CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY
Nhờ Sám Hối: Em Con Đã Chết Nay Lại Sống
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Lu-ca 15:1-3, 11-32)
Không sám hối thì phải chết và chết đời
đời. Đó là sứ điệp chúng ta đã nghe từ
bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước qua lời Chúa cảnh báo những người đưa tin về
đám người Ga-li-lê bị Phi-la-tô giết chết cách dã man. Ngược lại, bài Tin Mừng hôm nay quả thực là một
tin vui khi Chúa kể dụ ngôn đứa con hoang đàng đã hối cải và trở về nhà cha
mình để được sống một cuộc sống có phẩm giá.
Cũng như người cha trong dụ ngôn đã thương xót đứa con hư hỏng của ông,
Thiên Chúa, Cha trên trời của chúng ta, cũng luôn tỏ lòng thương xót chúng ta
là những kẻ tội lỗi, nên Người mở rộng vòng tay đón nhận chúng ta trở về.
Lòng thương xót của người cha trong dụ
ngôn quả là mạnh mẽ. Nó có sức phục hồi
những gì đã mất, hàn gắn những đổ vỡ và nhất là làm cho những gì “đã chết mà
nay lại sống”. Trước hết chúng ta thử
nhìn vào cái chết mà người con hoang đàng đang cảm nghiệm trong những ngày sống
xa cách cha hiền. Khi còn ở nhà, anh ta
chẳng khi nào phải đói khát, muốn ăn muốn uống là có người cơm bưng nước
rót. Nhưng bây giờ tiền bạc đã phung phí
không còn một xu dính túi, bạn nhậu bạn chơi đều lánh xa, lại đang sống trong
vùng xảy ra nạn đói khủng khiếp, nên anh ta “lâm cảnh túng thiếu”. Những người bình thường khi lâm cơn túng thiếu
còn biết xoay sở. Còn anh này từ bé đã
quen được chiều chuộng cung phụng và chỉ biết đòi hỏi, giờ đây sống trong sự
thiếu thốn chắc chắn sẽ cảm thấy khổ sở hơn.
Với anh, sống cũng giống như đang chết dần chết mòn. Nhưng rồi bản năng sinh tồn bắt anh phải sống
và phải chấp nhận phương tiện hèn hạ nhất, đó là đi ở đợ và phải ra đồng chăn
heo. Muốn được sống như heo mà cũng
không được, vì anh ta thèm thuồng được chút cám heo dằn bụng mà người ta cũng
không cho. Không có lấy một chút cám heo
để sống lay lắt, không nhận được một chút thương hại từ người chủ bầy heo! Anh
đã mất tất cả rồi, từ những thứ thừa thãi vật chất cho đến tình cảm tinh thần. Quả thực anh đang chết toàn bộ con người
mình. Trong tình huống ấy, bản năng sinh
tồn lại vùng lên, giúp anh ta hồi tâm nhớ lại cuộc sống ngày trước và can đảm
quyết định trở về. Và quyết định của anh
chắc chắn sẽ được cha của anh đón nhận và hỗ trợ do lòng thương xót vô bờ bến của
ông. Vậy đoạn Tin Mừng cho chúng ta thấy
nhờ sám hối, lòng thương xót của người cha sẽ biến đổi đứa con hoang đàng từ
“đã chết” sang “nay lại sống” như thế nào.
Anh ta lê bước về nhà với tấm thân tiều
tụy, rách rưới, hôi hám. Tuy anh ta còn ở
đằng xa, nhưng cha anh đã thấy hết. Lòng
thương xót giúp cho cảm quan của ông bén nhậy thêm và mở con tim của ông ra lớn
hơn. “Chạnh lòng thương” là sức mạnh, là
động lực để ông sẵn sàng làm cả những điều không nên hoặc không cần làm, thí dụ
như “chạy ra, ôm cổ anh ta, và hôn lấy hôn để”.
Những hành vi này làm sống lại mối tương quan đã chết nơi anh ta kể từ
ngày anh bỏ đi. Tình cảm đã mất nay đang
được phục hồi. Anh đã biết mở miệng nói
lời “Thưa Cha” để sống lại tình cảm của mình.
Ôi, tiếng “cha” đã lâu rồi người cha không còn được nghe nay nó ngọt ngào làm sao! Rồi anh phát biểu lòng sám hối: “Con thật đắc tội với trời và với cha, chẳng
còn đáng gọi là con cha nữa!” Cứ coi như
anh ta chưa thật lòng trăm phần trăm, nhưng thế cũng đã đủ để lòng thương xót bảo
rằng không phải vậy, vì trong trái tim to lớn của người cha, lúc nào anh cũng
là con. Thế là sự sống lại đang bắt đầu,
từ tiếng thưa “cha” tình cảm dẫn tới những gì nói lên chức phận làm con được hưởng,
như áo mặc, nhẫn đeo, giầy dép… Cuối cùng là giết bê béo ăn mừng. Người cha có lý do mạnh để ăn mừng: “Vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất
mà nay lại tìm thấy”. Hoặc nói cách
khác, ông phải ăn mừng vì con ông đã sám hối!
Sống sứ điệp Tin Mừng
Trong bài đọc 2, thánh Phao-lô cho
chúng ta một ý tưởng vô cùng sâu sắc để suy nghĩ và hành động. Ngài nói:
“Phàm ai ở trong Đức Ki-tô, đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua và cái mới đã có đây rồi”. Đúng vậy, chúng ta “ở trong Đức Ki-tô”, tức
là chúng ta ở trong “lòng thương xót của Thiên Chúa”, thì chắc chắn sẽ được sống
lại làm thọ tạo mới. Nếu chúng ta tin
vào lòng thương xót mà sám hối, Chúa sẽ xóa đi “cái cũ” đầy tội lỗi của chúng
ta để đem lại cho chúng ta “cái mới” là chức phận làm con Chúa và bình an của
Người.
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi