THIÊN CHÚA CỦA CHÚNG TA LÀ THẾ ĐÓ!
CHÚA NHẬT THỨ 4 MÙA CHAY, C
(Gs 5,9-12; 2 Cr 5,17-21; Lc
15,1-3.11-32)
Jos. Vinc. Ngọc Biển
Có một câu chuyện kể lại
như sau: một bà già thường đến gõ phòng cha xứ, kể cho ngài nghe rằng: đêm qua
Chúa mới hiện ra với bà.
Để làm bà nản lòng đừng
đến nữa, cha xứ bảo: “Lần sau nếu Chúa có
hiện ra, bà hãy hỏi Người ‘Cha xứ con có tội gì nặng nhất?’ Sau đó tới kể cho
tôi nghe”. Mấy ngày sau, bà già không đến nữa. Cha xứ mừng thầm
vì bà đã trúng kế của ngài. Nhưng một tuần sau đó, bà già trở lại.
-
“Thưa cha, tối hôm qua Chúa lại hiện ra với
con”.
- “Thế
bà có hỏi Ngài không?”
- “Thưa
có chứ”.
Cha
xứ bắt đầu hồi hộp:
- “Bà
hỏi thế nào?”
- “Thì
con hỏi y như Cha đã bảo: ‘Cha xứ con có tội gì nặng nhất?’”
Cha
xứ càng hồi hộp thêm:
- “Vậy
Chúa có trả lời không?”
- “Có
chứ”.
Bây
giờ thì cha xứ lo lắng thật sự:
-
“Chúa nói sao?”
- “Chúa
nói: ‘Ta đã quên hết rồi’”.
Cha xứ thở phào nhẹ
nhõm!!! (Kể theo ĐHY. Fx. Nguyễn Văn
Thuận).
Vâng! Thiên Chúa của
chúng ta là như vậy. Ngài yêu thương và sẵn lòng tha thứ mọi lỗi lầm cho chúng
ta. Tình yêu của Người là một tình yêu luôn đi bước trước và hướng tha. Vì thế,
chúng ta không lạ gì khi Đức Giêsu kể các dụ ngôn hôm nay.
Trong Tin Mừng, chúng
ta thấy Đức Giêsu nhiều lần và nhiều cách Ngài mạc khải về lòng thương xót của
Thiên Chúa cho các Tông đồ và dân chúng. Rõ nét nhất chính là nơi ba dụ ngôn: con
chiên lạc, đồng xu đánh mất và người cha nhân hậu (x. Lc 15,1-32).
“Nơi các dụ ngôn này, chúng ta thấy toát lên một điều rõ rệt, đó
là Thiên Chúa luôn sung sướng, vui mừng hân hoan khi thực hiện được một hành vi
tha thứ, đây là điểm cốt lõi của Tin Mừng và của đức tin, vì lòng thương
xót tỏ hiện như một sức mạnh vượt thắng tất cả, đong đầy trái tim bằng tình yêu
thương và mang lại an ủi bằng ơn tha thứ” (x. Tông Sắc LTX., số
9).
Căn tính này thật rõ
nét nơi hình ảnh người cha nhân hậu. Nơi người cha này, ông đã không màng chi đến
tội lỗi của đứa con hư thân mất nết, ông cũng chẳng mong anh ta phải nói lên lời
xin lỗi sau những tháng ngày sa đọa... Nhưng, với ông, ông chỉ canh cánh một điều
là: mong sao nó trở về để tha thứ và yêu thương. Thế nên, khi thấy đứa con tội
lỗi trở về trong thân hình tiều tụy thê lương, ngay lập tức, một loạt cử chỉ
phi thường của tình yêu đã được ông hành động như: chạy ra, ôm hôn, truyền mang
áo đẹp mặc cho cậu, xỏ vào tay, mang dép vào chân và mở tiệc ăn mừng (x. Lc 15,
20-23). Niềm vui tha thứ này diễn tả niềm vui Nước Trời, bởi lẽ, Thiên Chúa “muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (x.
Mt. 9, 12-13), nên: "Giữa triều thần
Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối"
(Lc. 15, 10). Đây cũng là biểu hiện của sự thành công và quyền năng của Thiên
Chúa khi lòng thương xót của Người đến được với đối tượng cần ơn tha thứ, vì: “Thực thi lòng thương xót là đặc điểm riêng
của Thiên Chúa, và đó là cách thức đặc biệt để Ngài bày tỏ sự toàn năng của
Ngài” (Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, II-II, q. 30, a. 4).
Chính vì lẽ đó, nên khi Đức
Giêsu đến trần gian, Ngài đã sống và mạc khải cụ thể cách trung thành về lòng
thương xót của Thiên Chúa cho nhân loại qua chính cuộc đời, hành động, lời rao
giảng và nhất là nơi cái chết trên thập giá, để qua đó, nhân loại hiểu được
rằng: “Thiên Chúa là Tình Yêu”.
2.
Sứ
điệp cho Giáo Hội
Phụng vụ hôm nay, Đức Giêsu
muốn mặc khải cho Giáo Hội là hiền thê của Ngài biết rằng: “Lòng thương xót là bản chất của Thiên Chúa. Chính lòng thương xót này
đã nuôi dưỡng, chống đỡ và trở thành mục đích của Người”.
Điều này đã được Đức
Giáo Hoàng Phanxicô nhắc đến trong Tông Sắc về Lòng Thương Xót. Ngài viết: “Trụ cột nâng đỡ đời sống Giáo Hội chính
là lòng thương xót. Tất cả các hoạt động mục vụ của Giáo Hội
cần phải được thấm đẫm sự dịu dàng; không một sứ điệp và chứng
từ nào của Giáo Hội trước thế giới lại có thể vắng bóng lòng
thương xót. Tình yêu, thương xót và thông cảm chính là
phương thế để củng cố tính cách đáng tin của Giáo Hội”. Và ngài cảnh tỉnh: “Có lẽ từ lâu chúng ta đã
quên trình bày và sống theo lối đi của lòng thương xót. [...] Thật
đáng buồn khi nhận ra trải nghiệm về tha thứ ngày càng trở nên hiếm
thấy trong nền văn hóa ngày nay. Kể cả đôi khi từ ngữ này dường như cũng
đang dần biến mất! Tuy nhiên, không có chứng từ của sự tha thứ, thì đời sống
sẽ cằn cỗi không sinh hoa trái, như bị cô lập trong vùng hoang mạc trống vắng!”.
Và ngài mời gọi: “Đã đến lúc
Giáo Hội phải thực thi phận vụ hân hoan loan báo sự tha thứ. Đã đến
lúc trở về với điều căn bản là mang lấy những yếu hèn và khó khăn của anh chị
em chúng ta. Sự tha thứ là động lực làm bừng lên sức sống mới và truyền thêm
can đảm để giữ vững niềm hy vọng cho tương lai” (x. Tông Sắc LTX., số 10).
Lời mời gọi thực thi lòng
thương xót dành cho Giáo Hội là hiền thê của Đức Giêsu, thì cũng là lời kêu mời
dành riêng cho mỗi chúng ta.
“Hãy thương xót như Cha các con là Đấng đầy lòng thương xót” (Lc 6,36). Đây
là: “Luật căn bản được đặt vào trái
tim của những ai biết dùng đôi mắt chân thành để nhìn vào người anh em gặp thấy
trên đường đời. Lòng thương xót là con đường nối kết Thiên Chúa với con người,
hướng lòng chúng ta về niềm hy vọng sẽ được yêu thương luôn mãi, bất chấp tội lỗi
của chúng ta” (x. Tông Sắc LTX., số 2).
Qua các dụ ngôn hôm
nay, là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi mặc lấy tâm tình của Thiên Chúa, đó là
quảng đại, tha thứ, nhẫn nại và yêu thương.
Vì: “Nếu Chúa đã chà đạp và ném mọi tội lỗi
chúng ta xuống lòng biển sâu”
(x. Mk 7,18-19), thì đến lượt chúng ta, mỗi người cũng phải vứt bỏ tội
lỗi của anh chị em mình sang một bên, để chỉ còn tình yêu và lòng tha thứ ngự
trị nơi hành động, lời nói và tâm tưởng của ta.
Muốn làm được điều đó,
chúng ta phải cảm nghiệm được sự vĩ đại của tình yêu mà Thiên Chúa đang dành
cho mình, bởi lẽ: nhiều lúc, chúng ta cũng hoang đàng như người con thứ, cũng
phung phí tiền bạc, thời giờ, sức khỏe và Ơn Thánh cách vô bổ; hay nhiều khi
chúng ta cũng kiêu ngạo, tự phụ, để rồi khinh bỉ, rũ bỏ và loại trừ những người
tội lỗi, không cho họ có cơ hội để trở về với lòng thương xót của Thiên Chúa như
người con cả... ấy thế mà Chúa vẫn thương. Đây là mầu nhiệm vĩ đại, vì Thiên
Chúa của chúng ta là như thế. Ngài luôn quên hết mọi lỗi lầm của ta và chỉ mong
một điều, đó là ơn tha thứ được đến với ta mãi mãi.
Mong sao, ngay trong giây phút này, mỗi người chúng ta hãy mặc lấy
tâm tình của người con thứ để thưa lên với Đấng Giàu Lòng Thương Xót rằng: “Lạy Chúa xin tha thứ cho con vì con là kẻ
có tội”; đồng thời tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa vì Ngài đã
phán: “Tội các ngươi, dầu có đỏ như son,
cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông” (Is
1, 18), và hãy biết tha thứ như Thiên Chúa là Đấng hay Thương Xót để chúng ta
cũng được Thiên Chúa xót thương. Amen.