ý riêng, để chỉ sống cho
Thiên Chúa và những giá trị Nước Trời, khi đã sẵn sàng khước từ sự níu kéo đầy
hấp dẫn của thế gian.
Vì thế, có lẽ chúng ta
phải lội ngược dòng để chấp nhận lột xác, có khi phải chấp nhận mất mát, cay đắng
và đôi khi phải đánh đổi ngay cả mạng sống.
Các thánh là những người
đã chấp nhận sống ngược đời vì chân lý và Tin Mừng để được đổi mới. Chẳng hạn
như:
Môsê đã biến hình khi
ông từ bỏ ý riêng để theo ý Chúa. Êlia cũng vậy. Đức Giêsu thì đến chỉ để làm
theo ý Chúa Cha. Phêrô và các Tông đồ, trong đó phải kể đến Phaolô, tất cả đều
đã biến đổi từ con người nhát đảm, ham danh, hám lợi trở thành một con người
can đảm, trung thành sống chết với đức tin, để chỉ còn giữ lại một mối lợi tuyết
đối, đó là được biết Đức Giêsu và được ở trong Ngài.
Rồi nơi lịch sử Giáo Hội,
đã có biết bao gương sáng về những cuộc đổi đời ngoạn mục đến kỳ diệu! Thật
vậy, có những vị từ một người nghiện rượu, xì ke, ma túy đến nghiện Giêsu; từ
những kẻ khát tình, trác táng chốn ăn chơi, trở thành người say mê Giêsu đến độ
vì Ngài mà bỏ hết mọi sự; lại có người từ gái làng chơi trở thành vị thánh; có
người dùng cả một hệ tư tưởng để chống đối đạo, đi theo bè rối, khi được biến đổi,
họ đã trở thành người bảo vệ các chân lý đức tin đến chết trong anh dũng, kiên
trung; có người từ trai tứ chiếng, đầu
đường xó chợ lại trở thành đấng lập dòng...
Đây chính là mẫu gương
điển hình về những cuộc biến hình trong Giáo Hội thời xưa và thời nay cũng như
mãi về sau.
Mong sao, nơi sự kiện
Chúa biến hình và những mạc khải của Ngài cũng như qua gương sáng nơi các
thánh, chúng ta cũng hãy làm một cuộc biến hình mới của mỗi người để được trở
nên giống Chúa và được chung hưởng hạnh phúc với Ngài bên các thánh trong Nước
Hằng Sống. Amen.